dieuphap.com Trang Chính |
TT Giác
Ðẳng trong room Phật Pháp Buddhadhamma ngày 29-07-2010
Nếu phải khóc cho tất cả người thân thì nước mắt nào cho đủMinh Hạnh chuyển biên Hôm nay chúng ta học về tỳ kheo ni Ubiri, và vị tỳ kheo ni này có lẽ rất ít khi qúi vị được nghe bởi vì ngay cả trong tự điển Phật học về danh từ riêng cũng không có nhắc đến vị tỳ kheo ni này. Vị này nguyên là một mỹ nhân ở trong thành Xá Vệ rất đẹp và được nhà vua sủng ái đem vào cung làm phi tần. Thời đó có một sự việc giống như bên Trung Hoa là ở trong các số phi tần mà người nào sanh con và đứa con được vua yêu mến thì nhà vua lập làm hoàng hậu. Nàng Ubiri cũng vậy vào cung là nhờ nhan sắc nhưng lên làm hoàng hậu là do sanh được một bé gái kháu khỉnh và nhà vua đặc biệt rất thương, tên là Jivà. Công chúa Jivà ra đời chỉ có vài tháng rồi bị bịnh mà mất, thời đó thuốc men không giống bây giờ, con người sống thì đúng là do cái nghiệp. Người ta đưa Jivà ra nghĩa trang, thật ra nghĩa trang của Ấn Độ khác với nghĩa trang của chúng ta, nơi đó là nơi hỏa táng, rồi người ta có những nơi để hủ cốt của những người mất. Ubiri một lúc mà mất hai thứ; một là mất đứa con yêu qúi của mình là nấm ruột do mình sanh ra, Ubiri cũng thấy rằng đứa con đó là một nhịp cầu khiến cho sự sủng ái của nhà vua đặc biệt đối với nàng. Bây giờ nàng ở trong thân phận của một người mất mát thật nhiều, mất chỗ đứng ở trong lòng nhà vua và điều đó cũng thật sự không quan trọng bằng mất đứa con thân yêu. Nàng đến chùa để gặp Đức Phật nghe Đức Phật thuyết pháp, nhưng tâm trạng nàng không đủ để nàng có thể lãnh hội được Phật Pháp do đó nàng lại rời chùa đi đến bờ sông Aciravàti, bờ sông đó cũng là nơi để cốt của nghĩa địa, nơi mà người ta đã hỏa thiêu đứa con gái của nàng. Nàng đứng đó thật lâu, khóc thật nhiều, khóc vì sự mất mát, khóc vì thương nhớ con và không biết là mình khóc để làm gì. Trong câu chuyện này chúng ta thấy rằng Đức Phật đi đến và đã gặp nàng, Ngài đã hỏi rằng nàng khóc ai? khóc điều gì? Tại sao nàng khóc? thì nàng nói rằng: - Bạch Thế Tôn, con khóc đứa con gái của con. Và đây là câu nói của Đức Phật: - Tại nghĩa địa này có đến tám vạn bốn ngàn con gái của nàng bị thiêu. Vậy nàng khóc than cho ai!. Thưa qúi vị, ở đây là đoạn kinh mà có rất nhiều lần chúng tôi có nói với qúi vị là ở trong Phạn ngữ khi người ta diễn tả một con số nhiều vô số hay nhiều thật là nhiều thì người ta dùng hai thành ngữ; một là năm trăm, hai là tám muôn bốn ngàn. Thí dụ trong kinh nói là Đức Thế Tôn Ngài ngồi đó có năm trăm thương buôn đi qua, hay Ngài Xá Lợi Phất thuyết pháp cho năm trăm người thương buôn. Thì không có nghĩa là con số 500 là 500 mà ở đó chúng ta nói là hàng trăm người thương buôn, như là một buổi lễ thường chúng ta nói rằng có hàng trăm người đến thì đó nói là có 500 thương buôn. Điều thứ hai là khi người ta nói con số tám muôn bốn ngàn thì con số tám muôn bốn ngàn đó là con số thật nhiều, nhưng người ta có thể chia ra nói là một phần tư (1/4) thì nó có bốn muôn hai ngàn, hay là mình nói rằng hai muôn một ngàn hay là một phần hai (1/2) bốn muôn hai ngàn. Nhưng mà những con số đó nó không có đích xác là con số. Ở đây Đức Phật Ngài nói rằng ở trong nghĩa địa này có đến tám vạn bốn ngàn, chữ tám vạn bốn ngàn đó tương đương với tám muôn bốn ngàn con gái của nàng bị thiêu vậy nàng khóc cho ai? Rồi Đức Phật Ngài đã đọc lên bài kệ: Hỡi nàng Ubirì, Ở đây, là một câu nói rất đặc biệt của Đức Phật khi Ngài nói rằng: "Ở trong nghĩa địa này có tám muôn bốn ngàn người tên là Jivà, vậy nàng khóc Jivà nào?" Có thể bình thường chúng ta nghe như vậy thì nghĩ rằng: làm sao được, nhiều lắm là một trăm, hay hai trăm người, hay một ngàn người, vậy tại sao mà tất cả tám muôn bốn ngàn người cùng tên là Jivà? Thật ra lời dạy của Đức Phật là lời dạy có tánh cách xúc tác làm cho nàng suy nghĩ và thấy rằng giữa cái tổng thể cái cá thể nó là nhất thể. Chúng ta nói như vậy là đứa con của nàng và cũng như tất cả những người khác ở trong nghĩa trang này đều có một thứ giống nhau, thứ giống nhau đó là chúng ta nói về hiện tại thì tất cả đều đi qua cái chết, mọi người đều phải trải qua sự đau khổ phân ly vĩnh biệt người thân. Chúng ta nói về chiều dài của thời gian thì quả thật từ vô lượng kiếp cho đến bây giờ đã có rất là nhiều lần nàng khóc, không phải khóc cho một đứa con mà là khóc cho nhiều đứa con, không phải khóc cho một lần phân ly tử biệt mà đã có muôn vạn lần bao nhiêu là phân ly tử biệt như vậy, và hình ảnh đó đã lớn hơn. Bây giờ khi mà chúng ta khóc là chúng ta khóc là có tánh cách riêng biệt ở trong giờ phút này, cho một người, nhưng mà chúng ta quên đi hình ảnh lớn, Đức Phật Ngài muốn nhắc cho nàng Ubiri biết về một hình ảnh lớn. Nàng thấy câu nói của Đức Thế Tôn lạ do đó đã suy nghĩ và từ sự suy nghĩ nàng đã khai triển thiền quán và đắc đạo chứng quả, nàng nói lên nửa bài kệ sau: Mũi tên khó nhìn thấy (Mũi tên mà bình thường nó đâm vào trong người mình thì mình thấy rất dễ nhưng mà khi mà bị đau khổ vì mất mát hay là nỗi chua xót trong lòng thì giống như một mũi tên vô hình đâm vào trong tâm tư của mình:) Nay mũi tên được nhổ, Đối với Ubiri thì một việc quan trọng là Phật Pháp là một phương lương dược nhiệm mầu, như là một phương cách để nhổ đi mũi tên, mũi tên rất đau, rất đau ở trong lòng. Ở đây chúng ta tìm thấy hai hình ảnh tương đối khác biệt; ở trong xã hội Tây Phương khi mà mũi tên bắn vào trái tim thì làm cho người ta liên tưởng đến tình yêu, một người có tình yêu chớm nở trong lòng. Nhưng ở trong văn hóa Ấn Độ thì mũi tên bắn vào trong tim là nói lên con người chịu nỗi đau vô hình, nỗi đau trầm thống, nỗi đau không thể san bằng được như trường hợp của nàng Ubiri, mất đứa con không biết phải làm gì với nỗi đau thống khổ đó và nàng đã khai triển thiền quán qua câu nói của Đức Thế Tôn và đắc đạo. Thì dĩ nhiên là sau khi nàng đắc đạo chứng quả trở thành một vị tỳ kheo ni và do vậy về sau này người ta gọi Theri - Trưởng Lão Ni. Chúng ta trở lại với câu chuyện ngày hôm nay. Không phải là một lần mà là nhiều lần, và có lẽ qúi vị thường nghe hai câu chuyện quen thuộc của nàng Kisà Gotami và nàng Patacara, ở đây cũng là một câu chuyện khác về nỗi bất hạnh của một người phụ nữ. Người phụ nữ vốn sống thường trông cậy vào gia đình, người phụ nữ sống vốn rất là yêu thương nấm ruột của mình là đứa con, khi đứa con mất đi thì thật sự có những người đã điên loạn như Patacara, có những người trở lên khùng như Kisà Gotami, ở đây Ubiri đã có một cái sầu khổ khác tuy rằng chưa đến chỗ điên loạn nhưng mà đứng đó mà khóc, khóc hoài mà nước mắt không hết, nước mắt vẫn cứ chảy nhưng mà nỗi đau thì vẫn còn đó, có nhiều khi người ta tưởng đâu là khóc nhiều cho hết khổ, nhưng mà quả thật là nỗi đau đó cứ chạn đi chạn lại. Đức Phật Ngài đã đưa ra một câu hỏi trong câu hỏi đó chúng ta mới nghe thì rất là lạ nhưng mà Đức Phật hỏi: Tại sao nàng khóc? - Dạ con khóc vì đứa con thân yêu bị chết. Thì Đức Phật nói rằng: Ở trong nơi này có tám muôn bốn ngàn người đã mất, tám muôn bốn ngàn người tên Jivà. Vậy nàng khóc cho ai? Thật ra câu nói của Đức Phật có tính cách là dẫn dụ để cho tâm tư của nàng suy nghĩ, cái suy nghĩ đó nàng sẽ thấy rằng cái khổ mà mình đang mang nó chỉ là một ở trong bao nhiêu cái muôn trùng. Chúng tôi nhớ có một lần chúng tôi gặp một người mà họ rất là phiền não, phiền não là bởi vì người khác họ khen họ chê, khi mà họ chê người này vốn là có nhiều tự ái, có nhiều thái độ mà luôn luôn tìm cách để bảo vệ chính mình, mà rất là nhạy cảm, rất là mẫn cảm với lời khen chê của người khác, nhưng mà người ta khen chê thì người Phật tử này cảm thấy hụt hẫng cảm thấy rất là khổ sở, rồi vị đó đến gặp Ngài Hoà Thượng, thì Ngài HT ở chùa Ngài ngồi Ngài nói rằng: - Nếu mỗi lần ai chê mình một tiếng là mình khổ như vậy thì suốt cuộc đời mình sẽ khổ vì nhiều người họ hay chê lắm, làm cái gì họ cũng chê hết. Ngài HT nói một hồi thì vị đó tỉnh ngộ. À, chuyện đó không phải là một mà nó là muôn trùng, chuyện đó không phải là một mà nó là vô số, việc đó không phải là một mà mình phải có bức tranh rộng lớn hơn, bức tranh đó bao gồm quá khứ hiện tại, bức tranh đó bao gồm cá thể và đại thể, và khi mà chúng ta nhìn thấy chung như vậy thì chúng ta sẽ thấy rằng tất cả đều giống nhau. Cái chữ tất cả đều giống nhau nó là cái khó. Đức Phật ở đây Ngài không nói tất cả giống nhau, Ngài nói rằng ở trong nghĩa trang này có tám muôn bốn ngàn người chết tất cả đều tên Jivà, ý Ngài nói rằng tất cả đều giống nhau, cái giống là sống thì phải chết, giống là đều đi qua nhịp cầu sinh tử, giống đó là một người chết đi để lại cho người thân mình nhiều chuyện khổ. Nếu nó đã giống như vậy, cá thể nó như vậy và đại thể nó như vậy, một cũng vậy, một trăm cũng vậy, một ngàn cũng vậy thì bây giờ chẳng lẽ một người trong suốt cuộc đời cứ tiếp tục sầu hận bi ai, tiếp tục thương, tiếp tục buồn khổ cho một điều mất mát mà nó chỉ là một nhịp đi. Trong kinh Pháp Cú có những câu rất hay, Đức Phật Ngài nói rằng tất cả pháp hữu vi là vô thường, tất cả pháp hữu vi là khổ não, tất cả pháp hữu vi là vô ngã Sabbe sankhara aniccati - Các pháp hữu vi là vô thường Sabbe sankhara Dukkhatati - Các pháp hữu vi là khổ Sabbe dhamma Anattati - Các pháp là vô ngã. Khi mà chúng ta nói tất cả pháp hữu vi là vô thường, tất cả pháp hữu vi là khổ não, tất cả pháp là vô ngã. Sabbe dhamma hay sabbe sankhara - tất cả pháp. Chữ tất cả pháp nó cho chúng ta hình ảnh lớn, lớn hơn là cái mình đang có. Chúng tôi thường nghe người ta hay nói đến nhất thể, thí dụ người ta nói "đông tây nhất thể", chữ nhất thể đó người ta nói hời hợt ở bên ngoài rất là diệu đạo mà thôi. Chữ nhất thể mà đạo Phật nói nó có một cái gì đó hoàn toàn giống nhau, hoàn toàn tương đồng. Tất cả các pháp hành đều vô thường. Và khi mà Ubiri nhận ra điều này thì nàng nhổ được mũi tên ra khỏi tâm tư của mình. Hồi chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi rất là nhạy cảm đối với những lời chỉ trích hay mắng chửi của người khác với mình, nhưng khi ra đời làm việc rồi thì thấy rằng mình làm chuyện gì thì cũng có người khen kẻ chê, cũng có người họ mạ lị thật là nặng nề. Chúng tôi lấy một thí dụ là ngay cả làm việc trong paltalk (bây giờ thì đỡ rồi) đôi khi người ta ma lị mình nhiều chuyện tức cười lắm nhưng lâu ngày thì mình thấy rằng nó phải như vậy nó không thể khác hơn, nó như vậy thì là như vậy. Và khi mình nhìn thấy như vậy thì mình không còn đặt vấn đề cái này thật sự là cái duy nhất, cái này là cái không bao giờ có thể san bằng được, cái này là cái mà tuyệt đối, mình làm mất thì mình phải khổ. Tại vì sao? Tại vì nó đồng một thể tánh của vạn pháp. Câu hỏi của Đức Phật là câu hỏi đánh động được tâm tư của nàng Ubiri. - Ở trong nghĩa trang này có tám muôn bốn ngàn người chết tất cả đều tên Jivà, người nào là con của nàng? Câu hỏi của Đức Phật không đơn giản, câu hỏi đó khiến cho nàng động não, câu hỏi đó khiến cho nàng bắt buộc phải suy nghĩ, câu hỏi đó khiến cho nàng thấy được vấn đề là đức con nàng không phải là trường hợp duy nhất cá biệt, và sự mất mát đó nó không phải là một lần mà nó đã vô số ở trong vô lượng kiếp, sự mất mát đó nó không phải chỉ riêng nàng mà của tất cả những người hiện hữu ở trong đời này, không riêng gì những người sống và những người đã bỏ mình trong nghĩa địa. Thì hình ảnh chung đó nó làm cho chúng ta mất đi cái phản ứng cá nhân. Người Anh họ có một câu nói rất bình thường mà đôi khi tùy theo hoàn cảnh mà cũng khó mà "take it personal" Thí dụ như Ngài HT ở trong chùa HT giảng là: "Mình ở trong chùa mình nên làm cái này không được làm cái kia." Nhưng có vị nào đó take it personal, nghĩ là Ngài HT đang la mình. Cái nghĩ là Ngài HT đang la mình đó là take it personnal. Con người chúng ta thì hay liên tưởng đến "Đây là ta" "Đây là của ta" "Đây là tự ngã của ta." Và chúng ta cũng đặt vấn đề nó có riêng rẽ, cái riêng rẽ đó đặt ra để cho chúng ta thấy được cái sở hữu của mình, cái riêng rẽ đó đặt ra để cho chúng ta thấy được là chúng ta thuộc về cái gì đó. Nhưng mà khi cái riêng rẽ đặt ra thì chúng ta quên rằng nó có một điều chung một điều đại thể như vậy, không phải một lần đâu, như là chúng ta nghe nàng Patacara cũng khóc người thân, nàng đi đến gặp Đức Phật thì ở trong nỗi đau đó, nỗi đau cùng cực đó, nàng đã được nghe Đức Phật Ngài nói một câu: "Từ vô lượng kiếp nàng khóc đã nhiều rồi sao bây giờ còn khóc nữa" và "xưa thì nước đại dương ít hơn nước mắt sầu thương của người." Nàng mới cảm thấy rằng cái khổ này nó chỉ là một chấm ở trong muôn trùng, không biết là bao nhiêu, nếu mình khóc một lần mà mình khóc giải quyết được vấn đề thì đáng khóc, nhưng khóc mà đối với trăm ngàn muôn vạn tám muôn bốn ngàn, chúng ta nói là vô số lần để mà khóc thì cái khóc không có ý nghĩa, cái khóc đó vô nghĩa lắm Nói về điểm này thì chúng tôi nhớ năm đó thân phụ của chúng tôi mất và về quê ngoại thì có ngoại đùm bọc, ông ngoại cho thân mẫu anh em chúng chúng tôi một mảnh ruộng. Trong đời chúng tôi thì sau khi thân phụ mất rồi về quê ngoại chúng tôi mới biết làm ruộng, nhưng làm ruộng thì cảm thấy rất vui, nhất là cày cấy xong nhìn lúa mọc lên đồng ruộng xanh mướt. Sau có một ngày chúng tôi ra ngoài ruộng nhìn thấy trâu của ai đó vô ruộng dẫm đạp cũng năm bẩy bụi lúa, tức là họ đi tô thay vì họ dẫn trâu đi trên đường đê thì họ dẫn trâu đi dưới ruộng dẫm đạp ruộng lúa thì tự nhiên rất là bực bội rất là phiền não, tại vì thứ nhất là mình thương mảnh ruộng thương lúa đó và bây giờ có người dẫm đạp, mà bây giờ truy tìm thì biết ai mà truy chỉ ngồi đó giận thôi. Chúng tôi nhớ lúc đó ông ngoại cũng đi ra ngoài, chúng tôi nhớ hoài hình ảnh của ông ngoại mặc bộ đồ bằng vải trắng miệng ngậm điếu thuốc và ở trong đi ra, thấy ông ngoại chúng tôi gọi và nói cho ông ngoại biết là có trâu của ai đạp lúa của mình, thì ông ngoại đứng coi xong thì ông ngoại nói rằng; chuyện đó bình thường lắm trâu nó đi nhiều khi nó đạp lúa. Lúc đó chúng tôi không biết nói thế nào cho ông ngoại hiểu rằng chuyện đó nó không có phải, trâu của người ta đã đạp lúa của mình thì mình phải phản ứng như thế nào chứ không phải ngồi đó để mà nói cho nó qua. Thì ông ngoại cười và nói rằng: "Làm ruộng thì có khi trâu nó qua nó ăn rồi nó dẫm lúa, nếu mình ngồi mình phiền thì chắc quanh năm suốt tháng mình phiền hoài." Khi chúng tôi nghe ông ngoại nói nếu mình phải phiền não thì quanh năm suốt tháng mình phiền hoài, thì tự nhiên sự buồn bực của chúng tôi nó lại mất đi, khi mình làm nông thì đó là chuyện tự nhiên bình thường, bình thường là trâu của người ta vào ăn lúa trong ruộng mình mà nếu mình ngồi đó lấy đó làm phiền thì có lẽ trong cuộc đời mình có nhiều chuyện phiền. Và nếu có nhiều chuyện phiền như vậy mà mình sống cứ để phiền não thôi thì thật sự là không đúng. Từ câu chuyện Ubiri, Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng chúng ta nên thấy được một tính gọi là nhất thể của tất cả pháp hành, cái nhất thể đó là gì? Là tất cả các hành đều vô thường. Tất cả các hành đều khổ não. Thấy được thể tánh chung tánh toàn diện như vậy thì chúng ta không có đặt nặng riêng rẽ một vấn đề, mà chúng ta thấy nó vốn dĩ là việc chung mà thôi. Chúng tôi kể qúi vị nghe một kinh nghiệm khác. Khi chúng tôi đi sang Ấn Độ đôi khi chúng tôi học được những bài học rất qúi từ những vị Phật tử trong phái đoàn. Thí dụ họ đi đến một nơi nào đó họ thấy nhà hàng tương đối dơ thì họ cảm thấy bực bội, mình tìm chỗ ăn mà chỗ ăn này không được sạch sẽ giống như mình muốn v.v.. nhưng mà rồi Sư Thiện Thắng sống ở Ấn Độ là người phụ với chúng tôi thì Sư nói rằng đa số ở Ấn Độ chỗ nào cũng vậy. Thì từ chỗ đó chúng tôi cũng học được một bài học là nếu mà mình nghĩ rằng chỗ này là chỗ dơ, như chỉ chỗ này là dơ riêng biệt, chỗ này dơ và chỗ khác sạch. Thí dụ như cả nước Thụy sĩ đều sạch hết mà chỉ có một cái quán dơ thì có lẽ chúng ta vào chúng ta bực bội thì có lý, nó có lý là tại vì nó là trường hợp cá biệt. Nhưng ở Ấn Độ thì rất là nhiều, nghĩa là 10 quán thì hết 9 quán là dơ rồi, bây giờ chúng ta ngồi bực bội thì chúng ta đi đâu cũng bực bội hết. Vì vậy chúng ta nên nhìn tánh chung. Do đó Đức Phật Ngài dạy chúng ta những pháp quán, thí dụ như Ngài nói rằng tất cả mọi người đều dẫn đến tuổi già không ai sống với thời xuân xanh trẻ trung mãi, cái đó cũng là nhất thể, không phải chỉ có một mình mình già hay chỉ người thân của mình già, mà tất cả mọi người đều già, tất cả mọi người phải bị bệnh, không ai khỏe mạnh hoài, không sớm thì muộn, không cách này hay cách khác thì chúng ta cũng nhuốm bệnh, tất cả mọi người đều sẽ phải chết không ai lột da sống đời hoài, tất cả mọi người đều phải trải qua cái khổ sanh ly tử biệt gạt nước mắt khóc khi xa người thân, chuyện đó là chuyện vốn dĩ đương nhiên. Tất cả mọi người đều có nghiệp riêng của mình, khi mà chúng ta nghĩ đến cái chuyện mà tất cả mọi người như vậy đó thì cái hình ảnh đó nó lớn hơn và nó giúp cho chúng ta vượt đi cái nhìn tầm thường cá thể. Chúng tôi ở tại Houston, mùa này là mùa bão, như những năm trước có bão Rita hay là bão Ike đi thẳng vào Houston. Khi bão Ike đến nó ảnh hưởng chung tới tất cả mọi người ở tại đây, không có riêng một người nào hết, không riêng người ở khu nào, hay ông này bà kia, mà là tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng. Và khi bão đến người ta chạy bão vất vả lắm, nhưng mà hàng triệu người cùng nhau chạy bão, mà thật sự người ta thấy nó vui, đúng ra người ta cũng bực mình nhưng nó không đến đỗi một mình mình làm thì mình khổ. Và khi bão đến thì tróc nóc nhà, nhiều người kêu hãng bảo hiểm đến rồi sửa chữa nhà cửa v.v... Nhưng người ta không phiền não nhiều bằng cái chuyện chỉ xảy ra riêng ở trong gia đình. Chúng tôi lấy ví dụ là tự nhiên có ai đó đến dỡ nóc nhà mình làm mình phải tốn tiền sửa nóc nhà có lẽ mình bực lắm, nhưng mà bão đến thì ai cũng bị giống nhau thành ra cái hình ảnh chỉ ra rằng cả thành phố Houston này đều bị bão tàn phá, và mình không phải là một cá thể riêng rẽ thì cái phản ứng mình có khác đi Vì vậy trong câu này hay lắm. Đức Phật Ngài nói rằng: Ở trong nghĩa địa này có tám muôn bốn ngàn Jivà, con khóc Jivà nào? Cái lý tánh bình thường của mình thì chắc chắn là không có cái chuyện mọi người ở đây đều tên Jivà hết. Và nàng nói là: - Con khóc Jivà của con. Cái vấn đề nó nằm ở chỗ đó. Đức Phật Ngài muốn cho nàng thấy rằng tất cả những người nằm ở tại đây đều đã trải qua thời kỳ sanh tử, đều để lại nỗi thương tâm sanh ly tử biệt. Và câu chuyện của nàng không phải là câu chuyện riêng rẽ. Câu chuyện của nàng là câu chuyện KHỔ TẬP. Một câu chuyện có tánh cách hoàn vũ. Câu chuyện có tánh cách là toàn thể tất cả mọi người sống trên đời đều phải như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng khi qúi vị đọc những câu chuyện trong Trưởng Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ thì một điểm thú vị mà chúng ta đều ưa thích, đó là những thành tựu về tinh thần, phải vượt qua đời sống tinh thần, chúng ta phải vượt qua những khó khăn từ ở trong những khó khăn chúng ta thu nhập được những giá trị lớn của sự hiểu biết của nhận thức, và từ chỗ đó chúng ta thấy được cái giá trị của nó, nhiều đoạn như vậy mà chính chúng tôi rất là thích đọc Trưởng Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ. Hồi chúng tôi còn nhỏ chúng tôi thường thích đọc câu chuyện về những danh nhân, cái thành công của họ, cái thất bại của họ, sự thăng trầm đời sống của họ, nó đều là những gì cho chúng ta thấy rằng nó được khen bị chỉ trích thì không phải một người mà tất cả mọi người đều được khen hoặc bị chỉ trích. Đời sống trải qua những khó khăn thì không phải một người bị khó khăn mà tất cả mọi người đều trải qua khó khăn như vậy. Đời sống không phải chỉ có chúng ta là phải đối diện với cái khổ sanh ly tử biệt mà nhiều người đối diện như vậy. Vì vậy ở trong thiền quán có một sự khác biệt giữa Chánh Niệm và Tuệ Giác: Chánh Niệm chỉ là kinh nghiệm có tánh cách đơn lẻ. Đây là hơi thở, hơi thở vô biết hơi thở vô. Hơi thở ra biết hơi thở ra. Hơi thở vô dài biết hơi thở vô dài. Hơi thở ra dài biết hơi thở ra dài. Hơi thở vô ngắn biết hơi thở ra ngắn. Cái Chánh Niệm chỉ cho chúng ta cái riêng rẽ. Nhưng mà Tuệ Quán thì cho chúng ta thấy cái nhất thể của toàn diện, nghĩa là mình cũng vậy và người khác cũng vậy, người khác cũng vậy và mình cũng vậy, thế giới này cũng vậy các hành đều là như vậy. Cái mà thấy được từ cái riêng tư mà thấy được hình ảnh chung, từ cái riêng tư mà vượt qua khỏi cái gọi là "Tôi" là Của tôi" "Tự ngã của ta" cái đó gọi là ñāna - tuệ quán. Cái Chánh Niệm nó chỉ là một trường hợp là chúng ta theo dõi và ghi nhận từ cái vận hành từ cái đổi thay diễn biến của hơi thở, của oai nghi, của tâm, của thọ của v.v... Nhưng mà cái tuệ Sammasana nàna thì cho chúng ta thấy một hình ảnh toàn diện và hình ảnh đó do mình biết mình đắc chứng chứ không phải ai đắc chứng cho mình. Nói tóm lại là nếu chúng ta đọc lại ở trong kinh Phật giáo thì chúng ta sẽ tìm thấy rất thường là khi con người đau khổ thì có một bài học lớn. Người ta có thể học được và bài học này có khi làm cho người ta vượt qua được, chọc thủng được màn lướt vô minh. Và bài học thứ hai mà chúng ta thấy ở tại đây là Đức Phật Ngài luôn luôn khuyên trong trường hợp khi chúng ta đau khổ cùng cực thì chúng ta nên thấy rằng cái sự đau khổ đó nó đến từ cái nhìn khiếm diện, là do cái nhìn khiếm diện, tại vì chúng ta phải thấy được hình ảnh lớn một bức tranh lớn. Và điều thứ ba mà chúng ta học được ở tại đây, ở trong bản kinh này, thì đời sống xuất gia thời Đức Phật còn tại thế người xuất gia chân chánh vốn là do sự bừng tỉnh, sự thay đổi lớn ở trong tâm tư của mình. Và sự thay đổi lớn đó đã khiến cho nhiều đệ tử Phật bước qua cái ngưỡng cửa giải thoát cùng lúc với ngưỡng cửa trở thành một vị xuất gia./. -ooOoo- Với phước báu mà con tạo nên hôm nay xin hồi hướng đến hương linh của mẹ là Thái Huê, cầu mong bà được thượng hưởng phước lành và chóng viên thành đạo quả. Phật tử Thiện Pháp Nguyễn Văn Hòa và Minh Hạnh |