Sơ lược về Phật Giáo ở Afgahanistan thời xưa
Thích Minh Thành Ph.D
Afghanistan phiên âm theo Trung Quốc là A-phú-hãn là một trong những vùng cư dân có mặt sớm nhất trên quả địa cầu và được những tác phẩm văn học cổ của Ấn-độ, Hy-lạp và Trung Quốc đề cập và miêu tả. Lãnh thổ của Afghanistan ngày nay có hình dáng một chiếc lá nằm ngay trung tâm của Trung Nam Á, tiếp giáp biên giới với nhiều nước, phía Đông và Nam tiếp giáp biên giới với Pakistan (Ba-cơ-tư-thản), phía Tây giáp với Iran (Y-lãng), phía Bắc giáp với Turmenistan (Thổ-khố-man), Uzbekistan (Ô-tư-biệt-chỉ) và Tajikistan (Tháp-cát-chỉ) thuộc Liên Bang Xô-viết củ. Afghanistan còn có 200 dặm giáp với Jammu và Kasmir và 50 dặm giáp với Trung Hoa. Thủ đô của Afghanistan là thành phố Kabul.
.
Thật ra danh từ Afghanistan chỉ được gọi chính thức từ thế kỷ thứ 18 sau khi sắc dân Afghan [những sắc dân đồng đại là Taziks, Turks, Mongols, Indo-Aryans, Uzbek, Hazara...) đã chinh phục và thiết lập được một nền cai trị trên lãnh thổ nầy. Ngược dòng lịch sử chúng ta biết rằng sắc tộc Afghan xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 9. Nói đúng hơn Afghan là một hổn hợp gồm nhiều sắc dân khác nhau cư trú trên những vùng đất biệt lập với nhau thuộc khu vực Hindu Kush (mạn phía Tây của dãy Hy-mã-lạp-sơn). Miền Bắc là khu vực của sắc tộc Udyàna hay Oddiyana. Miền Trung là khu vực của sắc tộc Kapisa và Miền Tây Bắc là khu vực của sắc tộc Balhika.
.
Những di tích của Phật Giáo hoặc rãi rác khắp nơi khắp nơi trong đất nước Pakistan hoặc tập trung ở những khu sinh hoạt sầm uất, đặc biệt là khu vực Bamiyan nơi có hai pho tượng Phật cổ bằng đá vĩ đại nhất thế giới. Bamiyan cũng nổi tiếng vì những kiến trúc bằng đá tạo dựng dọc theo sườn núi. Người ta đã tìm thấy dấu vết của trên 20 nghìn kiến trúc như vậy. Thật ra chưa có ai bỏ công ra đếm để có con số chính xác là bao nhiêu. Nhưng con số trên 20 nghìn kiến trúc trên những vùng núi và̀ chưa kể một số lượng lớn hơn những cơ sở Phật Giáo ở những vùng cao nguyên, đồng bằng và thị tứ mà ngày nay đã bị xóa trắng không còn vết tích gì cả đủ để chứng minh rằng Afghanistan có thời là một trong những trung tâm Phật Giáo lớn nhất trong thời cổ.
.
Từ lâu chính quyền Hồi Giáo Afghanistan theo đuổi chính sách bế quan tỏa cảng thủ cựu nên việc khảo cổ không thể tiến hành cho mãi đến năm 1922 thì một đoàn khảo cổ người Pháp mới bắt đầu được phép đến. Hầu hết những hiểu biết về quá khứ Phật Giáo ở đất nước Afghanistan đều nhờ đoàn chuyên gia nầy thông tin mà có được.
.
Tuy rằng Phật Giáo phát triển mạnh mẽ ở Afghanistan, cụ thể là khu vực Gandhara ở miền Đông, Kandahar ở Miền Nam, Balkh ở Miền Bắc, Tukhar ở Miền Đông Bắc vào những thập niên đầu Tây lịch nhưng chúng ta cũng biết rằng những lời dạy của Đức Phật đã được khẩu truyền ở Afghanistan sớm hơn thời gian trên rất nhiều. Tuần lễ thứ bảy sau khi đức Thế tôn thành đạo dưới cội Bồ-đề thì có hai thương gia tên là Tapassu và Bhallika từ Orissa (tên xưa là Kalinga thuộc miền Cực Đông Ấn Độ) trên đường về quê nhà, đi ngang qua chổ đức Phật ngự và có được cơ hội cúng dường đức Phật lần đầu tiên. Sau khi cúng dường Thế Tôn xong Tapassu và Bhallika xin được làm đệ tử Phật và trở thành hai thiện nam quy y Nhị Bảo vì khi ấy chưa có Tăng Đoàn. (Đức Phật và Phật Pháp, Thành Hội Phật Giáo Thành Phố HCM, 1991, tr. 77-78). Tapassu và Bhallika gốc người xứ Balhika, hiện nay là thành phố Balkh, một thành phố cổ kính và phồn thịnh của Afghanistan. Như vậy chính hai người thiện nam nầy đã mang lời dạy của Phật đến Afghanistan đầu tiên. Sau đó Bhallika trở sang Vương Xá xuất gia thọ giới Tỷ-kheo rồi lại trở về quê hương Afghanistan để hoằng truyền Phật Pháp. Dân ở xứ Balkh có xây dựng một tu viện để dâng cúng cho ông và Tăng đoàn. Đây cũng là tu viện đầu tiên ở Afghanistan có trong thời Phật.
.
Khoảng 100 năm sau khi đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, một số Tỷ-kheo thuộc Ma-ha-tăng-kỳ-bộ du hóa vào Afghanistan hoằng đạo và xây dựng được nhiều cơ sở ở Udyàna, vùng đất cực Đông của Afghanistan. Như vậy giáo đoàn Ma-ha-tăng-kỳ-bộ đã là giáo đoàn đầu tiên hoằng truyền Phật Pháp theo tuyến đường du hóa của Đạo Phật vào các quốc gia Trung Nam Á. Khoảng một thế kỷ sau đó dưới triều đại của vua A-dục trưởng lão Maharakkhita thuộc Thượng Tọa Bộ cũng đã đến hoằng truyền Phật Pháp nơi đây. Thực tế lịch sử cho biết Phật Giáo đã bám rễ sâu dần vào đất nước Afghanistan và thấm nhuần vào tâm hồn của các sắc dân ở đất nước xinh đẹp nầy. Phật Giáo thật sự trở thành một tôn giáo chủ đạo trải qua một thời gian kéo dài cả ngàn năm cho đến khi tất cả những quốc gia Trung Á nầy bị đoàn quân hùng mạnh của Hồi Giáo xăm lăng và thiết lập một bộ máy cai trị rộng khắp vào thế kỷ thứ 10.
.
Theo ngài Huyền Trang thì vương quốc cổ Bamyan kéo dài khoảng 2 ngàn dặm từ Đông sang Tây và khoảng 300 dặm từ Bắc xuống Nam, thủ đô nằm trên triền dốc cao của một dãi đồi mà phía Bắc có một vực núi rất sâu và hiểm trở. Lòng yêu chuộng Phật Giáo và tâm hồn chơn chất của người dân ở Bamyan được những sắc dân lân bang ca ngợi. Ngài Huyền Trang kể rằng lúc ngài đến đó thì nơi đó đã có 10 ngôi tịnh xá và khoảng một ngàn vị Tỷ-kheo, tất cả đều tu theo tông phái Xuất Thế Thuyết Bộ, một bộ phái quan trọng thuộc Ma-ha-tăng-kỳ-bộ. Xuất Thế Thuyết Bộ chủ trương rằng tất cả các pháp thế gian chỉ là những hiện tượng mà thôi chớ không phải là thực tại. Thực tại tối hậu vượt ra ngoài những pháp mà con người có thể nhận thức được ở thế gian. Ngoài pho tượng Phật nổi tiếng cao 55 mét và một pho tượng khác cao 35 mét, trên những đỉnh đồi xứ Bamyan còn có di tích của những ngôi tháp cổ kính. Dưới những sườn đồi vẫn còn những hang động lớn nhỏ khác nhau mà giới tu sĩ Phật Giáo ngày xưa dùng làm điện Phật, thính đường hay am thất. Dọc theo vách núi là những tượng Phật được điêu khắc thẳng vào đá núi. Ngoài ra còn rất nhiều di tích của những ngôi tịnh xá và những tượng Phật nhỏ hơn.
.
Thành phố Hadda và Jallalabad cách thủ đô Kabul 177 cây số về phía Đông của Afghanistan là hai địa danh nổi tiếng là có nhiều chùa tháp và tranh tượng Phật Giáo thuộc trường phái nghệ thuật Gandhara. Thành phố Kapisa của Afghanistan cũng đã từng là một thủ đô của đại vương triều Kusana mà vua Ka-nị-sắc-ca là vị vua nổi tiếng trong việc hộ trì và hoằng dương Phật Pháp. Kaniska cũng có khi được viết là Kanishka (phiên âm theo Trung Quốc là Ka-nị-sắc-ca) là vị đại đế vĩ đại nhất của vương triều Kushan. Vương quốc Kushan bao gồm phía Bắc của lục địa Ấn-độ, toàn bộ Afghanistan và Bắc Kasmir thuộc Trung Á. Kaniska không nổi tiếng vì vương quốc rộng lớn mà mình trị vì mà nổi tiếng là một người hộ trì Tam Bảo vĩ đại. Hầu hết những hiểu biết về vị vua nầy đều nhờ vào những nguồn tư liệu của Trung Quốc, đặc biệt là những tư liệu Phật Giáo. Trong 23 năm trị vì, ngoài việc xây dựng chùa tháp và đào tạo tăng tài Kaniska thật sự nổi tiếng là một người Phật Tử tại gia vĩ đại là nhờ vào việc ông ta đứng ra triệu tập cuộc kiết tập kinh điển lần thứ tư tại xứ Kasmir. Chính cuộc kiết tập kinh điển lần nầy đã đánh dấu sự bắt đầu hưng khởi của Phật Giáo Đại Thừa. Theo nguồn tư liệu Trung Quốc thì tại cuộc kiết tập nầy những bản sớ giải của Thánh điển Phật Giáo được biên tập và chạm khắc lên những bảng bằng đồng. Ngày nay di tích của hoàng cung vua Ka-nị-sắc-ca đã được các nhà khảo cổ tìm thấy. Đó là một khu vực rộng lớn bao gồm quận Shotorak và cả Paitawan ngày nay trong đó có một hệ thống lầu các cung điện tráng lệ bên cạnh là những tháp miếu và những tu viện to lớn.
.
Ngoài dấu vết những bản kinh bằng đồng của vua Kaniska còn có những bia ký của vua A-dục còn tồn tại ở Afghanistan. Những bia đá trải qua trên 2000 năm vẫn còn đó nhắc chúng ta rằng Afghanistan có thời là một châu quận trong vương quốc mênh mông của vua A-dục, vị vua sau cùng và vĩ đại nhất của vương triều Mauriya. Vương triều nầy kéo dài khoảng 136 năm, thủ phủ là Pataliputra (Hoa Thị Thành) nằm trong khu vực giao lưu giữa sông Hằng và sông Son. Sau khi Alexander đại đế băng hà thì Candra Gupta vị thái tổ của triều đại Maurya xây dựng nên một vương quốc rộng rãi bao gồm toàn bộ khu vực Trung và Bắc Ấn-độ. Chính trong thời gian vua A-dục trị vì thì cuộc kiết tập kinh điển lần thứ ba được tiến hành để đọc tụng và xác minh lại những lời dạy của Đức Thế Tôn. Asoka là một Phật Tử rất tích cực trong việc hộ trì và nổ lực trong việc hoằng dương Chánh Pháp. Ông đã gởi các giáo đoàn truyền giáo đi đến nhiều nơi, nhiều địa phương và nhiều vùng đất xa xôi để hóa đạo. Có người cho rằng một trong những đoàn truyền giáo thời vua A-dục đã đến Nam Việt Nam hóa đạo và viên tịch trong vùng núi Ba Thê, Châu Đốc. Trong nước thì vua A-dục sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để giảng dạy giáo lý và cho chạm khắc những bài kinh chính yếu của Phật Giáo trên những văn bia và những trụ đá ở những nơi tôn nghiêm. Tượng con sư tử trên một cột đá thời vua A-dục đã trở thành quốc huy của Nước Cộng Hòa Ấn-độ ngày nay.
.
Địa phận Haibak (có tên cũ là làng Sa-môn) còn một ngôi tháp bằng đá nguyên khối với con đường thiền hành (Pradaksinapatha) chung quanh là độc nhất vô nhị trên thế giới. Tất cả những di tích còn lại trong lãnh thổ Afghanistan, những ngôi chùa Phật, những hệ thống tu viện, tăng xá, tháp, miếu, điện, đường... những di tích mặc dù không còn nguyên vẹn nhưng đủ nói lên sự thật rằng A-phú-hãn đã có thời là một quốc gia trù phú và hưng thịnh của Phật Giáo trong quá khứ.
http://thenhu.blogspot.com/2007/08/blog-post.html