phapluan.net

  

jpg (8936 bytes)


...... ... .

Kinh Điềm Lành - Cát Tường

TT Giác Đẳng (giảng ngày 31-12-2007)

Minh Hạnh chuyển biên

Bấm vào để nghe thuyết pháp bài giảng 

Kinh Điềm Lành là một bài kinh được trong bộ Khuddaka Nikayatức là Tiểu Bộ Kinh và ở trong Sutta Nipata là Kinh Tập, một bài kinh được Chư Tăng sử dụng tụng trong các khoá lễ cầu an, bài kinh hết sức quan trọng - qúi vị vào trong rơom dieuphap hàng ngày thì qúi vị được nghe sáng sớm luôn luôn có để bài kinh tụng này. Có lẽ ảnh hưởng Pháp Sư Thông Kham người ta thường dịch là kinh Hạnh Phúc, ngay cả HT Nhất Hạnh cũng dịch là kinh Phước Đức, nhưng chính nghĩa Mangala có nghĩa là kinh Điềm Lành hay là những dấu hiệu cát tường, chữ mangala là dấu hiệu cát tường, chúng ta gọi là điềm báo trước, một tín hiệu tốt lành, kinh Điềm Lành là chữ dịch gọn nhất và thẳng nhất.

Có rất nhiều sự kiện xảy ra trong đời sống luôn luôn cho chúng ta những điều ngạc nhiên, nếu chúng ta biết được rằng những biến cố quan trọng như vậy xảy ra, trước đó đã có những dấu hiệu cho chúng ta hoặc biết hoặc không biết. Ví dụ như hồi còn nhỏ chúng tôi thường nghe nói rằng buổi sáng sớm nếu đi trên đường ruộng mà thấy sương mai dầy đặc thì hôm đó là một ngày nắng, hoặc giả là có lúc nào đó mà mối và kiến ở dưới đất lên nhiều thì sau đó là những ngày mưa tầm tã, những dấu hiệu như vậy thường rất chính xác ở trong thiên nhiên bởi vì những nhà nông và ông bà ngày xưa cũng thường quan sát.

Đã từ lâu con người thường mong mỏi là mình có thể biết được điều gì đó về tương lai và không có điều gì khiến cho chúng ta cảm thấy tin tưởng mạnh mẽ cho bằng những dấu hiệu, nhiều lúc những dấu hiệu này đã khiến cho chúng ta trở nên mê tín, ví dụ nhìn thấy con nhện sa trước mắt, nhện hoặc là nhện trắng hoặc là nhện đen, hay hoặc giả là nghe tiếng chim kêu, có hàng trăm ngàn cái dựa trên những thứ này mà người ta tiên đoán về tương lai, kể cả những giấc mơ.

Thời Đức Phật còn tại thế cũng giống như bây giờ và có lẽ mãi mãi về sau nhân loại vẫn luôn luôn ám ảnh về một câu hỏi rằng cái gì là dấu hiệu của sự tốt lành, cái gì là điềm lành và dĩ nhiên cùng với câu hỏi đó người ta cũng có hỏi câu cái gì là điềm bất tường. Khi mà nói về điềm bất tường và điềm cát tường thì ở trong nhân gian thì có trăm ngàn thứ, có nhiều khi những hình ảnh rất trái ngược, ví dụ như có người nói rằng đầu năm ra đường gặp đám ma là hên mà gặp đám cưới thì sui, có người nói nằm chiêm bao thấy nước là tiền vô, thấy phân là điều tốt lành, còn thấy những điều khác thì không tốt v.v...

Trong kinh ghi rằng lúc bấy giờ Đức Thế Tôn ở chùa Kỳ Viên thuộc thành Xá Vệ, một vị Thiên đã đến đảnh lễ và bạch hỏi Đức Thế Tôn về một câu tương tựa như vầy:

"Chư Thiên và nhân loại thường suy nghĩ về hạnh phúc, Bạch Đức Thế Tôn xin Ngài vì lòng từ bi chỉ dạy cho cái gì là điềm lành tốt thượng."

Đức Phật Ngài đã trả lời không phải một câu mà trong nhiều câu và những câu này mới nhìn thì rời rạt không có chủ đề cho từng câu, nhưng nếu đọc kỹ và quan sát với tâm tư của mình thanh tịnh lắng đọng thì chúng ta thấy rằng mỗi một bài kệ tập trung vào một số chủ đề và ở tại đây cũng cho chúng ta thấy sự minh triết của Đức Phật ở trong cái nhìn về cuộc sống. Những người Phật tử nào học hiểu Phật Pháp sẽ thấy rằng ở trong mỗi trường hợp Đức Phật Ngài muốn đưa chúng ta trở về với cái nhìn thật rõ thật sáng suốt thật thiết thực về đời sống chứ không phải chỉ là cái nhìn mơ hồ. Chúng ta hãy đọc mười kệ ngôn này:

Không gần gủi kẻ ác
Thần cận bậc trí hiền
Cúng dường bậc tôn đức
Là điềm lành tối thượng.

Đó là câu kệ ngôn đầu tiên. Ở đây Đức Phật Ngài nói về ở trong sự giao tế nếu một người nào mà có ba, hai, hoặc một trong những đặc điểm này thì điều đó chứng tỏ là người đó có tương lai tốt và điều tốt đẹp sẽ đến với người đó. Trong sự giao tế biết lựa bạn mà chơi, không thân cận gần gủi những người ác xấu, giao thiệp với những bậc thiện trí, biết lui tới với những bậc thiện trí để cầu học và đồng thời biết nghiêng mình đảnh lễ cúng dường những bậc xứng đáng để cúng dường thì đó là điềm lành tối thượng. Chúng ta cứ nhìn chung quanh những người Phật tử đi chùa, vị nào có được ba đặc tánh này thì chắc chắn rằng những người Phật tử đó sẽ là Phật tử tốt. Đơn giản thôi, trong việc giao tế của mình biết ai là người nên thân cận, biết ai là người không nên thân cận, và biết ai là người xứng đáng lễ bái cúng dường, ba điều đó trở nên vô cùng hệ trọng để chúng ta nói nên cái nhân sinh quan nói lên hướng đi trong tương lai của mình. Và người ta cũng nói rằng; nếu mình muốn biết một người như thế nào hãy nhìn những người mà người đó giao thiệp. Đó là bài kệ đầu tiên mà chúng ta được nghe Đức Phật dạy tại đây, ba dấu hiệu của điều tốt lành hay là ba điềm lành trên phương diện giao tế.

Nói về định mệnh của mỗi người. Người ta nói định mệnh tức là họ nói về cái phước đức của đời trước thì Đức Phật dạy rằng đời trước có học thức, sống ở trú xứ thích hợp trước đã tạo phước và người có khả năng giáo hóa tự tâm của mình hay là hướng tâm một cách chân chánh thì đó là phúc lành cao thượng. Ở trong đời người ta thường coi tử vi nói về tiền nghiệp của mình tốt hay xấu thì Đức Phật dạy rằng những ai mà sống ở nơi nên sống, ở đất nước nên sống, ở trú xứ nên sống, thì trước nhất tự nó là dấu hiệu tốt lành. Người nào tạo phước để dành hoặc là đã từng tạo phước hoặc đang tạo phước để dành, dùng phước làm thứ tài sản để dành cho mình đời trước đời này đời sau thì đó là dấu hiệu cát tường. Và thứ nữa là người biết hướng tâm đến chỗ chân chánh, cái gì thấp hèn, cái gì hạ đẳng, cái gì không hướng thượng thì tâm không hướng về. Nói một cách khác là nếu một người sanh ra ở đời với trí lớn với hoài bảo cao thượng với tâm tư được khéo đặt để ở chỗ cao qúi thanh cao thì ba điều này nói lên định mệnh tốt, đó là dấu hiệu định mệnh tốt, ở trú xứ thích hợp tạo phước báu để dành và chân chánh hướng thượng tâm là điềm lành tối thượng.

Nói về sở đắc cá nhân thì Đức Phật Ngài dạy rằng:

"Đa văn nghề nghiệp giỏi,
khéo huấn luyện học tập
lời nói được ngay thật
đó là điềm lành tối thượng."

Về điểm này thì chúng ta thấy một cách rất là đặc biệt, nếu nói về sở đắc thì người nào trong cuộc sống này nghe nhiều học rộng đa văn quảng kiến, cái gì mình làm thì mình tự trau dồi học hỏi để mình làm công việc được thành thạo, thạo tay nghề vững tay chèo, nhất nghệ tinh nhất thanh vinh, điều đó Đức Phật Ngài xem là những dấu hiệu tốt lành. Và hơn thế nữa ở trong sở đắc cá nhân là con người có được lời nói chân chất, đúng ra cái lời nói chân chất ở tại đây nó đến từ cái thật biết thật học của mình. Nói cách khác là một người không ba hoa khoát lác không thổi phồng về sở đắc sở chứng của mình, và rất chân thật đối với cái gì mình học đối với cái gì mình biết. Thì trên phương diện sở đắc sở chứng những điểm này là những dấu hiệu đặc biệt tốt lành cát tường chúng ta gọi là điềm lành. Đối với Đức Phật thì kiến thức quan trọng một người sống ở giữa cuộc đời này nghề gì mà người đó làm mà người đó thạo tay nghề thì đó là dấu hiệu cát tường, và một người sống với lời nói chân thật không khoát lác ba hoa về sở đắc sở chứng của mình nó lại là một dấu hiệu khác, nói nên thực chất thực học của mình. Thì thưa qúi vị trong bài kệ thứ ba này một lần nữa Đức Phật cho chúng ta một phương diện khác, phương diện đó là sở đắc sở chứng cá nhân.

Qua bài kệ thứ tư khi Đức Phật đề cập đến trên phương diện gia đình thì Ngài nói dấu hiệu tốt lành trong phương diện gia đình là một người biết thờ kính cung dưỡng cha mẹ, biết chăm sóc người hôn phối của mình là vợ là chồng là con cái. Một người đối với gia đình còn có bổn phận sinh kế nuôi mạng nuôi gia đình bằng sự sinh kế lương thiện những điều đó giúp cho chúng ta có một mái ấm gia đình. Thường thường người ta nói rằng Đạo Phật là đạo xuất thế là đạo của những người thoát tục nhưng về điểm này người ta quên đi một lý lẽ quan trọng là đối với Đức Phật đời sống xuất gia là một sự lựa chọn cao đẹp nhưng nếu là một cư sĩ thì vẫn có rất nhiều điều nên làm và nên tự hoan hỉ nếu người đó sống hợp pháp hợp đạo, đối với cha mẹ thì hiếu kính, đối với người hôn phối đối với con cái thì biết quan tâm chăm sóc và nuôi bản thân mình nuôi gia đình bằng nghề nghiệp hay là sinh kế lương thiện thì những điều này là dấu hiệu cát tường.

Ở trong phương diện ứng xử thì Đức Phật Ngài dạy rằng nên biết bố thí nên hành đúng pháp ở đây là biết cho, và nên quan niệm rằng cái gì mình có ngoài cái di sản cha mẹ để lại, ngoài cái phúc đức của mình, ngoài tài năng của mình, chúng ta còn có món nợ ân tình với cuộc đời với xã hội này, nếu cái gì mình có được thì cũng nên cho ra, nên có phần đóng góp của mình, và bàn tay mở rộng, bàn tay bố thí, là một dấu hiệu cát tường. Ở trên phương diện ứng xử, hành đúng pháp là dầu luật đạo hay luật đời chúng ta có tôn trọng không có làm những điều sai quấy ngược lại, và chăm sóc cho thân bằng quyến thuộc sở hành vô tội, những điều đó cho chúng ta thấy dấu hiệu tốt lành ở trong phương diện ứng xử.

Đối với hành kiểm cá nhân, Đức Phật Ngài dạy rằng một người biết từ bỏ điều ác, điều ác quấy điều xấu không làm. Nếu sống ở trong gia đình hay ở trong hoàn cảnh xã hội đưa đẩy chúng ta vào chuyện đó thì dứt khoát phải tìm cách cải thiện. Biết dứt bỏ điều ác, biết chế ngự không nghiện ngập rượu chè, từ bỏ đam mê rượu, và đối với pháp chân thật không giải đãi, thì đó là trên phương diện hạnh kiểm cá nhân. Đây là những dấu hiệu gọi là xuất sắc, dấu hiệu xuất sắc này cho chúng ta thấy rằng một con người có chánh kiến rõ ràng, có một thái độ dứt khoát, có một minh thức ở trong đời sống. Và rõ ràng khi Đức Phật Ngài dạy một con người biết từ bỏ điều ác, biết tránh để không nghiện ngập rượu chè thì những điều đó cùng với sự tinh tấn ở trong chánh pháp đúng là dấu hiệu cho thấy rằng người đó có một tương lai khả quan.

Trên phương diện học hỏi thì Đức Phật Ngài cho chúng ta biết là người nào trong sự cầu học mà biết cung kính, khiêm nhượng, ở trong sự cầu học và bản thân của mình biết tri túc và sống biết ơn và biết nghe lãnh hội những điều được giảng giải một cách đúng thời, tức là có cái khéo ở trong sự lựa chọn thời điểm thích hợp để học thì đó là dấu hiệu cát tường, chúng ta nói đến là cái bí quyết của sự học hỏi.

Có một lần chúng tôi ngồi nghe một vị thiền sư khi một người hỏi rằng thái độ học của một người thiền sinh, của người học trò như thế nào thích hợp, thì Ngài đã dùng bài kệ này. Một điều chúng tôi rất ngạc nhiên là khi Ngài nói đến chữ "tri túc." Ví dụ một người cầu học mà người đó biết cung kính nhất là cung kính đối với vị Thầy, biết khiêm nhượng tức là không có tự đắc tự đại, là người biết ơn tức là người biết cảm kích những gì được dạy dỗ, và người đó biết khéo léo trong sự chọn đúng thời điểm nghe pháp, thì những điều đó chúng ta nghe hợp lý, nhưng tại sao gọi là tri túc mà lại giúp cho chúng ta học nhiều, thì vị Thiền Sư đó Ngài đã giảng dạy như vầy, một con người biết tri túc tức là biết vừa phải với tứ vật dụng của mình với những nhu yếu của mình và do vậy vị này có đủ tâm tư để làm những việc khác. Để nghe để học, ở trong một ngôi chùa, ở trong một thiền đường, ở trong một hội chúng, mà một người có quá nhiều nhu cầu và thường đua đòi thì người đó không đặt trọn tâm tư để học. Những người học giỏi thường là những người bằng lòng một cách rất tương đối với những gì mình đã có và do vậy không bận tâm đến những thứ đó nữa mà để tâm học hành do vậy đối với người cầu học đức tánh tri túc là quan trọng.

Trong bài kệ số chín khi Đức Phật Ngài nói lên một người cầu tu cầu học tức là người biết hướng thượng. Khi chúng ta nói đến người cầu học là chúng ta nói đến người làm thế nào để mở mang kiến thức học hỏi của mình. Ở đây người cầu tu là người muốn đem áp dụng những gì mình học để thực hành, khi đem thực hành thì chúng ta thấy rằng; biết kiên nhẫn, biết nhẫn nhục, biết hoà nhã, thường lui tới những bậc Thầy những bậc có đạo học cao trọng, và biết thời mà đàm luận pháp tức là thảo luận bàn bạc ở trong thời điểm thích hợp, đó là dấu hiệu cát tường của người biết cầu tu.

Khi chúng ta nói đến nhẫn nhục thì thật ra ở tại đây nói lên sự kiên nhẫn chịu đựng của mình. Lời nhu hoà ở đây là chúng ta nói lên một khả năng phô diễn tư tưởng của mình một cách phải chăng vừa phải. Về điểm này thì cho đến khi nào chúng ta sống ở trong những thiền đường thì mới hiểu được cái ý nghĩa thật sự thiết thực của một người cầu tu. Và tại sao lời nói thường thường ôn hoà, bởi vì ở trong sự diễn đạt cá nhân của mình, mình bị thiệt thòi rất nhiều nếu những lời nói của mình tạo nên dị ứng cho những người chung quanh.

Thường yết kiến các bậc samôn ở đây nói thẳng ra là những bậc có kinh nghiệm những bậc có nền nội hàm mà khả dĩ cho chúng ta có thể học hỏi trên phương diện tu học. Có nhiều người tu cái gì mình thích thì mình tu thôi chứ không có thường lui tới để nghe để học thêm và do vậy cái sở đắc sở tri của chúng ta dần dà rơi vào chỗ cùn mạc nó không phát triển được, bởi vì chúng ta không biết lui tới những bậc tu tập thực hành những bậc thiện xảo ở trong lãnh vực đó.

Và một điểm người ta rất ngạc nhiên là nếu ở trong sự cầu tu cầu học của mình mà mình không biết cách để thảo luận không biết cách để đàm đạo để trao đổi thì mình sẽ rơi vào chỗ rất dở là mình không nói lên được ưu điểm và khuyết điểm của mình và mình không học được từ người khác, nhưng mà nếu mình nói những điều đó ở chỗ phi thời không thích hợp thì nó lại càng không có lợi lạc. Ở đây Đức Phật Ngài nói rằng giống như một người cầu học nếu mà đúng thời nghe pháp là một điều tốt dù với một người cầu tu thì đúng thời đàm luận pháp thì là một điều rất tốt. Và trên phương diện tu tập thì là một người biết tự chế hay là biết thiêu đốt phiền não. Đúng ra chữ tapo ở đây chỉ cho một người biết lì lợm đối với những đam mê những đòi hỏi trong tâm tư của mình, thật ra chữ tapo mà dịch là khắc khổ thì chúng ta nói ví dụ như là tu đầu đà đó là một pháp tapo, hay một người không hưởng thụ cái này không hưởng thụ cái kia thì đó là tapo, một người sống và tìm cách bào mòn những ác pháp trong lòng mình đó gọi là tapo, và thiền định cũng gọi là pháp thiêu đốt các ác pháp. Nói chung Đạo Phật nhấn mạnh đến là con người phải có một chủ trương là làm sao đối trị giảm thiểu bào mòn thiêu đốt đi những ác pháp trong tâm mình.

Phạm hạnh tức là chúng ta nói đến hạnh thanh tịnh hạnh cao qúi, chữ phạm hạnh ở trong cái văn hoá Ấn Độ chỉ cho sự xa lìa sắc dục nhục dục. Nói một cách khác là khi nói đến brahmacariyanca là chúng ta nói đến đời sống một con người có thể tự an lạc, đối với tự thân không có nhu cầu về sắc dục, không có nhu cầu về đám đông hội chúng có thể sống độc cư viễn ly một mình được.

Thấy được lý thánh đế tức là ở trong cảnh giới tu tập bản thân của mình mình phải có tầm nhìn rất rõ ràng, đâu là khổ đâu là nhân sanh khổ đâu là diệt khổ đâu là con đường đi đến sự diệt khổ và cái kết tinh sau cùng của thấy được Bốn Thánh Đế mình xem như là sự giác ngộ. Giác ngộ là cao điểm nhất để thấy được Tứ Thánh Đế chứng quả Niết-bàn và thấy được hạnh phúc mà vượt ngoài tất cả những hạnh phúc của trần gian đó là nói trên phương diện sở đắc sở chứng. Những điều đó là dấu hiệu cát tường.

Trở lại một cái gì rất là căn bản của đời sống hàng ngày chúng ta nói đến tâm thái của một người sống an lạc cao khiết thì tâm thái đó ở trong kệ thứ 11 là

khi xúc chạm việc đời
Tâm không động không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là điềm lành tối thượng.

Khi xúc chạm việc đời ở đây là người sống đối với tám ngọn gió đời khen chê vui khổ đặng danh mất danh đặng lợi mất lợi mà tâm không xao động không bị chi phối buồn bã và cũng không dính mắc mà sống tự tại với điều đó thì đó là dấu hiệu an lành.

Bài học này là một bài học tương đối có nhiều điều, ở trong đó có khi nói đến 37 pháp có khi nói đến 38 pháp tại vì trong đó có một điều là chăm sóc vợ và con thường thường có khi tính là hai có khi tính là một thành ra có khi 37 có khi 38 pháp, và như chúng tôi có đề cập đến khi nãy là bởi vì ở Việt Nam có ảnh hưởng của pháp sư Thông Kham hồi xưa thường pháp sư nói đây là 38 pháp hạnh phúc, nhưng mà nói một cách chuẩn xác thì chữ mangala không phải là hạnh phúc mà là dấu hiểu của điều tốt lành hay tính hiệu của tốt lành, chúng ta gọi là điềm lành hay là điềm cát tường, những dấu hiệu này cho chúng ta thấy rằng nó sẽ dẫn chúng ta đến những điều tốt sau đó.

Trong những bài kệ này Đức Phật đặc biệt Ngài nói nhiều về những thiện pháp và chúng tôi nhắc lại lần nữa là cho dù những bài kệ này chúng ta có thể đọc được những đề tài hay không chuyện đó thật sự không quan trọng, nhưng nếu chúng ta có chiêm nghiệm có suy nghĩ thì qua đó chúng ta sẽ học được những bài học lớn của đời sống.

Chúng tôi nhắc lại một lần nữa:

- Trên phương diện giao tế thì người biết xa kẻ ác gần người lành, biết cúng dường đảnh lễ bậc đáng cúng dường đảnh lễ thì Đức Phật gọi đó là dấu hiệu cát tường hay là điềm lành.

- Đối với số mệnh chúng ta nói đối với nghiệp mệnh bản thân của một người thì người nào được sống ở trú xứ nên sống, có tạo phước để dành, và đời trước có tạo phước cho đời này, đời này tạo phước cho đời sau, và người có tâm tánh hướng thượng có hoài bảo cao qúi thì được xem như là có âm đức có phúc đức tốt đẹp tối thượng.

- Trên phương diện sở đắc thì người nào đa văn nghề nghiệp giỏi khéo huấn luyện học tập và lời nói chân chất không khoe khoang không khoát lác thì được xem như là người có những dấu hiệu tốt lành.

- Nói về sở đắc của mình, đối với gia đình thì hiếu kính với cha mẹ, nuôi dưỡng người hôn phối và con cái của mình cũng như sinh kế bằng nghề nghiệp tốt lành đó là điều tốt.

- Đối với sự ứng xử trong xã hội biết bố thí, biết tôn trọng pháp luật, biết lo lắng không bỏ rơi bà con thân quyến của mình, và làm những nghề nghiệp sở hành của mình vô tội vạ thì đó là phúc lành cao thượng.

- Đối với hạnh kiểm cá nhân mình biết chấm dứt điều ác, biết chế ngự không rơi vào nghiện ngập rượu chè và thân cận chánh pháp đó là dấu hiệu tối thượng.

- Đối với một người cầu học biết cung kính biết khiêm nhượng, biết tri túc, biết ơn, và biết thời thích hợp để lắng nghe để học hỏi thì đó là dấu hiệu cát tường.

- Với một người cầu tu thì phải biết nhẫn nại, biết xử dụng lời hoà nhã, thường lui tới các bậc samôn, và biết đàm luận những gì mình tu học ở thời điểm thích hợp thì đó là phúc lành cao thượng.

- Nói về sự tu chứng thì những người tu tập thiền sống đời sống phạm hạnh, thấy được Bốn Thánh Đế và chứng quả Niết-bàn là dấu hiệu cát tường.

- Và sau cùng khi nói đến tâm thái cá nhân thì những ai sống trong cuộc đời này khi tiếp xúc với các pháp thế gian, các pháp bát phong, khen, chê, vui, khổ, đặng danh mất danh, đặng lợi mất lợi, đối với những việc đó mà tâm không động không, sầu tự tại và vô nhiễm, thì tất cả điều đó là dấu hiệu cát tường.

Chúng ta là đệ tử Phật nhưng không nghe lời Đức Phật và không tu theo Đức Phật, chúng ta hay tin thầy bói, hay đoán mộc, hay bàn về những điềm lành thế này thế kia, chúng ta quên rằng chúng ta có một bậc Thầy một ông Cha vĩ đại mà ánh sáng tuệ giác của Ngài soi sáng cho cả thế giới nhân thiên này. Ngài đưa chúng ta trở về với một cái nhìn rất thực tế, một người mà lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chiêm bao mộng tưởng của mình nó có gì tốt cái gì xấu, đi đường gặp rắn gặp rùa cái nào tốt cái nào xấu, mà người đó tự bản thân mình không biết mình đang thân cận với bạn ác hay là thân cận với bạn lành, có thái độ sống có tích cực hay không, mình có làm những việc nên làm hay không, mình có làm những việc đáng làm hay không, thì lại không để ý, thì chúng ta đang sống theo cách gọi là thả mồi bắt bóng.

Khi nói về những dấu hiệu tốt lành thì Đức Phật ban bố cho cuộc đời một bài học rất cao đẹp là ai sống với thiện pháp và thể hiện thiện pháp ở trong mọi lãnh vực cuộc sống thì luôn luôn là những dấu hiệu an lành, tại vì nó phù hợp với lý nhân quả, và nhân quả là một định luật thiên thu ở trong đời dù quá khứ, hiện tại, vị lai, sự có mặt của chúng sanh, con đường đi của chúng sanh nó đều chiêu cảm đều hiện hữu đều tiếp diện bởi nhân và quả. Chúng ta quên đi lời của Đức Phật dạy, chúng ta quên lý nhân quả do vậy chúng ta thường quan tâm đến những điều khác mà vốn không cần thiết không xác đáng. Những lời của Đức Phật dạy tại đây rất ngắn rất gọn, ở trong một bài pháp thoại không dài để trả lời cho câu hỏi của một vị thiên, những lời nói đó may mắn thay cho chúng ta là ở trong nhiều thế kỷ qua Chư Tăng đã tụng đọc mỗi ngày, trong sự tụng đọc mỗi ngày đó đã nhắc nhở chúng ta một điều rằng những điều gì gọi là tốt lành của đời sống thì những điều đó phải có giá trị thiệt thực đối với niềm vui nỗi khổ, với sự thăng tiến của bản thân và nó phải hợp với lý nhân quả.

Không có ai ở trong cuộc đời này mà gieo hạt giống xấu mà được cây lành trái ngọt hết. Nếu chúng ta tin vào điều bói toán đó thì có lẽ chúng ta sống không tỉnh táo, không may là nhiều người trong chúng ta thường không tỉnh táo với điều đó, chúng ta cứ nghĩ một cách đơn giản rằng cái vui cái khổ của chúng ta nó đến là do một bàn tay nào đó đặt để hoặc giả là do sự đưa đẩy tình cờ hay là do chúng ta cầu khẩn thế này thế khác, chúng ta quên rằng tất cả đều là sự thể hiện của nhân quả và đây là một bài học rất đẹp mà Đức Phật Ngài đưa ra cái nhìn của Ngài rất chi tiết để qua đó chúng ta học được rất nhiều.

Và thưa qúi vị nếu cần phải coi bói đầu năm và chúng ta tự gieo cho mình một quẻ bói thì chúng ta có thể dùng bài kinh này để xem trong đời sống của mình có được những thiện pháp nào, ví dụ như mình nuôi mạng bằng sinh kế lương thiện hay không, những người chúng ta thường lui tới có phải là bậc thiện trí hay không, chúng ta nghe ở đâu biết ở đâu những bậc đạo cao đức trọng chân tu chúng ta có tinh tấn hoan hỉ để lui tới hay không, hay là chúng ta thường la cà với những người mình thích cho dù những người đó có đời sống rất tầm thường. Chúng ta có nhiều cách để gieo cho mình một quẻ bói đầu năm để tìm thấy cái gì là điềm lành, cái gì là dấu hiệu cát tường, nhưng mà chính những điềm này trả cho chúng ta trở về với một câu hỏi rất là thiết thực và mình là một người Phật tử có sống với tinh thần nhân quả hay không, hay là nhân quả nó chỉ là một đề tài triết học đề mình bàn đến và khi mình trở về với đời sống hàng ngày của mình thì vẫn sống với quan niệm của nhân gian với tập quán mơ hồ về sở hành của mình, mơ hồ về cuộc sống của mình, và mơ hồ về tương lai của mình, và chúng ta chỉ sống nhờ vào nhận định hướng dẫn của những vị thầy bói và những người đó biết rất ít về đời sống của mỗi chúng ta. Có lẽ không ai trong chúng ta biết chuyện của mình hơn là bản thân của mình. Và chúng tôi tin rằng bài pháp này của Đức Phật nói về những điềm lành hay dấu hiệu cát tường sẽ cho chúng ta rất nhiều lợi lạc nếu chúng ta thường xuyên nghiền ngẫm ở trong đời sống hàng ngày.

Vì bài pháp hơi dài do đó chúng tôi xin kết thúc bài pháp nói về 38 pháp cát tường ở tại đây.
Namo Buddhaya

 

 

Trình bày: Minh Hạnh và Nguyễn Văn Hòa

Trở về Trang Chính,

Đầu trang