phapluan.net Trang Chính


Thiện Pháp

TT Giác Đẳng giảng trong room Phật Pháp Buddhadhamma ngày 14-10-2010


Tiền thân Kalyàna-dhamma - Sẵn có tiếng th́ có miếng

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng giảng: Một trong những đặc điểm của kinh Bổn Sanh là thỉnh thoảng cho chúng ta một vài giai thoại rất thú vị. Trong câu chuyện chúng ta học ngày hôm nay có một điểm tương đối tế nhị, có tánh cách hài hước nhưng lại là một câu chuyện nếu chúng ta nhìn từ góc cạnh nào đó thì đặc biệt rất có lợi ích. Mọi người thường mang một quan niệm rằng một giai đoạn xuất gia đẹp nhất đó là hình ảnh xuất gia bằng tâm lý xuất gia, bằng lý tưởng rất đẹp, đẹp ngay từ ban đầu. Nhưng thật ra cuộc đời vốn là sự tình cờ và nhiều khi chúng ta xem tình cờ không phải là điều đẹp nhưng vấn đề là ở đoạn cuối của sự tình cờ đó có đẹp hay không? Thật ra thì hoàn cảnh có thể tình cờ nhưng trong sự tình cờ đó nhận thức của chúng ta như thế nào điều đó mới là điều đáng nói.

Chúng tôi đọc câu chuyện này bỗng nhiên chúng tôi nhớ đến câu chuyện hài hước người Việt Nam hay kể:

Có một nhóm người trên thuyền đang lướt trên mặt hồ thì một cô gái bỗng nhiên trợt chân té xuống hồ, ngay sau đó một ông cụ lao xuống nước vớt cô gái đó lên, khi ông cụ vớt cô gái lên thuyền ai cũng vỗ tay vui mừng, có một người khen cụ là "nước thì lạnh, ông cụ lại lớn tuổi mà có can đảm nhảy xuống để vớt một người té xuống thì ông cụ thật là một người đáng phục." Nghe nói vậy ông cụ rất bực, ông cụ nói rằng: "thật là đáng ghét, không biết người nào đã xô tôi xuống." Nhưng vấn đề là như vầy, thật ra người ta nghĩ mình là anh hùng nhưng là do người khác họ xô mình xuống nước do vậy mình mới trở thành anh hùng, tuy rằng bị người ta xô xuống nhưng mình vớt được cô gái thì cũng được.

Trong câu chuyện của bài học hôm nay, chuyện xảy ra là do một người bị nghễnh ngãng tai, nghe không rõ, nghe tiếng được tiếng mất, nghe sao đó mà nghĩ rằng người con rể đi xuất gia rồi. Thì chúng ta hiểu rằng thời đó tại thành Xá Vệ, chuyện đi xuất gia là một hình ảnh rất đẹp, điều này chúng ta sống ở VN không cảm được, ở VN tự nhiên nghe ai đi tu thì nghĩ không biết bị thất tình hay vì có vấn đề gì mà đi tu. Nhưng ở những quốc gia Phật giáo như Thái Lan hay Miến Điện, Tích Lan có người nào đó tự nhiên đi tu thì người ta hoan hỉ lắm, người ta xem đó là một nỗ lực đáng khen. khi Đức Thế Tôn xuất hiện ở đời, và đặc biệt là khi Phật Pháp đã được thấm nhuần trong lòng của những người dân thành Xá Vệ, nghe một người đi xuất gia thì đáng hoan hỉ.

Ở trong câu chuyện này, một người đã đến gặp Đức Phật, sau khi đảnh lễ Đức Phật, từ giả Đức Phật đi trở về thì nghe người ta đồn là mình đã đi xuất gia rồi, thật ra thay vì ở trong trường hợp của người khác thì cãi chính là "tôi không có đi xuất gia, không biết ai đồn mà kỳ vậy." Nhưng người này lại nghĩ ngược lại đó là một chuyện tốt, đó là thiện pháp, nếu người ta đã đồn mình đi xuất gia rồi thì mình cũng nên đi xuất gia. Đúng ra trong xã hội thì không ai bắt buộc gì nhưng phải nói rằng bậc thiện trí thì nhìn thấy điều đó là điều tốt, người ta đã khen tốt rồi thì mình nên làm điều tốt đó, mình lỡ có tiếng thì phải có miếng. Ở đây chúng ta hiểu vấn đề một cách khác, vấn đề hài hước ở chỗ đó.

Và Đức Phật Ngài kể một câu chuyện quá khứ là ngày xưa đã từng có chuyện xảy ra như vậy. Phải nhìn nhận một điều là trong cuộc đời nhiều khi thái độ của người khác có ảnh hưởng đến chúng ta. Trong kinh Đức Phật dạy là có ba pháp tăng thượng là: thế gian tăng thượng, ngã tăng thượng và pháp tăng thượng.

- Thế gian tăng thượng là người đời họ khen mình, họ hâm mộ mình, nếu hâm mộ đó trên phương diện thiện pháp, trong trường hợp bài học hôm nay là một người được người khác hâm mộ tiếng tốt đồn xa là do đi xuất gia thì người này cố gắng làm tốt. Đức Phật Ngài nói rằng chuyện đó cũng được tốt.
- Tự ngã tăng thượng là một người biết thương bản mình mà lo chăm sóc đời sống tinh thần thăng hoa cho chính bản thân mình thì chuyện đó cũng tốt.
-Pháp tăng thượng có nghĩa là một người vì mến pháp rồi trú pháp, sống trong Phật Pháp, hành pháp, trì pháp cái đó cũng tốt.

Như vậy, Đức Phật Ngài không phủ nhận hoàn toàn ảnh hưởng của xã hội, ảnh hưởng của thế gian bên ngoài miễn là nếu chúng ta là một người có bản chất thiện thì việc ảnh hưởng của thế gian chuyện tốt thì nó sẽ tốt.

Chúng tôi nói chuyện này có lẽ qúi Phật tử rất ít khi để ý. Nếu sống trong một cộng đồng hay sống trong một tập thể một nhóm như ở trong chùa chẳng hạn, ai làm chuyện gì tốt mình cũng khen, thí dụ như một người Phật tử thường tinh tấn mình cũng khen, thường thọ bát quan trai giới mình cũng khen, người thường đi chùa nghe pháp mình cũng khen, lời nói khen đó vô tình đôi khi có tác động khiến cho người ta tốt hơn. Nhưng ngược lại thì có rất nhiều trường hợp người ta không xấu mình nói họ xấu riết rồi họ đâm ra xấu. Không biết qúi vị có tin điều này không? Chúng tôi sống thấy có nhiều người VN mình hay nghĩ xấu về người khác, người ta không tệ như vậy mà mình nghĩ người ta tệ mình nói nhiều quá thì lâu ngày những người đó họ đâm tệ thêm. Có một vài lần chúng tôi hướng dẫn một số phái đoàn Phật tử đi sang các quốc gia Phật giáo, người Phật tử VN đa số theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông khi qua các xứ Nam Tông thì có một vài Phật tử VN phê bình là Phật giáo Nam Tông ở các quốc gia Phật giáo Nam Tông thì Phật pháp có vẻ thuần thành ít có pha tạp với đạo giáo khác như các xứ Phật giáo Bắc Tông. Nhưng có một điều qúi vị không chịu đó là các xứ Phật giáo Nam Tông, người Phật tử cung kính lễ lạy chư tăng nhiều quá. Thì thưa qúi vị, chúng tôi có sống tại các quốc gia Phật giáo Nam Tông thì chúng tôi hiểu một chuyện như vầy là một ở trong những lý do mà nhà sư phải thu thúc, một trong những lý do mà nhà sư phải tinh tấn đó là lòng cung kính của qúi Phật tử. Chúng tôi nói thật sự với qúi Phật tử ở đây là tâm trạng của chúng tôi là khi chúng tôi về các quốc gia Phật giáo như Miến Điện chẳng hạn, thì qúi vị hiểu rằng ngay cả những lúc rảnh rỗi có khi đọc sách trên Internet hay khi rảnh rỗi làm một vài việc liên quan đến máy móc chẳng hạn thì chúng tôi thật sự có mặc cảm trong lòng, tại vì khi mình bước ra gặp những người Phật tử họ rất cung kính rất qúi trọng nhà sư thì tự nhiên mình nghĩ trong lòng là mình phải tinh tấn chứ không nên giãi đãi dễ ngươi. Nhưng khi sống với người Phật tử VN thì đôi khi thái độ rất bình thường làm cho mình cảm thấy bình lặng, không có nghĩa là mình sống vì cái khen chê hay vì người khác nhưng thái độ của những người Phật tử cũng ảnh hưởng đến chư tăng rất nhiều, vì thái độ người Phật tử đặt kỳ vọng lớn ở chư tăng nên chư tăng ráng phải tốt, thì chuyện đó có chứ không phải không có.

Nên nghiệm về điều này là kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng trong cuộc tu tập có một tác động ảnh hưởng từ môi trường từ những người chung quanh. Bây giờ chúng ta thử tạo một không khí là chúng ta sinh hoạt với nhau, sống chung với nhau, những gì tốt của người khác chúng ta vẫn thường nhắc, vẫn thường đề cao, thường đề xướng thì tự nhiên lâu ngày nó trở thành một giá trị cố hữu và giá trị cố hữu đó ảnh hưởng lớn đến chúng ta. Có lẽ qúi Phật tử ít khi nào để ý đến một điểm là những chư tăng đệ tử của Sư Trưởng đào tạo ra thì đa số có khuynh hướng đi hoằng pháp, có nhiều khi chúng ta phải dùng chữ là dù hèn cũng thể, có nghĩa là dù các vị tệ lắm thì cũng có khuynh hướng qúi trọng sự thuyết pháp, qúi trọng việc mở mang lớp Phật Pháp. Tại vì sao vậy? Tại vì từ hồi tấm bé khi mới vào trong chùa thì chuyện thuyếp pháp, chuyện học Phật pháp, rồi trình bày Phật Pháp là một giá trị hiển nhiên nằm giữa cộng đồng tăng chúng ở trong chùa với nhau. Nên sau này chúng tôi ra nước ngoài đi gặp các chư tăng ở các chùa có đôi khi một năm 12 tháng các vị không cầm đến cuổn kinh, qúi vị nói điều đó khó tin là một vị tu sĩ một năm 12 tháng mà không cầm đến cuốn kinh và có nhiều vị cũng không bao giờ tìm cách để thuyết pháp cho Phật tử, tại vì các môi trường không có chuyện đó, các vị không có đặt nặng về việc đó. Khi chúng tôi ở với Ngài Tịnh Sự thì có một điều là nếu một nhà sư ở trong chùa Ngài mà ở chỉ lo làm việc tay chân làm việc này kia mà không học Phật Pháp thì thật sự Ngài Tịnh Sự Ngài không hoan hỉ, thấy cách của Ngài thì chúng ta hiểu được, nhưng nếu học Phật Pháp thì Ngài thật sự rất là thương. Thì Chúng tôi tin một điều là, ở trong một hội chúng nào ngay cả chúng ta sinh hoạt ở đây cũng vậy, chúng ta sinh hoạt lâu ngày thì chúng ta có một số cái giá trị định đặt được xem như là một giá trị không thể phủ nhận được. Giả tỷ như chúng ta vào trong rơom sinh hoạt, chúng ta có khuynh hướng tinh thần hâm mộ văn nghệ thì lâu ngày cái văn nghệ đó trở thành một trọng điểm của tất cả chúng ta, thì phải lôi kéo rất nhiều Phật tử vào thích đàn thích ca thích hát, tại vì cái giá trị đó sống giữa chúng ta. Nhưng nếu chúng ta đi vào đây thường thích nghe Phật Pháp, nghe các vị giảng sư giảng, nghe những câu thảo luận về Phật Pháp v.v... lâu ngày thì khuynh hướng đó cũng lôi kéo chúng ta.

Thì nói chung là như vầy, câu chuyện chúng tôi vừa trình bày là một câu chuyện tình cờ, tình cờ do một người lãng tai nghễnh ngãng nói mình đi xuất gia rồi tiếng đồn xa, lời đồn xuất gia là lời đồn tốt thì mình làm cho tốt. Nhưng trên thực tế xã hội ảnh hưởng đến chúng ta, cái khuynh hướng, cái trào lưu, cái xu thế ảnh hưởng đến chúng ta, chúng ta không phủ nhận như vậy được. Và người có bản chất thiện trong lòng, có thiện tâm hay có đạo tâm thì khi được người ta khen mình tốt người ta hâm mộ mình tốt thì thay vì cách quân tử Tàu của chúng ta là dãy nảy lên từ chối là không, những bậc thiện chí khi nghe người khác khen như vậy thì cố gắng làm cho tốt hơn, sống sao cho xứng đáng với điều đó. Nên điều đó là một điều rất tế nhị ở trong sự khác biệt giữa một người thiện với người bất thiện. Một người bất thiện chỉ nghe người ta khen mình một tiếng thí dụ như là; "nghe nói anh đó bảnh quá hay cô đó sài sang quá". thì tự nhiên người ta khen mình bảnh quá sang quá mình ráng làm bảnh làm sang giống như người ta nói, hoặc "anh đó tốt quá người có nhiều phúc đức quá" thì không ảnh hưởng nhiều, ngược lại một người thiện mà khen mình một tiếng tốt thì tiếng tốt đó có tác động, mình chưa có thì mình làm sao cho có và có rồi làm cho tăng trưởng thêm, cách suy nghĩ đó là một cách suy nghĩ Đức Phật gọi là "yoniso-manasikāra-khéo tác ý hay là khéo suy niệm, suy nghĩ một cách chơn chánh." Thì khi Đức Phật kể câu chuyện này cũng như câu chuyện trong quá khứ cho chúng ta hiểu rằng một cái giá trị nào đó mà trong một xã hội hay trong một cộng đồng cùng thừa nhận cùng thấy đó là đáng giá, đáng kể, đáng được tán thán, thì cái giá trị được đề cao , mọi người khác sẽ làm theo.

Ngày hôm qua vào lúc10:30 PM, giờ Houston, tức là cách đây khoảng 9 giờ đồng hồ, người cuối cùng đã rời hầm mỏ San Jose tại Chí Lợi để lên mặt đất, người đó là nhân viên của toán cấp cứu, nhưng trước đó thì chúng ta được biết rằng người ta gởi tổng cộng trước sau là sáu người trên mặt đất xuống dưới để cứu 33 người ở dưới lên. Nhưng điểm đáng nói là những người được đưa lên mặt đất thì người cuối cùng trong số 33 người được đưa lên mặt đất từ nhóm người thợ mỏ bị kẹt chính là người trưởng toán. Người trưởng toán này có một đặc điểm được báo chí cũng như được dân chúng Chí Lợi cũng như toàn thế giới được biết ông là một người hết sức xứng đáng trong vai trò của một người chỉ huy. Khi mọi người hoảng hốt và ông đã đưa ra một số quyết định rất quan trọng là ông đặt ra vấn đề là làm thế nào để sống sót cho đến khi được cấp cứu, thì bấy giờ ông đã chia thức ăn ra thí dụ như trong hai ngày mỗi một người chỉ được một muỗm cá hộp mà thôi, tức là khui lon cá họp ra thì cứ hai ngày ông được một muỗm như vậy, đúng ra thực phẩm để ở trong hầm cho 33 người chỉ có thể sống sót 48 tiếng đồng hồ, số người thì đông, thực phẩm ít mà phải chia cho 33 người, quả thật là ông là một người sáng suốt khi ông chia ra như vậy. Người ta đã sống liên tục trong ba tuần lễ cho đến khi thực phẩm cứu trợ ở trên được gửi xuống. Rồi ông lại chia những người đó làm ba toán vẫn làm việc liên tục trong ngày, mặc dầu bị kẹt hầm mỏ không có việc gì làm nhưng người ta phải làm như là vệ sinh, làm thao tác, làm việc này việc kia, ông không cho người ta ngừng nghỉ, tại vì nếu tất cả đều ngồi chờ đợi trong hoàn cảnh thảm não thì tinh thần sẽ bị xuống, mà tinh thần xuống thì từ chết đến chết thôi. Trong những hoàn cảnh khó khăn thì chúng ta hiểu rằng sự sa sút về thể lực là một điểm đáng sợ nhưng một điểm đáng sợ hơn đó là sự suy sụp về tinh thần, suy sụp về tinh thần rất là đáng sợ, thành ra một người lãnh đạo hay một người trưởng nhóm hay một bậc thiện trí ở trong giữa hoàn cảnh đó thì người đó là người có thể tạo ra một tác động và tác động đó rất tốt để gìn giữ vững tinh thần cho những người khác, thì chính ông trưởng toán này trong lúc bị kẹt giữa hầm tối suốt cả ba tuần lễ hầu như từ chỗ có chút hi vọng dần dà tới chỗ không còn hi vọng tới chỗ vô vọng đi tới chỗ tuyệt vọng thì ông đã không để tinh thần suy sụp. Và do vậy ngày hôm qua tất cả 33 người được đưa lên mặt đất thì chỉ có một người duy nhất là bị sưng phổi còn những người còn lại thì đều được xem là tình trạng thể lực tốt hơn là các bác sĩ nghĩ. Lý do rất đơn giản là họ đã làm tất cả những gì nên làm khi họ ở trong đó và nhờ vào đâu? nhờ vào vị trưởng nhóm vị đó tác động tinh thần mạnh mẽ, và người ta cũng nói rằng nếu mà một hay hai người bị kẹt ở trong đó thì tinh thần của họ sẽ yếu hơn là 33 người, sức mạnh của số đông mạnh mẽ như vậy. Như vậy chúng tôi tin ở một điều là ví dụ mình sống trong một ngôi chùa cái giá trị gì là cái giá trị được định đặt đề xướng ở trong ngôi chùa đó, có những ngôi chùa rất chú trọng về nghi lễ thì từ vị sư cả từ vị trụ trì lớn cho đến chư tăng ở trong chùa đều lấy nghi lễ làm trọng việc thờ cúng lễ lộc bái sám, có chùa thì nặng về hoằng pháp, có chùa nặng về tu học, có chùa nặng về vấn đề chấp tác lao động tay chân v.v... thì cái giá trị nào mà nó hiển nhiên được mọi người trang trọng được mọi người đặc biệt lưu tâm thì cái giá trị đó là chất liệu để nuôi sống tinh thần của chúng ta. Vì vậy khi nghĩ về những người thợ mỏ ở dưới hầm mỏ thì chúng ta thấy rằng một cá nhân và cá nhân đó có cố gắng để phấn đấu nhưng họ nhận rất nhiều trợ lực từ những người khác vì ý thức sống còn vô cùng quan trọng.

Chúng tôi nhớ là ngày 27 tháng 8 khi người ta tìm ra những người thợ mỏ thì Tổng Thống của Chí Lợi là một quốc gia theo tôn giáo rất mạnh mẽ nhưng ông nói một câu là "những người thợ mỏ sống sót đó không phải là một phép màu của ơn trên mà họ đã sống sót là vì tinh thần phấn đấu rất mạnh mẽ và đã sống đúng phương pháp để họ có thể tồn tại." Thì điều đó cũng một lần nữa nhắc chúng ta thấy một chuyện là đừng bao giờ đánh giá thấp ảnh hưởng của chúng ta với mọi người chung quanh.

Một nhà tư tưởng rất nổi tiếng của Trung quốc vào tiền bán thế kỷ 20 đã nói một câu rằng; "muốn cách mạng xã hội phải cách mạng văn nghệ." Tại sao phải cách mạng văn nghệ? Tại vì văn nghệ và văn hoá ảnh hưởng đến tâm linh, ảnh hưởng đến chiều sâu của sự suy nghĩ của mọi người. Khi ảnh hưởng đến chiều sâu sự suy nghĩ của mọi người thì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Nếu văn nghệ là than sầu hận thì tâm hồn của chúng ta cũng vậy, nhưng nếu văn nghệ văn hóa mà sinh động có sự phấn đấu thì chúng ta cũng theo đó mà phấn đấu. Xã hội thật sự có ảnh hưởng nhiều đến chúng ta vì vậy khi chúng ta sống thì nên làm hai việc: một là chúng ta phải lựa chọn một cộng đồng phải lựa một hội chúng mà hội chúng đó có chất liệu của chánh pháp, có chất liệu Phật Pháp, nếu chất liệu Phật Pháp đó được thắp sáng, đề cao được chân lý thì từ đó sẽ khởi cho chúng ta cái khuynh hướng đi theo. Hai là, đồng thời nếu chúng ta sống trong một tập thể chúng ta cũng nên cống hiến điều này, cống hiến điều nọ làm sao cho Phật Pháp được thắp sáng.

Chúng tôi có nhiều suy nghĩ như vầy là có một số những hội chúng một số đông người ta hoàn toàn không thấy được có giá trị gì là chất keo sơn để mang họ lại với nhau, chúng ta không thể nào gặp nhau chỉ để khoe tài hay chỉ để gặp để đấu khẩu để cho vui, những thứ đó nó không bền, cái gì bền bỉ theo thời gian thì nó phải có chất sống thật sự của nó, cái chất sống của chúng ta là chánh pháp và trong trường hợp này thì chúng ta thấy một hiện tượng được ghi lại ở trong kinh là một người cư sĩ khi được nghe nói đã đi xuất gia rồi thì tiếng lành lại đồn xa đồn nhanh lan rộng thì có nghĩa là dân chúng trong thành Xá Vệ bấy giờ đã uy ngưỡng Tam Bảo rất nhiều, nghe có một người xuất gia theo Phật nhất là một vị cư sĩ đang trong thời kỳ thành công trong cuộc sống thì rất là hoan hỉ, và khi được nghe như vậy thì vị cư sĩ này cảm thấy rằng người ta đã nói tốt về mình thì mình nên làm chuyện tốt đó là xin đi xuất gia và từ đời sống xuất gia đó đã đi thêm bước nữa tức là thành tựu được mục đích của đời sống phạm hạnh. Điều đó cho chúng ta thấy rằng cái xu thế của xã hội thời đó có thể nói rằng rất thuần hóa ánh sáng được Đức Thế Tôn soi rọi. Nên chi người ta cảm thấy có những giá trị mà ngày nay chúng ta hiếm khi thấy ở những nơi khác, tuy vậy không phải là không thấy.

Chúng tôi lấy một ví dụ, hồi còn nhỏ chúng tôi đọc một câu chuyện trong tập chú giải về Tứ Niệm Xứ do bác sĩ Nguyễn Đạt Thịnh dịch, lúc đó dịch và đánh máy và trong đó có một đoạn mà sau này Sư Trưởng có nhắc, đó là những người xứ Kuru, Kuru là một xứ ở Ấn Độ bây giờ bao gồm cả thủ đô Tân Đề Li. Người Việt Nam khi gặp nhau thì hay hỏi "Anh chị khỏe không, ăn uống gì chưa, lúc này con cháu thế nào v.v..." Người xứ Kuru thì họ không hỏi về sức khỏe, không hỏi về con cái mà hỏi "Anh hay chị lúc này có hành Tứ Niệm Xứ không, và cảm thấy thế nào, có cảm thấy an lạc, có thấy tinh tiến trong pháp hành hay không" và cái cao trào đó, cái khuynh hướng đó đã ảnh hưởng đến nhiều người. Thì lúc bấy giờ chúng tôi đọc trong bản đánh máy thì thấy cũng lạ là mình sống trong một thế giới mà việc ngồi thiền là một việc ít ai nhắc đến chứ đừng nói chi là tùy hỉ mà xứ này họ nói chuyện hành thiền giống như chuyện mình ăn cơm uống nước thì lạ quá. Nhưng khi chúng tôi sang Miến Điện ở một vùng ở ngoại ô của Yangon cũng có một vùng đất người ta cũng sống như vậy, họ gặp nhau họ thường hay hỏi lúc này anh chị có đi hành thiền không, hành thiền có thấy an lạc trong thiền định có thấy tiến bộ hay không v.v... và không khí giống như người xứ Kuru. Cũng như hồi nãy chúng tôi nói với qúi vị là dân trong thành Xá Vệ khi nghe có người nào đi xuất gia thì hoan hỉ, ngày nay vẫn còn những vùng đất khi nghe người khác đi xuất gia cũng hoan hỉ. Những điều đó được ghi trong sách xưa bây giờ chúng ta vẫn còn tìm ở trong sách ngày nay.

Những kỹ thuật như iphone hay IOS, Endroid v.v... trước kia khi nhắc đến Smartphones thì người ta nhắc đến cái gì xa xí phẩm, bây giờ Smartphones từ từ trở thành một vật dụng bình thường và thế giới họ tiên liệu rằng khoản chừng vài năm nữa thì Smartphones tức là điện thoại thông minh sẽ trở thành một vật tùy thân đương nhiên không còn trở thành vật xa xỉ với nhiều người nữa, và chúng ta đừng quên một điều là ảnh hưởng của những điều đó đã trở thành một trào lưu, một cái xu thế nhất định của đời sống. Chúng ta thì cũng vậy bị ảnh hưởng với điều này.

Nói chung như vầy, câu chuyện chúng ta được nghe hôm nay quả thật là một câu chuyện hài hước. Một người vì người khác đồn đại tiếng tốt về mình là mình đã đi xuất gia rồi và nghĩ rằng người ta nghĩ mình đi xuất gia thì mình cũng nên đi xuất gia và trong sự xuất gia vị này có những thành tựu đáng kể. Một câu chuyện mà ở đoạn đầu thì nghe có tánh cách như là tình cờ. Nhưng cuộc đời vốn dĩ là sự kết hợp của nhiều thứ tình cờ. Chúng ta đừng nghĩ rằng trong cuộc đời cái gì cũng phải được chuẩn bị một cách chu tất, chuẩn bị một cách rất mỹ mãn, rất tỉ mỉ, rất là đẹp. Và cuộc đời đôi khi nó không có bố cục liền lạc giống như một áng văn hay, hay là một bài thơ Đường có khai thừa. Đôi khi nó chỉ là một sự tình cờ chúng ta gọi là ngang xương vậy đó. Ngang xương có nghĩa là nó không phải là sự sơ phát tâm rất là tốt rồi dần dà đi đến chỗ thành tựu một cách viên mãn. Không phải như vậy. Mà tình cờ là đôi khi sự bắt đầu của nó bằng nhiều cách chúng ta không tưởng tượng được. Như thời Đức Phật còn tại thế Ngài Nanda là em cùng cha khác mẹ với Đức Phật đi xuất gia tại vì nể hoàng huynh, đi xuất gia là vì miễn cưỡng mà đi, nhưng cuối cùng cũng thành tựu được. Trong trường hợp bài học hôm nay vị này thành tựu được là tại vì người ta đồn về mình, mặc dầu tin đó ban đầu là tin vịt nhưng sau tin vịt thì biến thành tin thiệt. Thì nói chung, cuộc đời thì đa số gồm những cuộc tình cờ, nhưng đối với cuộc tình cờ thì bậc thiện trí nhìn khác người không thiện trí. Nhiều khi từ sự tình cờ đó lại trở thành một con đường mới. Cuộc sống mới đó lại là một con đường rất đẹp trong ý nghĩa chân thiện mỹ.

-ooOoo-

Với phước báu mà con tạo nên hôm nay xin hồi hướng đến hương linh của mẹ là Thái Huê, cầu mong bà được thượng hưởng phước lành và chóng viên thành đạo quả.

Phật tử Thiện Pháp Nguyễn Văn Ḥa và Minh Hạnh