Insight Meditation


Thap Nhi Nhan DuyenTT Giác Đẳng

Kinh Girimànanda - Bài 2

Được thuyết pháp giảng trong đêm tu học thọ đầu đà ngày lễ Thượng Nguyên 7 tháng 2 năm 2009 nhằm đêm 13 đến rạng sáng mùng 14 tháng Giêng năm Kỷ Sửu chùa Pháp Luân, thành phố Houston, TX, Hoa Kỳ

Chuyển Biên: Minh Hạnh


.



Namo Tassa Bhagavato, Arahato Sammāsambhuddhassa
Namo Tassa Bhagavato, Arahato Sammāsambhuddhassa
Namo Tassa Bhagavato, Arahato Sammāsambhuddhassa

Cúi đầu đảnh lễ Đấng Từ Tôn bậc Chánh Biến Tri đáng cúng dường. Con nguyện thân tâm thường thanh tịnh làm lành lánh dữ lợi quần sanh.

Katamā cānanda anattasaññā? idhānanda bhikkhu araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā iti pat.isañcikkhati. Cakkhum. anattā. Rūpā anattā. Sotam. anattā. saddā anattā. ghānam. anattā. gandhā anattā, Jivhā anattā rasā anattā. Kāyo anattā phot.t.habbā anattā mano anattā dhammā anattāti. Iti imesu chasu ajjhattikabāhiresu āyatanesu anattānupassī viharati ayam. vuccatānanda anattasaññā.

Này Ananda
Phàm thầy Tỳ kheo
Sống trong Phật Pháp
Ngụ ở trong rừng
Nhà trống cội cây
Hằng nên quán tưởng
Từ mắt tai mũi
Đến lưỡi thân ý
Chúng là vô ngã
Từ sắc thanh hương
Đến vị xúc pháp
Thảy đều vô ngã
Này Ananda
Như vậy vị ấy
Quán niệm vô ngã
Sáu căn sáu cảnh
Như Lai gọi là
Quán tưởng vô ngã.

Katamā cānanda asubhasaññā? Idhānanda bhikkhu imameva kāyam. uddham. pādatalā adho kesamatthakā tacapariyantam. pūrannānappakārassa asucino paccavekkhati: atthi imasmim. kāye kesā lomā nakhā dantā taco mam.sam. nahārū at.t.hī at.t.himiñjam. vakkam. hadayam. yakanam. kilomakam. pihakam. papphāsam. antam. antagun.am. udariyam. karīsam. pittam. semham. pubbo lohitam. sedo medo assu vasā khel.o sin.ghānikā lasikā muttanti. Iti imasmim. kāye asubhānupassī viharati. Ayam. vuccatānanda asubhasaññā.

Nầy Ānanda
Phàm Thầy Tỳ kheo
Sống trong Phật Pháp
Ngụ ở trong rừng
Nhà trống cội cây
Hằng nên quán tưởng
Từ chân trở lên
Từ đầu trở xuống
Bì da bao bọc
Chứa vật không sạch,
Tính chất khác nhau
Hình dạng sai biệt
Tóc, Lông, Móng, Răng,
Da, Thịt, Gân, Xương,
Tủy, Thận, Tim, Gan,
Cơ hoành, Lá lách,
Phổi, Ruột già, Ruột non,
Vật thực chưa tiêu
Phẩn, Mật, Đàm, Mủ,
Máu, Mồ hôi, Mỡ,
Nước mắt, Dầu da,
Nước miếng, Nước mũi,
Nước nhớt, Nước tiểu.
Này Ananda
Như vậy vị ấy
Quán niệm bất tịnh
Đối với thân này
Như Lai gọi là
Quán tưởng bất tịnh.

Katamā cānanda ādīnavasaññā? Idhānanda bhikkhu araññagato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato vā iti pat.isañcikkhati. Bahudukkho kho ayam. kāyo bahuādīnavoti. Iti imasmim. kāye vividhā ābādhā upajjanti. Seyyathidam. cakkhurogo sotarogo ghānarogo jivhārogo kāyarogo sīsarogo kan.n.arogo mukharogo dantarogo kāso sāso pināso. d.aho, jaro. Kucchirogo mucchā pakkhandikà sulā visūcikā kut.t.hham. gan.d.o kilāso soso apamāro dandu kan.d.u kacchu rakhasā vitacchikā lohitam. pittam. madhumeho am.sā pil.akā. bhagan.d.alā pittasamut.t.hānā ābādhā semhasamut.t.hānā ābādhā vātasamut.t.hānā ābādhā sannipātikā ābādhā utuparin.āmajā ābādhā visamaparihārajā ābādhā opakkamikā ābādhā kammavipākajā ābādhā sītam. un.ham. jighacchā, pipāsā uccāro passāvoti. Iti imasm.im. kāye ādīnavānupassī viharati. Ayam. vuccātananda ādīnavasaññā.

Này A Nan Đa
Phàm thầy Tỳ kheo
Sống trong Phật Pháp
Ngụ ở trong rừng
Nhà trống cội cây
Hằng nên quán tưởng
Nơi thân thể ta
Nguyên nhân tội khổ
Đầy dẫy hệ lụy
Nhiều tật nhiều bệnh
Bệnh mắt, bệnh tai,
Bệnh mũi, bệnh lưỡi,
Bệnh thân, bệnh đầu,
Bệnh ngoài vành tai,
Bệnh răng, bệnh ho,
Bệnh suyễn, sổ mũi,
Bệnh sốt, bệnh già,
Đau bụng, cảm mạo,
Thổ huyết, bệnh ruột,
Thổ tả, bệnh cùi
Ung nhọt, ghẻ lở,
Bệnh lao, trúng gió,
Bễnh sảy, bệnh ngứa,
Ban trái, huyết đảm,
Tiểu đường, bệnh trỉ,
Mụt nhọt, ung loét,
Bệnh sanh do mật,
Bệnh sanh do đàm.
Niêm dịch, gió máy,
Bệnh do dịch vị,
Bệnh do thời tiết,
Bệnh do lao lực,
Bệnh do trùng hợp,
Bệnh do nghiệp sanh
Cùng sự lạnh nóng
Đói khát hằng ngày
Đại tiện, tiểu tiện
Này Ananda
Như vậy vị ấy
Quán niệm nguy hại
Đối với thân này
Như Lai gọi là
Quán tưởng hệ lụy.

Phra Viriyang Sirintharo

Đức Phật thường cho chúng ta cái nhìn gọi là toàn diện về đời sống này, chúng ta còn nhìn toàn diện theo nhiều cách ví dụ hồi nãy chúng ta nói đến sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tức là thân và tâm là một sự toàn diện đối với cái gọi là ta là tôi. Nhưng Ngài cũng cho chúng ta một cái nhìn toàn diện khác đó là khi quán tưởng về vô ngã là thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, hay là nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, tỷ thức, thân thức, ý thức, đó là mặt toàn bộ sự sống của chúng ta qua sáu thức đó. Đức Phật Ngài dạy chúng ta là nên dùng sáu thức đó hữu ngã hay là vô ngã, nói một cách khác chúng ta có quyền với nó hay là chúng ta không có quyền với nó, thì ở đây Đức Phật Ngài đã khẳng định một điều là thật ra đối với điều đó chúng ta không có nhiều quyền đối với nó đâu.

Dĩ nhiên là qúi Phật tử sống ở một nơi như Hoa Kỳ mình ăn những gì mình muốn, mình có thể mua sắm cái gì mình thích, hoặc giả mình đi đến nơi thật sự muốn đi, nhưng trên thực tế thì đôi khi có những điều chúng ta không muốn nếm chúng ta cũng phải nếm, có điều chúng ta không muốn nghe chúng ta cũng phải nghe, có điều chúng ta không muốn thấy chúng ta cũng phải thấy. có điều chúng ta không muốn suy nghĩ chúng ta cũng phải suy nghĩ, cái đó gọi là vô ngã tại vì nó không nằm theo ý muốn của chúng ta. Do đó khi nhìn về các căn; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thì chúng ta thấy rằng à tất cả cái đó đều là vô ngã. Thì Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên quán tưởng vô ngã qua lục căn của mình.

Và khi Ngài dạy chúng ta nên nhìn lại tưởng về sự bất tịnh, tức là cái gì mình đã trải qua trong cuộc đời, có những hình bóng mỹ miều, có những điều thấy ở bên ngoài rất rộng rất đẹp rất là khả ái, Ngài cho biết rằng tất cả chúng ta dù là thân mình hay thân người, dù là già dù là trẻ, thì ở trong đó đều là cái bọc da chứa toàn tóc, lông, móng, răng, da, thịt, xương, tủy, những chất này mình nhìn thấy sự bất tịnh.

Thưa qúi vị, có một việc rất là lạ có một vài ấn tượng nhỏ ở trong cuộc đời mà ấn tượng đó chúng ta thấy rằng không có ý nghĩa nhưng lại ảnh hưởng rất lớn. Ở trong kinh kể câu chuyện về một thanh niên rất giàu có sanh trong một gia đình thế gia vọng tộc tên là Yasa, thanh niên này sống đời sống nhung lụa không thiếu một món gì hưởng thụ mà vị này muốn mà không có, nhưng một đêm tối thức dậy khoản nửa đêm thì bỗng nhiên vị này cảm thấy trong phòng hơi chật không thích nữa muốn đi ra sân hóng gió một chút, vị này đi băng ngang qua nhà trên là một sảnh đường rất rộng nơi đó hồi chiều có một buổi tiệc rất sang trọng do cha mẹ của Yasa mở tiệc khoản đãi những người bạn của Yasa, và hồi tối này cách đây có vài giờ thôi thì Yasa đã nhìn thấy những vũ công trong những xiêm y rất đẹp và được trang điểm đẹp đẽ, những vũ công này đã múa những vũ điệu đẹp mắt, tuy nhiên vì cả buổi tối vũ múa hát mệt quá do đó những vũ công này đã vào một phòng nhỏ để ngủ và khi ngủ như vậy thì có lẽ lúc đó không tiện nghi và những người vũ công mà mình gọi là ca hát sướng thời đó người ta không được ưu đãi không có phòng riêng và họ ngủ trong phòng không có giường nhiều thành ra họ lấy cái gì chêm đầu được thì chêm, có gì trải lưng thì họ trải để ngủ. Yasa đã tình cờ đi ngang bắt gặp được một cảnh tượng những nàng vũ nữ kiều diễm hồi chiều đã trình diễn những màn vũ rất đẹp mắt nhưng bây giờ thì nằm đó, cách ngủ cách thở cách nằm la liệt son phấn nhễ nhãi, Yasa tự nhiên cảm thấy cuộc đời thật sự không đẹp như mình thấy mà nó còn có bề trái của nó, và Yasa đã rời nhà đi một mình trong đêm tối vừa đi vừa chắc lưỡi và than vãn, cuối cùng Yasa gặp Đức Phật.

Thì câu chuyện đó về sau này Đức Phật kể như vầy, một người mà nhìn thấy người khác đang nằm ngủ ở trong một trạng thái không được đẹp mắt chuyện đó rất thường thấy trong đời sống chúng ta, cũng như mình thấy không biết bao nhiêu người già người bệnh người chết nhưng cái thấy của chúng ta không có tác động tâm tư mãnh liệt như Thái Tử Sĩ Đạt Đa đã thấy tại vì chúng ta không có túc duyên, nhưng Yasa thì Đức Phật Ngài dạy rằng trong một tiền kiếp rất xa xưa Yasa lúc bấy giờ là một người giàu lòng từ thiện, đã làm một việc ít có người làm đó là đi nhặt những xác chết không có thân nhân, thời xưa có nhiều người sống không nhà lang thang rồi khi chết ở đầu đường xó chợ không ai hoả táng, thì một phần những người họ nằm chết như vậy giống xác một con chó con mèo thấy rất đau lòng cho một kiếp người chết mà không có ai chôn cất hỏa táng, một phần nữa là Yassa cũng muốn giữ cảnh đẹp vệ sinh cho phố phường nên lúc bấy giờ Yasa đã cùng với những người bạn của mình làm việc từ thiện là nghe ai đó ở đâu có xác chết vô chủ thì Yasa và những người bạn đến đó tẩn liệm đàng hoàng như là một sự tôn trọng đối với người chết. Có một lần tiền thân của Yasa lúc đang thiêu một xác chết thì bắt gặp một cảnh người chết là phụ nữ có thai và cái thai đó lớn rồi. Có lẽ là qúi Phật tử ở đây thì qúi vị không thấy cảnh này tại vì lâu lâu qúi vị đến một vài nhà quàn để dự lễ hoả táng thì người ta để xác ở trong quan tài rồi họ đẩy vô trong lò thiêu đậy nắp lại rồi bấm điện thì qúi vị không thấy gì hết nhưng nếu qúi vị muốn biết câu chuyện mà chúng tôi kể qúi vị qua Ấn Độ một chuyến đến sông Hằng, một người chết họ xếp một lớp củi rồi để xác lên trên rồi đốt, vị nào yếu bóng vía mà nhìn thấy cảnh thiêu xác ban đêm ngủ không được là tại vì cảnh tượng xác con người khi hoả táng thì có nhiều cảnh cũng ghê, con người rút lại có khi giống xác chết ngồi dậy rồi họ phải lấy cây lấy chỉa họ xăm xoi để xác nằm yên không cựa quậy để họ thiêu. Thì lúc đó xác chết là một thai phụ khi hoả táng thì thai nhi bỗng nhiên bị lòi ra bên ngoài và nhìn xác chết đã ghê rồi mà thai nhi ở trong xác chết bị đẩy ra bên ngoài như vậy thì cái hình ảnh rất hãi hùng ghê tởm. Bỗng nhiên Yasa lúc bấy giờ ở trong một kiếp xa xưa có ấn tượng là mặc dù mình thấy thai nhi ghê rợn như vậy, mình cũng đã từng sống những phút giây trong bụng mẹ như vậy, tất cả mọi người đã từng sống trong bụng mẹ như vậy, và cảnh tượng đó tuy là ghê rợn nhưng lửa cháy một lúc là hết, tuy nhiên sự bất tịnh ở trong người mình là một điều mình không phủ nhận được, như Đức Phật nói là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, xương, v.v... những thứ đó suy nghĩ thì mình sẽ thấy nó bất tịnh đến mức độ nào, cái ấn tượng đó đã in sâu vào trong tiềm thức của Yasa nên chi ở trong kiếp Đức Phật Ngài ra đời Yasa chỉ nhìn thấy một cô vũ công nằm ngủ mà bỗng dưng cảm thấy chán đời và đi xuất gia là nhờ ấn tượng của quá khứ. Thành ra đôi khi quán về bất tịnh nó lại tạo cho hành giả có được một chất xúc tác rất mạnh mẽ để giúp trừ tâm bớt dính mắc đối với các pháp.

Ở đây Đức Phật Ngài đề cập đến một cái khía cạnh khác, qúi vị nghe ở đây là một danh sách nói về những chứng bệnh. Hồi nhỏ khi chúng tôi đọc danh sách này chúng tôi cũng sợ lắm, có một lần chúng tôi hỏi Ngài Tịnh Sự "Bạch Ngài không biết mình lớn lên có bị hết những chứng bệnh này không?" thì Ngài cười, Ngài nói "Không chừng còn nhiều hơn vậy nữa đó con." Thì thưa qúi vị danh sách các chứng bịnh chỉ là bài pháp của Đức Phật, Đức Phật chỉ trưng dẫn một số bệnh thôi. Đức Phật Ngài gọi thân của chúng ta là một ổ bệnh tật. Ổ kiến lửa người ta gọi là ổ vì có rất nhiều kiến lửa, thì ở đây Ngài nói ổ bệnh tật, thấy con người chúng ta bình thường như vậy nhưng lại có đủ thứ bệnh và cái bệnh đó là cái hệ lụy của kiếp nhân sinh, bệnh đó là khổ nạn của cuộc sống và các chứng bệnh đó ai cũng có hết. Ngày hôm nay khi chúng ta đau, như kỳ rồi chúng tôi sang bên Thái Lan bị nhức răng rất là mãnh liệt đến đỗi chúng tôi không có làm được gì hết, chúng tôi gọi điện thoại về Mỹ gặp HT Chơn Trí, "Bạch HT con bịnh nhức răng chịu hết nổi rồi, HT có cách gì giúp con?" thì HT Chơn Trí nói với mấy người Thái, họ rất là tử tế, họ chở chúng tôi vào bệnh viện liền và khi chúng tôi vào bệnh viện gặp bác sĩ thì chỉ hỏi vài ba điều rồi họ khuyên không nên nhổ răng tại vì ngày mai có chuyến bay về Mỹ thì đừng nhổ răng nhưng họ sẽ cho uống thuốc cầm đau, họ cho chúng tôi uống thuốc thế nào đó mà chúng tôi chỉ uống theo họ nói mà cả bốn ngày sau nó cũng không đau. Thì khi chúng tôi bị đau răng như vậy chúng tôi nhớ chuyện là ngày hôm nay mình bịnh mà có thuốc như vậy thời Đức Phật còn tại thế không có thuốc đau răng chắc là những người bịnh họ đau khủng khiếp lắm. Và khi Đức Phật Ngài nói thân mình là ổ bệnh tật, đôi khi ngày hôm nay chúng ta xem thường là vì bệnh thì đi bác sĩ hay đi bệnh viện, nhưng đúng là thân của chúng ta là ổ bệnh hoạn.

Chúng ta đọc lại nghe Đức Phật nói rằng thân thể của chúng ta là:

Nguyên nhân tội khổ
Đầy dẫy hệ lụy
Nhiều tật nhiều bệnh
Bệnh mắt, bệnh tai,
Bệnh mũi, bệnh lưỡi,
Bệnh thân, bệnh đầu,
Bệnh ngoài vành tai,
Bệnh răng, bệnh ho,
Bệnh suyễn, sổ mũi,
Bệnh sốt, bệnh già,
Đau bụng, cảm mạo,
Thổ huyết, bệnh ruột,
Thổ tả, bệnh cùi
Ung nhọt, ghẻ lở,
Bệnh lao, trúng gió,
Bễnh sảy, bệnh ngứa,
Ban trái, huyết đảm,
Tiểu đường, bệnh trỉ,
Mụt nhọt, ung loét,
Bệnh sanh do mật,
Bệnh sanh do đàm.
Niêm dịch, gió máy,
Bệnh do dịch vị,
Bệnh do thời tiết,
Bệnh do lao lực,
Bệnh do trùng hợp,
Bệnh do nghiệp sanh
Cùng sự lạnh nóng
Đói khát hằng ngày
Đại tiện, tiểu tiện
Này Ananda
Như vậy vị ấy
Quán niệm nguy hại
Đối với thân này
Như Lai gọi là
Quán tưởng hệ lụy.

Nếu chúng ta nhìn lại quá khứ của mình trải qua những cơn bệnh thì chúng ta không có quá kiêu căng tự hào rằng cuộc sống của mình là cuộc sống hoàn hảo đâu, chúng ta đúng là ổ bệnh tật, có nhiều khi bệnh đó chưa trổ ra thôi chứ nó trổ thì chúng ta thấy đủ thứ bệnh. Có một lần chúng tôi ít có khi nào mà nghĩ đến chuyện HT phải uống bao nhiêu thuốc, chúng tôi thấy HT uống một nắm thuốc ở trong đó đủ các thứ thuốc thì chúng tôi mới hỏi HT "Bạch Hoà Thượng, sao Ngài uống nhiều thuốc vậy?" thì Ngài nói rằng "thì mình nhiều bệnh thì phải uống nhiều thuốc," rồi Ngài nói tiếp "khi mình già thì sanh ra nhiều thứ bệnh nên phải uống nhiều thuốc như vậy." Nhưng mà rồi khi chúng ta nhìn lại thấy Đức Phật Ngài dạy rằng đôi khi mình phải nhìn lại cuộc đời của mình ở trong cái nhìn khách quan hơn, mình khoan nói mình thích hay không thích, cứ nói một cách thành thật thân của mình là ổ bệnh tật thì chúng ta cứ nhìn nó là ổ bệnh tật.

Thì thưa qúi vị đó là chúng ta vừa trải qua ba pháp niệm đầu tiên là quán về vô thường, quán về vô ngã, quán về bất tịnh, quán về hệ lụy nhưng sáu pháp tưởng còn lại, sáu cách hồi ức còn lại, sáu cái nhìn về dĩ vãng, sáu cái nhìn về quá khứ cho chúng ta một số điểm rất bất ngờ, thật sự hết sức là bất ngờ.

Đúng 12:00 giờ chúng ta sẽ có giờ giải lao, nhưng chúng ta nên dành ít thì giờ chừng 15 hay 20 phút trước giờ giải lao để làm một việc là sống với lời của Đức Phật dạy.

Lời Đức Phật dạy là một người tu tập một vị hành giả đi vào một nơi trống vắng như ở trong khu rừng, ở trong một ngôi nhà trống, ở chỗ không có người để ngồi xuống trầm tư suy nghĩ. Chúng tôi nghĩ rằng là ở đây thì không phải là một nơi hoàn toàn yên lặng nhưng tương đối có không gian thanh tịnh, tạm thời chúng ta tắt những ngọn đèn điện chỉ giữ những ngọn đèn nến và chúng ta nhìn những ngọn nến ở đây như là một sự thắp sáng trí tuệ ở trong lòng của chúng ta, qúi vị ngồi ở tại chỗ ngồi của mình, ngồi một cách rất là yên lặng thanh thản, chúng tôi sẽ cùng với qúi vị để đi qua, phải đi qua một số suy nghĩ về những pháp mà Đức Phật dạy ở tại đây. Đức Phật Ngài dạy chúng ta trong đời sống có những sự sợ hãi có nhiều việc mà có một lần nào đó trong cuộc đời của mình được ngồi xuống và đối diện với nó và nếu chúng ta có thể chấp nhận được nó và có thể đối diện nó một cách rất là tỉnh táo thì chúng ta sẽ an lành, thưa qúi vị đây là một không gian rất yên tĩnh ở trên trước mặt qúi vị là bàn thờ Phật với những ngọn đèn do qúi Phật tử cúng dường, chúng ta cúng dường Đức Phật và xin nguyện rằng ánh sáng của trí tuệ thắp sáng trong lòng của chúng ta và xin cho tất cả chúng ta có mọi giây phút lắng đọng để quán tưởng để tưởng để nhớ đối diện với quá khứ của mình.

Trước nhất chúng ta hãy quán tưởng về sự vô thường dựa trên những kinh nghiệm đã trải qua trong cuộc đời của mình.

- Đức Phật dạy sắc uẩn là vô thường có nghĩa là thân của chúng ta không đứng một chỗ mà luôn thay đổi, có thời nào đó chúng ta rất trẻ trung nhiều sức sống, và cũng có lúc chúng ta mệt mỏi già nua, có lúc chúng ta khỏe mạnh nhưng mà cũng có khi bệnh hoạn ốm đau, sắc uẩn là vô thường.

- Đức Phật dạy thọ uẩn là vô thường, những cảm xúc vui buồn bình thản ở trong đời sống luôn thay đổi theo thời gian, chúng ta muốn giữ lại một cảm giác mãi mãi nhưng không làm được, trải qua trong cuộc đời có bao nhiêu lần vui bao nhiêu lần buồn và những vui buồn đó sanh rồi diệt do vậy Đức Phật dạy thọ uẩn là vô thường.

- Đức Phật dạy hãy tưởng về sự vô thường của tưởng uẩn tức là ký ức trí nhớ những hoài niệm hay là dĩ vãng ở trong lòng của chúng ta có khi nó in hằn thật đậm thật sâu những điều nào đó nhưng mà rồi lại phôi pha mờ nhạt theo năm tháng chúng ta không thể giữ lại quá khứ và quá khứ tuy rằng đã qua rồi nhưng nó không đứng yên trong lòng của chúng ta có khi rất là tỏ rõ có khi rất là mờ nhạt. Đức Phật dạy tưởng uẩn là vô thường.

- Chúng ta hãy tưởng nghĩ về sự vô thường của hành uẩn những quan niệm về thiện ác, những chủ trương về đúng sai phải quấy những điều mà chúng ta đã sống qua trong cuộc đời, có một thời gian nào đó một tuổi nào đó những điều đó gần như là chân lý bất diệt, qua một giai đoạn khác thì những thứ đó hầu như vô nghĩa. Đức Phật dạy hành uẩn là vô thường.

- Chúng ta hãy tưởng nghĩ về sự vô thường của thức uẩn, thị giác hay là nhãn thức, thính giác hay là nhĩ thức, khứu giác hay là tỷ thức, vị giác hay là thiệt thức, xúc giác hay là thân thức, suy nghĩ hay là ý thức, dù là thấy dù là nghe dù là ngửi dù là nếm, dù là đụng, dù là suy tư tất cả đều đi qua trong cuộc sống này, cái đẹp nhất muốn giữ lại cũng không được, cái xấu nhất mà cho dù chúng ta có đóng đinh với nó thì nó cũng qua đi. Đức Phật dạy thức uẩn là vô thường.

-Như vậy một hành giả an tịnh tâm tư khi tưởng nghĩ đến việc gì đã trải qua trong cuộc sống, thấy được biết được và tự mình xác chứng với chính mình là sắc là thọ là tưởng hành thức tất cả đều vô thường.

Chúng ta hãy tưởng nghĩ về ý nghĩa của vô ngã là sự bất lực, sự không có làm chủ đối với cuộc sống này, cuộc sống của chúng ta là sự hoạt động của mắt của tai của mũi của lưỡi của thân của ý, cho dù là mắt cho dù là cảnh sắc hay nhãn thức thì chúng ta không làm chủ được hoàn toàn, những điều trông thấy mà đau đớn lòng, có những điều mình không muốn thấy nhưng vẫn phải thấy, có những điều không muốn nghe nhưng mình cũng nghe, có những điều mình muốn nó mãi mãi như vậy nhưng mà chúng ta không thể sống hoài với một mùi hương, ăn hoài một món ăn, suy nghĩ hoài một thứ. Vì vậy Đức Phật dạy rằng chúng ta không làm chủ được bởi vì có cái là do mình tạo nên, có cái do cuộc đời cho mình. Như qúi vị ngồi đây trong ngôi chánh điện này hình ảnh của Phật đài trang nghiêm với những ngọn nến lung linh cho dù chúng ta muốn khác đi thì cũng không được, chúng ta muốn mãi mãi như vậy cũng không được, tại vì nó tùy thuộc vào hoàn cảnh, tùy thuộc vào sự phát tâm, tùy thuộc vào nhân duyên, và do vậy đối với mắt, đối với tai, đối với mũi, đối với lưỡi, đối với thân, đối với ý, nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhiều nhân duyên, không phải chỉ một yếu tố duy nhất nên chúng ta hãy tưởng nghĩ về sự vô ngã của các pháp qua sự nhớ biết về sự vô ngã của sáu thức.

- Chúng ta hãy tưởng nghĩ về sự bất tịnh của cuộc sống, không có cái gì mà mình qúi hơn là thân của mình, và không có cái gì mà chúng ta đam mê như những gì liên quan đến thể xác, nhưng Đức Phật dạy rằng thân của chúng ta giống như một chiếc bao da ở trong đó chứa đầy những bất tịnh, có những bất tịnh thể đặc như là thịt xương gân, có những bất tịnh thể loãng như mật đàm mủ máu, và có nhiều thứ bất tịnh khác kết lại thành thân của chúng ta, nếu chúng ta có thể nhìn thấy một lần nào đó ở trong cuộc đời đã trải qua hình ảnh của vết thương, hình ảnh của mổ xẻ, hình ảnh của cơ thể thì chúng ta hiểu rằng thân của chúng ta vốn tạo thành bởi những thứ bất tịnh, chúng ta hãy nghĩ tưởng về sự bất tịnh như là một điều tất nhiên của điều mà Đức Phật dạy rằng thân này và cũng giống như tất cả xác thân đều mang tính bất tịnh.

- Chúng ta hãy tưởng nghĩ về sự hệ lụy của đời sống trải qua trong cuộc đời này không phải chỉ có màu xanh và cũng không phải.chỉ có sự thuận buồm suôi gió mà chính trong thân trong tâm của chúng ta cũng chứa đựng bao nhiêu gút mắc khổ đau. Tấm thân này Đức Phật đã dạy rằng là một ổ bệnh tật nhiều bệnh nhiều tật, từ bệnh mà chúng ta thấy rất bình thường như là cảm mạo phong hàn cho đến những bệnh chỉ có những người chuyên môn mới có thể thấy được, bao nhiêu là hệ lụy cuộc sống chúng ta có tự hào và hãnh diện chăng chỉ là những giờ phút lãng quên, nếu mà chúng ta nhớ được thân là một ổ hệ lụy thì chúng ta sẽ sống khiêm tốn hơn, điềm đạm hơn, và xin cho chúng ta đừng quên rằng thân của mỗi người vốn dĩ là một ổ chứa đầy những bệnh tật và cuộc sống không hoàn toàn như ý mà chúng ta mong muốn, như vậy gọi là quán tưởng hệ lụy, xin tất cả chúng ta ghi nhớ điều này như tâm niệm ở trong sự tu tập.

Phần hai chấm dứt tại đây.

Download bai giang


Phap Am Lưu Trữ

dieuphap.com