dieuphap.com Trang Chính


Everything That Arises Passes Away

Ajahn Sumedho / Nguồn: http://www.amaravati.org

Nguyễn Văn Ḥa chuyển ngữ


Có Sanh Th́ Có Diệt

Đức Phật nói về nguồn gốc của tất cả khổ đau là do vô minh - vì vậy điều quan trọng là tìm hiểu những gì Ngài thực sự muốn nói về 'vô minh'. Hầu hết con người trên thế giới sống rất nhiều với thói quen của họ, sự suy nghĩ, cảm xúc và tưởng nhớ những gì họ thực sự đang là. Họ không dành thời gian để nhìn vào cuộc sống của họ hoặc không thực sự có cơ hội để làm như thế để xem xét là như thế nào mà các điều kiện xảy ra như vậy.

Điều kiện gì? Cơ thể mà chúng ta đang có, những xúc động và những cảm xúc, những nhận thức của tâm thức, quan niệm và ý thức thông qua ý thức - đây là những điều kiện. Điều kiện là cái gì đó được thêm vào, đã pha trộn, cái gì có sanh thì có diệt, nó không phải là không sáng tạo, không sinh, không phải là không có khởi đầu không có kết thúc.

Tôn giáo là cái mà con người xử dụng để cố gắng quay về với thực thể tối hậu vượt qua khỏi vòng sanh tử, quay về với trí tuệ tối cao hoặc trí tuệ siêu việt, và quay về với Niết bàn hay là nơi sống với thực tế cao siêu này. Điều này là khi chúng ta đột nhiên nhận biết chân đế, không phải bằng cách nghiên cứu các kinh điển Pali hoặc sách Thiền, mà là qua những kinh nghiệm trực tiếp.

Chúng ta thường nhận thức thực thể là một vật gì đó, Niết bàn là tình trạng an lạc nào đó của tâm hoặc là sống qua một giai đoạn kỳ diệu nào đó. Tất cả chúng ta đều đã trãi qua một thứ hạnh phúc nào đó, nên chúng ta nhận thức những việc như không sanh sôi, không tạo dựng, không khởi nguồn là được thụ hưởng hạnh phúc. Nhưng Đức Phật đã rất cẩn thận Ngài không bao giờ mô tả Chân lý Tối hậu hoặc Niết Bàn - Ngài không bao giờ nói nhiều về Niết bàn. Con người muốn biết Niết Bàn là gì, viết sách về nó, suy đoán về bản chất của Niết Bàn, nhưng điều này chắc chắn là những gì Đức Phật đã không làm

Thay vào đó, Ngài đã chỉ vào sự hiểu biết trực tiếp về những điều kiện thay đổi, những điều kiện mà chúng ta có thể biết qua kinh nghiệm bản thân của chúng ta vào lúc này. Đây không phải là vấn đề tin tưởng vào bất cứ ai khác. Đây là vấn đề hiểu biết tại thời điểm này là bất cứ điều gì xuất hiện rồi cũng sẽ tan biến.

Vì vậy chúng ta ghi nhận sự lưu tâm này trong đời sống của chúng ta - phải lưu ý và ghi nhớ rằng bất cứ thứ gì sinh ra cũng sẽ bị diệt đi; bất cứ tình trạng tâm linh hay thể chất nào của quí vị– cho dù đó là một cảm giác thích thú hay đau đớn, suy tư hay hồi tưởng, thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác hay là xúc giác, bên trong hay là bên ngoài - cũng chỉ là một tình trạng mà thôi.

Điều quan trọng là làm sao thực sự hiểu rỏ cái được gọi là "vô minh" trong ý nghĩa mà Đức Phật đã dùng khi Ngài gọi nó là nguồn cội của mọi khổ đau. Bị gọi là "vô minh" có nghĩa là chúng ta được xác định với những tình trạng sau đây, được coi chúng là "tôi" hoặc "của tôi," hoặc là một điều gì mà chúng ta không muốn được coi là "tôi" hoặc "của tôi." Chúng ta đã có ý tưởng rằng chúng ta phải tìm được một tình trạng vui vẻ thường xuyên, chúng ta phải đạt được một điều gì, phải lấy được thứ gì chúng ta không có. Nhưng quí vị có thể lưu ý rằng sự ao ước trong tâm trí là một điều luôn thay đổi, tìm kiếm một thứ gì, vì vậy đó là một tình trạng thay đổi nó phát sinh và nó bị hũy diệt - nó là "vô ngã." Từ ngữ "vô ngã" không phải là một loại bùa chú (*) mà bạn giữ để tránh khỏi điều gì, mà là một sự thâm nhập thực sự vào bản chất sâu xa của mọi ham muốn..

(* bùa chú là một từ hoặc cụm từ có ý nghĩa tinh thần, được sử dụng như là một trọng tâm của sự chú ý và phản ảnh bằng cách lặp lại nhiều lần trong thiền định.)

Khi bạn nghiên cứu cẩn thận, thật kiên nhẫn và từ tốn, bạn bắt đầu thấy rằng cái được tạo ra thoát thai từ cái không được tạo ra [mọi vật sinh ra từ hư không] và trở về với hư không, nó biến mất và không còn lại gì. Và nếu nó chính là bạn và chính là của bạn, nó có thể tồn tại không? Nếu nó là của bạn thì nó sẽ đi đâu, có phải là sẽ đi đến một loại nhà kho chứa nhân tính? Nhưng khái niệm đó và bất cứ điều gì mà bạn nhận thức chỉ là một ý niệm [trạng thái] phát sinh và hũy diệt. Bất cứ lúc nào bạn cố gắng để nhận thức chính mình, bất cứ khái niệm hoặc tiềm thức về mình như thế này hay thế kia chỉ là một ý niệm [trạng thái] của tâm. Nó không phải là bạn - bạn không phải là ý niệm [trạng thái] của tâm trí bạn. Vì vậy, đau buồn, tuyệt vọng, yêu thương và hạnh phúc, là tất cả những ý niệm [trạng thái] của tâm và tất cả đều không phải là thực thể.

Hãy để ý trong cuộc sống của bạn có khi bạn đau khổ, bất mãn - tại sao? Đó là vì các mối bận tâm, một số suy tư về bản thân hoặc về người khác. Một người bạn yêu thương qua đời và bạn cảm thấy thương tiếc cho chính mình, bạn nghĩ đến những lần vui chơi mà bạn đã có và suy tư nhiều về nó, sinh ra quá nhiều ý niệm [trạng thái] trong tâm. Cũng có thể bạn cảm thấy tội lỗi vì bạn đã không sẳn lòng, không yêu thương trong suốt khoảng thời gian [sống với người đó] - đó cũng là một ý niệm [trạng thái] của tâm. Bạn có một trí nhớ, bạn nhận thức được những hình ảnh vui chơi ngày trước dường như vẫn đang sống - nhưng ý nghỉ sâu xa đó về một người là một sự nhận thức của tâm, nó không phải một người, có đúng vậy không? Nghỉ đến một người còn sống, một người mà bạn ao ước có thể ở bên cạnh bạn ngay bây giờ - đó là một ý niệm [trạng thái] của tâm. Hay là nghỉ đến một người nào đó đã qua đời, bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy họ nữa - đó là cũng là một ý niệm [trạng thái] của tâm.

Thiền trong Phật Giáo là một cách nhìn vào những trạng thái của tâm, tra xét và tìm ra trạng thái của tâm là gì, thay vì tin vào chúng. Người ta muốn tin rằng – khi một người thân của bạn qua đời, một người nào đó đã nói với bạn: “Ồ, họ đã lên thiên đàng với Chúa và Cha, hoặc là họ đang sống trong hào quang của thiên đường Tusita.” Người ta nói vậy để cho bạn có một cảm nhận dễ chịu trong tâm – “Vâng, bây giờ tôi biết rằng bà tôi đang sống hạnh phúc trên đó trong những cỏi trời, đang nhảy múa với các thiên thần.” Rồi một người nào khác lại nói “Vâng, như bạn biết, bà cụ đã làm những việc đáng sợ, có lẽ bà ta đang ở dưới Địa Ngục, đang bị đốt cháy trong hỏa ngục vĩnh hằng!” Bởi vậy bạn bắt đầu lo lắng rằng có thể đời bạn rồi cũng sẽ chấm dứt trong địa ngục như vậy. – Nhưng đó chỉ là một nhận thức của tâm. Thiên đường hay địa ngục cũng chỉ là một hiện tượng của tâm thái. Vì vậy - nếu bạn nhìn lại mười năm về trước… đó là một trạng thái của tâm đến và lại đi, và lý do mà nó đến là giống như việc tôi vừa mới nói với bạn. Vì vậy trạng thái này lại tùy thuộc vào trạng thái khác, ký ức là điều mà chúng ta đã trãi qua, và tương lai là điều bất định.

Nhưng ai là người biết được trạng thái của tâm vào lúc này? Tôi không thể tìm ra: chỉ có người hiểu biết, và người hiểu biết có thể biết những gì hiện hữu ngay bây giờ - vui vẽ hay bực dọc - mường tượng về tương lai hay hoài niệm về quá khứ - hình dung mình như thế này hay như thế kia. Bạn tạo ra hình ảnh của bạn hoặc tạo ra thế giới mà bạn đang sống – vì vậy thực sự bạn không thể nào đổ lỗi cho người khác. Nếu bạn làm vậy, thì bạn vẫn còn vô minh: Người giác ngộ chúng ta gọi là “Phật” – nhưng đó không có nghĩa “Phật” là một trạng thái. Không nên nói rằng Đức Phật biết bất cứ điều gì; mà phải nói “Phật” là đấng giác ngộ. Vì vậy thiền trong Phật Giáo thật sự là để cảnh giác, chớ không phải để trở thành Phật.

Ý nghĩ trở thành Phật dựa trên những trạng thái - Bạn nghỉ rằng bạn là một người chưa phải là Phật ngay bây giờ, và để trở thành Phật, bạn phải đọc kinh sách để tìm ra làm thế nào để trở thành Phật. Dĩ nhiên, việc này có nghĩa là bạn phải làm việc thật chăm chỉ để loại bỏ những tính chất không giống như Phật; Còn lâu lắm bạn mới là một người hoàn hảo, bạn dễ giận dữ, tham lam, nghi ngờ và sợ hãi, và dĩ nhiên, Phật không có những phẩm chất này - Vì Phật là đấng giác ngộ, nên biết tường tận. Rồi, để trở thành Phật bạn phải gạt bỏ những điều không giống Phật và cố đạt được phẩm chất giống như Phật chẳng hạn như lòng từ bi và tất cả những phẩm chất tương tự. Và tất cả những tính chất này đều là những sáng tạo của tâm! Vì vậy chúng ta sánh tạo ra "Phật" vì chúng ta tin vào những sáng tạo của tâm. Nhưng đó không phảil à Phật thật sự. Đó chỉ là Phật trong ảo tưởng. Đó không phải là trí tuệ Phật, đó chỉ là những trạng thái của tâm.

Khi nào bạn còn nhận thức được bản thân bạn là một người nào đó đã phải làm một việc gì để trở thành một thứ gì khác, thì bạn vẫn còn bị mắc kẹt trong một cái bẫy, trong một tình trạng của tâm như là một bản thể, và không bao giờ bạn hoàn toàn hiểu được một điều gì chính xác. Dù cho bạn có hành thiền đến bao nhiêu năm, bạn cũng không bao giờ thực sự hiểu được giáo pháp; sự hiểu biết giáo pháp sẽ luôn luôn sai lạc. Cách nhìn sự việc trực tiếp bây giờ - là việc gì đến rồi cũng sẽ đi - không có nghĩa rằng bạn vất bỏ mọi thứ. Mà nó mang ý nghĩa là bạn đang tìm một cách mà trước đây bạn chưa bao giờ bận tâm tìm kiếm. Bạn đang nhìn từ quan điểm của sự việc ở đây và ngay bây giờ chớ không phải đang tìm kiếm một thứ gì không có ở đây. Vì vậy nếu bạn đi vào chùa chiền nghỉ rằng, "Tôi phải dành khoảng thời gian này tìm kiếm Đức Phật, cố gắng trở thành một thứ gì, cố gắng loại bỏ những tư tưởng xấu, ngồi yên lặng và hành thiền chăm chỉ, cố gắng trở thành cái mà tôi cần trở thành - vì vậy tôi sẽ ngồi đây và cố gắng quên hết mọi thứ gì, cố gắng đạt được những thứ gì, cố gắng giữ chặt lấy những điều gì... " Với thái độ đó, tham thiền là một nổ lực quá vất vả và luôn luôn là một thất bại..

Nhưng nếu thay vào đó, bạn đi vào chánh điện và chỉ lưu ý đến trạng thái của tâm, bạn nhìn thấy trong tiềm thức một mong muốn để trở thành, để gạt bỏ, để làm một cái gì hoặc cảm thấy rằng bạn không thể làm điều đó; hoặc bạn là một chuyên gia, bất cứ điều gì - bạn bắt đầu thấy rằng bất cứ điều gì bạn đang trải qua là một trạng thái thay đổi và không phải là 'chính bạn.' Bạn đang nhìn thấy trong viễn ảnh là một vị Phật, chớ không phải làm một cái gì đó để trở thành Phật. Khi chúng ta nói về sati, về chánh niệm, đây là những gì chúng ta nói đến.

Tôi thật sự sửng sờ và kinh ngạc trước những tín đồ của nhiều tôn giáo – con chiên của Thiên Chúa giáo hay Phật tử hay tín đồ của bất cứ tôn giáo nào - dường như họ quên hẳn việc lễ bái thường xuyên trong tôn giáo của họ. Dường như rất ít người có khái niệm về chủ thuyết, về tín niệm và bất tín niệm trong tôn giáo. Họ không bận tâm đến việc tìm hiểu. Họ vẫn đang cố gắng giải thích những điều không thể giải thích được, cố gắng giới hạn những điều không có giới hạn, cố gắng hiểu những thứ không thể hiểu được, và không có mấy người nhìn đến phương thức của họ. Họ tin vào những gì mà người khác đã nói với họ..

Trong Phật Giáo Theravada, các vị tăng sĩ sẽ cho bạn biết rằng vào thời buổi này bạn không thể nào giác ngộ được, thậm chí cũng không thể có cách nào để bạn đạt đến giai đoạn đầu của việc tu tập, giai đoạn đâù để trở thành A La Hán, vì những ngày đó đã qua mất rồi. Họ tin rằng giác ngộ là một chuyện quá xa vời đến nổi họ không màng bỏ ra chút công sức để coi có phải tất cả những gì sinh ra đã thật sự mất đi. Bởi vậy các tăng sĩ có thể dành trọn thời giờ của mình trong việc đọc sách, dịch thuật kinh điển, trong khi họ vẫn tin rằng họ là những người không bao giờ được giác ngộ và không thể nào làm được việc đó. Nhưng như vậy thì trọng điểm của tôn giáo là gì đây? Tại sao lại bận tâm tới nó, nếu sự thật cuối cùng thật quá xa vời, thật khó có thể xảy ra? Chúng ta chỉ có thể trở thành những chuyên gia như nhân chủng học, xã hội học, hoặc triết học thảo luận về tôn giáo.

Phật Gotama là một vị Phật mà trí tuệ thông thái của Ngài đã quán triệt được nhờ ở quán sát sự việc Hiển Nhiên, đó là quán sát tình trạng của tâm và thân. Ngày nay việc này không phải là quá khó khăn đối với bất kỳ ai trong chúng ta. Chúng ta đều có tâm và thân, việc duy nhứt chúng ta phải làm là quan sát chúng. Cũng không phải là chúng ta cần có một quyền lực đặc biệt gì để làm việc này, hoặc cũng không phải là vì lý do gì đó mà thời đại của chúng ta khác biệt với thời đại của Đức Phật Gotama. Lý do thời gian chỉ là một ảo giác gây ra bởi sự thiếu suy xét. Con người trong thời đại của Đức Phật Gotama không khác biệt gì với con người bây giờ- Họ cũng có tham, sân, và si, cao ngạo, thiên vị, và sợ hãi giống như con người của ngày nay. Nếu bạn bắt đầu nghỉ đến giáo lý Phật Giáo, nghỉ đến những trình độ tinh tấn khác biệt, bạn sẽ chỉ đạt đến một tình trạng nghi ngờ. Bạn không cần phải tra xét lại chính mình dựa theo một bảng đối chứng của một quyển sách nào - bạn chỉ cần biết về mình cho đến khi không một tình trạng nào của thân hay tâm gây ảo giác cho bạn..

Người ta nói với tôi, "Tôi không thể nào làm tất cả những việc đó, tôi chỉ là một người tầm thường, một người bình thuờng; khi tôi nghỉ đến làm tất cả những điều đó, tôi nhận ra rằng tôi không thể làm được, việc đó quá sức tôi." Tôi nói, "Nếu bạn nghỉ về việc đó, bạn sẽ không thể nào làm được, thật đơn giản. Đừng nghỉ về việc đó, hãy cứ làm." Suy nghỉ chỉ đưa bạn đến nghi ngờ. Những người cứ suy nghỉ về đời sống không thể làm được gì cả. Nếu việc đáng làm, thì hãy cứ làm. Khi bạn gặp phải chán nãn, hãy học hỏi từ chuyện chán nãn đó; khi bạn mắc bệnh, hãy học hỏi từ cơn bệnh; khi bạn cảm thấy hạnh phúc, hãy học hỏi từ hạnh phúc đó - đây là tất cả những cơ hội để học hỏi trên thế gian này. Hãy yên lặng lắng nghe và chăm chú nhìn là một cách sống... rồi bạn sẽ bắt đầu hiểu được những trạng thái [của tâm và thân]. Không gì phải sợ hãi. Không có gì bạn muốn mà bạn không có, không có gì phải vất bỏ đi.