Học Cách Chết
Brother David Steindl - Rast
Parabola Magazine
Nguyễn Văn Hoà trích dịch
Parabola: Mùa hè năm ngoái, đáp ứng lại lời mời của tạp chí Parabola để đóng góp cho vấn đề Học Cách Chết, Brother David đã nói rằng ông thực sự có gì đó mà ông muốn nói về cái chết, nhưng ông chỉ muốn nói chứ không viết về nó. Sau đây là một phiên bản đã được hiệu đính về những gì ông đã nói. Đây là một bài học có phẩm chất ưu tú.
Điểm duy nhất người ta có thể bắt đầu nói về bất cứ điều gì, kể cả sự chết, là khi người ta tìm thấy chính mình. Và đối với tôi là một tu sĩ theo dòng thánh Benedictine. Trong các quy luật của giòng thánh Benedict, từ ngữ "chết" luôn luôn rất quan trọng, bởi vì một trong những điều mà thánh Benedict nhắc tới là "khí cụ của những việc tốt" [có nghĩa là các phương pháp tiếp cận cơ bản trong cuộc sống hàng ngày của tu viện]—là thấy sự chết trước mắt bất cứ lúc nào. Lần đầu tiên khi tôi duyệt qua quy luật và truyền thống của dòng thánh Benedictine, điều đó là một trong những câu căn bản có sức thu hút và gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất. Nó đòi hỏi tôi kết hợp nhận thức về sự chết vào đời sống hàng ngày, vì đó chính là điều thực sự có tầm quan trọng. Điều thiết yếu không phải là nên nghĩ đến vào giờ phút cuối của con người, hay nghĩ đến sự chết là một hiện tượng của cơ thể; đó là cái nhìn của từng giây từng phút một trong cuộc sống, nhìn về sự chết ở chân trời, và đó là sự đòi hỏi để kết hợp sự nhận thức về cái chết vào trong từng giây phút một để sự sống trở nên đầy đủ ý nghĩa.
Tôi nhận thấy rằng phương pháp tiếp cận này đôi khi được trình bày rõ ràng hơn, đôi khi hoàn toàn hơn-trong tinh thần truyền thống khác nhau mà tôi đã tiếp xúc. Nó tất nhiên là rất mạnh trong Thiền của Phật giáo; nó có mặt trong Ấn Độ giáo và đạo Sufism. Đây là một trong những hành động cơ bản của con người mà người ta đối diện để được sống theo đạo pháp. Như tôi đã dùng thuật ngữ "tôn giáo," nó đề cập đến sự truy tìm cho ý nghĩa tối hậu của cuộc sống. Cái chết đã hiển nhiên là một trong những yếu tố quan trọng trong đó, vì đó là một sự kiện đã đặt trọn vẹn ý nghĩa của đời sống vào câu hỏi. Chúng ta có thể bận rộn với các hoạt động có mục đích, với các phần vụ phải hoàn thành, công việc phải trọn vẹn, và rồi tiếp theo là hiện tượng của sự chết-cho dù đó là cái chết cuối cùng của chúng ta hoặc một trong nhiều trường hợp tử vong mà chúng ta đối diện hàng ngày. Và cái chết đối diện chúng ta với mục tiêu thật sự cũng không đủ. Chúng ta sống theo ý nghĩa. Khi chúng ta đến gần với cái chết và tất cả các mục đích vượt ra khỏi bàn tay của chúng ta, khi chúng ta không còn có thể thao tác và kiểm soát mọi việc để đạt được những mục tiêu cụ thể, liệu đời sống của chúng ta có còn có ý nghĩa không? Chúng ta có xu hướng làm cân bằng mục đích với ý nghĩa, và khi mục đích bị mất đi, chúng ta đứng lại không còn ý nghĩa. Như vậy, có sự thử thách: làm thế nào, khi tất cả mục đích đã bị kết thúc, thử hỏi còn có thể có ý nghĩa gì không?
Câu hỏi này cho thấy tại sao trong các tu viện chúng tôi cố vấn hãy nhìn sự chết như đang xảy ra trước mắt chúng ta. Vì đời sống của tu viện là một con đường tích cực đối diện với câu hỏi có ý nghĩa của đời sống. Trong đó bạn không thể gặp khó khăn trong mục đích: có rất nhiều mục đích kết nối với nó, nhưng tất cả đều là thứ yếu. Với tư cách một vị tu sĩ, bạn hoàn toàn thấu hiểu được, và do đó bạn không thể bỏ qua câu hỏi có ý nghĩa này.
Điều khác biệt mà tôi đưa ra giữa mục đích và ý nghĩa không phải luôn luôn được duy trì cẩn thận trong ngôn từ và tư tưởng hàng ngày của chúng ta. Trong thực tế, chúng ta có thể tránh giải quyết nhiều rắc rối trong đời sống nếu chúng ta để ý đến những sự khác biệt. Chỉ cần một sự chú ý tối thiểu để nhận thức rằng thái độ nội tâm của chúng ta khi phấn đấu để đạt được một mục đích, một công việc cụ thể, thì khác biệt rõ ràng với thái độ mà chúng ta phản ảnh khi một việc gì đó đánh thức chúng ta với đầy ý nghĩa đặc biệt. Với chủ tâm, chúng ta phải năng động và nắm vững mọi việc. Chúng ta phải, như chúng ta nói, "dành quyền chủ động," nắm vững vấn đề," "chế ngự mọi việc," và sử dụng mọi trường hợp như là công cụ phục vụ cho mục tiêu của chúng ta. Nhưng châm ngôn được chúng ta dùng là biểu hiệu của hoạt động hữu ích có mục tiêu-định hướng, và do đó toàn bộ đời sống hiện đại thiên về mục tiêu có định hướng. Nhưng vấn đề sẽ khác nhau khi chúng ta đối diện với ý nghĩa. Đây không phải là vấn đề của sử dụng, mà là vấn đề về cứu rỗi thế giới chung quanh ta. Trong thành ngữ chúng ta dùng có liên quan đến ý nghĩa, chúng ta phải đặt chúng ta trong trạng thái thụ động nhiều hơn là chủ động: "Nó đã làm việc gì cho tôi"; "nó đã tạo cho tôi có cảm giác sâu đậm"; "Nó đã làm tôi thay đổi." Dĩ nhiên, tôi không muốn tạo ra đối nghịch giữa mục đích và ý nghĩa, hay giữa tính hoạt động và tính thụ động. Đây chỉ là vấn đề cố gắng điều chỉnh sự cân bằng trong xã hội hiếu động, tràn đầy mục tiêu của chúng ta. Chúng ta phân biệt giữa mục đích và ý nghĩa không phải là để tách rời hai việc này, mà là để kết hợp chúng lại. Mục tiêu của chúng ta là để ‘ý nghiã’ hòa hợp vào các hoạt động đầy mục đích của chúng ta bằng cách hợp nhất tính tích cực và tính tiêu cực vào trong sự cảm thông chân thực.
Cái chết đặt sự phản ứng của chúng ta trong thử thách cuối cùng. Trừ khi cái chết của chúng ta là đáp ứng đầy đủ và chót cùng cho đời sống, nếu không thì sẽ có sự va chạm tối hậu giữa tính chủ động và thụ động trong đời sống. Vì chúng ta quá chủ động theo một chiều trong đời sống, nên chúng ta chỉ nghĩ cái chết theo một chiều là thụ động mà thôi. Trong cái chết chúng ta thực là thụ động: một cách rõ ràng, sự chết là việc tiêu cực nhất có thể xảy đến cho chúng ta. Một thứ gì quá thụ động sẽ xảy đến cho chúng ta không cách gì tránh được. Tất cả chúng ta đều sẽ bị tiêu diệt bằng cách này hay cách khác, cho dù đó là do bệnh tật hay do tuổi già hoặc do một tai nạn hoặc do một số hình thức khác. Chúng ta cũng nhận thức rõ được khía cạnh này, nhưng không có mấy người nhận thức được rằng cái chết cũng là hoạt động cuối cùng. Một lần nữa, một vài "thành ngữ điển hình" có thể làm sáng tỏ điều này. Thí dụ, thật là một việc rất đáng kể là một hành động thụ động nhứt trong kinh nghiệm sống của chúng ta, gọi là sự.chết, hành động này không thể được diễn tả trong Anh ngữ bằng hình thức văn phạm thụ động. Không có hình thức thụ động cho động từ chết. Chúng ta có thể bị giết, nhưng chúng ta phải chết. Như đã được chôn sâu vào ngôn ngữ thuần túy của chúng ta một nhận thức rằng sự chết không chỉ là thụ động, ngay cả cũng không thể là thụ động sơ khởi, nhưng cuối cùng cũng lại là hình thức chủ động. Sự chết là điều mà chúng ta phải chấp nhận. Có lẽ chúng ta có thể bị giết mà không chết, việc này có thể giải thích qua những câu chuyện ma quái trong đó một ngôi nhà hay một căn phòng bị ma phá phách do sự hiện diện thường xuyên của một người bị giết nơi đây nhưng đã không thực sự chết. Hai sự việc này phải cùng xảy ra trong sự chết: Chúng ta làm điều gì và chúng ta đau khổ về điều gi`. Nhiều hơn thế nữa: chúng ta phải đau khổ về cái chúng ta làm và chúng ta làm cái mà chúng ta đau khổ. Việc làm và sự đau khổ này, việc cho và nhận này, đã góp phần vào sự phản hồi, những việc này được coi là trọng tâm của sự đối diện của chúng ta với cái chết, nhưng nó có một phạm vi rộng lớn hơn. Nó biểu thị đặc điểm của đời sống trong mọi khía cạnh. Đời sống, nếu không phải là cho và nhận, thì quả thật không phải là đời sống. Việc nhận tương ứng với giai đoạn chủ động, tương ưng với "mục đích" của chúng ta khi chúng ta làm việc gì, trong khi việc cho của chúng ta để đáp ứng với bất cứ thứ gì mà chúng ta trải qua là một cử chỉ có ý nghĩa trôi vào đời sống chúng ta. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng điều này không phải là chuyện chọn lựa cái này hoặc cái kia, đời sống không phải là cho hoặc nhận, mà là cho và nhận; nếu chúng ta chỉ nhận vào hoặc chỉ cho ra, thì chúng ta không sống còn. Nếu chúng ta chỉ lấy hơi vào chúng ta sẽ chết ngạt, và nếu chúng chỉ thở hơi ra thì chúng ta cũng chết ngạt. Trái tim bơm máu vào và bơm máu ra; và nó cho và nhận nhịp nhàng để chúng ta sống. Tuy nhiên, trên thực tế, sự thăng bằng thường bị đảo lộn trong đời sống của chúng ta. Chúng ta đặt tầm quan trọng quá nặng về sự nhận, về sự làm, về mục đích. Đối với một đời sống đầy ý nghĩa thì chúng ta thuộc về một "quốc gia thiếu mở mang." Bởi vì chúng ta tiếp tục gặt hái chỉ một nửa của cái cho và nhận trong cuộc sống, chúng ta chỉ sống có một nửa mà thôi.
Chúng ta có thể bắt đầu hoài nghi rằng cái cố tâm một chiều của chúng ta chỉ biết nhận không những ngăn chận cuộc sống cân bằng và đời sống an lạc của chúng ta, mà còn ngăn chận cả cái chết cân bằng và cái chết an lạc nữa. Đối mặt với viễn cảnh của cái chết, chúng ta chắc hẳn phải nói "Tôi không thể chấp nhận nó." Sau một cuộc sống trong đó chúng ta nhận và nhận, rồi cuối cùng chúng ta cũng vấp phải một điều mà chúng ta không thể chấp nhận được cái chết đến với chúng ta. Điều này rất là nghiêm trọng. Người ta có thể sống cả một cuộc đời chỉ biết nhận lấy, và cuối cùng tất cả những điều này sẽ cộng lại để lấy đi mạng sống của người ta, đó là một cảm giác tự tử thật sự. Nhưng chúng ta có thể tìm hiểu để cho ra. Việc này không đến dễ dàng, giống như là chúng ta sẽ sợ hãi phải cho ra, nhưng điều này có thể học được. Trong việc học tập cho ra, chúng ta học cả hai cách là sống và chết- chết không phải chỉ là cái chết cuối cùng của chúng ta, nhưng có rất nhiều trong những cái chết của cuộc sống hàng ngày làm cho chúng ta trở lên sống vững hơn.
Đây là điểm chính xác: bất cứ khi nào chúng ta hy sinh cho bất cứ một việc gì thay vì dành giựt và nắm giữ, chúng ta buông thả. Chúng ta không ngăn chận sự thực, chúng ta không cố gắng chiếm hữu, chúng ta không cố gắng nắm giữ, mà chúng ta buông thả, và mọi vật sẽ sống còn một khi chúng ta buông thả. Khi chúng ta ngắt một bông hoa thì nó sẽ không sống sót nữa; khi chúng ta múc nước ra khỏi giòng sông thì nó chỉ là một bình nước, nó không còn là giòng sông nữa, khi chúng ta thổi không khí vào một bong bóng thì không khí này không còn là gió nữa. Tất cả mọi thứ trôi chảy và sống còn phải được lấy và cho cùng một lúc – phải được lấy thật nhẹ nhàng. Ở đây một lần nữa chúng ta không so đo giữa cho và lấy, nhưng tìm cách làm cân bằng cả hai trong câu trả lời chính xác cho cuộc sống cũng như cho cái chết. Tôi nhớ lại một câu chuyện do một phụ nữ trẻ kể tôi nghe. Cô cho biết khi mẹ cô sắp qua đời cô hỏi bà mẹ "Thưa Mẹ, mẹ có sợ chết không?" và người mẹ của cô trả lời, "Mẹ không sợ, nhưng mẹ không biết phải làm như thế nào để chết." Người con gái xúc động, cô nằm nơi ghế dài và tự hỏi cô sẽ làm gì nếu cái chết xảy đến với cô, và sau đó cô trở lại bên người mẹ và trả lời. "Thưa Mẹ, con nghĩ là mẹ phải giao mẹ cho nó." Người mẹ đã không trả lời nhưng mà rồi sau đó bà ta nói, "pha cho mẹ một tách trà và pha cách mà mẹ thích, với nhiều sữa và đường, bởi vì nó sẽ là tách trà cuối cùng trong đời mẹ. Bây giờ mẹ biết chết như thế nào."
Suy tư nội tâm này về việc hy sinh bản thân, về việc buông xả từng lúc, là việc rất khó khăn cho chúng ta; nhưng có thể được áp dụng cho hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống. Chúng ta đề cập đến thời gian, ví dụ: có rất nhiều trở ngại về thời gian thư nhàn mà chúng ta gọi là "thời gian rảnh." Chúng ta nghĩ đến sự thư nhàn như là đặc quyền của những người có đủ khả năng để kéo dài thời gian (điều tà tà này sẽ kéo dài vô cùng tận!)- trong thực tế nó không phải là một đặc quyền gì cả. Sự thư nhàn là đức tính tốt, và là một thứ mà bất kỳ người nào cũng có thể đạt được. Đây không phải là vấn đề của nhận lấy thời gian mà là của cho ra thời gian. Sự thư nhàn là một ưu điểm của những người dành thời gian cho bất cứ thứ gì cần nhiều giờ--dành đầy đủ thời gian cho những việc cần thiết. Đó là lý do tại sao hầu hết chúng ta đều không có được sự thư nhàn. Chúng ta quá bận tâm với sự chiếm hữu, mãi lo đoạt làm của riêng. Do vậy, càng lúc càng có nhiều thời gian rảnh hơn, và càng lúc càng có ít đi sự thư nhàn. Thí dụ như, trong những thế kỷ trước khi mọi người đều có ít thời gian rảnh rỗi hơn, thì việc nghỉ hè không được ai nghe đến, nhung người ta rất tự tại, nhàn nhã trong khi làm việc; bây giờ người ta phải làm việc tân tụy hơn để được nghỉ xả hơi. Bạn tìm thấy những người làm việc từ sáng tới chiều với thái độ là "Hãy làm cho xong, hãy hoàn tất việc làm," hoàn toàn phục vụ cho mục đích, và chiều đến thì họ kiệt sức và không có thời gian để thực sự được nhàn nhã. Nếu bạn không làm việc thoải mái, thì bạn sẽ không thể nào vui chơi được thoải mái. Do vậy, họ phờ phạc, ngắc ngoải, hoặc khác nữa là họ cầm lấy cái vợt đánh tennis hoặc cái cây đánh goft và tiếp tục làm việc, để cho họ một buổi thể dục như họ nói.
Chúng ta có thể cười về điều đó, nhưng hãy nghĩ cho kỹ sự buông xả là một cái chết thực sự, thật sự chết, nó làm chúng ta hao tốn quá nhiều năng lượng, giá cả, như nó đã là, để được thật sự sống một cuộc sống chính xác của chúng ta từ kiếp này qua kiếp nọ. Vì điều này có vẻ là một trong những luật căn bản của đời sống; chúng ta chỉ có thể chịu thua. Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua việc một người bạn ngưỡng mộ một món gì của chúng ta, rồi cho đến lúc chúng ta đã cao hứng cho vật đó đi. Nếu chúng ta tiếp tục sống với sự cao hứng này-và một thứ gì đó có thể làm chúng ta thật sự thích, và chịu dằn vặt trong một lúc- rồi mãi mãi chúng ta sẽ có vật này; nó thật sự là của chúng ta; trong ký ức của chúng ta đó là cái gì chúng ta đã có và có thể không bao giờ mất.
Đó là tất cả các chi tiết với quan hệ cá nhân. Nếu chúng ta thật sự là bạn với ai đó, chúng ta phải luôn luôn nhường nhịn người bạn đó, chúng ta phải cho người bạn đó chút tự do -giống như người mẹ thường xuyên nhẫn nhịn đứa con mình. Nếu người mẹ cứ bám riết đứa con, đầu tiên hết đứa trẻ sẽ không bao giờ được sanh ra; nó sẽ chết trong bào thai. Nhưng ngay cả sau khi nó được sanh ra nó phải được tự do và ngày ngày phải được tung tăng thoải mái. Do đó có quá nhiều khó khăn giữa mẹ và con đã phát sinh ra từ việc này mà không ai có thể thoát được; và hiển nhiên là sẽ khó khăn hơn cho một người mẹ nếu bà sanh ra đứa con tuổi thiếu niên thay vì sanh đứa con tuổi thơ ấu. Nhưng điều nhẫn nhịn này không phải chỉ giới hạn cho các bà mẹ; tất cả chúng ta phải là mẹ của nhau, dù chúng ta là người nam hay người nữ. Trong phương diện này tôi nghĩ rằng làm mẹ cũng giống như đang chết; nó là cái gì mà chúng ta phải làm suốt trong đời sống. Và bất cứ khi nào chúng ta tương nhượng cho một người hoặc một vật hoặc một vị thế, khi chúng ta thật sự bỏ cuộc, là lúc chúng ta chết-đúng vậy, nhưng chúng ta chết trong sức sống lớn mạnh hơn. Chúng ta chết trong cái sống đồng nhất. Không chết, không chịu thua, có nghĩa là loại trừ bản thân ta ra khỏi dòng đời.
Nhưng sự nhường nhịn khác hẳn với chuyện làm cho người khác mất mặt; thật vậy, hai việc này hoàn toàn trái ngược nhau. Sự nhường nhịn là một hành xử có thiện ý, chớ không phải là một hành động đáng chê trách. [Tuy nhiên, sự thua thiệt thì rất khó làm cho con người gục xuống; thật vậy, có hai sự kiện đối nghịch chính xác. Nó là một hành động hướng lên để tỏ thiện ý, không làm sa sút người ta.] Từ bỏ đứa con, mà người mẹ nuôi nấng và săn sóc, cũng như bạn bè phải giúp đỡ nhau. Chúng ta không thể bỏ mặc tinh thần trách nhiệm đã được giao phó, nhưng chúng ta phải sẵn sàng trao nó ra, và điều này là sự mạo hiểm của cuộc sống, một sự mạo hiểm của sự cho và nhận. Một sự rủi ro to lớn xảy đến, bởi khi bạn sẵn sàng bỏ cuộc, bạn không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho sự việc hoặc cho đứa bé. Nếu bạn biết, thì mầm mống của lo sợ sẽ được triệt bỏ, nhưng sự bỏ cuộc sẽ không phải là một sự bỏ cuộc thật sự. Khi bạn bàn giao trách nhiệm, bạn phải tin tưởng. Sự tin tưởng đó trong cuộc sống là tâm điểm của tất cả các truyền thống tôn giáo. Nó được gọi bằng nhiều từ` ngữ khác nhau; Thiên Chúa Giáo gọi nó là niềm tin, và trong Phật giáo, tôi ngạc nhiên, nó cũng được gọi là niềm tin, mặc dù với một căn bản khác biệt với căn bản có trong truyền thống thánh kinh. Nó không phải là tin tưởng vào một điều gì hay một người nào, nhưng các tu viện Phật giáo đã có rất nhiều chú tâm đến sự căng thẳng giữa niềm tin và ngờ vực, niềm tin luôn luôn đứng trước sự nghi ngờ. Sự nghi ngờ của bạn càng lớn thì niềm tin của sẽ bạn càng lớn hơn-niềm tin trong thực tế cuối cùng, niềm tin trong chính bạn, nếu bạn mong muốn, bản ngã thật sự của bạn. Nhưng trong truyền thống Phật giáo cũng như Tin Lành niềm tin là dũng khí-dũng khí để bạn chống chỏi với nguy cơ trong cuộc sống, và trong cái chết, bởi vì cả hai không thể tách rời.
Vì vậy, ta có thể phân biệt được hai cách chết: một cách chết mơ hồ, nghĩa là bạn bị giết mà không thực sự chết; và một cách chết sống động, một sự phó thác cho định mệnh, đó là trao bạn cho sự chết và chết như vậy để được đi vào sâu trong cuộc sống. Nhưng điều đó cần phải thật can đảm, bởi vì luôn luôn có nguy hiểm, một bước đi vào sự vô minh. Cũng cần phải có đầy sức sống, và vì vậy tôi hơi miễn cưỡng khi chấp nhận Karl Rahner và Ladislas Boros nói về sự chết. Họ là hai nhà thần học Thiên Chúa Giáo người Đức đã viết nhiều về nội tâm của con người trước cái chết, nhưng cả hai đều đặt trọng tâm vào ý kiến của họ về những gì xảy ra trong giờ phút lâm chung của một người. Tôi phải nói rằng: Sự chết hiện diện khi bạn đang sống, bởi vì bạn không biết rõ bạn có thể làm nổi điều gì khi bạn suy nhược vì tuổi tác, yếu đuối, và bịnh hoạn.
Ở đây lại là một trong những điểm mà tôi nghĩ rằng sinh ra và chết đi rất gần giống nhau: cả hai sự kiện đều không thể chính xác được ấn định vào một thời điểm nào. Chúng ta không thực sự biết khi nào một người được sinh ra. Chúng ta chỉ có thể nói là người được sinh ra vào lúc được cắt rốn, nhưng một số người ra đời có thể là sau bốn mươi năm, hoặc ngay cả sau đó. Khi nào thì một người đến với cuộc sống? Tôi có thể tưởng tượng rằng ngay lúc mà người ta ra đời cũng là lúc mà mà người ta thực sự chết. Và tất cả những gì dẫn đến thời điểm đó, chẳng hạn bốn mươi lăm năm, là thời gian được dùng trong sự rèn luyện cho giây phút quan trọng đó; và tất cả mọi thứ theo sau là thời gian để mặc cho những chuyện tự nhiên dẫn đến. Có thể trong cuộc sống của một số người điều này xảy ra đột ngột, ngay trong khỏanh khắc, trong khi với những người khác điều này tuần tự xảy ra qua nhiều giai đoạn.
Hầu hết những gì tôi đã nói có nghĩa đơn giản là: hãy học cách chết, để khi đến giờ phút cuối cùng và nếu chúng ta vẫn còn hiểu biết, chúng ta có thể chết nhẹ nhàng. Nhưng ở bất kỳ tình huống nào hãy học cách chết, và điều đó có nghĩa là hãy học đi học lại cách chấp nhận cái chết; hãy buông bỏ mọi việc, hoặc hơn nữa là hãy chịu thua như bà mẹ chịu thua đứa con. Bỏ mặc có vẻ hơi tiêu cực, gần như là bỏ cuộc, tương nhượng là một hành vi hy sinh thật sự. Vì vậy, trong nhiều truyền thống bạn để ý thấy là trong suốt cuộc đời của chúng ta, chúng ta đào tạo để có một cái chết đúng nghĩa, điều này có nghĩa là đào tạo để xuôi theo dòng đời, để chấp nhận số phận. Và điều này được thể hiện qua các thành ngữ tiêu biểu cho việc nhận và việc cho, trong việc hướng dẫn cách thức mà chúng ta có thể tâm niệm cho cái chết; hãy cảm ơn thay vì lặng lẽ chấp nhận; hãy nhượng bộ thay vì chống trả; hãy tha thứ thay vì công kích; Những gì mà chúng ta phải nhận không làm chúng ta hạnh phúc; những gì mà chúng ta nắm giữ sẽ mục nát trong tay chúng ta; những gì mà chúng ta chỉ trích tạo thành một chướng ngại làm chúng ta không thể vượt qua. Nhưng trong sự cám ơn, sự nhường nhịn, sự tha thứ, dù chúng ta chết ở đây và ngay bây giờ nhưng chúng ta cũng sống mãi với đầy đủ nghĩa sống.
Thí dụ chúng tôi nói về cái chết nhe. nhàng so với cái chết đau đớn: Tôi giả sử cái chết mà chúng ta gọi là đau đớn là một cái chết dằn vặt và không thể chết an lạc. Có rất nhiều trường hợp khi người bác sĩ nói: "Tôi không biết tại sao bịnh nhân này cứ kéo dài cuộc sống đau khổ, nhưng có lẽ ông ta không bao giờ học cách buông xuôi, và như thế ông ta cứ bám mãi vào cuộc sống. Dần dần rồi ông ta cũng sẽ bị giết, nhưng ông ta không bao giờ học được cách để chết bình an." Cuối cùng, đó không phải là một giáo điều hoặc một lý thuyết, nhưng là việc mà bất kỳ người nào cũng có thể tìm được và trải qua trong cuộc sống, là khi chúng ta thực sự xuôi tay và chấp nhận cái chết, chúng ta chết nhưng không đi vào cái chết, mà là di vào một cuộc sống phong phú hơn; và khi chúng ta bấu víu vào cái gì mà đáng lẽ chúng ta đã phải buông bỏ, thì chúng ta chết và bị rữa mục. Vì vậy, chúng ta biết-không phải do bất cứ sự tương quan nào, nhưng do kinh nghiệm bản thân hàng ngày của chúng ta-rằng kết quả của một cái chết an lạc, một cái chết mà chúng ta chấp nhận, là sự trọn vẹn của cuộc sống, và kết quả của một cái chết ngược lại là sự hủy diệt, trong đó, chúng ta bị giết và không đành cam chấp nhận, hay Thánh Kinh còn gọi là cái chết thứ hai.
Việc khó khăn phải đề cập đến ở đây là cái chết thể xác của chúng ta, cái mà chúng ta buông bỏ là tất cả cuộc sống. Tôi cảm thấy rõ ràng rằng đôi khi chúng ta thất bại trong việc chú tâm đến mức độ nghiêm trọng của cái chết - tôi nghĩ, đặc biệt là những người đứng chung trên quan điểm tôn giáo. Đó có thể là một hình ảnh đẹp, nhưng nó sẽ không làm được gì nếu chỉ nói rằng "chúng ta rơi vào giấc ngủ." Chết không phải là rơi vào giấc ngủ; hơn nữa còn có một khác biệt trầm trọng giữa hai việc này. Và cũng không phải là nó giống như đi vào một đường hầm và đi ra phía bên kia. Tôi không muốn nói về "kiếp sau". Tôi đã từng xem cuốn sách, "Cuộc Sống sau cuộc sống," thật là thú vị, và tôi nghĩ rằng nó đề cập đến mọi khía cạnh, đến toàn thể các sự kiện diễn ra sau khi chúng ta quan sát dưới cặp mắt của người chết; nhưng tôi không quan tâm đến tất cả những điều đó. Như tôi đã nói, tôi khẳng định rằng chúng ta không thể xác định cái chết thực sự của chúng ta. Tuy nhiên, sự chết thật sự là mối quan tâm của chúng ta ở đây: đó là sự kiện mà qua đó mọi việc mà chúng ta biết về cuộc sống đi đến một kết thúc, trong mọi ý nghĩa. Nói về cuộc sống sau khi chết không có nghĩa gì cả, nếu chết là mức cuối của thời gian đối với một người chết. Và đó là những gì tôi muốn nói. Chết là sự kiện không còn gì sau đó. Xóa đi bằng chứng này có nghĩa là làm mất đi cái nhìn về mức độ nghiêm trọng của cái chết.
Nó là một hình ảnh về cái chết không gây tổn hại nếu chúng ta nghĩ rằng cơ thể chết, nhưng linh hồn vẫn sống. Có thật sự là có linh hồn cách biệt với một cơ thể và linh hồn đó hiện diện riêng rẽ độc lập hay không? Chúng ta biết một cách cụ thể chúng sinh có cả hồn lẫn xác. Toàn thể con người, có thể tiếp xúc với bên ngoài, là cơ thể. Cũng với chính toàn thể con người đó, có thể tiếp xúc với thế giới vô hình bên trong, là linh hồn. Trong sự kiện đó, chúng ta gọi là cái chết, đời sống con người đó đã kết thúc. Tuy nhiên, con người này bây giờ đang ngồi ở đây và đang nói chuyện, biết rằng bất cứ khi nào trong cuộc sống điều gì thật sự chết, đó không có nghĩa là hủy diệt, mà luôn luôn là một bước để tiến vào cuộc sống to lớn hơn; và do đó, con người này có thể vượt lên trong đức tin và có thể nói có, tôi cũng tin điều này trong cái chết cuối cùng, những gì tôi đang hướng đến là nền tảng của cuộc sống. Và đó là niềm tin trong sự sống lại, bởi vì sự sống lại không phải là sống sót; nó không phải là sự hồi sinh, hoặc sắp quay lại cuộc sống, hoặc bất kỳ một thứ phục hồi nào đó. Dòng đời không bao giờ có thể quay ngược lại. Với niềm tin, khi chết chúng ta sẽ đi vào một cuộc sống trọn vẹn.