phapluan.net Trang Chính


Kinh Pháp Cú - Phẫm Cấu Uế - Kệ Ngôn 253

TT Giác Đẳng trong room Diệu Pháp 2003


Ưa T́m Lỗi Là Xấu

Minh Hạnh chuyển biên

 

Kẻ có tánh phê phán
Thường xét lổi người khác
Lậu hoặc nó tăng trưởng
Xa lìa quả đoạn lậu

TT Giác Ðẳng giảng: Hôm nay chúng ta học một câu kinh Pháp Cú mang một lời dậy tương đối rất đặc biệt, ở đây Đức Phật Ngài đề cập đến một tánh hạnh mà thật ra con người của chúng ta làm thành thói quen, hay chỉ là tật xấu đơn giản mà thôi, thế gian đó có thể nói rằng bản thân của chúng ta đều có hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng ở đây Đức Phật cho chúng ta biết rằng một số thói tật xấu như vậy có thể làm nguy hại sự tu tập của chúng ta, chúng ta hãy bỏ một ít thì giờ để nghĩ về câu nói này của Đức Phật.

Trong duyên sự, ở trong đây có một vị Tỳ Kheo thường chỉ trích những lỗi của các Tỳ kheo khác, tuy những lỗi đó không lớn, như mặc y mang bát trong đời sống hàng ngày, nhưng Đức Phật đã răn dạy vị Tỳ kheo đó, Ngài cũng cho mọi người biết rằng, một người tìm lỗi của người khác sẽ tạo điều kiện cho sự phiền não trong lòng mình tăng trưởng, người đó không thể đắt đạo chứng quả được.

Hầu như chúng ta ít có nghĩ rằng những tật xấu nhỏ như vậy có ảnh hưởng đến trong đời sống chúng ta, nhưng qua cái nhìn của Đức Phật thì tật xấu chỉ nhỏ, nhưng nó thường xuyên xảy ra trong đời sống và trở thành một phần quan trọng trong đời sống, lập đi lập lại hầu như ngày nào cũng có, nó sẽ hướng tâm tư của chúng ta đi về một cảnh giới khác hoàn toàn.

Chúng tôi được nghe một vị Thầy, đó là Ngài Ajahn Maha Boowa đã đề cập đến một sự việc như vầy : nếu chúng ta nói lời những lời nhảm nhí vô ích, tuy rằng lời nhảm nhí vô ích không hại ai, chỉ là lời nói tào lao mà thôi, lời nói nhảm nhí vô ích cho chúng ta thấy rằng một người không có quí trọng thì giờ, và không có quí trọng điều gì có được ở trong cuộc sống, người đó không nhận định được điều gì nên làm và đáng làm. Điều đó cũng chứng tỏ được một điều là, một người thường nói lời nhảm nhí vô ích tức là người không có mục đích gì quan trọng hơn để làm, do vậy người này tiếp tục nói nhảm nhí vô ích .

Đối với chúng ta một việc nói chuyện tào lao, nó không có lỗi gì nặng như giết người, cướp của, nhưng đối với vị thiền sinh hành thiền thì điều đó là điều ngăn ngại rất lớn. Chứng tỏ ngày xưa cũng vậy, Đức Phật Ngài dạy con người sống mà người này chỉ nhắm vào lỗi người khác, khi người đó chỉ trích người mà không tự xét lại chính mình và không thấy rõ việc nào là việc nên làm, thì tất nhiên người đó đang làm việc hết sức tai hại, tạo điều kiện cho phiền não sanh khởi.

Về điểm này phải nói rằng đó là một trong những nguyên nhân tại sao chúng ta sống trong thế giới ngày hôm nay, thế giới đó khiến cho chúng ta gần ác pháp và xa thiện pháp, chúng ta cảm thấy rằng trong một thời đại con người có nhiều quyền tự do, nhất là tự do ngôn luận người ta dễ dàng phê phán. Chúng ta thường phê phán rất thoải mái về cách làm việc của các cơ chế chính quyền, phê phán Thầy dạy học của mình, phê phán ông Thị Trưởng trong thành phố chúng ta đang sống, hoặc giả chúng ta phê phán bạn bè. Nhưng sự phê phán chúng ta nghĩ vô tội vạ, tỷ dụ như chúng ta phê phán về cách ăn mặc của người nào đó hợp thời trang hay không hợp thời trang, hoặc giả chúng ta phê phán người này đẹp, người kia xấu, nhưng thật ra phê phán hay chỉ trích như vậy, nó chỉ chứng tỏ cho chúng ta thấy một sự việc, chúng ta rất nghèo nàn về mặt đời sống nội tại.

Chúng ta hãy nhắm mắt lại để hình dung một hình ảnh như vậy, bây giờ nếu quí vị là một người đang có một cơ sở thương mại, làm ăn rất tốt, làm ra tiền, chúng tôi lấy vị dụ cụ thể như vậy, do việc làm ra tiền, đời sống rất sung túc, và quí vị tập trung hết tin thần vào công ăn việc làm, quí vị không muốn bỏ thì giờ ra để ngồi tán ngẫu, hoặc giả nói ông A bà B, vị này tốt, vị kia xấu, hoặc giả lấy cái gì người khác làm để làm điều thị phi, làm cái điều để nói hơn thiệt, trong lúc điều đó thật sự không liên quan đến chúng ta.

Ở đây Đức Phật Ngài đề cập đến hai sự việc : Sự việc thứ nhất là một người thường tìm cách chỉ lỗi, chỉ trích người khác, người đó đang tạo điều kiện cho các lậu hoặc phiền não sanh khởi, bên cạnh đó thì mất khả năng tu chứng của mình.

Kẻ có tánh phê phán,
Thường xét lỗi người khác,
Lậu hoặc nó tăng trưởng,
Xa lìa quả đoạn lậu .

Chúng ta có thể nói ngắn gọn : nếu một người có tánh hay phê phán hay chỉ trích, thì người đó chỉ có thể tìm thấy cái đúng cái sai của người khác, cho dù lời chỉ trích đó là lời chỉ trích rất tinh tế, cái lỗi người khác thật sự có lỗi như vậy, người khác thật sự dở như vậy, nhưng nếu chúng ta nhìn vào đó để phê phán, chúng ta đang làm một công việc hết sức oan uổng, đó là phí phạm thì giờ của mình, thay vì thì giờ đó mình có thể làm nhiều việc khác.

Không may cho chúng ta là chúng ta sống trong một nền văn hoá như nền văn hoá Việt Nam, cái gì cũng có thể chê được, và trong nền văn hoá hay chê đó, mình nghĩ rằng khi mình nêu nên một điều lầm lỗi của người khác, có nghĩa mình là người trí thức, mình là người biết chuyện hay chuyện đúng, mình là một người có thể hiểu cái gì đúng, cái gì sai. Nếu trên thực tế chúng ta đóng vai trò kẻ phê phán, phê phán ở đây tức là chúng ta phê phán người khác, nó rất đơn giản cho biết rằng tự thân của chúng ta có rất nhiều điều cần phải thay đỗi, thường mình không thấy được rõ ràng, người ta thường nói "mình cầm bó đuốt để soi cho người ", tức là chúng ta không có xem xét chính mình, chúng ta chỉ lấy bó đuốt để xoi qua người khác coi có lấm bùn hay không, đó là cái thói tật chúng ta thường có trong đời sống hàng ngày của mình.

Khi Đức Phật Ngài dạy điều này, đó là điểm rất nghiêm trọng, chứ không đơn giản, bởi vì chúng ta là người tu đạo, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta tạo điều kiện cho phiền não tăng trưởng, và nếu điều đó lại là một sự ngăn ngại cho sự tu tập của mình, nó không phải một việc tầm thường. Như vậy trong quan điểm của người tu tập chúng ta bớt đi sự chỉ trích, bớt đi sự phê bình, nếu phải nói thì nói ở mức độ nào đó rất tình tiết, ngoài ra chúng ta không lấy điều đó là một điều thích thú, lấy điều đó phê phán người khác, để trở thành một chiếc gối ôm ở trong đời sống của mình, nghỉa là nó tha thiết với chúng ta, bởi vì sao, bởi vì Đức Phật Ngài đã dạy ở đây rất rõ ràng, đó không phải là cách tốt cho cuộc sống của chúng ta.

Mặc dù một vị Tỳ kheo như trong duyên sự, vị Tỳ kheo đó đã chỉ trích các vị Tỳ kheo khác về các lỗi lầm, nói về chuyện mặc y, mang bát, nói về cái sinh hoạt cử chỉ hàng ngày. Không phải chỉ thời Đức Phật mới có vị Tỳ kheo như vậy, cuộc sống ngày hôm nay cũng cho chúng ta thấy nhiều người họ đã tiêu pha thời giờ hàng ngày họ có được, chỉ làm một công việc đó là phê phán chỉ trích về cái đúng cái hay của người khác. Cũng có nhiều trường hợp Đức Phật Ngài cho chúng ta thấy, chúng ta phải có định hướng rõ ràng, biết chỗ nào là chỗ để tập trung đúng, để hướng tâm và để hướng năng lực của mình.

Mỗi con người chúng ta dù giầu hay nghèo, dù có quyền thế hay kẻ cô thân, chúng ta chỉ có hai mươi bốn giờ mỗi một ngày không nhiều hơn và không ít hơn, và trong suốt hai mươi bốn giờ đó chúng ta sống như thế nào để xứng đáng, sống như thế nào có ý nghĩa đó là chuyện của mỗi cá nhân, không phải chúng ta là người có bằng cấp thì chúng ta làm cho có nhiều tiện lợi hơn, hay điều đó làm chúng ta thấy có ý nghĩ hơn. Đức Phật dạy rằng nếu chúng ta vận dụng thì giờ đó làm điều gì có lợi, thì điều đó chứng tỏ rằng chúng ta biết được mục đích, biết được cái gì nên làm trong đời sống.

Ở bài kệ này Đức Phật Ngài nêu nên hình ảnh một người hay chỉ trích người khác, hay phê bình người khác, người này có hai điều không có được lợi lạc: Điều không lợi lạc đầu tiên, chính người này đang dọn cái ổ cho phiền não lậu hoặc tăng trưởng. Điều thứ hai, người này đang ngăn trở trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát của mình. Có thể khi quí Phật tử nghe ở đây trường hợp này, thật sự không phải trường hợp lớn để mà nói, mà giả sử như chúng ta có gặp một người không tu tập mà như thế đó, chúng ta chỉ cười ít khi chúng ta để ý đến, nhưng với một người tu tập thì việc đó rất là nghiêm trọng .

Có một lần chúng tôi nghe một vị danh sĩ nào đó đã viết trong một quyển sách rằng: "nếu một người làm việc, hay một người có trách nhiệm với đời sống, mà họ cảm thấy cuộc sống trống trải, cái đó là một sự thất bại." Bởi vì sao, bởi vì trong cuộc sống mình không có đủ hết thì giờ để làm những việc cần thiết, lấy đâu có dư thì giờ để hoang phí, một người có trí tuệ là người biết tận dụng cuộc sống mình cho những việc lợi ích, không phải ai ai cũng có. Nên chi trong hàm ý tuy rằng rất gián tiếp nhưng cho chúng ta thấy sự việc rằng một người chỉ biết chỉ trích hay phê phán người khác, người đó không biết rằng chính bản thân mình có rất nhiều điều mà mình phải tự tỉnh và mình phải tự nhìn lại, chứ không bỏ thì giờ ra để nghĩ về người khác.

Bây giờ chúng ta hãy đi sang một ý nghĩa khác về cuộc sống xuất gia, quí vị nghe nói vậy thì quí vị nghĩ rằng chúng tôi đang nói lạc đề, tại sao lạc đề ? lạc đề bởi vì tại sao bài kệ này không đề cập đến gì đến đời sống xuất gia, tại sao đem đời sống xuất gia ra ở đây để nói. Chúng ta thấy trong cuộc sống hàng ngày một người bình thường nếu chúng ta nói cuộc sống của họ, chúng ta khó có thể có một tiêu chuẩn nào cố định, người đó có thể là một ký giả, người đó có thể sống bằng nghề bút của họ, người đó có thể sống bằng khả năng diễn đạt âm nhạc của họ, nên chi trường hợp của họ khó có thể áp dụng một cuộc sống tiêu chuẩn, vì họ có trăm ngàn lối sống khác nhau.

Ở đây Đức Phật, Ngài đặt trường hợp một vị Tỳ kheo đi xuất gia, đi xuất gia ở đây là vị này cố gắng tìm một định hướng rằng, cái nào cần làm, nên làm cho đời sống, và bây giờ nếu vị này sống với thái độ như chúng ta được nghe, thì chính vị này đã quên đi mục đích sơ phát tâm của mình, vị này đã quên đi cái gì thật sự lợi lạc cho mình.

Chúng tôi có nhiều lần được đi Ấn Độ, đi Trung Quốc và đi một số nơi với một số Phật tử, trong phái đoàn độ chừng hai ba mươi người, chúng tôi thấy một điều rằng ; có rất nhiều vị khi lên máy bay để đặt chân đến một vùng xa lạ, để hành hương hay đi du lịch, thì vị này lại không nhớ được mục đích của sự đi du lịch là gì. Chúng tôi lấy ví dụ rằng khi chúng ta đặt chân đến vùng đất lạ, thì giờ tại đó rất quan trọng, cái gì chúng ta tận dụng, chúng ta có được trong những ngày giờ chúng ta sống tại nơi đó, nó nói lên giá trị đồng tiền mà chúng ta đã sài để cho chuyến đi, tuy vậy một số không nhỏ thường hay hoan phí thì giờ của mình, thay vì chúng ta đến một nơi để học hỏi những điều liên quan đến lịch sử, liên quan đến đời sống của mình, những người đó lại thường mất rất nhiều thì giờ chỉ để chê bai những người địa phương. Như nhiều lần chúng tôi gặp một số quí vị đi Ấn Độ, quí vị bỏ ra rất nhiều thì giờ sang Ấn Độ để phiền hà về vệ sinh, về cách sinh hoạt của người Ấn Độ, đôi khi chúng tôi phải nhắc những vị đó, để những vị đó thấy được điểm rằng chúng ta sang đến sứ Phật không phải để lựa chọn cái sạch, cái dơ, và để nói người này đẹp người kia xấu, hoặc giả người này thích hay không thích. Chúng ta có một việc quan trọng phải làm, là tìm trở về lời dạy của Đức Phật qua những di tích trong lịch sử đã để lại, nó vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay, có thể nói những sự việc như vậy nếu qúi vị đi hành hương thì qúi vị sẽ thấy rất rõ ràng. Trong thời gian đi hành hương một tuần hai tuần mà chúng ta dễ dàng để quên đi mục đích của một người hành hương, của một người bỏ ra rất nhiều tiền để đến một vùng đất xa lạ, làm một việc gì đó thì hà huống chi là một người sống ở trong đời sống xuất gia.

Chúng tôi cũng tìm thấy một kinh nghiệm về đời sống xuất gia, chúng ta phải nhận ra một sự việc rằng, một người tu thường hay có thái độ phân biệt điều này đúng điều kia sai, chúng ta thường có một cái nấc tháng cố định về giá trị của cuộc sống, điều nào cao, điều nào thấp, điều nào phải, điều nào quấy, tự nhiên điều này nó hay dẫn ta đến thái độ dễ để phê phán, dễ chỉ trích người khác, trong một bài kinh Đức Phật Ngài dạy chúng ta, gọi là kinh Tư Lương, Ngài dạy chúng ta về cách để nhìn người khác, đặt biệt là nhìn lỗi lầm người khác một cách khôn ngoan, ví dụ chúng ta thấy một người bị cái tật nói nhiều, hoặc giả chúng ta thấy một người có tật hay khoe khoang, khi chúng ta thấy như vậy thì chúng ta hãy tâm niệm rằng, mong rằng mình sẽ không có như vậy, bởi vì mình đã thấy được bằng cái nhìn khách quan, thấy người đó có những hình ảnh không đẹp, thay vì mình chỉ trích người đó xấu, người đó không đúng v.v... chúng ta hãy đem về và tự nhắc nhở trong lòng mình rằng, mong rằng mình sẽ không có như vậy.

Thật ra với kinh nghiệm tu tập ở trong chùa, có thể nói rằng đó là thói quen của một người hay nặng về vấn đề phân biệt, như chúng ta thường được biết rằng khi đọc kinh sách chúng ta hay vẽ một lằn ranh giữa cái đúng cái sai, cái nên và không nên. Vì vậy không phải hiếm có để chúng ta nhìn thấy một số người tu tập cả xuất gia và tại gia hồi chưa tu tập chúng ta là con người rất hoà mình, rất nhẫn nại, chúng ta rất ít chỉ trích người khác, nhưng khi tu tập lâu rồi, ở trong một điều kiện nào đó chúng ta trở nên hay phê bình, hay chỉ trích, và trong cái phê bình chỉ trích đôi lúc rất nặng nề, nặng nề với những người khác biệt với chính mình. Chúng tôi nghĩ rằng không phải bản thân chúng tôi, mà hầu như tất cả quí Phật tử đều có chứng kiến rằng có một vài Phật tử trong khi tu tập pháp môn này, hoặc giả trong khi thọ trì pháp môn này mà thấy người khác không tu tập theo như vậy, hoặc giả không làm theo giống mình, thì chúng ta chỉ trích rất nặng nề, trong cái chỉ trích nặng nề đó cho thấy rằng chúng ta có thái độ phê bình hết sức nghiêm khắc nếu điều đó đi ngược lại với cách tu tập với đường hướng tín ngưỡng mà chúng ta thường có trong cuộc sống.

Như vậy trong câu kệ 253, chúng ta nói ở đây về thái độ phê phán hay tìm lỗi người, chúng ta cũng phải nhận thêm một sự việc một người tu tập ở trong lãnh vực tôn giáo, ở trong lãnh vực nội tâm, thì con người hay có thái độ phân biệt, và từ thái độ phân biệt, mặc dù có lúc họ nhân danh tình thương của thượng đế, hoặc đưa ra chân lý lẽ phải, nhưng ở trong ý nghĩa của tình thương đó, cái danh nghĩa chân lý lẽ phải đó, người ta lại ít có cảm thông, người ta ít có tìm được điểm tương đồng, người ta ít có khi tìm sự hiểu biết, thay vào đó một thái độ phê phán hết sức nặng nề, hết sức khốc liệt. Vì vậy ở tại đây một lần nữa, chúng ta lại thấy rằng cuộc sống tu tập, nó không phải một việc đơn giản, đơn giản ở chỗ tự mình hay tạo ra nội kết, hay tạo ra những ngăn ngại nào đó, chúng ta thấy rằng điều đó quả thật là điều hết sức tốt.

Cách đây khoảng bảy năm, chúng tôi có dịp được nói chuyện với một vị ký giả, ông đã viết rất nhiều tờ báo từ hồi ở Việt Nam, và mãi mới sang Hoa Kỳ, cho đến năm lúc đó ông 67 tuổi, trong một chuyến đi xe hơi, từ Houston lên Dallas gần 5 tiếng, chúng tôi được dịp ngồi chung nói chuyện với ông, vị ký giả này đã có lời tâm sự hết sức chân thành với chúng tôi rằng, trong suốt cuộc đời cầm bút của ông, ông đã phê phán rất nhiều người, từ các cấp chính quyền cho đến dân chúng, từ giới nhà tu cho đến giáo sư, từ những người lao động chân tay cho đến trí thức. Chúng tôi hỏi ông, cái cảm giác của ông như thế nào, bây giờ đã 67 tuổi rồi. Ông nói rằng, nếu ông có thể làm lại cuộc sống một lần nữa, ông nhất định không làm chuyện đó, bởi vì nếu có người nào đó đáng để phê bình thì tự bản thân mình đáng phê bình trước nhất, và ông nói rằng ở cái tuổi nào đó, ông quan niệm chuyện phê bình chỉ trích là của kẻ đứng ngoại cuộc, nhưng bây giờ lớn tuổi rồi ông hiểu rằng ông không thể đứng ngoài xã hội được, hay đứng ngoài lề của vấn đề, mà ông là một phần của vấn đề, là một kẻ sĩ ở trong thời đại, chứ không thể nói mình là kẻ ngoại cuộc được, đồng thời ông cũng nói rằng qua thái độ chỉ trích đó ông nghĩ rằng điều đó có lợi cho tờ báo, nó có lợi cho thế này thế khác, nhưng khi đã có tuổi rồi ông phải nhận rằng những lời chỉ trích đó có hại nhiều hơn có lợi về mặt xây dựng.

Điều này là ý kiến cá nhân của một con người đã làm ở trong báo giới trong một thời gian rất dài, nhưng chúng tôi chỉ nhắc ở đây như ví dụ cho thấy rằng chúng ta thường có thái độ hết sức gay gắt, nhất là những người càng trở về với điều thiện càng muốn đi xa trong sự tu tập, và cái quan niệm đây là chân lý, kia không phải chân lý, đây là đúng, đây là sai. Nhưng chúng ta làm sao để nó không dựa trên tinh thần nhân ngã, quan niệm làm thế nào để nó không tạo môi trường cho lậu hoặc sanh khởi, bởi vì trong lời khen và tiếng chê ở trong đó có gởi gấm cái thái độ lựa chọn.

Trong Đế Thích Sở Vấn, một bài kinh hết sức quan trọng, vua trời Đế Thích hỏi Đức Phật rằng tại sao người ta có chiến tranh trong thế gian này, và Đức Phật đã cho biết rằng, sở dĩ người ta có chiến tranh là bởi vì tâm ganh tỵ và bỏn xẻn, và tâm ganh tỵ bỏn xẻn nó đến từ thái độ phân biệt.

Có thể nói sự phê phán chỉ trích là một trong những thái độ hết sức nguy hiểm, nếu chúng ta không thấy được nó để đạt đến độ vừa chừng, thì thái độ đó trở thành thói quen ở trong đời sống của mình, chúng ta cứ nghĩ rằng lời chỉ trích của mình không ảnh hưởng đến ai hết, nhưng phải nói rằng nó ảnh hưởng rất nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến những người chung quanh, và chúng ta cũng không ngờ rằng lời chỉ trích dành cho người khác, nó là hàng rào cản cái bước tiến của chúng ta, cản sự tu tập của chúng ta, và nó là môi trường sanh ra phiền não.

Bây giờ chúng ta lại đi sang một câu hỏi khác, người ta nói rằng chính nhờ sự phê phán sáng tạo ra bao nhiêu việc, nhưng chúng ta lại được ý kiến trả lời cho câu này, vấn đề đả thông, sáng suốt là do tâm tư lắng đọng, chứ không phải do thái độ chỉ trích, xưa nay thái độ chỉ trích, nhất là chỉ trích bằng thái độ nặng nề ít khi nào làm được sự việc được sáng tỏ, mà nó chỉ làm cho rối ren thêm, có thể nói rằng đây là một trong những bài kệ, Đức Phật đặc biệt lưu ý về một tánh nết, tánh nết rất nhỏ trong cái nhìn thường thức của chúng ta hôm nay, nó lại ảnh hưởng như thế nào trong sự tu tập của mình.

Trước khi kết thúc bài học ngày hôm nay, chúng tôi xin được thưa với quí vị, thời Đức Phật còn tại thế có cái không khí có thể nói rằng tương đối rất đặc biệt ở trong hội chúng của Đức Phật, thường là hội chúng của yên lặng. Những người ngoại đạo mặc dù họ không tu trong đạo tràng của Đức Phật, nhưng họ thường nói với nhau rằng : " Samôn Gotama là người tán thán sự yên lặng, và các đệ tử của người cũng vậy. " điều đó cũng nói lên đời sống Tăng Già thời Đức Phật còn tại thế cũng như người tu tập và những hội chúng chung quanh Đức Phật, thường là những hội chúng rất tịch mịch, ít có lời được phát biểu nếu không có gì cần thiết, người ta không có phê phán chỉ trích nhau. Dĩ nhiên trong những năm về sau cuộc đời của Đức Phật với sự phát triển rộng lớn của tổ chức Tăng Già, có thể có rất nhiều người vào, và hạnh kiểm của những người này không được tốt. Nhưng phải nói rằng chủng mực mà chúng ta tìm thấy trong kinh điển, Đức Phật Ngài là một người sống theo cuộc sống thanh tịnh ít có nói năng, về nhiều vấn đề.

Chúng tôi đã từng sống nhiều hoàn cảnh khác nhau, chúng tôi có thể kết luận rằng, phần lớn những trường hợp giữa Chư Tăng với Chư Tăng, giữa Chư Tăng với Phật tử, giữa Phật tử với Phật tử có sự chia rẽ buồn phiền lẫn nhau nó đến từ những lời nói, đáng lẽ ra những lời nói đó không dẫn đến tình trạng như vậy. Phải nói rằng có một vị Tăng khi được hỏi rằng làm thế nào để cải thiện hiện tình Phật Giáo, vị đó đưa ra một điều rằng chúng ta phải có chánh ngữ, mới nghe nói như vậy thì không nghĩ rằng một câu nói thỏa đáng, nếu xây dựng lại thì phải nói đến chuyện làm ra tiền, nói chuyện đào tạo nhân sự, phải nói chuyện này chuyện khác, tại sao phải dùng đến chánh ngữ. Thưa quí vị khi được dịp ngồi xuống nói chuyện và duyệt lại cho kỹ, thì tất cả chuyện phân tán, đến chuyện phân tán đã manh tâm, đến chuyện giữa người này phiền hà người kia, nói đến chuyện trong một cộng đồng có lời qua tiếng lại, phần lớn chúng ta thiếu chánh ngữ, một trong những cơ sở quan trọng nhất của chánh ngữ là nên nói, và những cái gì vô ích, không cần thiết chúng ta cũng không nên nói, bởi vì nói như vậy chỉ có hại mà không có lợi gì hết.

Bây giờ chúng tôi xin dùng một gợi ý rất nhỏ của bài giảng ngày hôm nay, để trở về sự tu tập của mình, trong một lần chúng tôi nói chuyện với một vị thiền Sư người Miến Điện, Ngài có nhắc đến pháp Bát Chánh Đạo, trong đó Ngài có nói rằng những người tu tập thường quên rằng chánh ngữ là một trong những yếu tố hết sức cần thiết của pháp hành, nếu một người tu tập thiền định mà không có khả năng để nói năng một cách thích hợp, thì người đó chưa đạt được chánh ngữ, nếu chưa đạt được chánh ngữ thì người đó khó tiến xa hơn trong sự tu tập. Bởi vì nếu không có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, cái khó, vì lời nói được tạo nên bởi tư tưởng, nhưng mà chính lời nói cũng tạo ra ý nghĩ của chúng ta rất dễ dàng. Bây giờ đây, trong buổi sáng hôm nay, quí vị ngồi nghe Chư Tăng giảng pháp, hoặc giả chúng ta ngồi đàm đạo Phật pháp, thì ý tưởng của chúng ta theo đó suy nghĩ về Phật Pháp, nhưng nếu chúng ta bỏ ra một chút thì giờ thôi, ngồi nói chuyện Đông Tây Nam Bắc thì bộ óc của chúng ta dần dà nó sẽ khác hơn. Chúng tôi xin chấm dứt bài giảng hôm nay ở tại đây. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

-ooOoo-

Với phước báu mà con tạo nên hôm nay xin hồi hướng đến hương linh của mẹ là Thái Huê, cầu mong bà được thượng hưởng phước lành và chóng viên thành đạo quả.

Phật tử Thiện Pháp Nguyễn Văn Ḥa và Minh Hạnh