HÂN HOAN ÐÓN CHÀO CHƯ TÔN ÐỨC VÀ QUÝ PHẬT TỬ

   

Câu hỏi 184, ngày 08 tháng 11, 2003

Kha Mong Nam hỏi (ngày 01/11/2003) : Khi nói đến vô ngã, tuy luôn quán vậy nhưng khi có chuyện đến, kim đang châm vào người đang đau quá thì làm sao nghĩ đó là giả, xin quí Thầy chỉ dạy cho.

TT Trí Siêu trả lời : Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. kính bạch Chư Tôn Đức, thưa quí Phật tử , đây là một vấn đề không phải đơn giản, chúng ta đừng nghĩ rằng việc mà chúng ta quán vô thường hay quán khổ não hoặc quán vô ngã, chỉ là tự kỷ ám thị, chúng tôi dùng từ là tự kỷ ám thị ở đây là muốn chỉ cho cách chúng ta dùng tư tuởng để mà chúng ta suy xét về vấn đề đó, suy xét một cách miễn cưỡng.

     Quả thật như vậy, nếu như chúng ta hiểu pháp hay chúng ta quán pháp bằng cách tự kỷ ám thị, thì rõ ràng dầu cho chúng ta có cố gắng suy nghĩ, nhưng trong lúc chúng ta chịu như kim đang châm vào người v.v... Chúng ta đang cảm thọ khổ, lúc bấy giờ chúng ta tự kỷ ám thị, cho rằng cái đó là giả, vô ngã, chúng ta cứ suy nghĩ bằng cách đó, chúng ta không thể nào có thể vượt qua được sự đau đớn này, hay là để tránh khỏi tâm phiền não, tâm khó chịu sanh khởi. Ở đây thưa quí vị, đề tài vô thường, khổ và vô ngã, đề tài này phàm phu của chúng ta học biết, chúng ta biết bằng kiến văn thôi, chớ không phải là chúng ta giác ngộ bằng trí tu.

     Đối với bậc thánh thì Ngài đã giác ngộ với trí trực giác, Ngài đã thấy rõ được tánh chất của các pháp thật sự bằng trí của tâm đạo, bằng tâm quả siêu thế, do đó cho nên đối với các Ngài, khi thân cảm thọ khổ, lúc đó các Ngài hiểu pháp một cách tường tận thấu triệt và do đó những ác bất thiện pháp, phiền não không sanh khởi.

    Còn như kẻ phàm phu của chúng ta nói, là nói như vậy tạm thời thôi, khi chúng ta gặp hoàn cảnh khổ đau xảy đến, lúc bấy giờ chúng ta tạm thời chúng ta suy nghĩ , đây là vô thường, đây là khổ đau, đây là vô ngã, không phải của ta, không phải là ta, không phải khổ của ta, chỉ là một cảm thọ khổ sanh lên do nhân duyên, do cảnh xảy ra làm duyên cho tâm sanh lên.

     Khi chúng ta suy nghĩ như vậy thì chúng ta đỡ hơn  những kẻ không có suy nghĩ, chúng ta tác ý như vậy đỡ hơn những kẻ không biết tác ý, chỉ đỡ hơn như vậy thôi, còn vấn đề chúng ta làm sao để chúng ta có thể nghĩ được cái sự kiện đó là gỉa, thì trong trường hợp này chúng tôi xin thưa với quí vị rằng, nếu chúng ta chưa đạt đến trình độ của bậc thánh, giác ngộ tam pháp ấn bằng trí tuệ trực giác của mình, bằng trí tuệ đạo quả thấy như thật, như chân thì lúc bấy giờ tất cả những gì chúng ta cảm nhận được, chúng ta suy nghĩ được để chúng ta dẹp bỏ những phiền não, chẳng qua cái đó chỉ là sự tự kỷ ám thị .

     Và cũng xin thưa với quí vị rằng, mặc dầu nói như thế nhưng không có nghĩa là việc chúng ta suy nghĩ này nó không có tác dụng với chúng ta, có tác dụng nhiều lắm. Khi chúng ta gặp một sự mất mát, lúc bấy giờ nếu người Phật tử chúng ta dùng trí để chúng ta suy xét, mặt dầu về  trí văn đi nữa, chúng ta suy xét về tánh chất vô thường của các pháp ở đời, tánh chất khổ đau, tánh chất vô ngã của thân ngũ ẩn này, thì ngay trong lúc đó tâm của chúng ta cũng tạm thời được yên ổn và như vậy chúng ta cũng sẽ có một phần nào đó an vui, chúng ta bới đi sự đau khổ oằn oại như một kẻ không hiểu biết gì hết.     Đó là vấn đề chúng ta cần phải lưu ý .

     Vấn đề thứ hai chúng tôi muốn đề cập ở đây, làm sao chúng ta thấy được, chúng ta nghĩ là gỉa.  Thưa quí vi, câu nói này  là một câu nói có tánh cách bao quát và có tánh cách hơi mơ hồ, vì sao gỉa, cái gì là giả, nếu cảm thọ khổ phát sanh lên, thì chính cảm thọ đó cũng là pháp chân đế, thì thọ uẩn cũng là chân đế, tưởng uẩn cũng là chân đế, hành uẩn, thức uẩn cũng đều là chân đế, mà hễ cái gì là chân đế thì cái đó không phải là giả, nó là thật, nhưng sự thật đó hằng bị biến hoại, sự thật đó do sự biến hoại cho nên mới phát sanh sự khổ đau, và vì rằng chúng sanh không thể chi phối được những sự khổ đau này, không có thể diệt tan được do vậy cho nên mới gọi là vô ngã, thành ra chữ vô ngã ở đây nếu chúng ta hiểu đúng pháp thì chúng ta mới gọi là giả được, thân này là giả tạm, ngũ, uẩn, thọ, tưởng, hành, thức đều là giả tạm, tại sao là giả tạm, bởi cái gì nó thoạt có, thoạt không, thoạt còn, thoạt mất, nó sanh ra ở đó rồi sau đó sẽ diệt đi, thì như vậy trong trường hợp này chúng ta mới nói giả là ở chỗ đó.

      Còn trường hợp người Phật tử nói giả, là chúng ta cố gắng để chúng ta tự kỷ ám thị làm cho tâm của mình được an ổn thì trong trường hợp này cũng nên, nhưng chúng ta nên nhớ khi chúng ta suy xét như thế,  chẳng qua chúng ta suy xét về trí văn thôi, do vậy cho nên thỉnh thoảng có những vị hành giả có những người cố gắng suy xét vô thường khổ và vô ngã trong hoàn cảnh khổ đau, nhưng mà sau đó tâm của họ lơ đễnh, thì sự đau khổ phiền toái nó sẽ tiếp diễn không có dừng nghỉ, bởi vì pháp phiền não đối với chúng sanh là ngủ ngầm và ở đây chúng tôi cũng xin thưa với quí vị đó là câu trả lời của chúng tôi. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Minh Hạnh biên soạn

   Trở lại câu hỏi

Trở lại trang 1 Trở lại trang 2 Trở lại trang 3

   Trở lại trang chánh