Chuẩn mực nào để chúng ta giới hạn về sở hành mà được gọi người đó là người trí hay người ngu
TT Giác Đẳng (giảng ngày 16-04-2009)
Minh Hạnh chuyển biên
TT Tuệ Siêu hỏi: Khi Đức Phật thuyết về hành động sở hành của một người là dấu hiệu để biết được đó là người trí hay là người ngu. Nếu là như vậy thì ở đây đối với kẻ phàm phu của chúng ta ở trong đời sống này làm thiện cũng có mà làm ác cũng có, không phải giống như bậc thánh bậc Tu Đà Hườn trở lên bậc A Na Hàm, bậc hữu học thì luôn luôn làm thiện còn bậc A La Hán thì từ bỏ cả thiện lẫn ác vì phận sự đã làm xong, nhưng đối với kẻ phàm phu thì làm ác cũng có làm thiện cũng có. Như vậy thì chúng ta có chủng mực nào hay có giới hạn làm thiện bao nhiêu phần trăm ở trong cuộc đời và làm ác bao nhiêu phần trăm hay không, để được đánh giá là người trí hay là kẻ ngu.
Chúng ta có một giới hạn chuẩn mực nào để chúng ta nhìn hành động thiện mà chúng ta đánh giá người đó là người trí, và hành động ác mà chúng ta đánh gía người đó là người ngu hay không? Bởi vì ở trong cuộc sống của kẻ phàm phu chúng ta làm thiện cũng có mà làm ác cũng có, chẳng lẽ lúc đang làm thiện thì gọi người đó là người trí, rồi chút xíu sau người đó nổi lên tham sân si làm điều ác thì chúng ta gọi là người ngu, vậy thì hơi có vấn đề lộn xộn khi là trí khi là ngu, cho nên chúng tôi muốn hỏi là có chuẩn mực nào để chúng ta giới hạn về sở hành mà được gọi người đó là người trí, hay là sở hành căn cứ vào đó mà gọi là người ngu.
TT Giác Đẳng trả lời: Đây là một câu hỏi rất là thú vị. Thật ra chúng ta nên suy nghĩ về điểm này. Thường người ta nói là "Tiền đồ tri mã lực, cửu sử thích hiền nhân - đường dài mới biết sức ngựa, ở lâu mới biết là người trí, người ngu." Thì chúng ta nói ở trên đời này không có một con người toàn hảo, đại để là trong chúng ta ai cũng có những khuyết điểm. Thì chúng ta đã nói khuynh hướng đó có sự khác biệt, người trí hay là người hiền, nếu họ có làm lỗi sai quấy đi nữa thì đó là chuyện chẳng đặng đừng hay chuyện bất đắc dĩ, nhưng đó không phải là khuynh hướng của họ, đối với người trí họ luôn luôn có khuynh hướng là muốn làm bạn lành, muốn làm việc lành, muốn nói điều lành và nếu họ có một vài khuyết điểm gì cá nhân thì đó chỉ là chuyện mà có khi họ không muốn, hoặc giả là con người tự nhiên có ít nhiều khuyết điểm. Nhưng căn bản khuynh hướng của họ mà Đạo Phật gọi là hướng thượng và hướng thiện.
Cái khuynh hướng này quan trọng lắm. Có thể hai người mới nhìn thì không khác biệt với nhau nhiều, nhưng chúng ta sống lâu thì chúng ta hiểu rằng mỗi con người có hướng đi khác nhau, có chỗ nhắm khác nhau. Người đó có chỗ nhắm hướng thượng hay không hướng thượng, người đó có khuynh hướng hướng thiện hay không có khuynh hướng hướng thiện, hướng đi đó khác biệt. Giống như chúng ta trên một con đường có thể cùng lúc chúng ta có mặt tại một địa điểm vị trí nào đó, sự có mặt của chúng ta ở đâu nhiều khi không quan trọng bằng hướng mà chúng ta đang đi về đâu.
Và một điểm khác ở tại đây là khi chúng ta nói đến thân ác, khẩu ác, ý ác, nó không đơn thuần là thân bất thiện, khẩu bất thiện và ý bất thiện. Ở đây dùng chữ ác, thí dụ như là có tham có sân có si nhưng cái tham cái sân cái si của mình nó là một thứ phiền não, vì chúng ta là phàm nhân là chúng ta có phiền não. Nhưng một người mà có tham ác sân ác và tà kiến ác, những người mà có thân ác, khẩu ác và ý ác thì người đó có chủ tâm gây ra đau khổ cho người khác, họ vui với cái đau khổ của người khác, thì mức độ ác đó khác biệt. Với người Phật tử thì không nhìn chung quanh khi người ta có lầm lỗi mà gọi là người ác, nhưng mà chúng ta sẽ nhận ra một người ác khi mà người này sẵn sàng làm một việc gì đó và sự đau khổ cùng tận của chúng sanh khác mà người đó vẫn thấy thoả mãn hạnh phúc thì cái đó chúng ta mới gọi là ác, chữ ác rất là nặng.
Một khía cạnh khác mà chúng ta nói đến tại đây. Thật ra thì khi chúng ta nói đến người ngu và người trí thì chúng ta nói đến khuynh hướng rõ rệt, đặc tính rõ rệt, còn trong đời sống hàng ngày chúng ta cũng hiểu rằng khi nó có pha lẫn trắng và đen. Có những người ngụp lặn, có những người trầm lặn ở trong nước, có những người ngoi lên và có những người trồi lên hụp xuống, thì chúng ta chỉ ghi nhận thôi.
Thật ra Đức Phật Ngài giảng cho chúng ta nghe về người thiện và người ác này để chúng ta có thể nhận ra những hiện tướng bên ngoài, nhưng điều đó không phải để cho chúng ta phê bình đánh giá người khác, nhưng chúng ta có thể nói rằng với một người ác thì họ sống bất chấp, họ bất chấp nỗi đau khổ của người khác, họ bất chấp sự thương hại chúng sanh khác.
Nhưng một khi một người có tâm thiện thì có những hoàn cảnh mà họ phải đắn đo suy nghĩ lại. Ví dụ như là một người thật sự ác họ không ngần ngại để nói một lời đau khổ để làm khổ người khác, hoặc là chửi rủa người khác. Với một người mà mình nói ra một lời giận dữ là vì vạn bất đắc dĩ chứ không phải là cố ý nói như vậy, còn bình thường thì mình chỉ muốn nói để mang lại sự an lạc cho nhau mà thôi.
Thật ra có thể ở đây thì nói về khuynh hướng chúng ta có thể nhận ra được, nhưng một đời sống hoàn toàn tốt, hoàn toàn xấu, hoàn toàn trắng, hoàn toàn đen, thì đôi khi không phải là cái nhìn mà chúng ta dễ dàng nhận định ở trong đời sống này. Và tất nhiên Đức Phật Ngài cũng có cho chúng ta biết rằng có những bậc Thánh đạt đến chỗ bất động, các Ngài không có thối chuyển, không có những việc mà tì vết hư hỏng. Còn phàm nhân chúng ta thì có khi chúng ta sống với trí tuệ được thắp sáng, và có nhiều khi chúng ta sống trong sự mê tối thì điều này chúng ta cũng phải nhận ra. Và có lẽ hiểu được điều này chúng ta khiêm tốn hơn trong đời sống và không có ở mức độ tuyệt đối quá, xin trả lời câu hỏi của TT Tuệ Siêu là như vậy.