Lớp Giảng A Tỳ Đàm
Bài 18: Diễn Trình Của Tâm Thức (Cittavìthi)
Hôm nay ngày 15-1-2005 học đoạn 18.2 Tâm phân theo cảm thọ (Vedanà)
18.1: Vài khái niệm quan trọng
Định nghĩa thuật ngữ cittavìthi hay diễn trình tâm
Một sát na tâm (cittakhana) hay đơn vị danh pháp
Những trình tự hay chập tư tưởng
Tiềm thức và biến thức
Diễn trình của tâm thức là một khái niệm chỉ được tìm thấy trong A Tỳ Đàm của Tam Tạng Pàlì. Tất cả những bộ luận của Phật giáo Bắc truyền đều không nói đến đề tài vô cùng vi tế nầy. Qua sự trình bày của "diễn trình tâm thức hay cittavìthi" sự hiện hữu của tất cả chúng sinh trong chỉ là dòng tiếp nối sinh diệt của hiện tượng danh và sắc pháp. Giáo lý nầy không có chỗ cho bất cứ những sự có mặt nào của một bản ngã dù sâu kín tế nhị đến đâu. Bởi vì là một đề tài vốn không quen thuộc nên với những dịch giả tiên phong trong đó có Ngài Tịnh Sự và Hoà Thượng Minh Châu - nhất là Ngài Tịnh Sự - đã phải trăn trở nhiều với sự chuyển ngữ các từ vựng chuyên môn. Bài học nầy phần lớn sử dụng danh từ do Ngài Tịnh Sự dịch nhưng cũng có một số đề nghị mới sau nầy.
a. Định
nghĩa thuật ngữ cittavìthi hay diễn trình tâm
Chữ cittavìthi có nghĩa là diễn trình của tâm thức. Trong nhiều trường hợp khác nhau, những sát na tâm sanh diệt nối liền nào trong những trật tự và phần hành riêng biệt. Những diễn trình nầy hết sức tế nhị nhưng tiết lộ rất nhiều về hiện tượng danh pháp theo định luật tự nhiên cittaniyama. Cả Ngài Tịnh Sự và Hoà Thượng Minh Châu đều dịch là "lộ trình tâm" nhưng từ nầy có thể khiến người học nghĩ tới: lộ trình mà tâm thức đi qua. Ở đây chỉ đơn thuần là những hình thái diễn tiến của tâm.
b. Một sát na tâm (cittakhana) hay đơn vị danh pháp
Sát na hay khana là đơn vị cực vi của danh sắc. Riêng sát na tâm được tính bằng thời gian tồn tại. Trong một tích tắc có triệu, triệu sát na sanh diệt trong tâm. Tâm pháp luôn đi nhanh hơn sắc pháp. Con số của sát nat trong các diễn trình của tâm thức đặc biệt quan trong cho sự nghiên cứu vì nói lên vai trò của các loại tâm.
c. Những trình tự
hay chập tư tưởng
Nhiều sát na sanh diệt trong một chuổi kết nối tạo thành những trình tự tâm. Chính những trình tự nầy nói lên trọn vẹn sự tiếp nhận và xử lý cảnh ở nhiều trường hợp khác nhau. Qua sự trình bày của trình tự tâm thức cho chúng ta biết sự phần hành, yếu tính nhân quả của các loại tâm. Cũng nên nhắc ở đây rằng bốn danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức) kết hợp tạo thành một sát na tâm. Nhiều sát na tâm nối kết thành một trình tự tâm. Nhiều chuổi trình tự tâm hiện khởi trong một thời gian tương đối dài mới đủ rõ cho sự cảm nhận bình thường của chúng ta.
d. Tiềm thức và biến thức
A Tỳ Đàm đặc biệt nói đến vai trò của tâm hộ kiếp hay hữu phần (bhavanga). Đó là tâm khởi đầu một kiếp sống và tiếp tục sanh diệt cùng trạng thái cho đến khi một kiếp sống kết thúc. Trạng thái nầy không dể nhận thấy nhưng ảnh hưởng lớn đến tâm thái của chúng sanh. Không có một từ vựng nào chính xác để dịch từ nầy. Ở đây tạm gọi là tiềm thức để phân biệt với những thứ tâm sanh khởi do có cảnh mới sanh khởi - tạm gọi là biến thức.
18.2 Tâm phân theo cảm thọ (Vedanà)
Cảm thọ và tâm thức
Các loại cảm thọ
5 thọ trong 121 tâm
a. Cảm thọ
và tâm thức
Cảm thọ là một đề tài lớn trong cả ba tạng Kinh, Luật và A Tỳ Đàm. Riêng trong tạng A Tỳ Đàm thì cảm thọ đóng vai trò quan trọng trong sự xác định nhiều tính năng của tâm thức. Cảm thọ ảnh hưởng đến tác năng tạo quả như trong trường hợp tâm tham và các tâm thiện dục giới. Cảm thọ nói lên sự thuần thục trong các tầng thiền (jhàna) như trong tâm sắc giới. Cảm thọ nói lên sự khác biệt phàm thánh như trường hợp thọ ưu chỉ có trong tâm sân trong lúc thọ khổ thì phàm thánh đều có. Trong trường hợp các cặp nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức dù quả thiện hay bất thiện đều thọ xã là một ý nghĩa lớn. Vai trò của thọ trong các tâm vô nhân khác cũng hết sức quan trọng. Riêng đối với diễn trình của tâm thức thì cảm thọ mang tính quyết định trong những trình tự tâm thức mà chi tiết sẽ được đào sâu ở đoạn sau.
b. Các loại cảm thọ Cảm thọ đôi khi được phân làm 3: khổ, lạc, xả nhưng để nói một cách chính xác khi đề cập đến các thứ tâm thì phải nói đến 5 thọ: khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Những từ vựng Phạm ngữ dùng ở đây phải hiểu mang là trường hợp cá biệt. Những từ dukkha, sukha, upekkha phải được hiểu rõ để không lẫn lộn trong nhiều trường hợp khác. Thọ khổ (dukkha) chỉ riêng khổ thọ của thân thí dụ sự đau đớn của thể xác. Thọ lạc (sukha) chỉ sự thoải mái, dể chịu của thân như sự xúc chạm êm ái. Thọ ưu (domanassa) chỉ sự bực bội, khó chịu của tâm, ở đây chữ "ưu" không chỉ nói riêng về sự lo lắng mà là tất cả sự khó chịu của tâm. Thọ hỷ (somanassa) được hiểu là cảm vui của tâm đối lại với thọ ưu; A Tỳ Đàm đặc biệt phân biệt thọ hỷ trong thuộc tánh thọ khác với thuộc tánh hỷ trong nhóm thuộc tánh biệt cảnh. Thọ xả (upekkha) ở đây là một thứ cảm thọ không khổ, không lạc không ưu, không hỷ; chữ upekkha ở đây không mang nghĩa "quân bình" như thuộc tánh hành xả trong nhóm thuộc tánh tịnh hảo.
c. 5 thọ trong 121
tâm
Không có một thứ tâm nào trong A Tỳ Đàm chỉ có chức năng chuyên biệt là để cảm thọ mà tất cả tâm đều có cảm thọ. Cảm thọ là một thành tố của tâm. Không có tâm nào mà không có một trong năm cảm thọ. Nói một cách khác 4 danh uẩn: thọ, tưởng hành, thức luôn luôn là thành tố trong bất cứ sát na danh pháp nào. Từ ngữ "sampayuttà" hay tương ưng, đi cùng, có mặt với được dùng để chỉ sự có mặt của thọ trong mỗi thứ tâm.
Thọ khổ chỉ có trong tâm thân thức quả bất thiện
Thọ lạc chỉ có mặt trong tâm thân thức quả thiện
Thọ ưu có mặt trong hai tâm sân
Thọ hỷ có mặt trong 62 tâm là 4 Tâm Tham Thọ Hỷ, Tâm Quan Sát thọ hỷ, Tâm Ưng Cúng Vi Tiếu, 22 tâm Dục Giới thọ hỷ và 44 Tâm Thiền thọ hỷ.
Thọ xả có mặt trong có 55 Tâm là 4 Tâm Tham Thọ Xả, 2 Tâm Si, 12 Tâm Dục Giới Tịnh Hảo thọ xả, 23 tâm Ngũ Thiền và 14 Tâm Vô Nhân thọ xả (trừ Thân Thức, Tâm Quan sát thọ Hỷ và Tâm Ưng Cúng Vi Tiếu).