Trở về trang dieuphap.com 

Trở về trang Đề Án Trong Tháng

jpg (8936 bytes)


...... ... .

Tu Tập Tâm Từ

Sáu hạng người không nên nghĩ đến

TT Giác Đảng giảng tại khóa tu học Thuy Sĩ

Chánh Hạnh chuyển biên

 

Chúng ta nên biết sự lợi ích của kham nhẫn và thấy sự nguy hiểm của sân hận. Trong giai đoạn sơ cơ mới tu tập sáu hạng người không nên nghĩ đến.
1/ Hạng người chúng ta phật lòng.
2/Hạng người chúng ta yêu mến
3/Hạng người chúng ta dửng dưng
4/Hạng người là kẻ thù
5/ Người khác phái
6/ Một người đã chết.
Tại sao đối với một người đã chết, chúng ta không thể tu tập tâm từ trong giai đoạn này. Tại vì giữa người chết với chúng ta có một khoảng cách quá lớn. Tục ngữ có câu “ Bà con xa không bằng láng giềng gần” “ Xa mặt cách lòng”. Ví dụ người bạn gần nhà mình cần gì , chúng ta có thể đến giúp năm ngày bảy ngày. Nhưng thân nhân ở Việt Nam có khi cả tháng, gửi một món quà đi cũng không có thì giờ. Tại sao vậy? Người ở gần làm cho chúng ta có tâm gắn bó hơn người ở xa, do vậy xa mặt cách lòng, huống chi là thế giới này với thế giới khác. Do vậy nghĩ đến người đã chết khôngcó lợi trong giai đoạn sơ cơ để tu tập.

Bước đầu tiên tu tập tâm từ, chúng ta nên rãi tâm từ đến ai?
-Đến bản thân của mình.

Từ bản thân mình trải rộng đến chúng sanh bằng cách nào?
-Bằng cách nghĩ rằng mình muốn hạnh phúc thì chúng sanh cũng muốn hạnh phúc. Mình sợ đau khổ thì chúng sanh cũng sợ. Mình không muốn oan kết thì chúng sanh cũng không muốn có oan kết. Như vậy từ chỗ đó chúng ta tạo được sự thông cảm, qua sự thông cảm đó chúng ta mới có tâm từ. Như vậy sự thông cảm quan trọng lắm. Quý vị nghĩ khi chúng ta mỏi mệt, người khác nói lời gì đó làm phật ý mình bực lắm, thì gười khác cũng vậy. Khi làm việc gì đó cần sự khuyến khích cuả người khác, thì người khác cũng cần sự khuyến khích. Ai nói sau lưng mình một câu nói gì mà tình cờ mình nghe được, mình buồn lòng. Như vậy khi mình nói sau lưng người khác thì họ cũng buồn lòng. Cái gì mình không muốn người khác đem lại cho mình thì mình không đem đến những điều đó cho người khác.

Nên chi từ sự thấy biết, từ kinh nghiệm bản thân của mình, chúng ta bắt được nhịp cầu thông cảm với cuộc đời và như vậy đem mắt thương yêu nhìn cuộc đời, là bởi nghĩa này.
“Nghĩ tha nhân bởi xét mình”.
Chuyện đó rất tự nhiên. Ai cũng sợ đau buồn, ai cũng sợ khổ, ai cũng sợ oan kết thì chúng ta cũng tương tự như vậy.

Khi nói rằng không nên rải tâm từ đối với người khác phái không có nghĩa là chúng ta không có lòng từ mà trong giai đoạn đầu tu tập lòng từ không nên nghĩ đến. Giai đoạn đó có thể là một ngày hai ngày ba ngày cho đến khi lòng từ tăng trưởng đầy đủ trong lòng ta. Nguyên tắc đó là những điều cẩn trọng thôi. Quý vị có thể rãi tâm từ đến bất cứ người nào, kể cả người khác phái nếu ngừơi đó mang lại cho chúng ta cảm giác rất thanh thản, rất bình thường. Ý nói người khác phái ở đây, là khi chúng ta nghĩ đến người đó mà có tâm dính mắc thì chúng ta không nên nghĩ.

Ngay cả ví dụ như mình nói đến một người mà chúng ta dửng dưng, như một người hàng xóm chẳng hạn, chúng ta không thương và không ghét, một người chỉ ở gần chúng ta. Như vậy chúng ta phải rải tâm từ nếu từ chỗ tâm niệm đó chúng ta có thể nuôi dưỡng được. Như trường hợp bà cư sĩ ở kế bên đây, chúng tôi không gắn bó nhiều với bà nhưng người ngồi niệm tâm từ nghĩ rằng, “Á, khi bà thấy Chư Tăng về lui tới, bà cũng làm bánh mang qua.” Như vậy mình cũng khởi được hảo cảm với bà. Chuyện thiện cảm ban đầu đó cũng phát triển thành tâm từ.

Do đó sáu hạng người chúng ta nên tránh tại đây là nói lên một sự dè dặt. Coi chừng nếu nghĩ đến những người đó mà phát triển lòng luyến ái, phát triển lòng sân hận hay làm chúng ta mệt mỏi thì nên tránh. Nhưng nếu cảm thấy tu tập được dễ dàng thì cũng không hề hấn gì, không sao hết.

Câu hỏi: Phật giáo nguyên thuỷ có người nữ xuất gia không?

Thật ra bên Phật giáo nguyên thuỷ có người nữ xuất gia. Hơi dài dòng một chút nhưng cần phải giải thích tại đây. Vào thời Đức Phật còn tại thế, đời sống xuất gia hoàn toàn thích nghi với hoàn cảnh bên ngoài. Nghĩa là chư Tăng không nấu ăn trong chùa, Chư Tăng không để dành đồ ăn tại trú xứ, Chư Tăng không cất giữ tiền bạc. Đời sống của Chư Tăng ăn, mặc, ở, trị bệnh, tất cả đều rất giản dị. Giản dị đến mức độ là không cần nghĩ đến ngày mai ăn gì. Ngày mai bưng bình bát đi vào trong xóm, người ta cho gì ăn cái đó, ăn không hết cho chim, cho người khác, cho học trò, hoàn toàn không nghĩ đến ngày mai. Còn về vấn đề ở, nếu trời mưa thì ở trong liêu trong cốc do Phật tử dâng cúng, nêu không có thì ở dưới gốc cây, lấy đồ che thôi. Chứ không cần mua hay cất chùa như bây giờ. Cả Tăng lẫn Ni đều sống đời sống đó.

Khi người phụ nữ xin xuất gia trong giáo pháp, Đức Phật Ngài có đưa ra những điều kiện vì sự an toàn cho người nữ,

1/ Các vị Tỳ kheo Ni không được đi du hành một mình mà phải đi nhiều người.
2/ Chùa Ni ở phải nằm kế bên chùa Tăng để có hữu sự, Chư Tăng chạy qua giúp đỡ.
3/ Những việc quan trọng của Ni bộ cần có sự phối hợp với bên Tăng. Bởi vì bên Ni thường có khuynh hướng dễ bất hoà với nhau. Đây không phải là điểm kỳ thị nhưng quả thật Ni giới thường hay bất hoà, do đó cần thành phần thứ ba bên ngoài là Tăng để giúp ổn định.

Tóm tắt một đoạn quan trọng ngày hôm qua chúng ta đã đề cập đến. Đó là để phát triển tâm từ, một trong những điều kiện quan trọng là chúng ta phải sống với một nội tâm không sân hận. Ở đây không phải chỉ là sự nhấn mạnh về tai hại của lòng sân hận, mà có một ngụ ý rất đáng để cho tất cả chúng ta cần ghi nhớ là đối với người tu những phiền não nhất là sân hận có hại cho chính mình nhiều hơn là mang lại cho mình phước báu. Một người càng đi sâu vào nội tâm của mình có ý thức rất lớn, là nuôi dưỡng sự hiềm hận trong cuộc sống, chúng ta chỉ tự mình làm khổ lấy chính mình mà thôi. Đôi lúc buồn phiền ai chuyện gì là bởi vì chúng ta không thấy rằng chính lòng sân hận làm cho chúng ta mau già, mau xấu đi, làm cho chúng ta không biết vui vẻ nhất là chúng ta không ý thức lòng sân hận được nuôi dưỡng đã làm cho chúng ta mất đi nhiều điều lợi ích.

Chúng ta hãy đọc đoạn 40, sau đó chúng ta sẽ có một vài lời giải thích. Sau đó đi qua đoạn 41, hai đoạn này có liên quan mật thiết với nhau.

“Khi hiềm hận đối với kẻ thù nghịch đã lắng xuồng, hành giả có thể rải tâm từ đến người ấy, cũng như đến một người thân, người rất thân và người dửng dưng. Rồi hành giả nên phá vỡ những hàng rào ngăn bằng sự tập luyện tâm từ luôn luôn, thành tựu tính bình đẳng với bốn người, nghĩa là chính bản thân, ngưới thân, người dửng dưng và kẻ thù.”

Câu đó có ý nghĩa rằng, một người đủ làm lòng sân của mình lắng dịu xuống người đó có thể rãi tâm từ đến người thân, người dửng dưng và kẻ thù. Để đạt được điều này người ấy cần phá vở những rào ngăn, tức là những hàng rào cho chúng ta biết sự khác biệt giữa người này và người kia. Đạo Phật gọi thái độ đó là thái độ bình đẳng.Trong xã hội Tây phương hôm nay nói rất nhiều về sự bình đẳng, xây dựng xã hội dân chủ nhưng Đức Phật Ngài nhấn mạnh rằng sự bình đẳng thật sự có hay không, đó là chính ở nội tâm của mỗi người.

Chúng ta hãy đọc đoạn 41 để thấy rõ một lý luận,

“ Tính chất bình đẳng ấy như sau. Giả sử vị ấy( Tức là vị Tỳ kheo đang tu tập) đang ngồi một nơi kia cùng với một người thân, một người dưng, và một người thù, với vị ấy là bốn.
Khi ấy những kẻ cướp đi đến bảo vị Tỷ kheo ấy,
-“ Bạch Đại Đức cho chúng tôi một vị Tỳ kheo”
Khi hỏi,
-“Để làm gì?”
Chúng trả lời,
-“Để cắt cổ lấy máu làm lễ tế thần linh”.
Lúc ấy nếu hành giả nghĩ, “ Hãy để chúng mang đi người này hay người này hay người kia”. Như thế vị ấy chưa bỏ những hàng rào ngăn. Nhưng nếu vị ấy nghĩ, “Hãy để chúng mang ta đi, đừng mang những người kia” thì cũng chưa phá vỡ hàng rào ngăn. Tại sao? Vì vị ấy tự tìm cách tự hại khi muốn để cho người ta mang đi và chỉ tìm sự an ổn cho người khác mà thôi. Vậy, chỉ khi nào vị ấy nghĩ không thấy người nào trong bốn người ấy đáng cho kẻ cướp mang đi, khi vị ấy hứong tâm mình một cách bình đẳng đến bản thân cũng như đến ba người kia, vị ấy mới phá vỡ rào ngăn.”
Điểm này rất tế nhị. Có hai điểm tế nhị tại đây. Khi chúng ta tu tập, có nghĩa là chúng ta đến một cuộc thí nghiệm rất gay go. Ví dụ chúng ta có bốn người trên một chiếc tàu, hải tặc đến đòi bắt một trong bốn người đó đi, thì bản thân mình là một và ba người nữa. Nếu mình có ý nghĩ rằng,” Hãy để cho người này hay người nọ hay người kia bị bắt đi” thì như vậy hàng rào giữa bốn người vẫn còn. Điểm này cũng dễ hiểu.
Nhưng có một điểm nữa là người ta thường ca ngợi sự hy sinh, nghĩ rằng ví dụ như bốn người có mặt mình nghĩ rằng, “ Hãy để chúng bắt bản thân của mình đi, ba người kia đừng đụng đến” . Ở đây cũg cho rằng đó là thái độ thiếu tâm từ đối với chính bản thân của mình. Một người có tâm từ trọn vẹn, sẽ thấy rằng trong bốn người có mặt không có người nào nên đi. Đó gọi là tâm từ. Đây là một điểm rất tế nhị.
Bởi vậy khi tu tập tâm từ, người ta hiểu được một nguyên lý rất lạ lùng đối với nền luân lý thông thường của con người. Chúng ta thường hiểu rằng trong hoàn cảnh nào đó, tự bản thân mình nhận lấy sự thiệt thòi, nhận lấy sự tổn hại thì điều đó là hợp với tâm từ. Nhưng thật sự khi tu tập tâm từ nên thấy tất cả chúng sanh đều là bình đẳng kể cả bản thân mình và người khác. Phải có từ ái với bản thân của mình.

Đoạn 43 “Đồng thời với sự phá vỡ rào ngăn, tướng và cận hành định khởi lên cho vị ấy. Nhưng sau khi sự phá vỡ rào ngăn đã đạt đến kết quả, hành giả sẽ đắc định theo cách đã tả trong phần kasina đất không khó khăn nhờ đào luyện, tu tập, làm cho sung mãn tướng ấy.
Ở điểm này hành giả đắc sơ thiền, từ bỏ năm yếu tố, có được năm yếu tố, tốt đẹp ở ba phương diện có mười đặc tính và câu hữu với từ. Và khi thiền này đã đạt được thì do tu tập đào luyện làm cho sung mãn tướng ấy, hành giả tuần tự đắc nhị thiền, tam thiền trong hệ thống bốn thiền, và nhị, tam, tứ thiền trong hệ thống năm thiền.”

Đoạn kinh này rất cô đọng khi chúng ta nghe hoàn toàn khó hiểu, bởi vì điều này liên quan đến kỹ thuật tu tập. Nói một cách rất ngắn gọn, một người chứng đắc thiền đề mục tâm từ là một người nhìn thấy tất cả chúng sanh kể cả bản thân họ hoàn toàn bình đẳng với nhau trong ước muốn của vị hành giả này, thì người đó đạt được thiền thứ nhất gọi là sơ thiền. “Vị này đắc sơ thiền từ bỏ năm yếu tố và có được năm yếu tố”. Từ bỏ năm yếu tố là tham dục, sân hận, buồn ngũ dã dượi, phóng dật và hoài nghi. Đắc được năm yếu tố là đắc được năm chi thiền tầm, tứ, hỷ, lạc và định. Đây là phần rất chuyên môn.

Ví dụ giống như câu viết ở đây là Kinh Văn Luận Giải. Khi quý vị đọc Kinh văn luận giải là quý vị nhìn thấy bốn chữ đó liền. Nhưng để đọc được bốn chữ đó thì quý vị phải làm nhiều công việc, quý vị phải nhìn thấy những chữ K-i-n-h và ráp những chữ đó lại với nhau thành chữ Kinh, rồi chữ V-ă-n thành chữ văn. rồi Kinh-Văn ráp lại thành hai chữ, thành câu. Để đọc được chữ đó như vậy tâm chúng ta có một số việc máy móc phải làm đại khái là ghi nhận những chữ đó, ráp lại với nhau rồi ghép lại thành lời, đó là năm chi tầm, tứ, hỷ, lạc, định. Sau này có dịp chúng ta sẽ đi sâu hơn.
Đây là một diễn tả rất đặc biệt về một người nhập thiền tâm từ.

Chúng ta đọc sang đoạn 44
“ Bấy giờ, chính với những thiền khởi từ sơ thiền, mà vị Tỳ kheo ấy “An trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba cũng vậy phương thứ tư, trên, dưới, bốn bên, cùng khắp thế giới bình đẳng. Vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, chan chứa, cao cả, vô biên, không hận, không não”. Vì tính cách rộng rãi này chỉ phát sanh ở nơi một người tâm đã đắc định sơ thiền và các thiền còn lại.

Đoạn 45, “ Với tâm câu hữu với từ: tâm có từ. Một phương bất cứ hướng nào trong đó hành giả trông thấy một chúng sanh đầu tiên, và (tâm từ) lan khắp đến những chúng sanh gồm trong phương ấy. Biến mãn: chạm đến làm thành đối tượng của vị ấy. Trú : làm phát sinh một chỗ trú (một tương tục trong bốn oai nghi) dành cho các phạm trú.”

Thường chúng ta quan niệm rằng tâm từ là vô lượng, chúng ta chan hoà đến khắp mười phương tám hướng nhưng trong sự chan hoà đó phải có sự hướng tâm. Chúng ta không thể nào hướng một lần đến mười phương tám hướng được hết mà chúng ta chỉ hướng đến một hướng nào nhất định mà thôi. Đạo Phật gọi đó là định hay sự tập trung tư tưởng. Ví dụ chúng ta đi vào một thính chúng đông như vầy, khi bước vào chúng ta phải khởi lên tâm từ với một người cũng giống như với tất cả mọi người. Chúng ta thấy người mặc áo “tràng” chúng ta nghĩ rằng mong choquý vị được an lành tiến hoá với tâm rất mát mẻ. Quý vị tự nhiên sẽ thấy có tâm từ trong khắp cả mọi người.

Một người có đủ tâm từ đi vào một đám đông, họ thấy một người tự nhiên trạng thái tâm từ trãi rộng đến người đó. Khi quý vị thấy một người cư sĩ trong đám đông tự nhiên quý vị có hảo cảm liền với người đó và thiện cảm đó trãi rộng đến tất cả những người chung quanh đó . Đó gọi là sự dẫn nhịp của tâm từ. Một người tu tập tâm từ lớn đến một mức độ sung mãn, người đó khi nhìn thấy một đám đông mà khởi lên từ tâm với một người thì họ có từ tâm với tất cả mọi người. Kinh nghiệm này quý vị có thể thấy được khi gặp những người đồng đạo hay những người bạn của mình, hay những người cùng chủng tộc màu da với mình. Ví dụ ở nước ngoài không có nhiều người Việt Nam, lâu lâu chúng ta gặp một nhóm người Việt năm người bảy người, tự nhiên chúng ta có cảm tình, thiện cảm được trang trải, được nới rộng.

Thật ra sự tu tập là gì? Sự tu tập là chúng ta lợi dụng những đặc tính tự nhiên của tâm lý đó để chúng ta trải rộng tình thương của mình ra và an trú trong đó. Chúng ta thành tựu thiền định và tâm từ.

Tuy nhiên, Quý vị đọc đoạn 46 cho đến đoạn 48 để tìm những ý nghĩa chi tiết của bản Kinh văn này,
“ Thứ nhất bốn bên là gì? Bốn bên: là những phương trung gian. Cứ thế hành giả để tâm sung mãn đức từ rải rắc qua lại khắp mọi hướng, như một con ngựa trong trường đua. Cho đến điểm này, sự gieo rắc tâm từ còn chỉ rõ từng phương hướng riêng biệt.”
Giai đoạn đầu tiên giống như con ngựa trong trường đua, nó chạy đầu này chạy đầu kia nhưng nó chạy trong một cái thế. Khi quý vị học hoặc làm nghề gì thành thục, ví dụ như quý vị nấu ăn khá ngon biết nêm nếm, thì quý vị rất thích nấu vì cái khéo, cái nhuần nhuyễn của quý vị được áp dụng trong tất cả các món ăn. Quý vị làm nhiếu món ăn như vậy làm gì? Để thưởng thức cái khéo của quý vị.Giai đoạn đầu khi chúng ta có được tâm từ mát mẻ rồi thì chúng ta đem tâm từ đó đi khẳp cả mọi phương hướng, mọi lãnh vực của đời sống. Để làm gì? Để cho nó được phát triển theo nhiều hướng.
Như trường hợp quy vị thiếu can đảm để nói chuyện trước đám đông. Như kinh nghiệm bản thân của chúng tôi, ngày xưa khi còn nhỏ vào trong chùa, chúng tôi rất mắc cỡ khi nói một câu gì vì sống trong nhà cha mẹ rất khó. Khi mới xuất gia sa-di, mặc chiếc y hay bị tuột, mỗi lần Phật tử mời đến nhà ăn cơm, đến đó đã ngại không ăn cơm được rồi mà y cứ tuột kéo lên kéo xuống hoài, mồ hôi nhỏ đầm đề. Khi tụng kinh, do chưa thuộc kinh nhiều bài tụng được bài phải im, bài tụng được ít, bài không rành nên khi Phật tử mời ăn cơm là chúng tôi bị đói vì chỉ ăn ít không dám gắp thức ăn vượt quá tầm tay của mình. Nếu trước mặt là cơm với rau thì chỉ ăn cơm với rau chứ không dám ăn món gì nữa hết. Chúng tôi mắc cỡ và ngại ngùng đến như vậy. Thầy của chúng tôi là Pháp sư Giác Chánh, thường trong chùa Chư Tăng học Phật pháp đến năm thứ ba thì thầy muốn chư Tăng đi giảng dạy Phật Pháp cho Phật tử. Nhưng trước đó phải làm một việc đó là phải dạy Phật Pháp cho chư Tăng trong chùa. Ví dụ vị nào hoc hết cấp ba thì dạy lại cho cấp một. Chúng tôi không biết ngoài đời thường nói, “ Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” như thế nào. Nhưng trong chùa các chú tiểu là ghê lắm. Khi thấy vị thầy trẻ là họ quay đủ thứ chuyện. May mắn là khi sinh hoạt trong lớp học thường có 15 hay 16 chú, dạy riết rồi quen. Khi quen rồi cũng chưa đủ, Pháp sư Giác Chánh khi đi trai Tăng, hay gặp Phật tử cũng bắt chúng tôi thuyết pháp, đi đâu cũng nói Pháp. Để làm gì? Để cho quen đi, khi mình có căn bản nào đó rồi thì phải đem ra đặt nó trong nhiều điều kiện khác nhau. Giống như con ngựa trong trường đua phải chạy nhiều nơi và phải nhảy qua các chướng ngại vật, đi qua ghềnh, đi qua thác.

Một người có tu tập tâm từ, ban đầu nghĩ đến bản thân của mình, rồi đến những người thân, rồi đến kẻ thù, rồi đến những người dưng, người gần người xa để làm gì? Để tâm từ được phát triển, chúng ta đốí xử với mọi người rất bình đẳng. Điểm này rất khó hình dung, đặc biệt đối với những người có cảm tính rất nhạy. Một khi phát triển tâm từ một cách đầy đủ, ở nơi nào quý vị cũng cảm thấy thoải mái. Tại vì sao vậy? Vì ở đâu chúng ta cũng chỉ có một mục đích là mong cho người khác được an lạc. Họ làm vua cũng vậy, họ làm ăn mày cũng vậy, họ giàu cũng vậy, họ nghèo cũng vậy, chúng ta không có lý do gì phải ngại ngùng với họ hết. Tại vì chúng ta không cầu mong gì nơi họ, mà chúng ta chỉ có tấm lòng rất thành thực, mong mỏi cho họ được an lạc, cho nên chúng ta không có gì ngại ngùng. Quý vị cứ nghĩ một trạng thái như vầy, khi quý vị đến gặp một người nào để xin người đó một ân huệ nào đó, trong lòng quý vị có tự nhiên không? Không tự nhiên vì chúng ta mong mỏi người đó cái gì. Hay khi đến gặp một người quý vị có cảm tình, muốn người đó chú ý đến mình thì quý vị cũng rất hồi hộp. Nhưng nếu quý vị đến với mọi người bằng tâm từ ái thì ai cũng giống nhau hết, dầu người đó già trẻ, bé lớn, đẹp xấu, sanh hèn,giàu nghèo. Tại vì sao? tại vì chúng ta không có gì để mong mỏi nơi người đó.

Người xưa có kể một câu chuyện. Trong một làng có một ông nhà giàu và một ông nhà nghèo. Ông nhà giàu rất háo danh, ông nhà nghèo tuy thanh đạm nhưng rất tự trọng. Trong làng ai gặp ông nhà giàu cũng khúm núm e dè. Nhưng riêng đặc biệt ông nhà nghèo bình thường. Một người giàu có khi họ ở địa vị người khác phải nể trọng mà gặp chuyện như vậy rất tự ái.

Có một lần ông nhà giàu mời ông nhà nghèo sang nhà ăn cơm và nói với ông,
“ Sống ở đời anh nên biết trong làng tôi là người gìau có nhất, nên khi gặp tôi anh phải làm sao coi được chứ anh cứ tỉnh như vậy thì coi không được chút nào”
Ông nhà nghèo mới trả lời rằng,
“ Anh giàu là do tiền của anh làm và anh hưởng. Tôi đâu có được phần nào trong đó đâu mà tôi phải cúi đầu khép nép trước mặt anh.”
Ông nhà giàu nghĩ bụng rằng, “ Chắc tại vì ông này nghĩ rằng mình không thi ân cho nên ổng không phục” nên nói rằng,
-“ Thôi được rồi tôi sẽ cho tiền anh và cho anh nửa gia tài để anh giàu có bằng tôi. Như vậy anh có nể tôi không?”
Ông nhà nghèo trả lời,
-“ Dĩ nhiên là không rồi, tôi giàu bằng anh rồi thì sao lại nể anh chứ”
Anh nhà giàu bực lắm nói.
-“ Nếu tôi cho anh hết gia tài thì anh giàu hơn tôi anh có nể tôi không?”
Anh nhà nghèo trả lời,
-“ Lúc đó anh phải nể tôi chứ sao tôi lại nể anh”
Đó không phải là cách nói dàn lân nhưng có nghĩa là trong cuộc sống này lúc chúng ta cảm thấy nhạy cảm nhất, cảm thấy hồi hộp nhất, ngại ngùng nhất là vì chúng ta nghĩ có cái gì đó mà chúng ta được, thua, bằng. Một người có tâm từ ái sống ở đâu cũng được. Đức Phật đối với vị vua cũng vậy, đối với tên tướng cướp cũng vậy, đối với một người giàu cũng vậy, và đối với một người nghèo cũg vậy. Đức Phật không cầu mong ở ai điều gì, Ngài chỉ mong cho mọi người được an lạc. Điều này rất quan trọng.

Như vậy một trong những điều lợi lạc của sự tu tập tâm từ là chúng ta có thể sống trong đời này không phải làm anh hùng mà cũng không phải là một người thật khôn mà chúng ta sống một đời rất tự tại. Bởi vì mình không muốn hơn ai và mình cũng không cần luỵ ai. Người ở đời sở dĩ cảm thấy trong lòng thấp thỏm, cảm thấy ngại ngùng, cảm thấy lo âu là bởi vì sự hơn thua trong lòng họ quá nặng.

Đức Phật có nói, Người nào thở ra thở vào một cách tự nhiên thì người đó sống an lạc. Cũng như đang ngồi đây quý vị thở, quý vị mong hơi thở dài, quý vị điều khiển hơi thở ngắn. Quý vị nghĩ rằng thở chút xíu sẽ thấy Phật, thỏ chút xíu sẽ thấy hào quang thì quý vị sẽ không tự nhiên với hơi thở của mình. Nhưng lúc nào chúng ta thấy thở chỉ là thở thôi, quý vị cảm thấy bình thường, không mong mỏi gì hết. Cũng như vậy quý vị gặp bất cứ người nào chung quanh mình, đừng bao giờ nghĩ rằng mình phải lợi dụng người đó đừng có hậu ý với người đó mà chỉ mong mỏi một điều tất cả mọi gnười đều an lạc. Dầu quý vị gặp một ông vua cũng vậy, gặp một thường dân cũng vậy, tất cả đều giống nhau. Chúng ta không có chuyện mong cầu và đó là điều quan trọng trong đời sống. Đừng lãnh đạm nhưng cũng đừng cầu cạnh cuộc đời. Khi chúng ta cầu cạnh cuộc đời tức là làm cho lòng chúng ta trở nên yếu đuối uỷ mị. Chúng ta phải tin tưởng một điều rằng, trong đời hễ phước thì phước, hoạ thì hoạ. Không phải chúng ta vào luồn ra cúi chúng ta tránh được hoạ, cũng không phải chúng ta cầu khẩn chúng ta được phước. Ở đời mỗi người có phước và chúng ta phải tự tin vào phước báu cùa chính mình. Sống với cuộc đời chỉ nên có tâm từ và tâm từ đơn thuần, đó là đạo lý của một người cư sĩ. Quý vị có hiểu được chữ” Bốn bên” là bất cứ lãnh vực nào của đời sống đông, nam, tây, bắc, trên, dưới, bốn phương nơi nào chúng ta cũng thoải mái. Ở đây được xem giống như con ngựa trong trường đua, đi tới đi lui một cách tự tại và nơi nào cũng bình thản được.

“Cùng khắp thế giới”: chỉ sự biến mãn tâm từ không giới hạn. Bình đẳng: là đối với tất cả hạng hạ, trung, thượng, người bạn, kẻ thù người dưng v.v… như với chính bản thân. Hoặc còn có nghĩa là với tất cả tâm hồn mình( nguyên văn: sabbattàya: với tất cả bản thân, hết mình) không chừa một chút gì sót lại mà không thấm nhuần bởi tâm từ.

Đoạn 48, “ Biến mãn với tâm từ; được lập lại ở đây dể dẫn các tiếng đồng nghĩa sau:
quảng đại v.v… Hoặc nó được lập lại vì không có hai tiếng “cũng vậy” như trong trường hợp sự biến mãn có định hướng trước đó. Hoặc lập lại để làm kết luận. Chan chứa, tràn trề trong sự biến mãn. Cao cả: là chỉ về bình diện, từ bình diện dục giới mà biến mãn tâm từ lên đến sắc giới. Vô lượng: do sự quen thuộc( trong việc biến mãn) và do lấy vô lượng chúng sanh làm đối tượng. Không hận do từ bỏ ác tâm và sân hận, không não là do từ bỏ buồn phiền đau khổ.
Ở đây họ giải thích sự biến mãn với cách giải thích rất đặc biệt, biến mãn ở đây có nghĩa là cùng khắp. Cùng khắp là đối với người dưới mình cũng có tâm từ, đối với người trên mình cũng có tâm từ. Con người chúng ta quen sống với anh hùng tính. Thật ra người nào dưới cơ mình hay những người nghèo khổ hơn mình chúng ta thường có lòng từ ái dễ dàng, nhưng đối với những người trên mình, giàu hơn mình, đẹp hơn mình, cao trọng hơn mình thì chúng ta không có tâm từ. Điều đó là một sự thiệt thòi cho mình, vì chúng ta còn có sự ganh tị. Một người có tâm từ, người đó không thấy có gì khác biệt giữa người thấp hơn mình và người cao hơn mình, bởi vì chúng ta chỉ mong mỏi sự an lạc cho họ. Nên nói rằng, cao cả có nghĩa là đối với Chư Thiên trên trời và với chúng sanh trong địa ngục, chúng ta cũng có tâm trạng mong họ an lạc như nhau. Vô lượng là do sự quen thuộc và lấy vô lượng chúng sanh làm đối tượng. Lòng từ được gọi là vô lượng là lòng từ không có giới hạn. Không hạn chế người cùng quê hương với mình, người cùng địa phương với mình, người cùng quốc độ với mình, người cùng màu da, cùng chủng tộc với mình. Nếu không phân biệt như vậy gọi là vô lượng. Không hận là từ bỏ ác tâm. Không não là do không buồn phiền đau khổ.

Trong đạo Phật có những chữ đề cập đến chữ sân, chữ phiền, chữ não. Sân tức là sự buồn phiền trước sự trai ý nghịch lòng. Phiền là chúng ta muốn tránh né những gì chúng ta không thích. Não ở đâylà nói đến sự đau khổ bức rức. Khi có chuyện gì quý vị thấy buồn phiền nhưng đến mức thấm vào trong tâm làm cho mình ray rức khó chịu thì đó gọi là não. Người tu nên tránh những điều đó khi tu tập tâm từ.Tính cách quảng đại này để chỉ thành công với một người đã đắc định, tính cách rộng lớn này nói trong Patisambhida cũng cần được hiểu là thành công nơi một người đã đắc định. Ở đây có nghĩa là một người đạt đến trạng thái này, một người đã đắc thiền. Khi chúng tôi trình bày điểm này không phải để quý vị nghĩ đến chuyện tu thiền, mà để chúng ta áp dụng trong đời sống hằng ngày được phần nào tốt phần đó. Tâm từ rộng lớn được phần nào tốt phần đó.

Một người không thể nói rằng họ yêu quê hương nếu họ không yêu đồng bào. Một người không thể nói họ yêu đồng bào nhưng không biết thương láng giềng. Vì có người gần và có người xa. Do vậy nếu quý vị không có tâm từ với tất cả chúng sanh thì chúng ta cũng không có tâm từ với những người chung quanh mình. Khoan nói có tâm từ với thú vật với Chư thiên, người xa người gần. Nếu quý vị đi chùa mà có tâm từ với tất cả Phật tử trong chùa cũng là cao đẹp quá. Do vậy chúng ta không cần có tâm từ với tất cả chúng sanh mới gọi là tiến bộ mà tâm từ trong phạm vi nào đó tương đối cũng gọi là tiến bộ. Do đó chúng ta nên tự khích lệ với chính mình và đi càng xa, càng rộng càng tốt.

Câu hỏi: Sau khi chứng thiền có thể bị trở lui không?

Thật ra trạng thái chứng thiền. Sự tu tập giống như chúng ta đi học, chứng thiền giống như chúng ta ra trường với bằng cấp. Có nghĩa là trong một thời điểm nào đó, chúng ta đã đạt đến kiến thức cao như vậy. Tuy nhiên không có nghĩa là kiến thức đó tồn tại hoài. Nếu tu thiền hơn là không tu khi gặp chướng duyên gì nhưng đạt đến mức độ đó ít khi người ta tuột xuống. Nếu không tiến hơn thì người ta nằm ở giai đoạn đó. Tại vì thật ra khi đạt đến giai đoạn đó rồi thì con người đặc biệt hạnh phúc. Thường thường khi đạt hạnh phúc đó, họ hay chú tâm gìn giữ hơn là họ làm cho hư hoại đi. Trong kinh ít đề cập lo lắng đến điều này, đối với người học trò các vị thầy thường ít khi lo lắng đến sự lui sụt. Các người Thầy chỉ lo học trò đạt đến trạng thái đó rồi thoả mãn, không đi xa hơn mữa. Đó là điều đáng ngại. Thường thường chúng ta học có một bằng cấp nào đó và có công ăn việc làm rồi chúng ta ngừng ở đó không muốn học thêm nữa, vì đã đi làm có tiền. Cũng vậy khi một người đạt đến trạng thái này, có thể họ cảm thấy an lạc không đi xa hơn.

Chúng ta để ý thấy rằng bệnh của con người, nếu học điều gì đến nơi đến chốn thì người ta rất dễ thoả mãn. Không lo ngại là họ sẽ lui sụt mà lo ngại là họ thoả mãn ngừng tại đó. Bởi vậy người xưa nói tinh thần cầu học, cầu tu quan trọng hơn là lo âu để giữ những gì mình đạt được bởi vì khi mình có mình hay giữ nó nhiều hơn là để cho nó mất. Nhưng rất bình thường một người có rồi họ không đi xa hơn nữa, họ hoàn toàn thảo mãn. Câu trả lời ở đây là rất có thể chuyện đó sẽ bị lui sụt chứ không phải vĩnh viễn còn, đạo quả là diệt trừ phiền não, đắc đạo chứng quả không trở lui nhưng đắc thiền có thể sẽ trở lui.

Câu hỏi: Làm thế nào để mình có thể chọn lựa một tôn giáo?

Thật ra mình nên biết một điều con người ít khi được lựa chọn trong các tôn giáo. Mình sinh ra ở một quốc gia Hồi giáo thì theo Hồi giáo, sanh ra trong một quốc gia Thiên chúa giáo thì theo Thiên Chúa giáo, sanh ra trong quốc gia Phật giáo thì theo Phật giáo. Do vậy sự lựa chọn tôn giáo là một trong những gì rất tha thiết cho một số người nào đó họ có duyên may. Có những tôn giáo con người không được quyền lựa chọn và có những tôn giáo con người ít có quyến lựa chọn. Ví dụ quý vị là những người Phật tử, Quý vị vó nhiều cơ may để lựa chọn. Nhưng có những người theo đạo khác họ không có quyền lựa chọn. Ví dụ như tín đồ của một số tôn giáo không bao giờ được đọc sách của ngoại đạo, không bao giờ được tiếp xúc với những người khác đạo của mình về phương diện tôn giáo.
Hỏi rằng làm sao để lựa chọn một tôn giáo. Đức Phật có trả lời cho những người Kalama. Ngài xác nhận một điều rằng đó là một vấn đề rất dễ làm cho chúng ta bối rối. Ngài khuyên một người lựa chọn tôn giáo, trước khi hỏi tôn giáo đó mang lại cho mình điều gì? thì những người đó phải biết trong đời sống mình cần gì?
Con người mình duy nhất cần ba điều:
1/ Mình cần được an lạc hạnh phúc
2/Mình cần sự hướng dẫn nào đó để trở thành người tốt
3/ Cần khai mở trí tuệ

Namo Buddhaya


 

 

 

Trình bày: Minh Hạnh và Nguyễn Văn Hòa

Trở về Trang Đề Án Trong Tháng Mười

Đầu trang