TT Giác Đẳng giảng :

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính Bạch Chư Tôn Đức, thưa quí Phật tử, câu hỏi là: - Nam Tông có chấp nhận về quan niệm Tín Thường Lạc Ngã Tịnh hay không? Thì chúng tôi phải nói về điều này nó hơi dài dòng một chút, và xin Sư Trưởng giảng tiếp câu này.

Chúng tôi đề nghị là quí vị đọc lại bài "Vô Ngã" của ngài Walpola Rahula trong quyển "Con Đường Thoát Khổ". Thật ra cái quan niệm về Ngã, quan niệm nói về Của Ta, ta phải làm chủ, phải làm theo ý muốn của mình, thì mới là của ta, thì quan niệm đó không có mặt ở trong Phật Giáo.

Và thật sự không phải trong Nam Tông mà ngay cả trong giáo lý Không tánh (của Bắc tông) cũng không công nhận điều đó. Nói một điểm như thế này: Ở trong cái hữu vi pháp của chúng ta thì vạn pháp do nhiều nhân nhiều duyên (kết hợp). Nếu là do nhiều nhân nhiều duyên thì nó không thể nào mà gọi là độc tôn hay là độc quyền, mà có thể điều khiển tất cả. Và bởi vì nó có nhiều nhân nhiều duyên, do vậy vạn pháp là vô ngã, và cái Ngã tính thường thường mang lại nhiều phiền muộn, và cái ngã tính nó không có một cơ sở gì hết. Ngã tính cũng không có chỗ đứng ở trong pháp vô vi.

Trong cả hai pháp hữu vi và vô vi, Ngã tánh đều không có một chỗ đứng. Ở trên thực tế, chúng tôi xin lấy một ví dụ như vầy là: Một con người có thể thưởng thức vẻ đẹp của một đóa hoa, đóa hoa đó là trồng trong sân của người đó hay là ngoài công viên, hoặc giả đóa hoa đó là một đóa hoa ở một quốc gia lạ mà chúng ta đến thăm viếng. Nhưng mà có những người vì có ngã tánh quá mạnh, nên cho rằng đóa hoa trồng ở nhà láng giềng, hay là đóa hoa trồng ngoài công viên thì nó không đẹp, chỉ có đóa hoa trồng ở trong đất nhà mình mới thật sự là đẹp, phải được mình cắt nó, đem cắm vào trong bình của mình thì mới là đẹp, thì cái ngã tính đó nó không có chỗ đứng.

Thật ra thì khi mà nói đến cái Thường, cái Lạc, cái Tịnh mà chúng ta nói là để đối lại cái vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh, thì vô thường nói trong sự đối đãi thì nói được. Chúng ta nói ví dụ như là các pháp hữu vi là vô thường, các pháp hữu vi là khổ não, nhưng mà nếu nói ngược lại Niết Bàn là thường, Niết Bàn là an lạc tuyệt đối thì lối nói đó là nói tương đối. Ví dụ nếu mà có vị nào đó đang ở vùng nhiệt đới như là bên Việt Nam, quí vị đi ra bên ngoài, trời rất hầm, rất nực, rất là khó chịu, xong rồi tả cái không khí bên Vancouver (Canada), nói rằng bên Vancouver không có cái oi bức, không có cái nóng nực của Sàigòn, thì thưa quí vị, cách nói đó chỉ là cách tạm mà nói như vậy thôi. Nhưng mà gọi là để nó đối chất tương xứng với nhau thì thật ra nó không phải là cách nói, nên chi cái gọi là Thường, cái gọi là Lạc thì ở trong kinh Niết Bàn có nói đến Niết Bàn là cái gì thuần Niết Bàn, sự an lạc tuyệt đối, nhưng mà chúng tôi không nghĩ điều đó nó có thể dùng để hiểu như là đối lại với cái khổ não hay là đối với lại cái sầu bi trong cuộc sống này.

Chúng ta nói rằng chúng ta sống có lo âu, thì cái lo âu không phải là Niết Bàn thì cũng đúng, nhưng mà cái Niết Bàn không có lo âu thì nó không phải cách mà nói Niết Bàn, nhưng mà riêng về Niết Bàn thì không có thể nói chữ Ngã tính trong đó được. Ngã tính ở bất cứ trường hợp nào thì Ngã tính nó vẫn mang lại sự phiền muộn. Bởi vì sao? Bởi vì ngay cả đừng nói pháp vô vi, nếu một người mà nhìn sự việc bằng Ngã tính thì tưởng đâu mình hạnh phúc nhưng mà thật ra ở đó mang lại cho mình đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Mỗi chúng sanh đều có nghiệp riêng. Mọi sự việc xảy ra đều do nhiều nhân nhiều duyên thì đó là sự vô ngã, nên chi ở đây một đạo hữu, chúng tôi không biết vị nào, đã hỏi câu Thường Lạc Ngã Tịnh Này, nhưng mà chúng tôi, chúng tôi xin thưa về ba điểm, trước khi Sư Trưởng bổ túc về điểm này.

Điểm đầu tiên là quan niệm về ngã tính không thể đem áp dụng cho bất cứ một pháp nào, không thể nói rằng hữu vi luân hồi là vô ngã, và Niết bàn là vô vi có ngã, chúng ta không thể nói được như thế được. Và thứ hai những quan niệm "Thường Lạc Ngã Tịnh" chúng ta nói để đối lại với cái "vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh", thật sự nó là cách nói rất gượng gạo. Nó không phải là cách nói thường, nó là một cách nói cưỡng cầu. Và điều thứ ba chúng tôi xin lưu ý tại đây là điểm này không hẳn là cho riêng truyền thống Nam Tông, Bắc Tông hay Mật Tông, và chúng ta có thể tìm thấy một điều rằng khiđề cập đến giáo lý duyên khởi, thì tất cả những truyền thống Phật Giáo chia sẻ với nhau rất nhiều những điểm tương đồng. Do vậy, khi nói đến điều này thì chúng tôi không nghĩ rằng đó là cái quan niệm của riêng Nam Tông hay là Bắc Tông hay là Mật Tông, mà ngay trong truyền thống Trung Quán nói về tánh Không thì quí vị cũng có thể tìm thấy được một cái tinh thần tương tựa như vậy. Về điểm này có lẽ về một điểm chúng tôi thấy rằng rất là đặc biệt, không hiểu vị hỏi câu hỏi đó còn có mặt trong Room không. Con xin thay mặt cho vị đạo hữu tên là Khailuân để xin cung thỉnh Sư Trưởng bổ túc thêm cho câu hỏi này.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Minh Hạnh biên soạn