TT Giác Đẳng Bài thuyết pháp giảng trong đêm tu học thọ đầu đà ngày lễ Thượng Nguyên 7 tháng 2
năm 2009 nhằm đêm 13 đến rạng sáng mùng 14 tháng Giêng năm Kỷ Sửu chùa Pháp Luân, thành phố Houston, TX, Hoa Kỳ Chuyển
thành văn bản: Minh Hạnh
Trong đời của chúng ta có rất nhiều lần gặp gỡ nhau vì nhiều lý do mà đa số là những lễ lộc, những nghi thức cũng giống như những sinh hoạt xã hội thường dẫn chúng ta đến với nhau, nhưng những điều đó vẫn không mang lại cho chúng ta sự lợi lạc thật sự như là một buỗi tối rất bình an rất nhẹ nhàng mọi người cùng ngồi xuống để có thể chiêm nghiệm về lời dạy của Đức Phật và cũng như chúng ta sống dưới chân của Đức Phật trọn một đêm. Thưa qúi vị, thời Đức Phật còn tại thế thỉnh thoảng có những ngày đẹp trời như ngày rằm chẳng hạn, Đức Thế Tôn thường ngồi trong vườn, đặc biệt trong mùa khô không mưa, Ngài ngồi trong vườn cùng với đại chúng tỳ kheo. Tại Ấn Độ có những mùa trời lạnh muỗi ít Ngài ngồi với chư tăng và thuyết pháp nhiều giờ, đôi khi ngồi Ngài im lặng rất lâu thì những người Phật tử và chư tăng cũng cùng ngồi im lặng như vậy cho đến khi Đức Phật Ngài nhận thấy có nhân duyên thích hợp thì Ngài bắt đầu thuyết pháp. Ngày hôm nay Đức Phật không hiện diện với chúng ta như thời xưa nhưng hình ảnh và giáo pháp của Ngài vẫn bàn bạc trong tâm tư của chúng ta.
Chúng ta về đây vào ngày rằm tháng Giêng để nhắc lại hai sự kiện đặc biệt hết sức quan trọng ở trong cuộc đời của Đức Phật, sự việc quan trọng đầu tiên được diễn ra tại chùa Trúc Lâm trong thành Vương Xá, chùa Trúc Lâm là ngôi chùa đầu tiên của đạo Phật và chùa Trúc Lâm do vua Bình Xa Vương hiến cúng lên Đức Phật và chư tăng. Ở tại ngôi chùa Trúc Lâm này vào một đêm trăng sáng và tháng của Ấn Độ gọi là Màgh. Đúng ra tháng này ở Ấn Độ gọi là Màgh chúng ta tạm gọi là tháng Giêng bởi vì nó tương đương với tháng Giêng của chúng ta, nhưng thật ra thì người Ấn Độ không đặt tên tháng theo tháng một, tháng Hai, tháng Ba, tháng Tư, có những tháng ví dụ như tháng Sáu là Àshàdha, hay tháng Tư là Vaishàkh, tháng này gọi là tháng Màgh. Lễ hội Màgh hay là Maghapùjà là một kỳ lễ đánh dấu một lần vào ngày trăng tròn của tháng Màgh Đức Phật đã ngồi trước đại chúng tỳ kheo 1250 vị, tất cả những vị này đều là những bậc thánh nhân hoàn toàn giải thoát, là những đệ tử thông tuệ tuyệt vời của Đức Phật. Trong dịp này Đức Phật Ngài đã thuyết giới bổn của Chư Phật là truyền thống của Chư Phật, trong truyền thống của Chư Phật mở đầu với ba câu rất quen thuộc với tất cả những người Phật tử, đó là: "Không làm các việc ác, tu tập hạnh lành, thanh lọc tâm ý, là lời dạy của Chư Phật." Tiếp theo Đức Phật Ngài khẳng định rằng đời sống của mỗi thành viên của Tăng Già, gọi là đời sống Sa Môn một đời sống bất hại, là đời sống lấy kham nhẫn làm đầu không gây thương tổn cho chúng sanh khác, không mạ lỵ, không mắng nhiếc, và trên đường hoằng pháp thì không doạ hãm, không dụ dỗ, không dùng những phương pháp bá đạo để hoằng pháp, mà trên hết và sau hết là dùng sự nhẫn nại của một nội tâm đầy từ bi để kham nhẫn trước những nghịch cảnh và hoằng pháp, đó là tôn chỉ. Đức Phật Ngài cũng dạy và Ngài cũng đề cập đến sự hành trì mà Chư Phật ba đời cũng nhắc đến như là sống độc cư, tiết độ trong sự ẩm thực, thu thúc các căn, tinh tấn không biếng nhác, đó là những điều mà Chư Phật dù quá khứ, hiện tại, vị lai đều hướng dẫn dạy dỗ cho chúng sinh. Thì thưa qúi vị những điều này như là một bản cương lĩnh nói theo ngôn ngữ chúng ta thời nay, thời xưa chúng ta gọi là một tôn chỉ và chính tôn chỉ này đã là cái cột, cái sườn, cái nền tảng căn bản cho sự phát triển của đạo Phật về sau này. Chư Phật quá khứ thì các Ngài có một hai hoặc ba lần đại hội chư Thánh Tăng tùy theo tuổi thọ của loài người, nhưng riêng về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ có một lần duy nhất là đại hội Chư Thánh Tăng Ngài nói tôn chỉ của truyền thống Tăng Già. Lát nữa chúng ta sẽ thỉnh HT Huyền Việt Ngài nói thêm về truyền thống của Tăng Già. Chúng ta nói sang một ý nghĩa thứ hai là cũng vào ngày trăng tròn vào tháng Màgha như vầy Đức Phật đã nói với Tôn Giả Ananda và sau đó Ngài Ananda đã truyền đạt đến cho chư Tỳ Kheo là Đức Thế Tôn sẽ viên tịch trong ba tháng nữa. Khi Đức Phật quyết định viên tịch thì Ngài đã xác định, xác nhận một điều là giáo pháp đã được tuyên lưu đầy đủ, và tứ chúng tức là bốn hàng đệ tử, bốn hội chúng đệ tử Phật đã có khả năng lãnh hội thực hành giáo pháp một cách nhuần nhuyễn thuần thục, do vậy những gì cần phải làm cho cuộc đời thì Ngài đã hoàn tất ở trong công hạnh độ sanh và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa thì đó là một sự kiện rất trọng đại. Chúng ta nói về ngôi nhà của giáo pháp đã được thiết lập vững vàng, chúng ta nói về một ngày mà Đức Thế Tôn Ngài cho biết trước là Ngài sẽ ra đi viên tịch Niết-Bàn, thì hôm nay như mọi năm tất cả chúng ta cùng về dưới mái chùa này để cùng làm một việc mà chúng tôi tin rằng đặc biệt không những chỉ có ý nghĩa mà nó còn lợi lạc cho tất cả chúng ta là quanh năm suốt tháng chúng ta thường đến chùa, qúi vị Phật tử đã làm rất là nhiều nghĩa cử nói lên tín tâm của mình ở trong đó có sự cúng dường tài thí, vật thí, chúng ta cúng dường bằng niềm tin, nhưng thưa qúi vị có lẽ một điều cúng dường quan trọng nhất trong cuộc đời là chúng ta làm một cái gì đó áp dụng lời của Đức Phật dạy vào trong đời sống của chúng ta, bởi vì trước khi Đức Phật Ngài viên tịch nhìn thấy những hoa Sala nở sái mùa Đức Phật đã dạy chư Tỳ Kheo rằng: "Hoa Sala nở sái mùa cúng dường Như Lai cũng như tứ chúng cúng dường các lễ vật lễ phẩm, nhưng những ai hành theo lời Như Lai dạy là sự cúng dường cao thượng nhất." thì chúng ta làm theo lời của Đức Phật dạy. Trước khi hướng dẫn qúi vị thọ trì hạnh đầu đà thì chúng tôi xin kể qúi vị nghe ba câu chuyện về kinh nghiệm của ba người đã đi qua những giây phút đặc biệt đó là chúng ta phải dừng lại, giây phút gọi là dừng lại là một giây phút rất lạ lùng với một số người, những giây phút này làm cho đời sống thay đổi và không chừng tối hôm nay trong một đêm tu tập chúng ta sẽ tìm được ý nghĩa dừng lại như vậy. Năm 1982 chúng tôi có dịp lên Santa Claus để thọ đại giới với Ngài Tangpulu Sayadaw, Ngài là một vị cao tăng của người Miến Điện nằm lòng Tam Tạng, sống ở trong rừng rất nhiều năm thọ trì hạnh đầu đà. Ngài theo lời yêu cầu của qúi Phật tử trở về hoằng pháp thì Ngài vẫn tiếp tục thọ trì hạnh đầu đà mặc dầu Ngài đã cao tuổi, Ngài đi đâu chỉ ngồi, có nhiều đệ tử tu xuất gia theo Ngài và những vị này cũng đều thọ đầu đà tức là giống như hôm nay qúi vị thức một đêm không nằm, Ngài Tangpulu và tất cả đệ tử của Ngài cả đời không có đặt lưng nằm xuống mà chỉ ngồi. Khi chúng tôi lên trên Santa Claus gặp một số gia đình Phật tử Việt Nam từ San Francisco cũng lên, thì trong số đệ tử của Ngài Tangpulu mười mấy vị xuất gia có hết bảy tám vị là người Hoa Kỳ người Anh và người Úc, lúc đó chúng tôi mới qua bên Mỹ thấy một người da trắng xuất gia mặc y thấy lạ lắm, chúng tôi nhớ có một gia đình Phật tử Việt Nam có một cháu bé khoảng chừng tám tuổi nói tiếng Anh rất khá và cháu hỏi vị sư bằng tiếng Anh, hỏi vị sư Mỹ " vậy chứ tại sao Sư đi tu theo Phật giáo vậy." Cách hỏi rất là tò mò, tại sao mình là người Việt Nam mình tu theo đạo Phật đã đành rồi, mà lại có người Mỹ tu theo Phật giáo, vị Sư này khi nghe hỏi như vậy thì cũng mỉm cười tại vì một câu hỏi rất ngây thơ của một đứa bé Việt Nam, mà trong cách hỏi có vẻ nghi ngờ là không biết Sư này người da trắng mà tu theo đạo Phật thì có tu thiệt tình hay không. Thì Sư này mới kể cho cháu bé nghe một câu chuyện thí dụ mà câu chuyện đó chúng tôi thật sự không quên được, mỗi lần nói đến đầu đà chúng tôi thường hay nhớ đến câu chuyện này. Sư nói rằng lần đầu tiên Sư gặp Ngài Tangpulu ở Los Angeles và Ngài Tangpulu có nói một điều duy nhất đó là: "Cuộc đời của mình dầu là đi, dầu đứng, dầu nằm, dầu ngồi, dầu ăn, dầu ngủ, dầu nói, thì tất cả đều là làm bằng thói quen và do phiền não đẩy tới hết, phiền não đẩy chúng ta đi đâu thì chúng ta đi đó, ví dụ như phiền não muốn mình ăn thì mình ăn, phiền não muốn mình nằm thì mình nằm, phiền não muốn mình nói thì mình nói, và bây giờ mình tu tập tức là mình làm giảm bớt, mình thắng nó lại, tức là mình không làm theo thói quen, không làm theo thói tật nhiều đời nhiều kiếp đó nữa, mà mình làm khác đi và lúc mình làm khác đi thì dĩ nhiên là phải thoải mái, ban đầu mình khác với thói quen của mình thì nó sẽ có một số vấn đề khó chịu, nhưng khi mình làm được thời gian lâu rồi thì mình sẽ cảm thấy hoan hỉ với cách sống mới." Thì Sư mới quay lại hỏi đứa bé đó: "Con biết tại sao mà Sư nghe câu nói đó mà Sư rất thấm thía không, tại vì trước khi xuất gia Sư là một người lái xe truck xuyên bang. Nhưng khi nghe HT nói chuyện đó thì Sư lại nghĩ một điều rằng cuộc đời mình giống như chiếc xe truck chỉ có chân ga mà không có chân thắng, nghĩa là đạp ga nó đi tới hoài và nó không bao giờ thắng được, và nếu nó đi tới hoài nó không thắng được thì ghê quá thành ra Sư quyết định là xuất gia theo Ngài Tangpulu, và từ đó trở đi Sư trì hạnh đầu đà, hạnh không nằm, mỗi lần Sư ngồi Sư nói thời gian đầu hơi khó ngủ không cảm thấy thoải mái nhưng Sư cứ nhớ chuyện là mình đang tạo một chân thắng trong đời sống của mình, nếu đời sống của mình không có lúc nào dừng lại thì thật sự mình cứ chạy theo phiền não hoài và nguy hiểm quá." Chúng tôi nói điều này lại nhớ đến một người đệ tử Phật, Ngài có tên là Ưng Ma Quật hay là Angulimala là một người rất giỏi và thông minh. Có một lần Ngài nghe lời của một người thầy hướng dẫn sai lạc nghĩ rằng mình luyện một pháp thuật hết sức cao cường bằng cách là giết 1000 người, mỗi người lấy một ngón tay thôi kết thành một tràng hoa làm sợi chuỗi bằng ngón tay thì sẽ luyện được một phép màu rất đặc biệt và vị này đã trở thành người cuồng sát tức là đi vào trong khu rừng giống như một tướng cướp hễ ai đi ngang thì giết, giết xong chỉ chặt lấy một ngón tay, mỗi một nạn nhân lấy một ngón tay để xỏ thành một tràng hoa do đó Ngài có tên là Ưng Ma Quật hay là Angulimala người có tràng hoa kết bằng ngón tay. Khi sắp đạt thành mục đích tạo xâu chuỗi 1000 ngón tay, sau khi đã giết 999 người reo rắc bao nhiêu kinh hoàng cho dân chúng ở biên giới Kosala thì Đức Phật Ngài thấy vị này có đủ căn duyên nên Ngài đã dùng thần thông đến trước mặt Angulimala và Angulimala rượt theo Ngài, khi rượt theo Ngài thì Đức Phật Ngài dùng thần thông khiến cho Angulimala thấy Ngài đang đi một cách chậm rãi nhưng khoản cách giữa Ngài và Ngài Angulimala vẫn không thay đổi cho dù Angulimala chạy rất nhanh, chạy đến đâu thì Ngài đi đến đó, giống như người ta đi với cái bóng không bao giờ có thể nhập vào cái bóng của họ được, tại vì hễ họ đi tới thì cái bóng chạy tới vậy. Cuối cùng Angulimala chạy một dặm đường dài ba do tuần mà cũng không bắt được Đức Phật nên Angulimala làm một việc bằng bản năng của mình, nói : "Này ông Samôn, hãy dừng lại." Thật ra mình rượt người ta mà bắt không được thì không ai biểu người ta dừng lại hết nhưng bởi vì lúc đó Angulimala rượt mệt quá mà không chạy theo được Đức Phật nên nói một câu rằng: "Này ông Samon hãy dừng lại." Thì Đức Phật bằng một thái độ rất ôn tồn Ngài nói với Angulimala rằng: "Này Angulimala, chính ngươi là người đang chạy, còn Như Lai là người dừng lại từ lâu rồi." Angulimala mới hỏi Đức Phật, "tại sao ông lại nói ông dừng lại mà tôi rượt hoài mà không tới được." Thì Đức Phật Ngài cho biết rằng Ngài đã dừng lại ở trong cái tham vọng cá nhân, ở trong các sự việc tạo ác nghiệp bằng đao trượng làm hại cho người khác, Ngài đã dừng lại. Và ý nghĩa chữ dừng lại ở trong một vài câu nói ngắn như vậy, làm cho Angulimala thật sự thay đổi hoàn toàn, Angulimala đã trở thành một người mà thật sự dừng lại ở trên một con đường mà vốn dĩ Angulimala không bao giờ nghĩ rằng mình có thể dừng lại. Câu chuyện thứ ba. Một vị danh tăng đời sống của Ngài là một đời sống chúng tôi rất kính mến, Tên Ngài rất đặc biệt là Buddhadasa. Chữ dasa có nghĩa là người tôi tớ, có nhiều người dịch là Phật-nô, có người dịch là Phật-sứ, người Tây Tạng như Pháp Sư Thánh Nghiêm gọi Ngài là Phật-sứ, sứ tức là sứ giả của Đức Phật. Ngài là một người rất thông minh, Ngài học ở Bangkok tuy rằng không có bằng cấp cao nhưng lại là một người rất sáng và Ngài viết nhiều quyển sách hay về nền văn hoá của đạo Phật, văn hoá của Thái Lan, nhưng Ngài sớm nhận thấy được một điều rằng đời sống của Tăng sĩ ở tại Bangkok chỉ là đời sống bị những gót bùn danh lợi làm cho bẩn chật nên Ngài đã làm một quyết định hết sức quan trọng là bỏ học nửa chừng để về lại quê hương của Ngài sống trong khu vườn mà Ngài gọi là "Xưởng Mộc" mà chúng ta gọi là "Thông Viên" tức là một ngôi vườn theo sự giải thoát tự tại. Thì thưa qúi vị, khi Ngài về Ngài có viết một tập hồi ký rất đặc biệt ở trong tập hồi ký này Ngài kể về những tháng ngày đầu tiên Ngài về với "Xưởng mộc" và Ngài đã sống ở trong đêm tối một mình nhưng mà sống trong sự tỉnh thức chứ không phải là Ngài sống ở trong sự ngủ nghỉ giống như những người sống bình thường. Ngài kể rằng: khi đêm phủ xuống và vạn vật bắt đầu ở trong cảnh ngủ yên nhất là xe trên đường không còn tiếng ồn nữa, khách không còn đến thăm nữa thì Ngài sống một mình trong cô tịch. Ngài viết lại một cảm giác ở trong đó và được một tác giả là Ngài Janissaro dịch lại trong hơn 10 trang giấy và chúng tôi đọc rất hoan hỉ. Ngài nói rằng khi cuộc đời sống trong màn đêm vạn vật đã bắt đầu ngủ thì Ngài trước kia có cảm giác là lúc con người trở lên rất thụ động, nhưng Ngài nói rằng chính những tháng ngày đầu ở xưởng mộc cho Ngài cảm giác rất đặc biệt, một khi một người có khả năng thức ban đêm và trong đêm trường tĩnh mịch đó mà mình thức được thì tự nhiên trí tuệ, sức sống, khả năng suy tư, khả năng lãnh hội của mình sắc bén lạ lùng, và Ngài nói rằng có những sự việc rất ưu việt mà thật sự xảy ra trong cuộc đời từ những hoàn cảnh rất là tịch lặng và thời gian ban đêm không những cho chúng ta một thời gian thích hợp mà cho chúng ta một không gian rộng lớn, không gian đó thật sự là thuộc hẳn về chúng ta không bị quấy rày chi phối bởi nhiều người. Chúng tôi nhắc qúi vị nghe ba câu chuyện: 1) Một nhà sư Mỹ mà trước kia đã từng là tài xế lái xe truck xuyên bang khi đi xuất gia rồi thì vị này nói một câu nghe rất ví von là cuộc đời của vị này trước khi vào đạo Phật thì giống chiếc xe có chân ga mà không có chân thắng, bây giờ có lúc vị này nói rằng mình không làm cái đó thì mình có khả năng không làm cái đó thì như là cuộc đời có chân thắng và vị này nó rằng là một tài xế lái xe truck nghĩ đến xe mà không có thắng hay là xe mà thắng hư thì là một chuyện khủng khiếp vô cùng thì Ngài thấy rằng đó là một điều không thể không suy nghĩ được. 2) Chúng tôi cũng có kể cho qúi vị nghe câu chuyện của Angulimala một người đã từng quát tháo với Đức Phật là này ông samôn hãy dừng lại nhưng cuối cùng từ kim khẩu của Đức Phật Ngài đã gọi ông Angulimala rằng "Như Lai đã dừng lại từ lâu rồi chính ngươi mới là người đang chạy đuổi theo khát vọng," thì điều đó làm cho Angulimala bỏ đao xuống để trở thành một thánh đệ tử của Phật. 3) Và chúng ta cũng nói về kinh nghiệm của Ngài Buddhadasa một bậc trí giả đã sống qua những kinh nghiệm cá nhân của mình, có những đêm Ngài sống hoàn toàn trong đêm trừ tịch mịch cho Ngài một tâm tư đặc biệt phi thường để lãnh hội để cảm nhận để suy tư, và Ngài cho rằng đó là những giờ phút mà Ngài cảm thấy thời gian như dừng lại và một không gian hầu như của riêng chính mình. Và lời sách tấn của HT đã cho tất cả chúng ta. Bây giờ thì thưa qúi vị chúng tôi muốn khuyến khích những Phật tử nào có khả năng làm được đó là trong cuộc đời có những đêm chúng ta thức trắng, thức trắng vì lo, thức trắng vì giận, thức trắng vì mê coi phim, thức trắng vì lỡ uống trà uống cafe mà không từ chối được, nhưng có lần nào đó chúng ta chỉ thức đơn thuần một lý do là hôm nay chúng ta sẽ thức với Đức Phật và ở dưới chân Đức Phật, chúng ta sẽ thức để cảm nhận xem trong đời chúng ta có lần nào mà mình ngoài cái chân ga còn có chân thắng, ngoài những giờ phút đuổi bắt theo những phiền não những hệ lụy trong cuộc đời này có lúc chúng ta cho mình một chút không gian một chút thời gian mà thật sự là của mình, thì thưa qúi vị đúng ra thì sự tu tập phát nguyện đến đâu thì lợi lạc đến đó không có nghĩa là qúi vị nhất thiết phải ở trọn đêm, tùy theo sức khỏe của mỗi người, nhưng trong cuộc đời này có một điều mà chúng ta không nên làm đó là đánh giá quá thấp về khả năng của chính mình, nếu chúng ta muốn và nếu chúng ta hoan hỉ thì chúng ta sẽ làm được, nó vượt ngoài sự suy nghĩ mà chúng ta thường thấy thường biết. Namo Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật |