Thân, Khẩu, Ý Thiện Thuộc về Giới
TT Giác Đẳng (giảng ngày 16-04-2009)
Minh Hạnh chuyển biên
Câu hỏi: Hành động thân làm thiện, khẩu nói thiện, ý suy nghĩ thiện do thuộc về giới không thuộc về trí, vậy tại sao một người có thân khẩu làm thiện được gọi là người có trí.
TT Giác Đẳng: Trong câu hỏi là hành động thân làm thiện, khẩu nói thiện, ý suy nghĩ thiện do thuộc về giới không thuộc về trí. Tại sao một người có thân khẩu ý thiện gọi là người trí?
Khi chúng ta nói về tam học chúng ta nói: giới, định và huệ. Thì điều đó chúng ta chia ra làm ba phần:
Phần huệ gồm có chánh kiến, chánh tư duy.
Giới thì có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
Định có chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Đó là một sự phân chia khác liên quan đến đời sống tu tập. Và cái chi đạo giải thoát thì chúng ta nói một phương diện khác.
Nhưng riêng ở trong đời sống hàng ngày thì chúng ta hiểu ba điều:
Điều thứ nhất là bản chất phần đông của chúng ta là nghiên về bất thiện nhiều hơn là thiện. Dĩ nhiên là ngoại trừ một số ít người là có túc duyên ở quá khứ còn đa số chúng ta là sống dễ bị phiền não chi phối, và phiền não chi phối thì con người hay có thân ác, khẩu ác và ý ác.
Do vậy một người mà có khả năng sống thiện thì tương đối là người đó phải có đủ trí tuệ để làm thế nào mà không có bị phiền não sai xử, tức là không sống làm nô lệ cho phiền não của chính mình, tối thiểu vị này phải có sự tự chế. Chúng tôi lấy ví dụ là mình lái xe ở trong một thành phố lớn là một nơi có nhiều luật lệ giao thông và đường xá tương đối phức tạp, một khi mình có thể lái xe được thì có nghĩa là mình phải có trình độ lái xe tương đối và kiến thức tương đối để có thể đi lại một cách thoải mái ở trong thành phố lớn, chứ mình không biết gì hết gọi là ù ù cạc cạc thì mình không thể lái xe ở thành phố lớn được, đó là điều bắt buộc.
Thì thế giới của chúng ta là thế giới có rất nhiều phức tạp. Thí dụ khi mình giận thì có thể đưa đến cơn cuồng nộ, cuồng nộ đến nỗi có thể phá vỡ rất nhiều thứ, đập đổ rất là nhiều thứ, nhưng mà rồi trong lúc cuồng nộ đó nếu chúng ta có khả năng để mà suy nghĩ lại một chút thì chúng ta sẽ không để cho nó đi quá xa. Về điểm này thì tương tự như trong đời sống của mình, thí dụ mình có chuyện phiền hà với một người nào đó, một anh A bà B và nếu người khác họ biết mình với người đó có sự phiền hà như vậy họ dễ làm chuyện gọi là đổ dầu vô lửa, là họ làm cho mình và người đó trở lên tàn khốc hơn trong quan hệ trở lên mâu thuẫn xâu xé nhau nhiều hơn. Nhưng một khi mình có đủ sự bình tỉnh thì hiểu rằng cái gì mình phiền là chuyện của mình phiền, nhưng mình nhất định không để cho những yếu tố khác làm cho cái sức vượt ngoài khả năng tự chủ của mình, thì cái đó là nếu cần chúng ta phải đánh động trí tuệ của chúng ta, trí tuệ của chúng ta phải thức dậy để nó làm việc của nó chứ không thể đơn giản là mình làm sao cho đã nư đã giận thôi.
Thì nói tóm lại là ở trong phương diện thứ nhất chúng ta nên hiểu rằng bản chất của phàm phu chúng ta là sống với phiền não. Và phiền não có cực đoan của phiền não và những ai có khả năng để mà tự chủ tự chế không để phiền não đi đến chỗ cực đoan thì người đó phải có một chút bản lãnh một chút nội hàm, chúng ta nói phải có một chút trí tuệ, cái trí tuệ đó đủ để nhận thức thấy rằng mình làm thế nào đừng có làm hại mình làm hại người khác. Chúng tôi lấy ví dụ là mình đang sống giữa đám đông và sự nổi sân của mình có thể tạo ra không biết bao nhiêu là hình ảnh xấu cho mình và cho những người khác nếu mình không biết cách tự chế là tại vì sao, là mình hiểu rằng mình có đổ ra bao nhiêu lửa thì cũng không lợi ích gì hết, phải biết tự chế lấy chính mình. Thì trong đó chúng ta thấy cái sức của trí tuệ. Và chúng tôi khó có thể hình dung được một ai sống mà có cuộc sống chừng mực phải chăng mà người đó lại không có trí tuệ, trí tuệ ở trong hành động của chúng ta nó là một chuyện mà chúng ta có thể thấy được dễ dàng về điểm này