dieuphap.com

  

jpg (8936 bytes)


...... ... .

Khéo Tác Ý

TT Tuệ Siêu (giảng ngày 16-04-2009)

Minh Hạnh chuyển biên

 

TTGiác Đẳng hỏi: Rất nhiều lần chúng ta nói chuyện tại đây về khả năng chánh tư niệm hay là khéo tác ý hay là suy nghĩ một cách chân chánh ở trong nhiều tình huống, trong nhiều trường hợp khác nhau, và có nhiều người cho rằng cái đó là một thiên tư, hay đó là một thứ may mắn mà chúng ta có được. Học thức thì chúng ta có học, nhưng cách suy nghĩ sáng suốt điềm đạm, suy nghĩ bình tỉnh chân chánh thì chúng ta biết rằng có một môi trường gì hay điều kiện gì một nguyên nhân, hay là một sự nuôi dưỡng nào mà khả dĩ làm tăng thịnh, làm lớn mạnh và làm sanh khởi thường xuyên cái Yoniso manasikara (Như lý tác ý)

TT Tuệ Siêu trả lời : Có những yếu tố nào giúp cho chúng ta có được một trí tuệ sáng suốt, để chúng ta suy nghĩ sáng suốt, sáng suốt làm nên những hành động sáng suốt, như làm những điều thiện chẳng hạn.

Nếu chúng ta nói nguyên nhân xa thì một người sanh ra ở đời và người đó có một trí tuệ sáng suốt có thể nhận hiểu được điều lợi ích cho mình và cho người khác, thì người đó đã huân tập trí tuệ chân chánh này từ ở trong đời quá khứ. Thường thường thì những chúng sanh ở trong đời quá khứ đã quen tu tập, đã quen hành thiện, và nghĩ đến việc thiện quen rồi, thì ngay trong kiếp hiện tại do thường cận y duyên đó mà người này có được tiến hoá sáng suốt để có thể dẫn dắt hành động chân chánh, đó là chúng ta nói nguyên nhân xa.

Nếu chúng ta nói nguyên nhân gần tức là nguyên nhân của hiện tại, thì ở đây chúng ta có bốn điều mà chúng ta gọi đó là cakkadhamma tức là pháp luân chuyển mà Đức Phật Ngài đã dạy: người mà có trí tuệ tiến hoá, thứ nhất là do người này ở trong môi trường thân cận với bậc chân nhân hay là bậc hiền trí gọi là sappurisasam.seva. Do thường xuyên thân cận với các bậc hiền trí các bậc chân nhân nên lâu ngày người đó sẽ ảnh hưởng cái trí tuệ hiền thiện. Cũng như khi người Phật tử chúng ta thường xuyên gần gủi với các bậc phạm hạnh, những bậc trí tuệ tu tập trong Phật Pháp thì lâu ngày người Phật tử chúng ta sẽ quen cách sống hiền thiện và cách suy nghĩ hiền thiện cũng như lời nói hiền thiện.

Pháp cakkadhamma thứ hai nữa tức là sự nghe pháp. Xưa kia chúng ta chưa biết Phật Pháp thì chúng ta ít bao giờ suy nghĩ, ít bao giờ có trí tuệ để chúng ta thu xếp ở trong điều thiện, thân hành thiện hay khẩu nói lời thiện. Nhưng kể từ khi chúng ta nghe được Phật Pháp, ngày nào cũng nghe pháp, nghe pháp từ một vị sư trong chùa hay là chúng ta nghe pháp từ trong băng dĩa CD, hoặc chúng ta nghe pháp mỗi ngày ở những room Phật Pháp chẳng hạn thì môi trường đó sẽ giúp cho chúng ta có trí tuệ để dần dần chúng ta sẽ sống hiền thiện bằng trí tuệ đó. Đó là cách thứ hai.

Yếu tố thứ ba tức là sự thực hành pháp mà thực hành một cách liên tục. Mỗi một ngày chúng ta chịu khó có thời gian để hành thiền, giữ chánh niệm tỉnh giác vào buổi sáng hay buổi trưa hay buổi tối trong khoản mươi mười lăm phút hoặc là nửa giờ hay một giờ đồng hồ, hoặc là những gì chúng ta được nghe thì chúng ta thực hành theo những điều đó, do sự thực hành pháp lâu ngày như vậy nó cũng là môi trường tốt một yếu tố giúp chúng ta phát sanh lên trí tuệ.

Yếu tố thứ tư gọi là khéo tác ý, nếu mà nói cakkadhamma thì pháp này được gọi là chúng ta khéo suy luận hay chúng ta khéo suy nghĩ về pháp. Trí tuệ không phát sanh đến những những người không suy luận. Khi chúng ta có những sự suy luận tốt đẹp, gặp cái gì chúng ta cũng suy tư theo pháp, lâu ngày trí tuệ chúng ta cũng sẽ thuần thục nhu nhuyến. Trí tuệ suy tư đó chúng ta có hai danh từ để gọi; một là Yoniso manasikara để chỉ cho trí tuệ khéo suy tư đó, hai gọi là Attasammapanidhi tức là tự lập trường chân chánh. Chúng ta lúc nào cũng suy nghĩ về điều thiện suy nghĩ về những điều có liên quan đến Phật Pháp. Chúng ta đi ngoài đường phố gặp những người ăn xin sống ở vỉa hè khổ sở với sự thu nhập bằng cách ăn xin, tự nhiên chúng ta khởi lên cái tác ý suy nghĩ: những chúng sanh này sở dĩ ngay trong đời sống hiện tại mà họ rơi vào tình cảnh bất hạnh như thế là cũng vì ở trong đời quá khứ bỏn xẻn không xả tài bố thí cho người khác, hay là không biết cúng dường đến các bậc sa môn bàlamôn, với tâm ôm ấp chấp thủ tài sản cho nên bây giờ phải bị như thế. Chúng ta suy nghĩ như vậy. Hoặc chúng ta gặp một người đang sống quằng quại trong sự bệnh hoạn, chúng ta cũng suy nghĩ về nghiệp của người đó đã làm, do sự đánh đập sát hại chúng sanh chẳng hạn nên bây giờ quả nghiệp dư xót như thế. Chúng ta gặp bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng suy tư. Hoặc là chúng ta đứng nhìn chiếc lá cây rơi từ trên cây rơi xuống đất, lá cây vàng, chúng ta suy nghĩ rằng thân này cũng giống như chiếc lá vàng ở trên cây nó sẽ rơi rụng không biết lúc nào, thân này cũng tạm bợ như vậy. Chúng ta suy xét như thế.

Hoặc là chúng ta suy xét pháp hữu vi là vô thường, thời gian trước lá cây này mới mọc thành lá non rồi bây giờ bị vàng chín để rồi bị rụng trước gió. Ở đời này cái gì cũng là vô thường, không có gì trong thế gian này tồn tại vĩnh viễn. Chúng ta suy nghĩ cách đó. Thì sự suy nghĩ đó được xem như là giúp cho chúng ta dần dần có được trí tuệ sáng suốt. Cũng như khi chúng ta học bài cũng thế, những sinh viên học sinh nào học trong các môn học mà họ không chịu suy tư, không chịu trắc nghiệm những đề tài của môn học thì người đó họ sẽ không bao giờ có được trí tuệ sáng suốt ở trong môn học, dầu cho gần đến ngày thi họ có cách cố gắng học gạo bài cho thuộc để đối phó với đề thi, nhưng người đó cho dù có đỗ đạt người đó cũng sẽ không bao giờ trở thành một người có trí tuệ sáng suốt, có tri thức quan trọng, tại vì người này trong đời sống không có suy tư về lãnh vực đó. Cũng vậy, đối với một người mà không có suy tư theo chiều hướng của thiện pháp thì người này cũng sẽ không có phát sanh trí để sáng suốt trong việc hành thiện được.

Do vậy, nếu chúng ta nói yếu tố gần thì chúng ta nói bốn yếu tố:
1) là do môi trường thân cận bậc hiền trí bậc chân nhân mà phát sanh trí.
2) là do sự nghe pháp thường xuyên.
3) là do sự thực hành pháp.
4) là do sự khéo tác ý hay là có lập trường chân chánh theo khuynh hướng thiện pháp.

Đó là những yếu tố giúp cho một người có được trí tuệ sáng suốt. Chúng tôi xin được chia sẻ với qúi vị qua câu hỏi đó.

 

 




 

Trình bày: Minh Hạnh và Nguyễn Văn Hòa

Trở về Trang Đề Án Trong Tháng Chín

Đầu trang