Insight Meditation


Thap Nhi Nhan DuyenTT Giác Đẳng

Kinh Girimànanda - Bài 3

Được thuyết pháp giảng trong đêm tu học thọ đầu đà ngày lễ Thượng Nguyên 7 tháng 2 năm 2009 nhằm đêm 13 đến rạng sáng mùng 14 tháng Giêng năm Kỷ Sửu chùa Pháp Luân, thành phố Houston, TX, Hoa Kỳ


Chuyển Biên: Minh Hạnh





Chúng ta khoan bàn về cách gọi Đạo Phật, hay là nói Đạo Phật là tôn giáo của những người như thế này hay như thế kia, nhưng nếu chúng ta nhìn qua những đệ tử Phật thì những người này đến từ mọi nẻo khác nhau của cuộc đời này, có người tuổi rất cao giống như tỳ kheo Ratha, có những người rất trẻ như Visakha mới bảy tuổi hay sadi Sukha, cũng có những người trí thức như Ngài Ananda, như Tôn Giả A Nậu Đà Na, cũng có những người xuất thân từ những người làm việc nô lệ như Ngài U Pali. Chúng ta có thể tìm thấy một hội chúng của Đức Phật có rất nhiều quá khứ khác nhau nhưng nói chung thì tất cả những vị này đều có thể lãnh hội được giáo pháp từ cái nhìn của chính mình. Đây là đặc điểm của đạo Phật khi chúng ta nói về vô thường của quá khứ thì dù giàu, nghèo, sang, hèn, già, trẻ, thì chúng ta cũng có thể nhìn sự vô thường. Vô ngã cũng vậy, bất tịnh cũng vậy, mà hệ lụy cũng vậy, những điều đó Đức Phật khẳng định rằng dù chư Phật có ra đời hay không thì những sự thật này vẫn là những sự thật muôn thuở, và chư Phật là người chỉ điểm cho chúng ta thấy rằng tại sao cuộc sống vô thường. Đức Phật Ngài cũng khẳng định một điều rằng những pháp như vô thường, khổ, vô ngã, thì không phải chỉ dành riêng cho một người hay một xóm làng hay một gia tộc hay một hội chúng mà dành cho tất cả chúng sanh ở trong thế gian này. Do vậy Đức Phật thường nói đến những mẫu số rất lớn, một tầm nhìn rất rộng rãi và đôi khi xét thì chúng ta thấy chúng ta học được ở đó rất nhiều điều để thay đổi hoán chuyển đời sống của mình. Ở trong Thiền Tông có nói một câu "Té ở trên đất thì chống ngay trên đất mà đứng dạy," hay "bảy lần ngã xuống thì tám lần đứng dạy," và bài học của đạo Phật rất đơn giản "khổ" là một chất liệu của tuệ giác và "khổ" là một điều vi diệu chứ nó không đơn giản như chúng ta nghĩ "khổ" là điều để rơi nước mắt để làm chúng ta não lòng. Thật ra bài học đó là bài học lớn.

Bây giờ chúng ta tụng một đoạn tiếp theo. Tất cả qúi Phật tử đứng dạy trang nghiêm và xin cho chúng ta cung kính đọc những giòng chữ này đã được để lại bởi Đức Phật

Namo Tassa Bhagavato, Arahato Sammāsambhuddhassa
Namo Tassa Bhagavato, Arahato Sammāsambhuddhassa
Namo Tassa Bhagavato, Arahato Sammāsambhuddhassa

Cúi đầu đảnh lễ Đức Từ Tôn bậc Chánh Biến Tri đáng cúng dường. Con nguyện thân tâm thường thanh tịnh làm lành lánh dữ lợi quần sanh.

Katamā cānanda pahānasaññā? Idhānanda bhikkhu uppannam. kāmavitakkam. nādhivāseti pajahati vinodeti byantīkaroti anabhāvam. gameti uppannam. byāpādavitakkam. nādhivāseti pajahati vinodeti byantīkaroti anabhāvam. gameti. Uppannam. vihim.sāvitakkam. nādhivāseti pajahati vinodeti byantīkaroti anabhāvam. gameti. Uppannuppanne pāpake akusale dhamme nādhivāseti pajahati vinodeti byantīkaroti anabhāvam. gameti. Ayam. vuccatānanda pahānasaññā.

Này A Nan Đa
Phàm thầy tỳ kheo
Sống trong Phật Pháp
Ngụ ở trong rừng
Nhà trống cội cây
Hằng nên quán tưởng
Làm cho tiêu tan
Hết mọi tà niệm
Là dục tư duy
Là hận tư duy
Là hại tư duy
Đã sanh trong lòng
Tẩy sạch chấm dứt
Ngăn ngừa mầm mống
Tương lai sanh khởi
Này A nan Đa
Như vậy vị ấy
Quán niệm dứt bỏ
Đối với tà niệm
Như Lai gọi là
Quán tưởng đoạn tận.

Katamā cānanda virāgasaññā? Idhānanda bhikkhu araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā iti patisañcikkhati etam. santam. etam. pan.ītam. yadidam. sabbasan.khārasamatho sabbūpadhi pat.inissaggo tan.hakkhayo virāgo nibbānanti. Ayam. vuccatānanda virāgasaññā.

Này A Nan Đa
Phàm thầy Tỳ kheo
Sống trong Phật Pháp
Ngụ ở trong rừng
Nhà trống cội cây
Hằng nên quán tưởng
Tội khổ ái dục
Duyên sanh phiền não
Phải biết ly dục
Niết bàn tịch tịnh
An ổn tối thượng
Tịnh chỉ các hành
Không còn sanh y
Này A Nan Đa
Như vậy vị ấy
Quán niệm xả bỏ
Đối với ái dục
Như Lai gọi là
Quán tưởng ly dục.

Ở đây Đức Phật Ngài cho chúng ta một công án mới khi chúng ta sống với qúa khứ hay là sống với dĩ vãng, đôi lúc chúng ta nhìn lại dĩ vãng thì chúng ta sẽ nhận ra một điều rằng có những tư duy hay tà niệm được gọi là kiết sử hay kiết vật tức là sợi dây cột trói. Điều này rất dễ nhận ra ví dụ như một giấc ngủ không được bình yên vì chúng ta quá bực bội hay vì chúng ta quá thù ghét một người nào đó, đó là những đêm dài trằn trọc thâu canh, ngủ không được, nằm không yên, ray rức, rối bời, Đức Phật gọi đó là sân tư duy.

Phra Viriyang Sirintharo

Cũng có những người sống với một điều mà Đức Phật gọi là hại tư duy. Tức là có một khoảng đời nào đó chúng ta nuôi thù chuốc oán rắp tâm để trả thù, thù máu phải trả bằng máu, và khi thù hận đã lên men rồi thì phải giết chết kẻ thù phải làm sao để cho mình gọi là hả lòng hả dạ, thì hại tư duy là sự thù hận, đôi khi ở trong đời mình khi sự thù hận đã ngút ngàn rồi mình sống với một điều mình không tưởng tượng được là mình vui theo cái khổ của người khác mình thấy kẻ thù bị đau khổ bị sui xẻo bị bất hạnh thì mình cảm thấy vui trong lòng.

Chúng tôi có nói chuyện với một vị thầy vị tương đối lớn tuổi và tu cũng rất lâu, một lần chúng tôi đi bộ với vị đó trong một khu rừng ở Seattle, vị này nói với chúng tôi một chuyện mà chúng tôi cũng rất là bất ngờ, chúng tôi ngoài pháp danh Giác Đẳng thì chúng tôi có pháp danh Pali là Jotika, Sư đó nói với chúng tôi rằng "Sư Jotika có biết một điều là có nhiều thứ ở trong lòng mình, mình không có hiểu." Chuyện là một lần kỳ đó nghe nói trận Stunami (sóng thần) xảy ra năm 2006 ở một hòn đảo Sumatra ở Indonesia bị động đất thì tạo nên sóng thần Stunami từ đảo Sumatra đánh vào đất liền ở nhiều nơi, Thái Lan, Miến Điện bị ít, Tích Lan và Indonesia thì bị nặng, một vùng Nam của Thái Lan bị nhẹ, rồi một vài nơi ở Ấn Độ và Phi Châu." Thì vị này đi với một số Phật tử người Thái có người Tàu có đi sang Tích Lan để cứu trợ, thì vị này nói rằng lúc vị này đến một vùng duyên hải của xứ Tích Lan, vùng này bị tàn phá 95% và thiệt hại thì khủng khiếp bởi vì sóng thần đi vào rất nhanh mà cư dân miền duyên hải tại đây đa số là người theo Hồi giáo. Thì vị này kể lại cho chúng tôi nghe rằng đi thăm ở đâu mà nghe nói đến chuyện người này chết người kia chết thì cảm thấy rất là trắc ẩn rất là xúc động, nhưng khi đến chỗ đó nghe nói đa số người ở trong vùng là người Hồi giáo tự dưng tâm dửng dưng không xúc động chút nào hết, thì vị này mới về nói rằng là sau này khi vị này về lại Seattle sống một mình thì vị này mới hiểu rằng ở trong bao nhiêu năm qua vị này có nuôi một chút hiềm hận với người theo Hồi giáo, vị này nói mỗi lần ra phi trường người ta xét kỹ quá bực bội lắm, tại vì mấy người khủng bố Hồi giáo, xem phim thấy không tặc rồi, xem TV thấy chuyện xảy ra ngày 11 tháng 9 (911) cũng do người Hồi giáo v.v... thành ra ở trong lòng mình ghét mà mình không hay, chẳng những ghét không hay mà ở trong lòng khi thù mà không hay, hễ mình ghét người nào mình ghét ở chừng mực nào đó, người đó mình không ưa gặp họ gọi là ghét nhưng tới khi họ khổ thì mình cũng trắc ẩn, nhưng ở đây đến mức độ mà mình ghét đến đỗi người đó họ chết mình cảm thấy trong lòng dửng dưng mà cảm thấy vui nữa thì cái đó nó hơi nặng, vị ấy nói rằng "không ngờ mình tu mấy chục năm mà còn vướng vào chuyện đó."

Chúng tôi nghe thì chúng tôi cảm nhận được điều đó, Đức Phật Ngài dạy rằng có ba thứ gọi tà tư duy. Chúng ta quá muốn một thứ gì đó, hay là chúng ta quá bực quá giận cái gì đó, hay là chúng ta quá thù ai. Đó là dục tư duy, sân tư duy và hại tư duy. Thì ba tư duy này làm cho chúng ta như ngồi trên ổ kiến lửa, như một người ngồi ở trên đống gai không bao giờ ngồi yên được hết, chúng ta luôn sống khổ sở. Do vậy một lúc nào đó mà chúng ta nhớ lại trong đời mình bỗng nhiên mình đoạn tận mấy điều đó được thì mình cảm thấy rất là hạnh phúc.

Chúng tôi có hai kinh nghiệm mà nghĩ về việc này.

1). Là lúc còn nhỏ thì chùa Siêu Lý nơi chúng tôi ở có hai con đường, con đường trước và con đường đi sau chùa, con đường đi sau chùa có hơn một năm trời chúng tôi không muốn đi và cảm thấy ghét đi con đường đó chỉ vì đường đi sau chùa đó có nhà của ông Chín và ông Chín người miền Nam gọi là công an 30, tức là sau 30 tháng 4 thì ông ra mặt làm công an và hồi trước 75 thì thỉnh thoảng có qua lại người ở trong xóm làng thì dĩ nhiên có sự tôn trọng với nhau, nhưng lúc cộng sản vào rồi thì ông là công an, có khi ông gọi chư tăng ở bên chùa qua, chúng tôi và sư huynh và có Sư Giác Sơn vị trụ trì thì ông ngồi đó và ở trần, ông nói chuyện với chư tăng ông kêu bằng mày, thì lúc đó người ta vô người ta muốn chứng tỏ họ là "duy vật" chứng tỏ họ là "vô thần" thành ra họ thấy ông thầy tu mà kêu bằng ông hay kêu bằng anh là họ tử tế ,còn nếu nhỏ nhỏ thì họ kêu bằng mày thôi, họ gây khó dễ đủ điều đến đỗi mà con đường của chùa bị lở bị sạt là tại vì ông nhất định là chùa phải mở con đường đó ra để cho người ta dẫn trâu bò đi ngang, con đường đất mà trâu bò đi thì bị sạt lở hết mà chùa không làm được gì hết, thì thưa qúi vị cũng có thời gian dài chúng tôi ở chùa đi ngang con đường đó tự nhiên không thích, mình thấy vậy chứ trong lòng mình cũng có ghét, không biết có thù không nhưng thật sự tâm trạng của vị sadi hồi nhỏ đó là thật sự mình ghét là ghét đến cùng cực, nhưng rồi về sau này bỗng nhiên có một lần chúng tôi nói chuyện với sư huynh Giác Giới ở chùa dưới Vĩnh Long và hỏi thăm thì sau này gia đình ông cũng bị việc này việc kia cũng tan nát hết, nhưng có một chuyện chúng tôi nghe xúc động là ông có người cháu sau này có làm được một việc rất đáng nói, lúc đó tự nhiên khi chúng tôi nghĩ tới việc đó chúng tôi không có ghét không có thương, cảm thấy tâm bình thản hoàn toàn, và ngay lúc đó chúng tôi học được một bài học là hễ trong cuộc đời mình có ghét ai có thù ai thì điều đó chỉ làm cho mình chĩu nặng trong lòng mình thôi mình không thể nào xoá đi chuyện đó.

2). Cách đây chừng hơn 25 năm chúng tôi có xem một cuốn phim, đó có lẽ là cuốn phim duy nhất mà chúng tôi nhớ là Henry Fonda với Jane Fonda hai cha con đóng chung cuốn phim tên là On Golden Pond, nói về một cô gái lớn nên từ vùng New Island và cô có mặc cảm với ông cha ghẻ tại vì cô rất thương mẹ, và từ lâu mỗi lần cô về nhà của bà mẹ thì luôn luôn cô ghét ông cha ghẻ, cô có ý chống điều này chống điều kia vì lý do đơn giản là cô nghĩ rằng người đàn ông này đã làm gánh nặng cho người mẹ của mình, người đàn ông này có thể là trong thâm tâm cô nghĩ đã chia sẻ tình thương của bà mẹ dành cho cô hay cô muốn bà mẹ sống một cách khác, bây giờ có một người đàn ông khác trong cuộc đời thì bỗng nhiên cô đâm ra không thích, nhưng vào một mùa hè cô về, đó là nội dung chính của cuốn phim, là cô về nhà trong dịp hè và cô đã sống trong mái nhà đó cùng với bà mẹ và ông cha kế, thì có lúc cô đi thuyền ở trên hồ và chiếc thuyền vươn phải chỗ bãi cạn và gặp tai nạn thì hai cha con cùng chia sẻ với nhau giờ phút hoạn nạn, rồi có lúc nào đó bỗng nhiên cô chợt nhận ra rằng cô rất cảm ơn là có một người cha ghẻ như vậy, có một người kế phụ như vậy đã đến trong cuộc đời này làm cho mẹ của cô đỡ phải cô đơn và cảm thấy rằng ông không phải là gánh nặng của bà mẹ mà là một người bạn để chia sẻ bớt đi sự lẻ loi của một người phụ nữ như bà mẹ lớn tuổi, và lúc bấy giờ cô không còn ghét ông nữa mà cô cảm thấy rất cảm kích, cô đã tìm thấy được một cái gì rất đẹp giữa tình ở trong gia đình dù là cha ruột hay là cha ghẻ dù là mẹ hay là con mà bao nhiêu năm tháng có những ngăn cách, và khi cô tìm thấy điều đó là cô đã chấm dứt được sự hiềm hận đối với người kế phụ của mình, trong lòng của cô cảm thấy rất hạnh phúc, cảm thấy nhẹ tênh, đặc biệt là lúc cô rời nhà để trở về nơi thành phố để chỗ mình đang ở.

Thì những kinh nghiệm đó có lẽ là một ở trong nhiều kinh nghiệm chúng ta trải qua trong cuộc đời, chúng ta ghét một người nào đó, chúng ta bực một người nào đó, hay chúng ta cột trói dính mắc vào một người nào đó, nhưng một lúc nào đó chúng ta nhìn lại cục diện ở trong một cái nhìn khách quan hơn và cảm thấy thanh thản hơn, dục tư duy, sân tư duy và hận tư duy không còn thì lúc đó trong lòng của chúng ta nhẹ thênh, nó là kinh nghiệm rất qúi báu. Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên chắc chiu những kinh nghiệm đó, nên biết qúi những kinh nghiệm đó tại vì chính những kinh nghiệm đó nó gợi ý cho chúng ta một việc rất quan trọng là "thường thì những khúc mắc trong tâm hồn của chúng ta nó đến không phải vì thế giới ở bên ngoài mà vì những khúc mắc ở trong lòng của mình," do vậy ở đây Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên niệm tưởng tức là nhớ tưởng về cái gọi là "đoạn diệt" để nghĩ đến chuyện mà dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy là một kinh nghiệm rất quan trọng mà Đức Phật dạy.

Trong đoạn thứ hai Đức Phật Ngài dạy về ly dục ở đây là:

Tội khổ ái dục

Duyên sanh phiền não,

Phải biết ly dục

Niết-bàn tịch tịnh

An ổn tối thượng

Tịch chỉ các hành

Không còn sanh y.

Thông thường đối với chúng ta thì dục vọng và hạnh phúc gắng liền với nhau, ở đâu không có sự ham muốn thì ở đó không có hạnh phúc, đó là quan niệm của chúng ta như vậy.

Chúng tôi nhớ có một nhân chủng học viết một câu viết rất lạ, ông nói rằng:

"Tất cả những nền văn minh của nhân loại, những nền văn minh gọi là cao độ gọi là để phát triển thì đều có hai thứ, một là có những người phụ nữ sắc mặt được coi là rất đẹp, hai là nền văn hoá có vấn đề ẩm thực rất cao."

Ông nói tại sao? Ông nói tại vì hai thứ đó nuôi dưỡng lòng dục của con người và nhờ lòng dục đó con người phấn đấu con người đam mê và con người mới sinh ra được những kiệt tác về văn hoá về nghệ thuật v.v...

Nhưng ở đây thì Đức Phật cũng gợi ý cho chúng ta một chuyện rất quan trọng về một khía cạnh khác của ái dục Ngài lấy ví dụ là tại sao chúng ta có rất nhiều thứ nhưng chúng ta không thể bằng lòng và chúng ta không thể ngồi yên được, rất đơn giản là vì ở trong lòng của chúng ta có một năng lực mà Đạo Phật gọi là tanha là khát ái, cái năng lực đó luôn luôn đẩy chúng ta đi tới đi tìm một cái gì đó, do điều đó nó không bao giờ khiến cho chúng ta cảm thấy vui vẻ được với cái hiện tại.

Chúng tôi lấy ví dụ là có một Phật tử nói với chúng tôi là đang đi làm thì cứ mong cho đến ngày về hưu nhưng khi đã về hưu rồi thì ngồi nhà buồn quá lại nghĩ đến chuyện muốn đi làm, hay là hồi vợ chồng mới cưới nhau thì muốn có con, có con nuôi cực quá thì mong cho nó ra khỏi nhà, con ra khỏi nhà lúc buồn quá mong cho có cháu để bồng ẵm. Con người mình cứ chạy tới chạy tới. Nhưng vấn đề ở tại đây là ái dục nó không cho phép mình sống chọn vẹn với cái gì mình đang sống mà luôn luôn nó khiến cho mình dõi mắt về một chân trời xa xăm, cái chân trời đó là gì chúng ta không thật sự biết nhưng nó chỉ thúc đẩy chúng ta lên đường thôi.

Chúng tôi nhớ có một người viết một tâm trạng của những người đi du lịch rất lạ, là ở nhà cũng có giường ngủ cũng có cơm ăn và cũng sách vở nhưng tại vì muốn đi nên mình cứ nghĩ chuyện làm sao chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới. Nhưng đừng tưởng khi mình đi mình thật sự vui vẻ chuyến đi đâu, khi mình đang đi thì nghĩ chuẩn bị lúc đi về, nó thật sự oái oăm "khi ta về lại nhớ lúc ta đi" Trịnh Công Sơn nói như vậy và tất cả chúng ta cùng sống với tâm trạng như vậy, Đức Phật gọi nó là tanha. Tanha là gì? thật ra tanha có chữ mà ngày xưa dịch là khát ái, khát ái giống như mình khát nước mà người ta cho mình uống nước muối, nghĩa là uống thì cũng uống nhưng không đã khát cứ muốn uống hoài, nó bắt uống hoài, lúc nào mình ăn đồ mặn quá mà qúi vị khát nước thì quí vị gọi là tanha. Thì tanha dịch là khát ái bởi vì nó chỉ muốn chúng ta đi tới đi tìm một cái gì đó và chỗ đó làm cho đời sống của chúng ta bất an. Nó bất an đến đỗi như vậy, có một lần chúng tôi nói chuyện với một người quen, họ nói rằng tại sao mấy người ở bên Mỹ còn than nếu con mà sống ở bên Mỹ con hoàn toàn hạnh phúc, miễn là con có thẻ xanh là con hạnh phúc rồi và không cần gì trên cuộc đời này, ở đây có bao nhiêu vị có thẻ xanh có bao nhiêu vị có quốc tịch rồi nhưng chúng ta không hẳn có hạnh phúc, qúi vị có quốc tịch, có nhà, có cửa, có driver license, có số an sinh xã hội, có tất cả mọi thứ nhưng mà nói mình hạnh phúc thì không có, nhưng nếu bây giờ chúng ta ở Việt Nam đôi khi nói có thẻ xanh thì thật là đúng là một điều may mắn lắm, thì chuyện mà nó cứ đẩy chúng ta đi tới trôi dạt Đức Phật gọi là khát ái.

Chúng tôi nhớ là chừng mươi ngày trước đây khi đi trên máy bay đọc một bài viết ở trong tờ báo nếu nhớ không lầm thì đó là tờ Dallas Morning News hay là tờ USA Today, bài viết đó đưa ra một sự việc cũng thú vị họ nói rằng ngày hôm nay có rất nhiều người thất nghiệp và một ở trong cái điều đáng sợ nhất của một người thất nghiệp đó là sự mất niềm tin nơi chính mình, một cái gì cảm thấy bất an cho dù họ còn tiền để sống cho dù họ có nhiều thứ. Thành ra người cố vấn về tâm thần họ nói rằng có một điều hết sức đơn giản mà ông khuyên nhiều người làm mà khó có người làm được tốt, đó là làm một bản inventory (bản kiểm kê) về cái gì mình có. Ví dụ như bây giờ mình bị thất nghiệp mình thử hỏi mình có gì, mình có được ngôn ngữ, mình có được kinh nghiệm, mình có được bằng cấp, mình còn tiền ở trong nhà băng, rồi mình cũng có bạn bè, cũng có thân bằng quyến thuộc, cũng còn nhiều thứ, mình làm inventory coi mình có cái gì, ít nhất là mình đỡ hơn người homeless (người vô gia cư) ở bên ngoài. Nhưng chúng ta không có làm inventory như vậy được, chúng ta chỉ nghĩ đến một điều đó là mình thất nghiệp thì bầu trời sẽ sụp xuống và thế giới này giăng đầy mây mù, chứ không thể nào mà mình tìm thấy được một hi vọng một sự khả quan gì hết, thành ra người có tinh thần vững vàng là người đó có khả năng để làm inventory về đời sống của họ.

Cũng có một lần chúng tôi đọc một bài viết nói về những người homeless chúng ta thấy trên đường, họ là người da trắng cũng từng có công ăn việc làm, chúng ta đừng tưởng rằng họ bệnh tâm thần, cũng có nhiều người ở trong hoàn cảnh rất tốt nhưng người này trong cuộc sống đôi khi sa cơ thất thế, mà một bước xảy chân thì lôi theo nhiều thứ khác đến đỗi vợ chồng con cái sống trong một chiếc xe rồi từ chiếc xe dần dà họ trở thành vô gia cư không còn giấy tờ, họ nói được tiếng Anh có bằng cấp có kinh nghiệm và đã từng có việc làm, lẽ ra họ có thể chấp nhận một đời sống tương đối nào đó để xây dựng cuộc đời, rõ ràng là họ hơn rất nhiều người Việt Nam mới qua đây không biết nói tiếng Anh, nhưng họ không chấp nhận được, cuối cùng họ sống homeless. Cái đó là một sự truy thoái cùng cực về cái mà các nhà tâm lý học gọi là sự căng thẳng do chúng ta ham muốn quá đáng hay kỳ vọng quá đáng, đôi khi chúng ta nên bằng lòng với thực tại. Chúng tôi lấy ví dụ là có thể tối hôm nay qúi Phật tử ngồi ở trong chánh điện này có đèn có hương đăng hoa quả trong một chánh điện như vầy qúi vị cảm thấy rằng những giờ phút này mong cho nó trôi qua mau để mình đi về, hết chuyện, nhưng mà rồi mươi năm sau đó trong một thời gian nào đó mình nói "ủa sao lâu quá không thấy Sư tổ chức chương trình đó sống như vậy là những lúc rất an lạc." Nhưng chúng ta chỉ thấy an lạc khi nào chuyện đó qua rồi chúng ta hồi ức lại, nhưng ngay lúc chúng ta sống tại đó chúng ta không thấy được an lạc như vậy. Đức Phật Ngài nói rằng nguyên nhân chính yếu khiến cho chúng ta bị đẩy ra khỏi thực tại và không còn bám sát vào thực tại chỉ vì khát ái, khát ái giống như có ai đó thúc trong lưng mà chúng ta phải đi tới phải lên đường, và do vậy chúng ta không có an lạc được với hiện tại.

Trở lại với bài viết ĐĐ Giác Nguyên viết về hài cú là một thể thơ đặc biệt của Nhật Bản, thì sự gợi nhắc của những bài thơ rất ngắn này là nhắc chúng ta một điều rằng chúng ta nên sống và để ý tới thực tại một chút, đôi khi thực tại rất là đẹp. Nhiều người ở gần những công viên, có sân cỏ, có hoa, có mọi thứ nhưng chúng ta rất hờ hững, khó có khi mình tìm thấy được một sự an lạc thật sự khi đi ngang qua công viên cho đến một ngày nào đó có người bạn nói rằng bạn ở gần nhà có công viên thật là đẹp quá, điều đó không phải là điều không có. Chúng tôi có quen với một người Phật tử ở tại miền bắc California mua một căn nhà nằm ngay góc đường và góc đường phía bên kia là một sân golf rất đẹp, và khi mời thỉnh chư tăng về thì chư tăng khen là chỗ này chỉ cần mở cửa sổ lên thì cả một bức tranh đẹp khỏi cần phải treo tranh gì trên tường hết, thì anh chủ nhà mới ngó ra đường nói "bữa nay qúi Sư nói con mới để ý, hồi trước đến giờ con không thấy điều đó" rất đơn giản thôi, mình ở nhà cứ đi qua đi lại hoài không thấy có chuyện gì phải quan tâm về cái công viên nằm kế bên nhà mình. Nhiều khi các vị thiền sư nói giống như là vỗ vai mình nói rằng "bỏ một ít thì giờ làm thì được nhưng hãy nghĩ đến chuyện ở đây và chuyện bây giờ, có những giờ phút rất đẹp mà nó đi qua trong cuộc đời mà không bao giờ lập lại."

Chúng tôi sống rất nhiều lần với chuyện này là vì thường đưa qúi Phật tử đi hành hương, đi qua những vùng đất rất đẹp và có những buổi sáng rất thơ mộng, ví dụ như chúng ta đi về Ấn Độ mùa hành hương là mùa khô, trong mùa khô chúng ta có một con đường nhựa ở giữa và hai bên người Ấn Độ thường trồng soài và đồng ruộng thì khô mang một màu vàng của gốc rạ tức là lúa chín rồi họ cắt đi còn rạ, và nếu mình đi bộ thì mình nghe mùi rạ, những giờ phút đó khi mặt trời lên vào một buổi sáng để tụng một thời kinh ở trên xe bus rồi kể một vài câu chuyện về Phật tích những con đường Đức Phật đi qua trong khung cảnh như vậy thật ra là những giờ phút an lạc, nhưng nhiều Phật tử đã đánh mất làm hỏng đi những giây phút đó bằng chuyện lo lắng vali mất, bực dọc về người bên cạnh tại sao họ ngồi trước mình họ không nhường ghế cho mình, hay hoặc giả hỏi Sư mình chạy còn bao lâu nữa thì tới, mình có trăm thứ việc để suy nghĩ, cái đó mình cảm thấy không quan trọng ngồi đó để mà cảm nhận để mà đón nhận thật sự cái gì mà mình có. Chúng tôi rất sợ một điều thưa qúi vị, có nhiều Phật tử nói với chúng tôi rằng làm sao để thuyết phục qúi vị đi hành hương, chúng tôi thường không có làm chuyện đó, ngay cả kỳ này chúng tôi nghĩ rằng đa số qúi vị ở tại đây không nhận được thư mời của chùa tại vì chùa gửi thơ vào giờ chót nên nhiều vị không nhận được, có hai ngày trước thôi chúng tôi biết như vậy, và đôi khi chúng tôi cũng nghĩ một điều là những người đến chùa vào một ngày rằm thức một đêm thì nội tâm của những người đó phải có một cái gì đó mà người ta biết qúi trọng những gì mà cảm thấy rằng mình cần trân qúi trong cuộc đời, và vì vậy có những lúc chúng tôi có thể ngồi trong chánh điện với một hai người để nói chuyện Phật Pháp mà chúng tôi cảm thấy an lạc hơn là trong một đại lễ với hết sức là đông đảo nhưng mà thật sự mọi người rất hờ hững với giá trị buổi lễ và cái gì mà nghĩ đến, do vậy bản thân của chúng tôi thì ví dụ như là những giờ phút mình sống được yên tĩnh một chút để suy nghĩ một chút thì mình an lạc, thì điều đó làm cho chúng ta nhớ đến một sự việc mà Đức Phật Ngài dạy rằng nếu mình nghĩ đến chuyện ly dục tức là đoạn tận khát ái hay là làm lắng sự khát ái là một điều an lạc, thì chúng ta nên tưởng nghĩ về điều đó, hồi ức về điều đó.

Phần ba chấm dứt tại đây.

Download bai giang


Phap Am Lưu Trữ

dieuphap.com