Tu Tập Tâm Từ - Phạm Trú
TT Giác Đảng giảng tại khóa tu học Thuy Sĩ
Minh Hạnh chuyển biên
Người ta bỏ ra 50,000 Dollars để nghiên cứu mùi vị xe mới, thường thường có một số người đến mua xe ở chổ bán xe, khi họ mở chiếc xe ra thì mùi của nệm chiếc xe mới có một sự quyến rủ đặc biệt khiến người ta muốn mua hay không muốn mua chiếc xe đó, và điều đó đi vào trong tiềm thức mà chúng ta ít để ý, do đó họ bỏ 50,000 Dollars để nghiên cứu xem có mùi gì đặc biệt để khi người ta mở chiếc xe ra và thích mua chiếc xe đó. Nhưng thật sự về lâu thì chúng ta không nghĩ đến mùi, tuy nhiên đôi lúc có những chuyện ảnh hưởng rất tế nhị đến đời sống của chúng ta.
Một nhà thi hào nổi tiếng ở Việt Nam là thi hào Tản Đà, ông nói rằng một bữa ăn ngon không phải chỉ những thức ăn đem đến ngon là ngon, và cũng không phải trưng bày đẹp đẽ thì là đầy đủ, mà gọi là ngon phải có người biết ăn ngon ăn cùng với mình thì mới ngon. Thì như vậy ở trong đó có bao nhiêu căn tất cả?
Thứ nhất là thức ăn thì cần nêm nếm cho ngon là thuộc về vị giác. Và trình bày cho đẹp mắt là thị giác. Và nếu có một người bạn tri kỷ hay một người biết thưởng thức đồ ăn họ ngồi đối diện với mình để ăn là ý.
Có một vị tỳ kheo rất nổi tiếng trong kinh điển đạo Phật đó là tỳ kheo Na Tiên, là vị tỳ kheo có biện tài về giải thích Phật Pháp. Có một lần tỳ kheo Na Tiên đến thăm vua Milinda, vua là một nhà bác học biện tài. Thì bấy giờ vua Milinda hỏi tỳ kheo Na Tiên rằng:
"Mắt có phải là Na Tiên không?"
Thì tỳ kheo Na Tiên trả lời:
"Không phải là tỳ kheo Na Tiên"
"Tai có phải là Na Tiên không?" - "Không phải"
"Mũi có phải là Na Tiên không?" - "Không phải."
Lưỡi có phải là Na Tiên không? - "Không phải."
Thì nhà vua mới quay qua nói chuyện với tất cả các vị tỳ kheo đang ngồi tại đó:
"Xin các Ngài làm chứng cho tôi, vị tỳ kheo này đang nói dối, tại vì vị tỳ kheo này nói rằng có Na Tiên, nhưng khi hỏi rằng mắt tai mũi lưỡi thân ý thì không có cái nào là Na Tiên, thì như vậy Na Tiên ở đâu?"
Tỳ Kheo Na Tiên có thưa với nhà vua: "Tâu Hoàng Thượng, Hoàng Thượng đã đến đây bằng gì?
Vua trả lời: "Trẫm đến đây bằng long xa" tức là xe của nhà vua đi.
Tỳ kheo Na Tiên hỏi: "Tâu Hoàng Thượng, bánh xe có phải là long xa không?" Vua trả lời là: "Không phải."
Hỏi: "Vậy gọng xe có phải là long xa không?"
Trả lời là: "Không phải"
Hỏi "Sườn xe có phải là long xa không?
Trả lời là "Không phải."
Hỏi: "Cái mui xe có phải là long xa không?"
Trả lời: "Cũng không phải."
"Như vậy có phải Hoàng Thượng nói dối chăng, vì Hoàng Thượng đã nói là đến đây bằng long xa, mà nãy giờ bần tăng hỏi cái nào Hoàng Thượng cũng từ chối nói không phải là long xa hết."
Thì nhà vua nói rằng: "Bạch Đại Đức, tiếng gọi long xa là tiếng tổng hợp của một vật gồm có sườn, có bánh xe, có mui, có căm xe đầy đủ hợp thành gọi là long xa chứ không thể là riêng biệt được."
Thì như vậy nói một cách tổng quan cái gọi là con người chúng ta là gì? anh A, anh B, anh C, bà này, ông kia, nhưng tóm lại là một tập hợp của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và của ý.
Sự sống là gì? Sự sống là thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, và suy nghĩ.
(Quí vị có tìm ngoài cái nghe ngửi nếm đụng và suy nghĩ . Có cái gì ngoài sáu căn đó mà gọi là sự sống của chúng ta? Hơi thở là sự sống, hơi thở thuộc về thân.)
Bây giờ, khi chúng ta đã hiểu như vậy thì cái nhìn của Đạo Phật là con người của chúng ta hiểu trong cái chung có cái riêng và trong cái riêng có cái chung. Thí dụ chúng ta có gia đình tất cả là tám người, nếu một trong tám người đó đi ra đường mà bị người khác gây và chửi một người trong tám người đó thì qúi vị nghĩ sao, tám người trở về có nên cảm thấy nhục nhã vò đầu bức tóc và cảm thấy buồn bực không?. Nhưng mà rồi ở trong cái chung có cái riêng, ở đây ý muốn nói rằng sự liên đới giữa mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý có cái chung là chung một con người của chúng ta, nhưng nó có cái riêng là có đôi lúc nó không giống như chúng ta suy nghĩ. Nghe một lời nói lọt vô tai gọi là thính giác, nhưng mà rồi đem tiếng đó về để trong bụng nhồi đi nhồi lại suy nghĩ gọi là ý thức. Nhưng có thể nào một việc đó từ một âm thanh tức là một thính giác mà có hai ba ý thức khác nhau không? có khi nào cùng một lời nói mà có hai ba cách suy nghĩ khác nhau, thì như vậy khi chúng ta nghe một tiếng thì có thật sự là cần thiết để lúc nào chúng ta cũng phải phản ứng và khổ vì nó không?. Có người họ khéo suy nghĩ thì họ không khổ, còn người không khéo suy nghĩ thì họ khổ. Như vậy thì Đạo Phật nói rằng có đôi lúc trong cái chung có cái riêng và trong cái riêng có cái chung.
Như trường hợp Ngài Punna xin sang xứ Sunaparanta để hành đạo và Đức Phật Ngài hỏi Ngài Punna như vầy: "Này Punna, dân xứ Sunaparanta rất là hung dữ, nếu con qua bên đó họ chửi mắng con thì con nghĩ sao?" thì Ngài Punna nói rằng:" Bạch Đức Thế Tôn, con nghĩ rằng họ vẫn còn tốt, bởi vì họ mới chửi mắng chưa đánh con." Nghe câu nói đó thì có cảm tưởng như là Ngài trả lời vòng lân, nhưng mà câu nói đó là một cái nhìn của sự sống rất khoán đạt là nếu chúng ta nhìn cái tốt của người khác thì chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời này không đến đỗi bi đát giống như chúng ta nghĩ. Bởi vì sao? Giả xử như một người họ không nhường cho mình cái gì đó, họ không nhường rồi chúng ta nghĩ tại sao họ không nhường cho mình? Như thế là họ coi thường mình, họ thế này thế kia, rồi chúng ta đâm ra bực mình. Nhưng nếu người ta không nhường mà mình nghĩ trong lòng rằng chuyện đó họ cần là tự nhiên, nếu họ dành với mình thì sao? thì mình cũng không làm gì được họ hết, đúng không, cái này họ đã không dành với mình, mà cái đó thuộc về phần của họ, họ tốt quá họ không nhường cho mình thôi, thì như vậy chúng ta ít có đau khổ.
Con người chúng ta chỉ nghĩ đến cái xấu của người khác nhiều hơn là nghĩ đến cái tốt của người ta. Chẳng hạn như người Mỹ bỏ ra rất nhiều tiền và bỏ ra rất nhiều tâm trí để mang người Việt Nam qua bên Mỹ, những người trẻ tuổi thì họ tìm cách cho hội nhập vào xã hội Mỹ có công ăn việc làm, những người lớn tuổi thì có tiền già để sống. Chúng ta không phải là ông nội ông ngoại họ, cũng không phải là cha mẹ họ mà họ đem qua rồi nuôi chúng ta, cho chúng ta có được không khí tự do, cho chúng ta có quyền đi làm và có quyền sống như những người dân Mỹ khác, nhưng rồi có những người qua tới Mỹ rồi thì chửi Mỹ, tại sao vậy? tại vì họ nói đem con bỏ chợ, mang tôi qua đây mà không lo lắng đầy đủ. Nhưng nếu mình ở Việt Nam thì mình nghĩ rằng ai mà đem mình ra nước ngoài thoát khỏi tay cộng sản thì mình cám ơn nhiều lắm, phải không, mình không cần cái gì hết. Thì như vậy cái bất mãn hay cái bằng lòng không phải chỉ qua mắt thấy, tai nghe mà còn có thêm một phần nữa là ý. Ý nhồi đi và nặn lại.
Do đó bây giờ mình hiểu như vầy, giả xử như ngày hôm nay mình được sống cuộc sống bình yên, tại sao mình có được bình yên? mình nên cảm ơn là cuộc đời đã để cho mình bình yên, nếu cuộc đời quấy động mình thì sao? Kẻ này nói ra người kia nói vô hay chúng ta đến đây có người rắc rối chúng ta đang đi họ lấy chân gài cho chúng ta té chúng ta cũng không làm gì người đó, phải không? Thì như vậy chúng ta đang được cuộc đời đối xử rất là tử tế, họ đã đối xử với chúng ta như một con người, họ cho chúng ta bình yên, nhưng có bao giờ chúng ta cảm ơn người đó không? - không có - Chúng ta là người sống rất vô ơn với cuộc đời, cuộc đời cho chúng ta rất nhiều, phải sống ở những nơi tù đày, sống ở những nơi rất dã man thì chúng ta mới thấy rằng một xã hội mà mình đi ra đường cầm đồ hai tay có người khác đi sau họ mở cửa cho mình thật là một điều hết sức cảm ơn, một xã hội mà nửa đêm cảnh sát không đến nhà mình bắt bớ mình một cách vô cớ, mình cũng nên cảm ơn, một xã hội mà người ta không thích mình nhưng người ta vẫn nói lời xin lỗi hay lời cảm ơn. Có đôi khi chúng ta mắc cở vì người ta làm gì đó chúng ta không hài lòng, thì họ nói rằng: "tôi xin lỗi anh, xin lỗi chị." Thì mình nói họ nói xin lỗi cái miệng chứ không thật lòng, nhưng chúng ta quên rằng nếu họ không nói xin lỗi thì chúng ta cũng không giết họ được, phải không?. Chuyện họ không thể làm được nhưng họ cũng ráng để làm chúng ta vừa lòng lúc đó, thì như vậy họ cũng có cố gắng, nếu họ nói: "Chuyện đó tôi không làm đi chỗ khác chơi đi", thì chúng ta cũng phải chịu. Thì như vậy nhiều khi người ta đến nói xin lỗi chúng ta một câu thì dầu lời xin lỗi đó chỉ là đầu môi chót lưỡi thôi, nhưng chúng ta nghĩ rằng họ cũng còn rất tốt, nhưng mà sẵn giọng họ trở mặt với chúng ta thì sao, thì chúng ta cũng tiu nghỉu trở về thôi. Thì như vậy giữa mắt, tai, mũi, lưỡi, thân còn có một yếu tố chi phối khác là ý.
Có hai yếu tố ở trong một sự việc, như trường hợp chúng tôi qua đây ngày đầu tiên đạo hữu Trí và cô Thủy cho ăn ngon quá, rồi bỗng nhiên ngày mai qúi vị bận việc qúi vị cho ăn uống sơ sài thì tự nhiên trong bụng mình ngồi nghĩ phiền não lắm, không biết mấy người này bữa nay sao họ đối xử mình tệ quá, phải không? tại vì mình so sánh những bữa này với bữa trước. Nhưng có một lần chúng tôi đi chơi với một đạo hữu đi mười quốc gia tại Âu Châu, trong những ngày đó chúng tôi ăn toàn bánh mì, lần đó chúng tôi về Copenhagen thủ đô của Đan Mạch thì buổi tối đó đạo hữu mới nói rằng mình đi mấy ngày nay ăn bánh mì khô quá, thôi kiếm gì để ăn, thì chúng tôi mới nói thôi được mình đến chỗ nào coi có bán thực phẩm Á Châu mình ăn tô mì thử coi, thì đến chỗ nhà hàng Tàu họ bán toàn là súc sích thôi, đạo hữu nói thôi trở ra nhà ga và thưa qúi vị khi trở ra nhà ga thì có một gian hàng bán thực phẩm và họ đóng cửa đã tắt đèn nhưng nồi đựng súp còn một ít cặn ở dưới và đạo hữu chạy lại nói rằng: "Cô làm ơn bán cho tôi chỗ súp này được không?" Thì cô đó nói rằng; "súp này chỉ là cặn thôi, nhưng nếu ông muốn thì tôi múc cho ông", và họ múc vào ly và đạo hữu cám ơn rối rít, ăn rất là ngon. Nếu bây giờ mình đang ở nhà ai cho mình một tô súp mà tô súp sau cùng của nồi canh thì chúng ta cảm thấy phiền, chúng ta cảm thấy phiền lắm, nhưng trong lúc đói thì chúng ta rất là hoan hỉ. Như vậy giữa vị giác và ý thức trong cái chung đó nếu chúng ta nhận rõ thì có cái riêng thì chúng ta cũng sẽ thay đổi được đời sống rất nhiều.
Như vậy, thì thưa qúi vị đôi lúc chúng ta đừng lẫn lộn con mắt với ý thức. Lấy ví dụ chúng ta mua một món đồ gì đó, giả thử qúi vị mua một bộ bàn ghế đẹp, có đôi lúc mua bộ bàn ghế đẹp không phải là nhu cầu để cơ thể chúng ta được nghỉ ngơi khỏe, mà là để chưng diện với bạn bè, bạn bè họ có thì mình cũng có, thì như vậy mình mua bộ ghế đó không phải mục đích để thoả mãn con mắt hay thoả mãn thân mà là để thoả mãn ý, và điểm này là điểm tế nhị lắm. Nếu chúng ta sống quán sát thường xuyên mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thì chúng ta thấy những gì thuộc về nhu cầu thật sự nó rất là đơn giản. Nếu quần áo để mặc cho ấm thôi thì quí vị tốn rất ít tiền, nếu quần áo mặc không cần thời trang thì chúng ta sẽ tốn rất ít tiền, nhưng vì nhu cầu quá phức tạp, do vậy Đức Phật Ngài nói rằng người nào mà biết nhìn vào sáu căn của mình phải ý thức sự liên hệ giữa điều này và điều khác thì người đó có cơ may thay đổi đời sống được. Nên chi nếu qúi vị cảm thấy đời sống tinh thần rất bế tắc, một lúc nào đó rất bế tắc, qúi vị nên tu thiền quán bằng cách là cái nào thuộc về mắt thì chúng ta nên thành thật nhìn nhận cái đó thuộc về mắt, cái nào thuộc về tai thì cái đó chúng ta nên thành thật nhìn nhận thuộc về tai, và cái nào thuộc về ý thì chúng ta thành thực nhận nó thuộc về ý, và không nhất thiết ý thức phải gắng liền những giác quan kia và không nhất thiết những giác quan kia phải gắng liền với ý thức.
Như chúng tôi nói với qúi vị hồi nãy, nếu mua bộ ghế chỉ để trong nhà có chút tiện nghi cho cơ thể chúng ta khi đi đâu về có nơi ngồi thì qúi vị không cần mua bộ quá đắc tiền, như vậy là chúng ta đáp ứng được nhu cầu vừa phải của thân và của mắt mà không lệ thuộc vào ý. Cái anh chàng ý ở phía sau là anh chàng đòi hỏi nhiều nhất và rắc rối nhất. Bởi vậy Đức Phật Ngài khuyên rằng chúng ta nên dòm chừng, nhưng con mắt và tai đôi khi cũng phiền lắm. Một bản nhạc hay không nghe hoài được, tại vì sao vậy, nghe riết tai quen nên bị nhàm , ở bên Hoa Kỳ làm ca sĩ mà là ca sĩ nổi tiếng lâu dài như Michael Jakson chẳng hạn, đó là cả một cái gì may mắn lắm, thường thường ca sĩ chỉ có một thời thôi, có nhiều khi âm nhạc nghe rất hay, thí dụ như nhạc sĩ Lione Richie là một nhạc sĩ da đen rất là nổi tiếng, ông đã viết lên những bản nhạc như bản Helo, là những bản nhạc danh tiếng một thời, đại lý bán nhạc của ông hồi đó khen là bất hủ nhưng mà rồi chỉ được một thời thôi, rồi ruốt cuộc ông chìm vào bóng tối vì tai nghe riết rồi nó cũng nhàm.
Như vậy thì chúng ta thấy rằng cái gì thuộc về mắt cũng vô thường, cái gì thuộc về tai cũng vô thường, cái gì thuộc về mũi cũng vô thường. Và không biết qúi vị có nhận rằng cái gì thuộc về ý cũng vô thường không? có khi năm nay chúng ta cảm thấy cái này rất đẹp nhưng năm tới chúng ta không cảm thấy đẹp nữa, năm nay rất tha thiết chuyện về Việt Nam để an vui lập nghiệp bên đó nhưng năm sau thì không còn nữa, năm nay cảm thấy rất thương người nào đó, nhưng một lúc nào đó thì tình thương đó sẽ phôi pha đi, thì như vậy là ý cũng vô thường, mắt vô thường, tai vô thường, mũi vô thường, lưỡi vô thường, thân vô thường và ý vô thường. Nếu cái gì mà thuộc về vô thường thì chúng ta nên đối xử với nó như thế nào? ở một mức độ vừa phải thôi, phải không? Bây giờ thí dụ qúi vị không làm thợ may chuyên nghiệp, nếu qúi vị bỏ tiền ra mua dàn máy may thiệt là đắt tiền thì thiệt là uổng, nếu qúi vị không làm nghề sửa xe chuyên nghiệp mà mua bộ đồ nghề chuyên nghiệp thì thiệt là uổng, quí vị không uống trà mà mua bộ đồ trà đắc tiền thì rất là uổng. Nhưng cuộc đời chúng ta đầu tư vào những chuyện hoang phí đó rất nhiều, có những thứ chúng ta rất thích nhưng mua về để đó, chúng ta sẽ không sài lâu là bởi vì chúng ta không hiểu rằng cái đó nó vô thường, chúng ta không phải chuyên nghiệp nhưng muốn sài đồ chuyên nghiệp của người thợ thì chuyện đó rất là uổng. Cuộc đời của chúng ta đầu tư vào sắc thân rất là nhiều, nhưng mà rồi chúng ta sẽ bỏ lại.
Câu chuyện người bá hộ có bốn người vợ.
Chuyện kể rằng ngày xưa có một ông bá hộ rất giàu, ông có bốn người vợ, bốn người vợ này nhận bốn sự đối xử khác nhau của ông, và bốn người vợ đó cũng có bốn cách thương mến ông khác nhau.
Người vợ thứ nhất là người vợ ông hết sức thương mến, có thể nói ngày nào cũng quan tâm, ngày nào cũng nghĩ tới, dầu mưa dầu nắng đều nghĩ tới người vợ này. Người vợ thứ hai là người khi nào ông cần thì ông tìm đến, còn không cần thì thôi, nghĩa là cũng có thương vậy, nhưng thương theo nhu cầu. Người vợ thứ ba, ông có lo lắng có chăm sóc, nhưng ông đòi hỏi nhiều lắm, nghĩa là sai xử đủ điều, sai làm cái này sai làm cái kia, mặc dầu có lo. Người vợ thứ tư, là bà vợ mà ông thường hờ hững, rất ít khi để ý đến. Trong truyện kể rằng khi ông bá hộ này chết đi thì người vợ thứ nhất là người ông rất là thương yêu, rất là mặn nồng, thì người vợ này tiễn ông ra tới cổng rào rồi thôi không theo nữa. Còn bà vợ thứ hai là bà vợ ông cũng thương nhưng lui tới khi nào có nhu cầu mà thôi, thì bà vợ đó đưa ông tới huyệt, ném cho ông vài cái hoa rồi đi về. Còn bà vợ thứ ba là bà vợ ông có lo, nhưng ông sai xử đủ điều hết, thì bà vợ đó theo ông vào quan tài, xuống huyệt, xuống lòng đất lạnh. Người ta kể rằng bà vợ thứ tư tự tử chết theo ông và đi theo ông mãi mãi trong kiếp luân hồi.
Bốn bà vợ này thí dụ cho bốn thứ trong đời sống chúng ta.
Bà vợ thứ nhất là bà vợ mà ông bá hộ rất thương yêu lo lắng từng ngày một, dầu nắng dầu mưa cũng lo nghĩ đến thì bà vợ đó tượng trung cho tài sản và của cải. Mỗi ngày chúng ta đi làm để tích lũy tài sản của chúng ta, tài sản chúng ta để quên ở đâu, có mưa có nắng thì cũng ráng chạy đi lo đi lấy về. Tài sản của chúng ta là cái gì mà chúng ta qúi và để mắt nhiều nhất. Nhưng khi chúng ta chết rồi vừa ra khỏi cổng rào thì tài sản không theo chúng ta được.
Bà vợ thứ hai là bà vợ ông có thương nhưng chỉ nghĩ tới lúc ông cần, tượng trưng cho bà con quyến thuộc của chúng ta. Những người bà con đó chúng ta giao hảo là vì nhu cầu, nhu cầu đó là gì? là vì sự cô đơn, khi nào chúng ta vui quá thì thường quên bè quên bạn quên thân bằng quyến thuộc, nhưng khi nào chúng ta cô độc thì tìm đến bạn bè, mà quả thật trong đời sống này chuyện thù tạc là chuyện quan trọng, ngoài chuyện lo cho tài sản chúng ta lo rất nhiều cho người thân của mình nhất là vợ, là chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, thì những người đó có thương chúng ta cách mấy thì họ sẽ đưa chúng ta đến huyệt và đứng trên bờ huyệt ném cho chúng ta vài cái hoa rồi họ đi về, có ai có thể làm hơn điều đó không, không ai làm hơn điều đó.
Bà vợ thứ ba được tượng trưng cho xác thân của chúng ta đây, xác thân này chúng ta cũng thương vậy, nhưng chúng ta đòi hỏi nó rất nhiều, chúng ta hành hạ nó rất nhiều. Quí vị nghe nói như vậy thì qúi vị sẽ không đồng ý, bởi vì ai cũng thương thân quá mà, nhưng mà thưa qúi vị không phải đâu, qúi vị muốn xem phim Tàu, qúi vị bắt nó thức thật là khuya có đúng không? Qúi vị muốn đi nghỉ hè thì qúi vị bắt nó thật là mệt nhọc, nào là khiêng đồ vác đồ đủ thứ, rồi qúi vị muốn đi hát karaoke thì qúi vị không cho nó ngủ đúng giờ mà đi lê lết ở đâu đó tới khuya mới về, và rồi qúi vị thích chơi game chẳng hạn thì dầu cái lưng có mỏi cũng không cho nó nghỉ. Như vậy thì thân của chúng ta có thương nhưng chúng ta nói theo danh từ ở ngoài là chúng ta đì nó dữ lắm, nghĩa là cay nghiệt với nó, đòi hỏi nó và có hành hạ nó. Qúi vị có thấy như vậy không? Nhưng cái thân sẽ theo chúng ta xuống tới lòng đất lạnh.
Bà vợ sau cùng là người vợ chúng ta ít để ý nhất, hờ hững nhất, thì người vợ đó đi theo chúng ta mãi mãi trong kiếp luân hồi đó là phước đức của chúng ta, đó là thường nghiệp.
Nói cho cùng ba thứ là: tài sản, người thân, và xác thân này, dầu tài sản có nhiều, dầu người thân có thương yêu cách mấy và xác thân này có tô hồng chuốt lục thì nhiều lắm cũng đi tới lòng đất lạnh thôi, xa nhất là đi đến đó, không ai đi xa hơn nữa, nhưng phước đức mà Đức Phật gọi là Thánh Sản là tài sản bậc thánh đi từ đời này qua đời khác, nhưng bao nhiêu người lo cho nó đâu, rất ít người lo cho nó, tại sao vậy? Qúi vị hỏi rằng ở Thụy Sĩ này chúng ta có bao nhiêu người Việt Nam ở đây và có bao nhiêu người đến dự khóa tu học, ít lắm phải không? Nếu so sánh quả thật rất là ít, và trong một năm như vậy có bao nhiêu năm tháng chúng ta lo cho phước đức của mình, ít lắm, tại sao chúng ta không lo phước đức của mình, không phải là vì chúng ta ngu, chúng ta thiếu trí, không phải là vì chúng ta không có đức tin, nhưng tại vì chúng ta quá bận để đầu tư vào mắt, vào tai, vào mũi, vào lưỡi, vào thân, và vào ý. Tại sao chúng ta đầu tư vào nó, tại vì chúng ta nghĩ rằng nó vĩnh viễn phải không? nó lâu dài đúng không? Qúi vị mua một bộ ghế, qúi vị làm bao lâu mới được bộ ghế đó, làm lâu lắm. Đi chùa làm công quả hai ngày thì chúng ta thấy là nhiều, đó là chuyện phước đức của mình, nhưng qúi vị mua cái gì đó để thoả mãn thôi thì mình có thể dùng đồng lương của mười ngày để mua mà không tiếc tiền, qúi vị có thấy điều đó không.
Thì như vậy có nhiều khi đầu tư vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, quả thật nó không phải là một đầu tư tốt, nếu chúng ta nghĩ cho kỹ, tuy nhiên chúng ta không thấy được là bởi vì hai điều mà trong bài kinh hồi sáng chúng ta có học: "Không thấy được nguy hiểm và không biết được lợi ích.
"Không thấy được nguy hiểm là gì? Sự nguy hiểm đó là khi chúng ta nghĩ rằng chuyện này thoả mãn con mắt thì chúng ta sẽ không cần gì hết, nghĩa là 100% vừa ý, nhưng khi đạt được nó thì không như chúng ta nghĩ, qúi vị có thấy không? Có rất nhiều thứ trong đời sống mình nghĩ rằng mình mua nó, mình có nó, mình được nó thì mình sẽ không đòi hỏi gì nữa, nó là nhất ở trên đời rồi, nhưng rốt cuộc không phải như vậy, thì đâm ra chuyện đầu tiên là thất vọng, thất vọng đi đến chỗ nhàm chán và nhàm chán rồi đi tìm một thứ khác nữa và cuộc đời của chúng ta là luôn luôn là sự săn đuổi như vậy.
Nhưng rồi không thấy được nguy hiểm chưa đủ, còn không biết được lợi ích, nếu chúng ta biết được người vợ nào là người vợ sẽ theo chúng ta mãi mãi trong kiếp luân hồi thì chúng ta phải lo cho người vợ đó nhiều, người vợ mà ngày xưa HT Hộ Giác hay nhắc câu ca dao là:
"Đi đâu cho thiếp theo cùng, gian nan thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam".
Thậm chí còn câu nói bi đát hơn nữa có người vợ nào đó ngày xưa rằng:
"Chàng ơi phụ thiếp làm chi, thiếp như cơm nguội phòng khi đói lòng."
Nghe bi đát phải không? Nhưng nếu âm đức của chúng ta mà nói được với chúng ta thì nói với chúng ta câu nói:
"Chàng ơi phụ thiếp làm chi, thiếp như cơm nguội phòng khi đói lòng."
Lúc nào hữu sự đến chúng ta cần phước đức lắm thưa qúi vị, bởi vậy trong kinh hạnh phúc Đức Phật Ngài nói rằng:
"Ở xứ nên ở mà công đức trước đã làm thì quả là phước lành cao thượng."
Trong kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài nói như vầy:
"Người trước đã tạo phước bây giờ phước nghiệp trổ giống như người đi xa mới về được thân nhân đón tiếp." Không có thân nhân nào đón tiếp mà nồng ấm hơn là phước đức của mình. Có người sống ở đời chỉ mơ ướt có một tình thương thôi mà không có được tình thương, cô đơn đến như vậy là vì họ thiếu phước đức, họ thiếu ghê lắm. Có một đại văn hào của Nga, ông sống vào thế kỷ thứ 18, ông đã thốt lên một câu nói mà nếu qúi vị nghe qúi vị cảm thấy rất là chua xót phước phần của ông, ông nói rằng:
"Tôi sẵn sàng bỏ tất cả danh vọng, tất cả sự việc, tất cả tiền tài mà tôi có để đổi lấy người đàn bà mà mỗi ngày khi tôi trở về nhà người đó ân cần lo lắng cho tôi một chút cơm nước và lời thăm hỏi."
Cô đơn đến mức đó và chúng ta có rất nhiều người cô đơn như vậy. Chúng tôi đã gặp những người lớn tuổi sống tại Hoa Kỳ chỉ cần có một chút tình thương thôi, họ cần đến đỗi mà họ đi chùa chúng tôi hỏi rằng:
"Bác Bảy, hôm nay ai đưa bác đến chùa, bác khoẻ không."
Thì bà mới nói với người Phật tử khác: "Bữa nay tôi đi chùa Thầy hỏi tôi một tiếng tôi mừng quá." Qúi vị biết tại sao không? tại vì bà ở với con không được, rất là cô đơn.
Chúng ta cũng sẽ đi qua những nỗi cô đơn khác trong cuộc đời, tại sao hôm nay những người khác ân cần với chúng ta, tại vì qúi vị đẹp, tại vì qúi vị có thể giúp họ trong lúc họ hữu sự, tại vì qúi vị có thể thù tạc qua lại với người đó, qúi vị có thể nói làm những người đó vui lòng bằng những lời nói của qúi vị, nhưng một lúc nào đó khi mà qúi vị không đáp ứng được những nhu cầu đó thì qúi vị cũng sẽ cô đơn như vậy. Do vậy chúng ta nên hiểu ở trong cuộc đời rằng phúc đức là người bạn tốt nhất.
Người Hoa Kỳ có câu nói như vầy:
"Tiền bạc là người bạn trung thành nhất, tiền không phụ rãy chúng ta bao giờ."
Nhưng người Phật tử nói một câu nói còn nhiều hơn thứ đó nữa; đó là: "Phúc đức là người bạn trung thành nhất."
Một người có đức không sức mà ăn, có phần không cần gì lo. Không có phước đức thì tiền vào tay này lọt qua tay kia, sanh ra cũng trong cuộc đời mà bần hàn thiếu thốn, có những người gặp từ may mắn này đến may mắn nọ, gặp từ thành công này đến thành công nọ, nhưng có những người gặp từ bất hạnh này đến bất hạnh khác thì vì thiếu phước.
Do vậy đừng phụ rãy người vợ thứ tư, và biết những điều nào là điều chúng ta nên đặc trọng tâm vào trong cuộc đời. Thật ra cái gì mà làm vừa lòng con mắt cũng giai đoạn thôi, con mắt dĩ nhiên một lúc nào đó nó sẽ mờ đi, xác thân này một lúc nào đó sẽ bỏ lại. Nhưng không cần phải chờ lâu đến như vậy cứ để ý cái thích và cái không thích của chúng ta đối với sắc, đối với thinh, đối với vị, đối với xúc,đối với pháp. Nghe có món ăn nào đó chúng ta phải đi tìm nào cao lương nào mỹ vị nếu quí vị làm vua. Thậm chí có người phải bỏ mạng vì miếng ăn, nhưng mà rồi ăn được một chút thôi. Cái đẹp thoả mãn chút thôi. Một người có trí để tu tập thì không cần đi đâu xa, qúi vị chịu khó để ý đến cái đó một chút, món gì đó mà qúi vị thấy thích mua, làm như Ngài Ajahn Cha là khoan mua đã, hỏi trong lòng mình muốn đến mức độ nào rồi cứ đi mua không sao, mua về rồi hỏi lại ngày hôm nay chúng ta thích nó đến mức nào, rồi ngày mai hỏi lại mình thích đến mức nào, rồi ngày mốt mình thích đến mức nào, qúi vị thấy nó sẽ xuống xuống và một lúc nào đó có ai xin cho liền, tại vì sao vậy? tại vì tâm ý vô thường.
Đừng trách chính mình đó là chuyện tự nhiên của con người, người tu không trách ai hết, không than trời, không trách đất và không mặc cảm tội lỗi, nhưng người tu hiểu cái tự nhiên của đời sống, cái tự nhiên đó là hoa buổi sáng nở buổi chiều tàn, cái tự nhiên đó là trời ngày rồi đêm, đêm rồi ngày, xuân hạ thu đông, con người vui rồi buồn, thích rồi không thích, do vậy có người nào đó thương chúng ta thì chúng ta đừng nghĩ rằng tại mình đẹp quá người ta thương mình, hay mình dễ thương quá người ta thương mình, và có nhiều khi nghĩ rằng mình lạ quá người ta thương mình, nhưng mà rồi mình quen quá người ta hết thương mình. Và có một vật gì đó chúng ta thấy ngon quá thì đừng nghĩ rằng món này là món cao lương mỹ vị ở trên đời, tại vì chúng ta chưa ăn thôi, ăn lúc rồi ngán. Đó là tự nhiên của con người. Mà sống với đạo là sống với tự nhiên đó, chấp nhận cái tự nhiên đó, chấp nhận cái vô thường đó, chấp nhận ở trong cái tự nhiên qúi vị không buồn đâu. Một người nào đó họ đang thương mình, họ đang ân cần với mình bây giờ họ không thương mình nữa thì chuyện đó bình thường thôi, ngày xưa họ thương họ có lý do của họ và bây giờ họ không thương không ân cần nữa thì họ cũng có lý do của họ. Ngài A Xà Chí gọi là "Các pháp do duyên sanh thì cũng do duyên mà diệt." Pháp nào cũng do duyên sanh và do duyên mà diệt hết, chúng ta không kiểm soát được chuyện đó. Ngày xưa người ta nhận người tỵ nạn vào các quốc gia để định cư cũng có duyên của nó và bây giờ họ không nhận nữa là có duyên của nó, ngày xưa một người bạn thân của chúng ta có duyên của nó, bây giờ tình cảm lạt lẽo không còn gắng bó như ngày xưa là có duyên của nó, chúng ta sống với tất cả tự nhiên đó và đem tự nhiên đó đi vào trong lòng của mình để đạt được cái gì sự thanh thản bình an thật sự của tâm hồn, khi nào mình sống gần với đạo và khi nào mình cảm nhận được tự nhiên với đời sống, thì tâm hồn của chúng ta bình thản, rất là bình thản. Bình thản đến độ như vầy là tại sao trời sáng và trời chiều, trời tối qúi vị không buồn, tại vì tự nhiên như vậy, trời ban ngày và đêm là cái tự nhiên của trời. Có những người ở Việt Nam mới qua thấy tuyết đẹp quá thì mừng và khi tuyết tan dơ quá thì bực mình, mùa đông lạnh quá thì chúng ta nói sao trời lạnh quá, nhưng qúi vị ở đây quen thì sao, trời mưa thì mặc trời mưa, tại vì sao vậy, đó là chuyện tự nhiên của trời đất, nhưng trời đất có tự nhiên của trời đất, chúng ta có tự nhiên của chúng ta không? chúng ta cũng có tự nhiên của chúng ta phải không, cái thương cái ghét, hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ, thích không thích, gắng bó, chia lìa, tất cả những điều đó là do duyên. Thành ra qúi vị có đồng ý với Ngài A Xà Chí không? Do duyên sinh thì cũng do duyên diệt, thì như vậy chúng ta có nên buồn khổ không - không nên - Chúng ta có nên đầu tư quá nhiều vào nó không - cũng không nên -
Nhưng đại khái hồi sáng này trong đoạn kinh thứ nhất nói rằng một người muốn tu tập tâm từ thì trước nhất họ nên làm hai việc: Một là thấy sự nguy hiểm của sân hận, thứ hai là biết được lợi ích của kham nhẫn. Và rồi người tu tập tâm từ trước hết nên biết được đối tượng nào mà trong giai đoạn sơ khởi chúng ta không nên nghĩ đến.
Có tất cả sáu đối tượng :
Thứ nhất là người mình có ác cảm, hay là người mình bất bình, mích lòng.
Thứ hai là người mà chúng ta quá thương.
Thứ ba là người chúng ta dửng dưng.
Thứ tư là người thù, người thù khác với người mích lòng, người mà chúng ta bực mình khác với kẻ thù.
Thứ năm là người khác phái.
Thứ sáu là người đã chết.
Để nhen nhúm lòng từ thì chúng ta trước nhất nên rải lòng từ đến bản thân của mình. Rải lòng từ đến bản thân của mình để tạo nên lòng từ đến chúng sanh, nếu mình muốn hạnh phúc thì người khác cũng muốn hạnh phúc, nếu mình muốn được phước đức thì người khác muốn được phúc đức, như vậy mình mong cho mình được an lạc thì mình mong cho người khác được an lạc, đó là cách nhen nhúm lòng từ. Những ai thương chính bản thân của mình thì người đó sẽ hiểu rằng không ai thương mình hơn là mình, và mọi chúng sanh đều giống như vậy, vì vậy những gì chúng ta mong mỏi cho bản thân của mình thì chúng ta cũng mong mỏi cho người khác, đó là cách nhen nhúm lòng từ.
Mong mỏi cho chúng ta được những điều may mắn thì có ba điều nên mong mỏi:
Điều thứ nhất là mong cho chúng ta không có oan trái thù hận.
Thứ hai là mong cho chúng ta không có điều đau khổ.
Thứ ba là mong cho chúng ta được an lạc.
Mong như vậy, điều này là điều rất quan trọng, bởi vì ở trong đời này không có gì quan trọng hơn là một tâm hồn không có sân hận, không có oan trái, mà có oan trái thì không an lạc. Đừng ngạc nhiên khi thấy những bộ phim Trung Hoa có những người vì thù mà bỏ cả cuộc đời sự nghiệp và tình yêu để đi trả thù, hận thù dễ sợ lắm, thành ra khi có hận thù tâm hồn chúng ta không bao giờ được thanh thản, xin mong cho mình đừng có oan trái và mong cho mọi loài đừng có oan trái.
Thứ hai là mong cho chúng ta không bị đau khổ và mong cho mọi loài không bị khổ, mong cho chúng ta được an lạc và mong cho mọi loài được an lạc, món quà nào tốt nhất mà tặng cho cuộc đời là món quà đó mình tặng cho mình. Quí vị sẽ hỏi một câu hỏi như vầy, nếu chúng ta mong ướt một cách đơn thuần như vậy thì người khác được cái gì từ điểm đó, câu trả lời rằng tất cả những việc làm ích lợi trong cuộc đời đều phát xuất từ tâm nguyện đó, qúi vị có tin không, tất cả những việc làm tốt đẹp khác như phục sự cho tha nhân đều phát xuất từ cái ý nguyện mà Đức Phật gọi là từ bi, do vậy nuôi dưỡng từ bi tức là gieo chủng tử mầm mống để phục vụ cho cuộc đời, một người mà nhiều tâm từ rồi thì có nhiều cách phục vụ cho người khác, mình nói một lời an ủi người khác, chuyện đó là chuyện rất là tế nhị.
Quí vị biết không, chúng ta có nhiều tật lạ lùng lắm, người ta đi mua một món đồ chúng ta hỏi giá bao nhiêu vậy, người ta nói 100$, thường thường người ta có tật như vầy, thì nghe nói 100$ thì biết là 100$, nhưng không phải, nói mua vậy mắc quá chỗ kia rẻ hơn, nhưng thật sự chúng ta không biết mua chỗ nào hết, cứ nói như vậy, nói như vậy để làm chi, nói cho có nói, và chúng ta nói như vậy thì làm người mua đồ đó họ cảm thấy thất vọng, tại vì họ đã không mua món đồ đó được rẻ như vậy. Và rồi ở trong đời sống có nhiều khi một lời nói nhẹ làm cho người khác an lạc, người ta than với chúng tôi là không biết bữa nay sao xui xẻo quá thì chúng tôi chỉ nói một lời là:
"Thì sông có khúc, người có lúc."
Một câu nói nhỏ như vậy thôi, một câu nói có tình một chút thôi thì cũng có một chút an ủi hơn là nói rằng:
"Đáng đời."
Qúi vị thấy không, một chút tâm từ cũng thay đổi cuộc sống rất nhiều.
Ông bà hồi xưa có những câu nói có giá trị rất lớn trong việc tu tập tâm từ, như trường hợp qúi vị đi đường, thấy những chai lọ để bên đường hay là thấy gai ở trên đường đi chúng ta lượm bỏ một bên, thì bỏ đó có tâm từ không thưa qúi vị, tâm từ đó là mong cho chúng sanh không bị đau khổ, như vậy thì một người có tâm từ trong lời nói trong việc làm, lời nói không nói những lời làm cho người khác buồn, và cái gì đem hạnh phúc cho người khác thì mình làm không có hẹp hòi, đời sống có nhiều khi không phải là đời sống đối với chúng ta quá tệ.
Cụ Nguyễn Lê viết trong cuốn sách, cụ nói rằng:
"Nhiều lúc không phải cuộc đời quá tệ với chúng ta, mà tại trái tim của chúng ta không lớn hơn cái ổ chuột thôi."
Trái tim của chúng ta quá nhỏ do vậy chúng ta không cảm thấy hiến cái gì cho cuộc đời, và cũng không cảm nhận được cái đẹp của cuộc đời, thì người nào mở rộng lòng tức là người đó sống trong một thế giới rộng rãi, thế giới rộng rãi đó sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy thoải mái giống như cá sống dưới biển vậy, nhưng mà người nào sống với tâm hẹp hòi thì người đó giống như bị lao tù vậy, người ta cầm tù chúng ta thì ít, chúng ta lại giam hãm chúng ta rất nhiều, cuộc sống chúng ta thưa qúi vị suy nghĩ hẹp thì chúng ta đóng khung chúng ta suốt cuộc đời. Người ta mà không tiến được, người ta không an lạc được, người ta không tu được là tại vì người ta giam cầm mình lại, giam cầm không cho mình làm điều này, không làm cho mình điều kia, và thậm chí một triết gia nói một câu rất mỉa mai rằng đôi lúc những tư tưởng khác biệt trong người của tôi giống như là bị bạo chúa, bạo chúa đó không cho tôi ăn, không cho tôi ngủ, không cho tôi những giờ phút thanh thản. Thì bạo chúa là gì? chính là bản thân của mình, chính là tâm hồn hẹp hòi của mình.
Do vậy "Phạm trú" là gì? Phạm trú là mình nghĩ cho rộng thì tâm hồn mình sẽ rộng, mình nghĩ hẹp thì tâm hồn mình sẽ hẹp, vì vậy tại sao chúng ta đến tụng kinh đôi khi chúng ta cầu nguyện cho chúng sanh tám hướng mười phương. Nguyên do gì chúng ta phải cầu nguyện? Thật ra chúng ta không phải cầu cho ai hết, cầu để cho bản thân mình được rộng lớn ra. Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta tu không phải để cho Ngài mà chính cho bản thân của mình và đó là phương tiện, có nhiều khi Đức Phật Ngài không nói, tại vì Ngài nói thì chúng ta có tu cái gì cũng vị kỷ nghĩ cho bản thân mình hết, nhưng chúng ta nên nhớ một điều pháp tu nào cũng lợi ích cho bản thân, đưa chúng ta vào thế giới mới hơn, đưa chúng ta vào thế giới rộng hơn và nhờ vậy chúng ta được an lạc hơn. Chắc chắn ở đời là như vậy. Hễ chúng ta nghĩ đến quốc gia thì tâm hồn chúng ta sẽ lớn bằng quốc gia, chúng ta nghĩ đến dân tộc tâm hồn sẽ lớn bằng dân tộc, chúng ta nghĩ đến bàn chân bàn tay của chúng ta, chúng ta lo bản thân của chúng ta thì tâm hồn chúng ta cũng nhỏ nhoi chừng đó, con người mà rộng hay hẹp, cá mà sống trong ao tù hay sống trong đại dương là đều do tư tưởng do suy nghĩ. Như vậy thì chúng ta thích bầu trời mênh mông, chúng ta thích biển cả mênh mông, chúng ta thích không khí tự do thì hãy trả bản thân của chúng ta về tự do bằng tâm từ.
Có hai điều người tu hành tâm từ người tu tập tâm từ nên nghĩ đến một là thấy sự nguy hiểm của sân hận, hai là biết sự lợi ích của kham nhẫn./.
Namo Buddhaya