Chết Sanh Về Đâu
TT Giác Đẳng
Như Trúc chuyển biên
Người niệm Phật cầu sanh về tịnh độ, sau khi chết được Phật rước về cõi cực lạc. Người tu thiền không cầu sanh về cõi nào, sau khi chết sẽ được di về dâu?
Trước nhất, phải nói thẳng rằng những người Phật tử về sau nầy quan trọng nhiều đến những gì xảy ra cho chúng ta sau khi chết. Tuy vậy, nếu chúng ta đọc kinh sách thời xưa thì chúng ta biết rằng người Phật tử thờ Phật quan trọng những gì mình đang sống ở trong kiếp nầy nhiều hơn kiếp sau. Một lần Đức Phật giảng cho những người dân ở Kalama, Ngài có nhắc một điều cho những người Kalama rằng nếu một người đã làm thiện, sống với một nội tâm trong sạch không tham, không sân, không si, hay một nội tâm an trú vào thiện pháp thì người đó biết chắc rằng bước đi kế tiếp sẽ tốt đẹp, họ không phải lo lắng về đời sau. Điều nầy cũng có thể là một tinh thần rất căn bản của những Phật tử vào thời Đức Phật, buổi sơ thời của Chánh Pháp, những thời kỳ đó con người chú trọng vào kiếp nầy hơn là kiếp sau. Mặc dù qua những câu chuyện của kinh Bổn Sanh thì chúng ta biết rằng có luân hồi, có đời trước có đời sau nhưng hành giả không quan trọng lắm về điểm nầy.
Điểm thứ hai là nếu nói về cảnh giới thọ sanh thì một người tu thiền sẽ sanh về đâu? Theo trong kinh Phật thì cảnh tương ứng với tâm của mình. Một người mà tâm tương đương sơ thiền thì họ sẽ chứng sơ thiền, họ sẽ về cõi sơ thiền, một người chứng nhị thiền thì họ sẽ sanh về cõi nhị thiền, một người chứng đạt quả vị giải thóat thì người đó sẽ viên tịch Niết-bàn, và một người sống với ý nghĩa tất cả thiện pháp thuộc về loài người thì sẽ sanh làm người, một người có tâm của chư thiên sẽ sanh về cõi chư thiên. Cũng tương tự như vậy một người có tâm giống như địa ngục sẽ sanh về địa ngục, một người có tâm giống như là bàng sanh sẽ sanh về bàng sanh. Thời Đức Phật còn tại thế có hai người tu sĩ ngoại đạo, hai người nầy chấp trì hai hạnh tu, một người thì làm hoàn toàn giống theo hạnh con bò, gọi là ngưu hành giả, một người làm hoàn toàn giống theo hạnh con chó, gọi là cẩu hành giả. Quý vị đừng cười là tại sao trên đời nầy họ không tu theo Phật, tu theo Thánh, theo Tiên mà lại tu theo hạnh con bò, con chó. Là vì quý vị có nghe ở bên Trung Hoa, những người học võ luyện tập theo những thế võ giống như những con vật thí dụ như là hầu quyền tức là luyện võ theo thế của con khỉ, xà quyền như là con rắn hay là hạc quyền giống như con hạc, hổ quyền giống như con cọp chẳng hạn. Người Ấn Độ họ tin rằng loài vật có bản năng thuần tính, con nào có thuần tính đó, không giống như loài người. Điều quan trọng là làm sao để mình làm giống. Mình có nỗ lực có gia công thì ở đó mình sẽ gần với Thượng Đế nên họ có những hạnh tu rất là lạ. Hạnh tu ở Ấn Độ có nhiều thứ lạ lắm, nhưng ở đây có hai người đã bỏ ra cuộc đời của họ, một người chuyên hành hạnh của con chó, và một người chuyên hành hạnh của con bò. Họ hành cả 2/3 cuộc đời như vậy, hành rất chin chắn, đem tất cả tâm thành để thực hành. Rồi một hôm hai người rủ nhau tới gặp Đức Phật và họ đem những gì họ thực hành trong đời sống để trình bày với Đức Phật, xin Đức Phật cho biết ý kiến nếu họ thực hành như vậy thì kiếp sau họ sẽ như thế nào. Đức Phật im lặng không trả lời, những người nầy hỏi lần thứ hai Đức Phật cũng im lặng, hỏi lần thứ ba và với một thái độ rất khẩn khoản thì Đức Phật dạy rằng: “Lẽ ra thì Như Lai không nói, nhưng tại vì hai vị đã hỏi đến 3 lần và hết sức khẩn khoản nên Như Lai sẽ nói. Những ai ăn, ngủ, đi, đứng, suy nghĩ, hành động như con bò thì kiếp sau sẽ sanh làm bò. Những ai ăn, uống, suy nghĩ, hành động như con chó thì kiếp sau sẽ sanh làm chó, không thể khác hơn được." Và như vậy một người mà muốn sanh làm chư thiên, người đó phải tạo những phước thiện và suy nghĩ giống như chư thiên. Chư thiên có những đặc tánh như bố thì, trì giới. v.v… thì chúng ta nếu suy nghĩ như chư thiên, hành động như chư thiên thì sẽ sanh làm chư thiên.
Con người, chúng sanh có tỉnh giác, chúng sanh biết cải thiện đời sống của mình, chúng sanh biết làm thế nào để mình khá hơn thì những ai sống có khuynh hướng cải thiện đời sống thì họ đang sống như con người, làm như con người thì kiếp sau họ sẽ sanh làm người. Nhưng chúng sanh nào chỉ biết hướng ngoại mà không biết hướng nội, chúng sanh nào chỉ vọng móng đến ngoại cảnh, họ suy nghĩ như loài vật, họ sẽ sanh làm loài vật, và những chúng sanh nào cũng mong muốn để làm khổ người khác, chúng sanh đó suy nghĩ giống như địa ngục thì họ đang tạo ra những địa ngục và họ sẽ sanh vào địa ngục. Không thể khác hơn. Vì vậy ở trong kinh Đức Phật dạy
Nay vui đời sau vui
Người thiện hai đời vui
Vui thấy mình làm thiện
Sanh cõi thiện vui hơn
Nhưng mà
Nay khổ đời sau khổ
Kẻ ác hai đời khổ
Buồn thấy mình làm ác
Sanh cõi khổ buồn hơn
Quý vị thấy câu kệ của Đức Phật trong ý nghĩa thứ hai mà chúng tôi muốn nói là chúng ta sống với tâm tư an trú như thế nào thì cảnh giới thọ sanh sẽ tương ứng như vậy.
Bây giờ trong ý nghĩa thứ ba mà cô hỏi rằng nếu người tu thiền hay làm phước mà không cầu sanh về cõi nào thì chết đi về đâu? Thật ra cho dù chúng ta có cầu được phước hay không cầu được phước thì vẫn có một số phước nhất định chứ không phải là không có phước. Nhưng nguyện lực của chúng ta sẽ hướng điều đó trở thành một cái gì đó, như vậy có hai quả phúc, một quả phúc tự nhiên và một quả phúc là do hướng nguyện.
Quả phúc tự nhiên ví dụ như một người trì giới, trì giới thì tâm giống như chư thiên, vậy thì họ sẽ được sanh về chư thiên, hay là họ tu, họ chứng sơ thiền, tâm của họ giống như một vị phạm thiên ở cõi sơ thiền thì họ sanh về cõi sơ thiền, đó là quả phúc của tự nhiên.
Còn quả phúc hướng nguyện thì có trường hợp, một người đến gặp Đức Phật Padumuttara, nhìn thấy Đức Phật có một vị thượng thủ thinh văn đầy trí tuệ, vị nầy làm một phước lành và quỳ xuống xin phát nguyện là do tất cả những phước lành đã tạo, đời sau trở thành một vị thượng thủ thinh văn như là thượng thủ thinh văn của Đức Phật Padumuttara. Đức Phật ghi nhận và thọ ký cho điều đó, sau nầy vị đó sanh làm Ngài Xá Lợi Phất. Sở dĩ Ngài Xá Lợi Phất nguyện trở thành thượng thủ thinh văn vì trước mặt Ngài có hình ảnh của một vị thượng thủ thinh văn, Ngài biết xác thực hình ảnh đó. Có một bà Phật tử trong thời Đức Phật Dīpankara, bà nhìn thấy Đức Phật có một vị nữ đại thí chủ, bà nầy làm phước và cũng phát nguyện xin cho đời sau mình được trở thành một vị nữ đại thí chủ của một vị Phật như vậy, về sau người đó sanh ra là bà Visakha, trở thành nữ đại thí chủ trong thời Đức Phật. Nếu mình phát nguyện điều gì mà mình nhìn thấy điều đó thì điều đó là một biểu hiện rất tốt. Trong túc sanh truyện cho chúng ta thấy rằng những người phát tâm cầu giải thoát thường đối diện với Đức Phật, với các bậc thánh và họ phát nguyện rằng xin cho con chứng đắc những pháp mà Ngài chứng đắc bởi vì vị nầy nhìn thấy trí tuệ, nhìn thấy thông thái, nhìn thấy lục căn thanh tịnh và do vậy phát tâm xin được chứng đắc những gì mà vị ấy chứng đắc.
Bây giờ chúng ta lại đi qua một vấn đề khác là nếu chúng ta phát nguyện một điều gì cho kiếp sau mà chúng ta không rõ điều nguyện ấy là gì cũng như nhiều người nghe về cõi Niết Bàn, hay về Thiên Đàng nhưng mình không biết Thiên Đàng, Niết Bàn là như thế nào thì việc đó là một vấn đề khác. Trong Trường Bộ Kinh, Đức Phật có dạy rằng giống như một người nhìn thấy một cầu thang mà cầu thang đó lên tới đâu thì vị đó không biết, chỉ có cầu thang thôi, hay là một người đứng giữa ngã ba đường trên khuôn mặt đẫm nước mắt sầu thảm, có một người khác đi ngang hỏi tại sao bạn buồn như vậy thì người nầy nói rằng tôi vì tương tư một người mà khổ, và người đó hỏi rằng bạn tương tư ai đó, người đó trắng đen cao thấp mập ốm thì người nầy không biết. Nếu tương tư một người mà mình không biết thì đó chỉ là một hư tưởng mà thôi. Vì vậy cho dù đó là danh từ Niết-Bàn, cho dù đó là danh từ cực lạc, cho dù đó là danh từ thiên đàng, cho dù đó là bất cứ danh từ gì mà chúng ta không biết rõ mà chúng ta hướng nguyện thì đôi lúc cái nguyện đó không thành tựu như chúng ta mong muốn. Một số người ở Việt Nam thì mong muốn được ra xứ ngoài, nhưng họ mong muốn chỉ vì người khác đi ra xứ ngoài, thì họ nghĩ xứ ngoài có nhiều tiền như vậy thôi chứ không có hình ảnh gì rõ ràng cụ thể để cho mình biết mình ra xứ ngoài làm gì. Đây là một điểm cần phải nói rõ khi mình đề cập đến nguyện lực. Do vậy những người lập nguyện thường là họ đối diện với một bậc giải thóat hay thường họ ở trong một hoàn cảnh nào đó mà họ có thể thấy rõ những gì mà mình muốn thì nguyện đó sẽ thành. Có một người thọ bát quan trai, ngày hôm đó họ bị một chứng bịnh qua đời, trong lúc họ sắp qua đời thì họ nhìn thấy một người giàu có đi ngang, tự nhiên trong lòng họ nghĩ là một người giàu có như vậy thật là có phước và do phước tu bát quan trai ngày hôm đó và do hình ảnh đó đập vào mặt của họ mà người đó tái sanh, sanh vào một gia đình giàu có.
Thông thường những nguyện lực của đời sống dễ thành tựu đi với phước hạnh và người tây phương cũng có câu rằng: “Bạn hãy coi chừng những gì mà bạn mong muốn nó có thể trở thành sự thật.” Hầu hết chúng ta đều sợ rằng cái nguyện không trở thành sự thật nhưng một người có trí thì hãy coi chừng cái nguyện rất có thể trở thành sự thật, nhất là những người đang tạo việc phước đức, việc tốt có phước báu thì những gì quý vị mong muốn rất dễ thành sự thật, và phải coi chừng những ý mong muốn đó vì có khi những mong muốn đó khiến cho chúng ta trầm luân sanh tử cũng có, chứ không phải không có. Giả sử như chúng ta thấy một người có nhiều quyền thế, người nào quá giàu có hay là một người nào có nhan sắc quá đẹp đẽ chúng ta tình cờ đọc trên một tờ báo chẳng hạn và chúng ta đang làm việc phước thiện nào đó mà quý vị có tâm mong cho đời sau hay phải chi mình được như vậy thì không chừng việc đó được trổ quả như vậy, thì quý vị sẽ không cảm thấy mình vui vì đó chỉ là một sự mong muốn mang tính cách nông nỗi nhất thời mà thôi. Đó là câu trả lời cho câu hỏi của cô Hoa Lan.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.