phapluan.net Trang Chính


LY DỤC (Tiền thân Viticcha)

TT Giác Đẳng giảng trong room Phật Pháp Buddhadhamma ngày 2-12-2010


Có những người nói chỉ v́ ham nói

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng giảng: Một câu chuyện tiền thân liên quan đến trường hợp rất thường xảy ra thời Đức Phật còn tại thế là, những người ngoại đạo, những vị du sĩ và những người bình thường thích đến tranh luận với Đức Phật. Thật sự thì chúng ta nên hiểu rằng Phật Pháp là đối thoại. Phật Giáo không phải là một tôn giáo nêu cao quyền lực hay hoặc giả là nêu cao sự thờ phượng mà thay vào đó thì Phật Giáo đặc biệt khuyến khích sự phát triển trí tuệ trong đời sống. Chính vì vậy giáo lý của Đức Phật từ ngàn xưa cho đến bây giờ vẫn là một cuốn sách mở rộng, không những mở rộng mà chúng ta còn được Đức Phật Ngài khuyến khích, nên lắng nghe, nên tìm hiểu và nên đàm luận.

Trong bài kinh chúng ta thường nghe mỗi ngày đó là kinh Cát Tường hay kinh Điềm Lành, Đức Phật Ngài dạy rằng đúng thời nghe pháp hay thời thích hợp đàm luận Phật Pháp là một trong những điềm lành tối thượng. Ở đây chúng ta có thể khẳng định mà không có một chút gì cảm thấy nghi ngại trong lòng đó là Phật Pháp nên thảo luận mà thảo luận một cách cởi mở, một cách thành thật về tất cả những gì liên quan đến Phật Pháp. Ngay cả với Đức Thế Tôn Ngài cũng đã thuyết một bài pháp chúng ta tìm thấy trong Trung Bộ Kinh, bài pháp đó Ngài dạy chư tỳ kheo hãy thẩm định bậc đạo sư tức là hãy xét Ngài là một vị thế nào. Đức Phật Ngài cũng dạy rõ đời sống của Ngài, lời dạy của Ngài không có điều gì ẩn khuất, không có điều gì không đạt được.

Thế nhưng chúng ta phải nhìn nhận một điều rằng, trong cuộc đời này cái gì có sức hấp dẫn hay mang lại điều tốt đẹp cho mọi người thì cũng có sự lạm dụng. Ngôn ngữ là một thí dụ. Ngôn ngữ cho phép chúng ta diễn đạt rất nhiều thứ. Và có những thứ đặc biệt tế nhị. Nhưng ngôn ngữ cũng trao đổi đặc biệt là để đề cao những giá trị mà chúng ta tin rằng là những giá trị cần được thượng tôn. Nhưng mà rồi chúng ta cũng thấy rất rõ ràng là con người thường hí luận với ngôn ngữ, con người chẳng những đùa giỡn với ngôn ngữ mà còn lạm dụng ngôn ngữ, ở trong sự lạm dụng đó con người đã tạo ra hoa ngữ, tạo ra đại ngôn, tạo ra ngụy biện, tạo ra rất nhiều thứ . Và dĩ nhiên, giống như trường hợp chúng ta ăn, ăn là đáp ứng một nhu cầu là đói, ăn là để mang chất dinh dưỡng vào trong thân thể. Nhưng mà rồi biểu hiệu ăn cũng cho chúng ta cái cảm giác khoái khẩu và chính vì vậy nhiều người đã trở nên ham ăn và lấy sự ăn làm cứu cánh, lấy sự ăn là việc quan trọng ở trong đời sống hàng ngày của mình.

Thì ngôn ngữ có thể khéo nói, khéo dùng từ, ngôn ngữ cho phép chúng ta chuyển tải những ý tưởng và đôi khi đặc biệt rất tế nhị để có thể trao đổi với người khác. Nhưng mà rồi không ai phủ nhận được rằng có những người hý luận với ngôn ngữ, có những người xử dụng ngôn ngữ như là một lợi khí giảo nghiệm, có những người xử dụng ngôn ngữ như là một trò chơi. Và do vậy chúng ta thấy trong rất nhiều trường hợp có những người ham nói, họ ham nói đến độ mà họ chỉ cần nói mà không biết rõ là lời nói đó có mang lại lợi ích hay không. Một khi người ta không còn xử dụng đúng nữa thì những phương tiện mà con người có chỉ là một thứ trò chơi, đã là trò chơi thì nó chỉ thoả mãn nhất thời nhưng không có giá trị lâu dài.

Chúng tôi ví dụ là cụ Hiến Lê đề cập đến những người thích chơi sách, chữ chơi ở đây có nghĩa là một cái thú quyển sách nào mua về cũng thật đẹp họ đặc biệt thích sách đẹp, họ đặc biệt thích sách có bìa cứng và đặc biệt họ thích xếp sách theo màu hoặc giả là kích thước để tạo thành một tủ sách rất đẹp, một tủ sách trông rất bắt mắt. Điều này không có nghĩa là họ hiểu hết giá trị của quyển sách và họ tận dụng được, có nhiều người chỉ thích chơi sách vậy thôi.

Thì phương tiện ngôn ngữ, đôi khi người ta nói rất hay, nói những từ rất hoa mỹ nhưng không có lợi ích. Đức Phật Ngài nói rằng nói một ngàn câu mà không mang một lợi ích gì chi bằng chỉ nói một câu mà mang lại sự tịnh lạc. Ngài cũng khẳng định một điều rằng không phải chỉ nói nhiều là hay. Đôi lúc Đức Phật Ngài đưa ra hình ảnh là chỗ nào nước sâu thì thường thường chảy lặng lẽ chỗ nào cạn thì ồn ào, như ông bà chúng ta nói thùng rỗng thì kêu to. Là con người đôi khi dùng lời nói của mình như một khí cụ, những thứ đó không lợi ích gì hết mà nó chỉ mang lại khẩu nghiệp bất thiện.

Trước nhất chúng ta phải nhìn nhận rằng nhiều người nói giỏi nhưng mà họ lại rất ham nói, cái gì cũng nói được và trong cái nói của họ hầu như họ không nắm vững là cái nói đó có lợi ích gì. Không phải lúc nào chúng ta cũng kiệm lời, không phải lúc nào chúng ta cũng phải hà tiện ngôn ngữ, nhưng phải nói rằng nói nhiều và nói bừa bãi thì chẳng những nó không làm đẹp cho cuộc đời mà còn phản tác dụng làm xấu đi. Qúi vị có bao giờ thấy có những người họ chán ngấy những lời hô hào cổ võ của những nhà chính trị. Tại vì sao vậy? Chúng ta sống ở những quốc gia dân chủ thì biết rằng trong nguồn máy dân chủ thì cho phép người ta vận động tranh cử, và khi người ta vận động tranh cử thì họ nói bao nhiêu là lời hoa mỹ. Về ngôn ngữ, ông bà chúng ta có câu "lưỡi không xương nhiều đường lắc léo" và ngày nay chính con người trở thành nạn nhân. Tại vì sao? Tại vì chúng ta chơi cái trò chơi ngôn ngữ, chúng ta dùng ngôn ngữ là phương tiện là lợi khí. Khi mình dùng làm phương tiện được thì người khác cũng dùng làm phương tiện được và nhiều khi chúng ta nhìn thấy cả thế giới chỉ là một trò chơi ngôn ngữ mà thôi. Chúng tôi lấy ví dụ như những chữ "tự do", chữ "hạnh phúc" chữ "dân chủ", những chữ đó tuy nghe rất hay nó đề chứng một giá trị nào đó, nhưng người ta xử dụng một cách rất bừa bãi, có một người nói rằng đa số những quốc gia nào trên thế giới ngày nay mà muốn biết chắn chắn là có độc tài hay không thì cứ thấy quốc gia đó có chữ dân chủ, quốc gia nào đề chữ dân chủ là biết quốc gia đó độc tài. Tại sao trái ngược như vậy? Tại vì đó là hí lập ngôn ngữ. Và khi con người đã hí lập ngôn ngữ rồi thì nghe cũng hay nhưng không đi đến chỗ nào hết.

Câu chuyện ngày hôm nay là câu chuyện một người du sĩ đến gặp Đức Phật để tranh biện và dĩ nhiên có lẽ người này không đáng để Tôn Giả Ananda nhắc đến người đó là ai nên chỉ nhắc đến một người nào đó mà không nói rõ tên. Chúng ta cũng nghe về một người có tài biện thuyết nổi tiếng tên Saccaka từng đến gặp Đức Phật để muốn khẳng định với Đức Phật một điều rằng ông hiểu chuyện đó nhiều hơn Đức Phật và ông có thể nói hay hơn Đức Phật. Nhân chuyện một người đến muốn tranh luận với Đức Phật và Đức Phật hỏi một câu thì người đó ra đi thì Đức Phật kể câu chuyện tiền thân chúng ta nghe có một người nào đó gặp Đức Bồ Tát và Đức Bồ Tát hỏi rằng:

"Ông có khi nào uống nước sông Hằng được pha trộn với các loại hương rừng hay không? "

Thì thay vì vị này nói có hay nói không, nói cho đơn giản, thì vị này nói.

"Cái gì là sông Hằng? Cát là sông Hằng? Nước là sông Hằng? Bờ bên này là sông Hằng? Bờ bên kia là sông Hằng chăng?

Thì thưa qúi vị, Có những người, người ta nói triết đông thì họ nói triết tây, hoặc nói triết tây thì họ nói triết đông. Họ chỉ có một mục đích là tranh biện, họ có mục đích là làm sao để luồn lách như con lương, họ chỉ có một mục đích là làm sao để chứng tỏ là họ lợi khẩu. Câu chuyện chỉ có giá trị khi nào mà nó cho chúng ta một kết quả cụ thể.

Bậc thiện trí đàm luận với nhau không phải để hơn thua, bậc thiện trí đàm luận với nhau không phải chỉ đơn giản là mình muốn thắng người khác hay hoặc giả chứng tỏ mình hay hơn người khác. Bậc thiện trí đàm luận với người khác là để nói lên những gì cần nói, đáng nói, nên nói và điều nói đó được nói rất là khéo, được nói rất rõ ràng.

Vì vậy, cụ Hiến Lê một học giả được nhiều người qúi trọng ở Việt Nam, cụ nói một điều rằng " Một ở trong văn phong mà tốt nhất đó là cái trong sáng của văn chương của chữ nghĩa." Người ta lại không để ý đến điểm này, người ta coi thường cái mức trong sáng. Thật ra, nếu trong đời sống này mà mình chỉ nói hay nhưng khi mình nói xong người ta không hiểu điều gì thì tốt hơn là đừng nói. Tại vì nói cho cùng cái giá trị của ngôn ngữ là gì? đó là để truyền đạt. Giá trị của ngôn ngữ là gì? là có thể chuyên chở ý nghĩa cho nhau. Nếu chúng ta nói một cách rất cầu kỳ một cách rất khoa học như nói nghe có vẻ văn chương bóng bẩy nhưng rồi người ta thật sự không hiểu gì, thì Đức Phật Ngài nói rằng lời nói đó là phù phiếm. Và vì vậy đôi khi nó không phải chỉ đơn giản về đề tài; cũng nói về Phật Pháp, đời sống tâm linh, cũng nói về văn học, cũng nói về nghệ thuật, có những người nói vì ham nói nhưng có những người họ nói là bởi vì họ biết điều đó có lợi ích, điều đó giúp cho họ đào sâu được những vấn đề cần phải đào sâu, điều đó có thể mở ra nhiều cánh cửa cho sự suy tư, cho sự thẩm định, thì điều đó là điều nên nói.

Thật ra nếu chúng ta nói đến quá trình dài Phật Pháp của giòng lịch sử của vườn Lộc Uyển Chuyển Pháp Luân thì Đức Phật Ngài đã trình bày giáo pháp một cách rõ ràng, một cách mạch lạc. Ngày nay sở dĩ có những sự bối rối, những sự nhầm lẫn, những ngộ nhận cho Phật Pháp là tại vì chúng ta vốn không lắng nghe Đức Phật, vốn không nhìn hình ảnh của Đức Phật, không thấy được cung cách của Đức Phật trong việc Ngài tuyên thuyết chánh pháp:
Thứ nhất là Đức Phật rất tôn trọng chánh pháp, Ngài không dùng chánh pháp như là một đòn phép để hơn thua mà Ngài dùng chánh pháp như là một ở trong những phương lương dược nhiệm màu trị được căn bịnh phiền não của chúng sanh, nhất là những gì cần phải soi sáng.
Thứ hai nữa là Ngài nói bằng luận từ chứ Ngài không nói với tâm sân, Đức Phật thuyếp pháp không phải để chống người này hay chỉ trích người kia, Ngài thuyết pháp để đem lại lợi ích cho cuộc đời.
Chúng ta cũng biết một điều rằng Đức Thế Tôn là người khéo nói, Ngài nói đúng thời, Ngài nói có nghĩa có văn cụ túc và không phải để cho luận thuyết và điều đó không có trong kinh điển cho đến ngày hôm nay qua những bài pháp cũng như qua sự sáng suốt của Ngài ở trong tất cả mọi trường hợp.

Đức Phật Ngài không chỉ trích ngôn ngữ Ngài cũng không chỉ trích biện thuyết thậm trí Ngài còn tán thán điều đó là điều khéo nói:

Svakhato bhagavata dhammo - pháp của Đức Phật được thuyết bởi Đức Thế Tôn.

Như vậy, Ngài khẳng định rằng cái gì khéo nói, nói cho hay, nói cho đẹp, nói cho dễ hiểu, nói cho tinh tế, thì đó là điều chấp nhận nói cho hoa mỹ. Ngài lưu ý chúng ta là có nhiều người nói chỉ để cho sướng miệng để khoái khẩu và những người này hoàn toàn nói một cách vô tội vạ. Ngày hôm nay chúng ta thấy có nhiều người họ cũng nói nhưng lời nói của họ nói ra nó chỉ chứng minh là họ biết xử dụng ngôn ngữ.

Chúng tôi nhớ hồi nhỏ ông ngoại của chúng tôi có kể một câu chuyện về một anh thanh niên, thường thường anh mở miệng nói thì nói những gì vô duyên những điều không lọt vào tai người khác. Do vậy một lần ở trong làng có một đình được trùng tu xong thì họ mời mọi người đến để dự một bữa tiệc gọi là lạc thành. Lúc đó, trong làng có anh thanh niên này nổi tiếng là người ăn nói không khéo mà là ăn nói vô duyên, anh cũng muốn đi nhưng bà mẹ căn ngăn, cuối cùng thì bà mẹ nói rằng "Thôi được con đi nhưng con phải nhớ một điều rằng con không phải là người khéo nói và thường khi lời nói của con tuy rằng không ác ý, vậy đến đó đừng nói cái gì hết." Thì khi anh này đến dự buổi lạc thành cái đình anh nghe lời mẹ giữ im lặng cho đến khi bữa tiệc tàn, vào lúc mọi người đứng dạy sắp ra về thì anh đứng lên tuyên bố rằng:

"kính thưa bà con cô bác phụ lão, ngày hôm nay tôi đã đến đây và theo lời mẹ dạy nên đã không thốt ra một câu nào từ đầu đến cuối do vậy ngày mai mà đình làng có sụp đi nữa thì đừng đem tôi ra mà kết tội."

Thì thưa quí vị người ta đang làm lễ khánh thành cái đình làng mà nói chuyện kiểu đó thì nhiều người rất nổi giận, tại vì ông bà chúng ta kỵ những lời nói gỡ. Cách nói của anh nghe ngây ngô nhưng nó lại thường là của nhiều người trong chúng ta, thường chúng ta chỉ nói cái gì đó mà chúng ta rất là muốn nói mà nói vô duyên.

Nên có lẽ không có thời nào như là thời đại ngày hôm nay là thời đại mà luật pháp cũng bị lạm dụng, kỹ thuật cũng bị lạm dụng, đời sống các nhu yếu của chúng ta cũng bị lạm dụng, và dĩ nhiên, phương diện ngôn ngữ của chúng ta cũng lạm dụng, cái này thì chúng ta phải cẩn thận. Trong đạo Phật thì không có ít những tác phẩm nói lên cái lý luận, nói lên những cái lập thuyết, nói lên những sự phân biệt, phân tích rất là li chi rất là rõ ràng, nhưng những tác phẩm này vốn không phải viết ra để tạo thành cơ sở của ngụy biện hay cơ sở của biện thuyết. Một học giả ghi nhận rằng đạo Phật hoàn toàn không tạo nên một môn lý luận mặc dù ở trong kinh điển đạo Phật có những lý luận rất chặc chẽ chúng ta gọi là lý luận như là logic chẳng hạn. Tuy nhiên, tại sao lại không đề cao một môn lý luận riêng biệt bởi vì đó không phải là cứu cánh của Phật giáo, mà tự Pháp phải nói một cách hợp thời chứ không phải là tạo ra một môn lý luận mà để chỉ dùng cái xảo thuật, dùng cái thủ thuật của ngôn ngữ để vượt thắng người khác, điều đó hoàn toàn không có ở trong kinh điển của đạo Phật./.

-ooOoo-

Với phước báu mà con tạo nên hôm nay xin hồi hướng đến hương linh của mẹ là Thái Huê, cầu mong bà được thượng hưởng phước lành và chóng viên thành đạo quả.

Phật tử Thiện Pháp Nguyễn Văn Ḥa và Minh Hạnh