phapluan.net

  

jpg (8936 bytes)


...... ... .

Dụ Ngôn Vắt Sữa Bò - Một Thoáng Từ Tâm

TT Giác Đẳng

Giảng trong rơom Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 3-2-2011 nhân ngày Tết Tân Mão cũng là lời chúc tết của TT.

Minh Hạnh chuyển biên

 

Bạch qúi Ngài và thưa qúi vị. Chắc chắn hôm nay mỗi chúng ta sẽ mang đến cho nhau những lời chúc lành đầu năm, nhưng chúng ta hãy đọc kỹ bài kinh này và suy nghiệm lời của Đức Phật dạy và từ bài kinh này chúng ta sẽ rất hoan hỉ làm tốt lời chúc lành của chúng ta.

Ở đây Đức Phật Ngài có một so sánh. So sánh một người buổi sáng bố thí một trăm nồi thực phẩm, buổi trưa bố thí một trăm nồi thực phẩm, buổi chiều bố thí một trăm nồi thực phẩm. Tại Ấn Độ nếu mà qúi Phật tử sang Ấn Độ làm việc chuẩn bần thì biết rằng người ta có cách nấu ăn là cơm càri ở trong đó có đầy đủ thức ăn đã trộn sẵn chúng ta đem ra để bố thí và sẵn sàng để ăn thôi. Một trăm nồi buổi sáng, một trăm nồi buổi trưa, một trăm nồi buổi chiều không phải là ít mà là rất nhiều. Nhưng Đức Phật Ngài nói rằng công đức đó so với bóp vú sữa con bò một lần (trong nháy mắt hay chỉ một hai giây),nhưng Đức Phật dạy rằng công đức của tu tập từ tâm lại lớn hơn.

Để dễ hiểu nhất thì chúng ta nhắc lại một câu nói mà Sư Trưởng thường nói là "mười năm đọc sách không bằng một đêm đàm luận với bậc trí, nhưng nếu muốn có một đêm đàm luận cùng bậc trí có lợi lạc thì cần có mười năm đọc sách." Tại vì sao? Là bởi vì lợi lạc đó vốn là một sự tích lủy. Thì tâm từ mà Đức Phật nói ở đây cho dù một thoáng nhưng cái thoáng tâm từ đó nếu chúng ta đạt được thì dù là một giây phút mà chúng ta vượt ra ngoài tất cả.

Bây giờ hãy thử tưởng tượng như vầy: Sáng hôm nay là ngày đầu năm chúng ta biết ở trong rơom có hơn sáu mươi người vào nghe pháp, không kể là xuất gia hay tại gia, không kể là thân hay là sơ, không kể là mới hay đã quen lâu, và cũng không kể là Phật tử hay không là Phật tử, và không cần biết đó là những người có đạo tâm hay không có đạo tâm, nhưng mà tất cả những người đang hiện diện ở trong rơom này chúng ta có một tư tưởng đồng đều giống nhau là mong cho tất cả được an lạc, an lạc ngày hôm nay và cho cả một năm tròn an lạc, chúng ta mong cho tất cả mọi người đều được hạnh phúc giống như chúng ta mong mỏi hạnh phúc cho chính mình, chẳng như vậy mà trong giờ phút này ngày đầu năm chúng ta cũng mong mỏi những người gần hoặc xa, thấy được hay không thấy được, dầu lớn dầu nhỏ hoặc trung bình bất kể chúng sanh đã sanh hay là chưa sanh ra, xin tất cả chúng sanh đều được an lạc.

Thật ra tâm hồn của chúng ta thường bị vấy động bởi nhiều suy tư bởi nhiều sự phân biệt, chúng ta đến nơi nào thì phân biệt rằng người này thân kẻ kia sơ, người này thích người kia không thích, nhưng chỉ một giây phút ngắn thôi mà tâm của chúng ta mở lòng ra nghĩ cho tất cả, tất cả đều là chúng sanh, tất cả đều mong mỏi được hạnh phúc, tất cả đều hoan hỉ khi đời sống được an lạc, chúng ta mong cho tất cả đều an lạc, giây phút đó thật sự rất hiếm, từ tâm thật sự đó là một thứ thành tựu đáng kể. Đức Phật đôi khi Ngài dùng một hình ảnh rất tế nhị như một bà mẹ đối với con của mình lúc nào cũng lân mẫn, lúc nào cũng trìu mến, không bao giờ có hiềm hận mong cho con mình bị bất hạnh, mong cho con mình bị thế này bị thế khác mà chỉ mong con được an vui được tốt đẹp đó là tấm lòng của bà mẹ, tấm lòng vô lượng của bà mẹ, tấm lòng bền bỉ của bà mẹ và Đức Phật Ngài đem tấm lòng đó để ví dụ cho tâm từ. Một người có tâm từ thì thấy rằng dù ở đâu trong hoàn cảnh nào cũng đều mong cho tất cả mọi người an lạc và từ chỗ đó mình không mảy may nuôi một chút hiềm hận hay là mong người khác bị khổ như thế này bị phiền lòng như thế kia.

Ở trong cuộc đời tâm từ thể hiện qua rất nhiều cách.

Chúng tôi ở trong chùa gần Ngài HT, Ngài đặc biệt có nhiều tâm từ. Một điểm mà chúng tôi cảm thấy rất xúc động khi ở gần Ngài là, đi trong một phái đoàn, hay có những người ở xa đến, thường thường chúng ta chỉ ân cần với những người quan trọng với những người lớn nhưng Ngài thì Ngài mong cho tất cả được an lạc, có thể là một vị sadi, có thể là một nữ tu hay một người Phật tử lái xe không quen biết, nhưng Ngài hỏi rằng: đã ăn chưa? vào tìm cái gì ăn đi, Ngài bảo tìm chỗ ngồi sao mà đứng lâu quá vậy? Cái đó là lòng từ. Cái tâm từ mà mình nghĩ là mình không có đặt quá nặng vào một người nào đó rồi chúng ta xem thường những người khác. Không ai trong chúng ta muốn người khác xem thường mình, không ai trong chúng ta nhỏ nhoi ở trong ánh mắt của tâm từ hết, tất cả chúng sanh trong cuộc đời này đều xứng đáng được thương mến được ban bố lòng từ ái và do vậy tâm từ không phân biệt. Tâm từ mà đúng nghĩa tâm từ thì đó là một thành tựu hạn hữu điều đó là những giây phút giúp cho chúng ta vượt khỏi vòng cương toả của ngã chấp, của kiến chấp và của ái chấp. Những hàng rào khiến cho chúng ta phân định người này trọng hơn người kia, người kia khinh hơn người nọ, đối với ánh mắt của tâm từ thì tất cả mọi người tất cả mọi chúng sanh đều nên được an lạc, cần sự an lạc, và mong cho tất cả chúng sanh được an lạc. Vì vậy chúng ta hãy tu tập tâm từ.

Nhân ngày đầu năm. Năm nào cũng vậy đầu năm là ngày chúng ta chúc lành cho nhau. Chúng tôi biết có nhiều khi chúc nhiều quá thì lời chúc tết của chúng ta xem như là sự đãi bôi hay là lời xã giao. Người ta chúc mình thì mình cũng chúc lại. Nhưng chúng tôi chia sẻ với qúi Phật tử một bí quyết này, thay vì mình chúc người khác bằng một lời nói cho qua cho có hay cho lấy lệ, bây giờ chúng ta hãy gói ghém vào lời chúc đó bằng từ tâm. Mình nói với người khác rằng mong cho qúi vị có một năm được an lạc thì làm thế nào ở trong lòng của chúng ta thật sự mong cho người đó được an lạc. Chúng ta cầu chúc người khác được hanh thông thì làm sao ở trong lời nói đó bằng tâm tư gói ghém chúng ta mong người đó được hanh thông thật sự. Tấm lòng đó có thể mình nghĩ rằng nó khó khăn nhưng mà thật ra chỉ là những giây phút ban đầu khó từ từ rồi chúng ta quen, thì chúng ta thấy rằng chúng ta rất an lạc rất thoải mái để thật tâm thật lòng mong mỏi cho người khác được an lạc thì chúng tôi nghĩ rằng lời chúc lành đó thật sự là lời chúc lành rất tốt đẹp.

Đức Phật Ngài là bậc Thiên Nhân Chi Đạo Sư, Ngài là bậc Thế Gian Giải, Ngài là bậc Chánh Biến Tri, nếu chúng ta thương Ngài, kính Ngài, tin ở Ngài, thì chúng ta phải đọc cho kỹ lời dạy của Ngài. Và hôm nay là ngày mùng một tết chúng ta nên nhớ rất rõ Đức Phật Ngài dạy rằng

"Một giây phút mà có được từ tâm thật sự với vô lượng chúng sanh thì cái phước, cái công đức, cái lợi lạc nhiều hơn là một người buổi sáng bố thí một trăm nồi thực phẩm, buổi trưa một trăm nồi thực phẩm, buổi chiều một trăm nồi thực phẩm."

Chúng ta có nhiều cơ hội làm việc này, đi lên xe bus, lên máy bay, bước vào một đám đông, vào rơom để nghe pháp, chúng ta làm gì với giây phút bắt đầu đó, chúng ta thường vẩn vơ nghĩ điều này nghĩ điều khác. Chúng ta không cần phải nói với ai mà cũng không cần phải làm gì lớn, buổi sáng chúng ta vào đây sau khi làm những gì cần thiết, nhắm mắt lại một chút mong cho tất cả mọi người được an lạc, dù xa, dù gần, dù quen, hay không quen, dù thân hay sơ, tất cả chúng ta mong mỏi mọi người đều có an lạc. Chúng tôi thấy đời sống của con người nếu mà gọi là cái tình thật sự thì cái đó là cái tình thật sự, nó là những giây phút chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng thật sự thì đó mới chính là giây phút nhẹ nhàng, bởi vì nó không có ràng buột.

Đức Phật Ngài thường dạy trong đời sống của chúng ta là nếu chúng ta sống với tâm cô hữu với lòng từ với phương đông, phương tây, phương nam, phương bắc, phương trên, phương dưới, thì chúng ta được rất nhiều lợi lạc, lợi lạc từ trong giấc ngủ, lợi lạc từ trong đời sống hàng ngày và đặc biệt ở trong tấm lòng của chúng ta được an lạc. Không có một người nào sống bằng từ tâm đối với chúng sanh khác mà trong lòng đau khổ. Qúi vị cứ nghĩ và nhớ chắc chắn một điều rằng khi mình muốn được hạnh phúc thì chỉ có cách là chúng ta ban bố hạnh phúc và ban bố hạnh phúc khởi đầu bằng niềm mong cầu cho chúng sanh khác được hạnh phúc. Hễ tâm từ đó có được thì chúng ta an lạc. Nhiều lúc đối với chúng ta sự an lạc đó là một cái gì rất hiếm qúi đi tìm hơi khó đi tìm không phải dễ dàng, nhưng mà kỳ thật bằng tâm từ bằng sự mong mỏi cho mọi người cho mọi chúng sanh được hạnh phúc thì từ cái niệm đó từ cái điểm ban đầu đó có đôi khi rất là thầm lặng rất dễ dàng nhưng nó chính là một niềm an lạc. Một người mà mong cho người khác an lạc thì tự họ khó có đau khổ.

Do vậy chúng ta nên nhớ lời Đức Phật dạy ở tại đây, Ngài nói rất rõ

"Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "sẽ tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, an trú, tích lũy và khéo thực hiện"

- Tu tập từ tâm giải thoát ở đây tức là tâm mong cho chúng sanh được an lạc nhẹ nhàng khinh an, không có hàng rào không có ngăn ngại.
- Làm cho sung mãn tức là tâm đó tràn đầy ở trong tâm tư của mình, mình không cảm thấy khó khăn gì để có được tâm từ.
- Làm thành cỗ xe tức là phương tiện để đi đó đi đây, ở trong đời sống hàng ngày chúng ta hãy khiến từ tâm là một chất liệu kết nối giữa chúng ta và người khác.
- Làm thành căn cứ địa, căn cứ địa là một nơi để chúng ta quay về để chúng ta an trú để cho chúng ta an ổn, cuộc đời này thưa qúi vị có vui, có buồn, có thuận, có nghịch, có đủ thứ hết, nhưng chúng ta phải biến từ tâm trở thành căn cứ địa, làm nơi mà chúng ta có thể tịnh dưỡng.
- An trú là thường thể nhập vào đó.
- Tích lũy là chúng ta thường huân tập.
- Và khéo thực hiện là trong hoàn cảnh nào, ví dụ như lời chúc lành thay vì chúng ta chúc cho có chúc thì chúng ta khéo gói ghém từ tâm của chúng ta trong tất cả thể hiện bằng thân bằng khẩu bằng ý.

Trước hết chúng con xin được đảnh lễ Sư Trưởng, lẽ ra chúng con là hàng con cháu đệ tử mùa xuân thì phải đến đảnh lễ chúc tết Sư Trưởng như mà xa quá nửa địa cầu, chúng con xin từ Hoa Kỳ vùng đất xa xôi này cúi đầu đảnh lễ Sư Trưởng. Kính chúc Sư Trưởng sức khỏe được khang kiện, Phật sự được viên mãn và mong rằng Sư Trưởng cũng như năm vừa qua sẽ dành cho đại chúng ở trong rơom Phật Pháp Buddhadhamma này nhiều lời hướng dẫn lợi lạc mà Sư Trưởng đã dành cho chúng con trong thời gian qua.

Xin được kính gửi đến TT Tuệ Siêu, trước nhất là xin được đảnh lễ TT, cầu chúc TT một năm sức khỏe tốt, Phật sự tốt và mong rằng TT sẽ tiếp tục là cây đại thọ để duy trì sự bền vững của rơom Phật Pháp này.

Kính chúc tất cả Chư Tôn Đức một mùa xuân an lạc cát tường Phật sự hanh thông.

Và cầu mong rằng tất cả qúi Phật tử có được niềm vui thật sự. Chúng tôi nhớ có một người cho chúng tôi một lời cầu chúc, nghe thì rất đời nhưng mà thật sự rất ý vị xin được lập lại ở đây để gửi đến qúi vị. Mong rằng trong trái tim của chúng ta sẽ có Phật, mong rằng trong óc của chúng ta sẽ có Pháp, mong rằng trên đường chúng ta đi sẽ có Tăng làm bạn đồng hành và mong rằng mỗi mỗi chúng ta sẽ có được từ tâm ở trong lời nói hành động và việc làm của mình.

Xin kính tri ân Chư Tôn Đức và cảm ơn tất cả qúi Phật tử./.

 

 

 

Trình bày: Minh Hạnh và Nguyễn Văn Hòa

Trở về Trang Chính,

Đầu trang