phapluan.net Trang Chính |
|
Dung sắc thù thắng của Đức Thế TônMinh Hạnh chuyển biên TT Giác Đẳng giảng: Một điều chúng ta đặc biệt thường nói về Đức Phật, Ngài là vị đã thành tựu quả vị vô thường Chánh Đẳng Chánh Giác sau một quá trình dài nhiều đời nhiều kiếp bồi đắp ba la mật hạnh, do vậy cuộc đời của Đức Thế Tôn là một kết tinh của đại phước, đại đức, đại trí, đại bi. Nếu chúng ta là người con Phật mà không ý thức được điều này thì đôi khi chúng ta không thấy được sự trọn vẹn về ý nghĩa cao qúi của sự ra đời của Đức Phật. Hôm nay chúng ta nói đến một khía cạnh đó là tôn dung của Đức Phật, dĩ nhiên về điều này không bao giờ quan trọng đối với bậc thánh, chỉ ít nhất chúng ta được biết là tất cả những nguồn kinh sách để lại mà chúng ta đọc được thì Đức Thế Tôn đã có một hình ảnh khả kính khả ái mang lại rất nhiều sự hoan hỉ an lạc cho những người được hữu duyên hữu phúc diện kiến Ngài. Trong bài học ngày hôm nay, chúng tôi muốn nói đến bốn nhân khiến cho một người có ngoại hình đẹp và khả ái. Dĩ nhiên là từ bốn nhân này chúng ta có thể nhìn qua một khía cạnh khác. 1. Nhân đầu tiên chúng ta được biết một người có tướng hảo quang minh hay có thân tướng đẹp là do nghiệp ở trong quá khứ đã tạo. Một bài kinh ở trong Trường Bộ Kinh đó là kinh Lakkhana Sutta được dịch là Tướng Kinh nói về 32 đại trượng phu tướng của Đức Phật từ: răng, tóc, da, vóc dáng v.v.... Những thứ này đẹp, Đức Phật Ngài cho biết rằng mỗi một đặc điểm trong đại trượng phu tướng là kết tinh của thiện nghiệp trong quá khứ, và khi thiện nghiệp đó kết tinh trổ quả thì được cái tướng đó và chẳng những được cái tướng đó không mà từ cái tướng đó nó cũng tiêu biểu cái phúc quả liên quan đến tướng đó. Ngày hôm nay chúng ta không có thì giờ đi qua 32 đại trượng phu tướng nhưng nếu qúi Phật tử đọc bài kinh Tướng Kinh ở trong Trường Bộ Kinh chúng ta sẽ thấy ba khía cạnh luôn luôn được đề cập đến đó là nghiệp quá khứ và cái biểu tướng do quả của nghiệp quá khứ trổ ra trong hiện tại và điểm thứ ba là từ biểu tướng này một người được cái gì ở trong đời sống? được thọ mạng, được uy đức v.v... Thì Đức Phật suốt quá trình bốn a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp Ngài đã tu đã tạo rất nhiều phước hạnh ba la mật do vậy Ngài sanh lên với một thân tướng đẹp, mà trong cuộc đời chúng tôi đi đó đi đây phải nói rằng không ít lần chúng tôi gặp những người có thể nói rằng cái tướng cách cái đẹp ngoại hình người đó giống như một pho tượng được tạc lên, điều đó không có sai ngoa. Ở trong thế giới loài người có người trong sự tự nhiên được cái thân tướng như vậy không phải là tình cờ mà là do nghiệp trong quá khứ. 2. Một đặc điểm khác, sau khi chúng ta nói về nghiệp quá khứ thì phải nói đến chủng loại. Dĩ nhiên chủng loại này bị ảnh hưởng bởi nghiệp quá khứ. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì Đức Thế Tôn thuộc về chủng tộc Aryan, một chủng tộc ngày nay có mặt từ Âu Châu sang Á Châu. Trong thế giới chúng sanh ở trong đời này thì trong sự mô tả của kinh điển cho chúng ta biết thì bốn loài trong cõi khổ là, địa ngục, a tu la, ngả qủi và bàng sanh, thì có thiên hình vạn trạng nhiều thân tướng khác nhau duy chỉ có loài người là có một số có tướng cách giống như Phạm Thiên giống như Chư Thiên. Trong kinh thường dùng hai thuật ngữ: một thuật ngữ là bàng sanh, chữ bàng sanh có nghĩa là những chúng sanh đi ngang là loại đưa lưng lên trời chỉ cho loài bốn chân. Một loại khác chúng ta gọi là lưỡng túc là loài hai chân, loài hai chân thường được chỉ loài người, chỉ cho chư thiên, phạm thiên. Giữa các hàng hai chân chánh giác và tối thắng, đây là lời chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ Kinh: giữa các loài hai chân tức là đứng thẳng trên hai chân có ngoại hình giống như con người chúng ta thì có các bậc Chánh Giác và Tối Thắng. Thật ra thì về điểm này có đôi khi người ta tranh luận chữ "Lưỡng Túc Tôn." Chữ Lưỡng Túc Tôn thường người ta nói rằng bậc đức trí hay là bi trí vẹn toàn, nhưng chữ lưỡng túc là loài hai chân, chữ túc tôn nghĩa là bậc tối thắng giữa loài hai chân. Thì về phương diện chủng loại là một chủng loại có thân tương đối giống chư thiên và phạm thiên và giữa loài người thì có một số chủng loại đẹp từ màu da cho tới vóc dáng cho đến cử chỉ điệu bộ. Đức Thế Tôn thuộc về chủng loại Aryan 3. Điểm thứ ba là chúng ta nói về chân dung khả ái khả kính của Đức Phật phát xuất từ một lý do rất sâu kín mà về điểm này loài người ít có khi nhận ra, đó là tâm từ. Có thể nói rằng tâm từ và tâm sân không những chỉ về những trạng thái hoặc giả là nung nấu hoặc giả là làm mát mẻ nội tâm của chúng ta mà còn biểu hiện ra bên ngoài. Có một lần Hoàng Hậu Millika nói chuyện với Đức Phật, và Đức Phật có đề cập rằng một trong những lý do làm cho con người xấu xí không được khả ái đó là vì họ có nhiều sân tâm, và một trong những lý do làm cho con người có màu da tươi sáng diện mạo khả ái đó là từ tâm. Cái đẹp của từ tâm là cái đẹp rất lạ lùng. Trong cuộc đời của chúng tôi được gặp một vài vị cao tăng, có vị là thiền sư, có vị là pháp sư, và tâm tư của các vị đó có rất nhiều lòng từ, mình biết mình cảm nhận được tâm từ ở trong tâm tư của những vị này, tuy rằng mình không đọc được tâm vị đó nhưng qua ánh mắt qua cử chỉ thái độ có nét khả ái khả kính lạ lùng. Về điểm này thì ở loài người ít có thấy. Người Việt Nam, chúng ta có đề cập đến một sự kiện khác biệt nói về cái đẹp thì có người có vóc dáng đẹp nhưng lại không có duyên, nhưng đôi khi có những người không đẹp nhưng họ có duyên, chữ có duyên đó là nói lên một sự khả ái mà không thể nói bằng lời. Chúng tôi nhớ có một lần tình cờ đọc một bài đăng trên tờ báo Houston Today nói về một số tài tử ở trong đó có bà Meryl Streep, nếu nói về nét đẹp về thẩm mỹ thì bà không phải là người đẹp nhưng người tài tử này đóng phim rất ăn khách tại vì có cái duyên. Dĩ nhiên, có nhiều lý do nhưng căn bản mà nói thì con người không phải chỉ đẹp là do màu sắc, do đường nét, do kích thước. Nhưng người đẹp của từ tâm thì chúng ta thường quan niệm là một sự biểu tỏ của một trạng thái sâu kín trong lòng có từ tâm. Người có từ tâm là người luôn luôn mang lại sự an lạc cho những người chung quanh mình, người có từ tâm là luôn luôn mát mẻ luôn luôn không nuôi sân tư duy, hại tư duy với những người chung quanh mình và cái từ tâm này mang lại cho họ cái nét đẹp một sự toả sáng rất đặc biệt. Ở trong kinh có đề cập đến có một số chúng sanh sống gần Đức Phật cảm nhận được sự an lạc và không thể dấu kín trong lòng mình mà phải bộc lộ ra trước mặt Đức Phật: "Bạch Đức Thế Tôn con cảm thấy an lạc khi ở gần Ngài." Đức Thế Tôn là một vị có nhiều từ tâm đặc biệt và tâm từ khiến cho Ngài có một hình ảnh không giống như nhiều người khác mặc dầu có những vị đương thời không phải có đủ 32 đại trượng phu tướng nhưng cũng có thân tướng đẹp chói sáng nhưng các chúng sanh sống gần để an lạc để mát mẻ thì không ai có thể hơn được Đức Phật. 4. Chúng ta đã nói về nghiệp trong quá khứ, chúng ta nói về chủng loại, chúng ta nói về tâm từ, đó là ba yếu tố đầu tiên mà trong kinh thường nói đến, bây giờ chúng ta nói đến yếu tố sau cùng làm cho một người có thân tướng đặc biệt và đẹp. Về điều này thì rất ít khi ở trong thế gian này chúng ta tìm thấy. Đó là các căn trong sáng. Về điểm này thì mới nói ra thì có nhiều vị không quen vì khó hình dung ra. Các căn ở đây là, nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý hay nói cách khác là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Con mắt của một người có tâm từ và con mắt của một người đầy dục vọng, đầy phiền não sân hận thì có khác nhau. Về điểm này rất lạ. Chúng tôi có thời gian ở gần các thiền sinh sống trong rừng thiền có một vài vị tu tập rất tinh tấn, khi tiếp xúc với các vị đó thì chúng tôi nhận ra được cái ý nghĩa thế nào gọi là các căn thanh tịnh. Có lẽ về điểm này chúng ta không để ý nhưng khi nào mình đi đâu sống gần với thiên nhiên ít có phiền não ít có những u uẩn trong lòng, những lúc chúng ta tu tập ở trong các khóa tu chẳng hạn thì những lúc đó, một ngày, hai ngày, ba ngày, mười ngày, chúng ta gọi là các căn được trong sáng không có phiền não ấp đầy trong tâm, không bị chi phối bởi những nghiệp não, lo âu, phiền muộn. Thì trong kinh dùng chữ các căn trong sáng để chỉ cho những người lục căn thanh tịnh không phiền não, sự trong sáng này toát ra một ấn tượng, một hào quang ít khi chúng ta thấy. Do đó ở trong kinh khi dùng các căn thanh tịnh là để chỉ cho như Đức Phật ngay trong đời sống hàng ngày sinh hoạt đi khất thực, thọ trai, giảng kinh, thuyết pháp, tiếp xúc, đi, đứng, nằm, ngồi v.v.... ở trong mỗi cử chỉ, trong mọi tư thế, mọi hành vi, bởi vì bậc Chánh Đẳng Chánh Giác hoàn toàn không có phiền não và trong những giờ phút rảnh rỗi thì Ngài an trú tâm tư vào trong thiền định, do vậy các căn của Ngài toả sáng. Khi chúng ta nói đến bốn điểm này là: phước nghiệp ở trong quá khứ, chúng ta nói đến chủng tộc, về từ tâm, và nói đến các căn thanh tịnh. Thì Đức Thế Tôn vị Đạo Sư của chúng ta Ngài cũng thù diệu, Ngài thù diệu đến mức những người như là Vakhali chỉ mong xuất gia để được gần Ngài mà chiêm bái thân tướng Đức Phật. Ngài từ ái đến nỗi có những lần con voi say đứng trước Ngài cũng phải tỉnh táo khuất phục Ngài. Các căn của Ngài thanh tịnh trong sáng đến đỗi chúng ta có thể nhận ra rằng có những người Bàlamôn muốn gặp Đức Phật để chất vấn vấn nạn nhưng khi nhìn thấy một tôn dung rất là cao khiết của Đức Phật thì những vị này cũng phải bỏ cái tư tưởng oan nghiệp của mình. Thời Đức Phật còn tại thế người ta không có vẽ tranh Đức Phật, không tạc tượng Phật. Hơn 200 năm sau khi Đức Phật Ngài viên tịch thì chúng ta được biết rằng những pho tượng Phật đầu tiên của Phật giáo được tạc lên là do những nghệ nhân đi theo đại đế Alexander sang Ấn Độ, vị hoàng đế tài ba nhưng yểu mệnh này đã để lại một số nghệ nhân, những nghệ nhân này đã thật sự có nhiều cảm hứng đối với một nền đạo giáo cao siêu, và họ đã tạc lên những pho tượng có thể nói là không thể phủ nhận được giá trị nghệ thuật cho đến ngày hôm nay đó là những pho tượng đặc trưng cho nền nghệ thuật Gandhara, một nền mỹ thuật đến từ vùng đất mà ngày nay chúng ta gọi là Pakistan. Thì thưa qúi vị, với những pho tượng Phật người ta cố gắng để minh họa hình ảnh của một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài ngồi vững chắc không bị lay động bởi tám ngọn gió đời như một ngọn núi xừng xững ở trên trái đất này. Các căn của Ngài thanh tịnh, từ thế ngồi cho đến tư thế của bàn tay và đôi mắt tất cả đều nói lên một sự thanh tịnh. Người ta cũng cố gắng tạo ra đôi mắt của ngài ở trong đó có thể nhìn thấy được sự an lạc, sự từ bi. Người ta cũng cố gắng tạo thân đứng của Ngài trong cái nhìn của mỗi nền văn hóa riêng của mình. Nhưng tất cả đều cố gắng nói rằng Đức Phật là bậc vẹn toàn về cả hai phương diện là: tướng hảo bên ngoài của Ngài hiển thanh tịnh đẹp đẽ khả ái và tâm của Ngài chứa đầy chất từ bi chứa đầy sự thanh tịnh của một bậc hoàn toàn giải thoát. Và do vậy chưa bao giờ có một nỗ lực nhằm đưa ra một khuôn mặt tiêu biểu hoàn toàn cho Đức Phật nhằm nói rằng đây là Phật, những tượng khác không phải là Đức Phật. Nhưng có một điều chắc chắn rằng tất cả những nghệ nhân có lòng thành đều mong tạc được tượng Phật đẹp tướng hảo quang minh. Thỉnh thoảng chúng tôi đi đó đi đây chứng kiến một sự kiện mà có vẻ không nên hoan hỉ. Ngày nay nếu qúi vị đến hai cửa hàng bách hóa lớn của Mỹ là Wal-Mart và Target, những cửa hàng bách hóa này tương đối là với giá cả và mặt hàng có tánh cách đại chúng không quá đắc được nhiều người xử dụng. Thì chúng ta đừng ngạc nhiên rằng ở đó có rất nhiều thứ trang trí ở trong nhà mà họ dùng hình Phật, tranh treo trên tường, tượng để trong nhà; Dĩ nhiên, người ta không thờ với những sản phẩm mang tánh cách trang trí như vậy. Câu hỏi được đặt ra ở tại đây là, Người ta nghĩ gì về các tranh Phật, tượng Phật mà lại có một sự ưa thích tranh tượng Phật đến nỗi đã tạo thành một thị trường như vậy? Thật ra chúng tôi phải nói rằng thoạt đầu chúng tôi có một chút dị ứng bởi vì tượng Phật là để thờ để đảnh lễ chứ không phải để trang trí và đôi khi chúng tôi cảm thấy rằng sự việc người ta dùng tượng Phật như người Tây Phương dùng là một sự mạo phạm, một sự xúc phạm, sự thiếu tôn trọng niềm tin đối với tôn giáo khác. Nhưng sau là nhiều lần đi, thấy, chứng kiến, tiếp xúc, thì chúng tôi nhận ra một điều là dưới mắt của nhiều người Tây Phương thì Đức Phật không phải chỉ là một vị giáo chủ của riêng người Phật tử, hình ảnh của Ngài có tính phổ quát mang tính hoàn vũ, ánh mắt từ pho tượng Phật tiêu biểu cho cái gì rất là an lạc rất là vững trãi đầy trí tuệ. Và do vậy nhiều người thuộc về tôn giáo khác đã không ngần ngại đem một pho tượng Phật về để một nơi nào trong nhà trong phòng để cảm nhận cuộc sống có cái gì minh triết có cái gì cao qúi hơn cái tầm thường và họ không xem Đức Phật là bậc thần thánh để thờ phượng như là người ta thờ phượng thần linh. Thật ra thì để xử dụng tượng Phật để trang trí không phải là ý kiến tốt đối với người Phật tử, chúng ta tôn kính Đức Phật, luôn luôn tôn trí pho tượng Phật ở những chỗ cao qúi thích hợp, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng trong cái giá trị về từ bi, về trí tuệ, về sự an lạc, về sự vững trãi thì những giá trị đó là những giá trị phổ quát cho loài người. Do đó tại sao người ta đã có thể đón nhận một cách dễ dàng hình ảnh những pho tượng của một tôn giáo không phải là tôn giáo của họ để đem về trang trí trong nhà. Có rất nhiều người cũng thường chia sẻ một cảm giác rằng đi bất cứ nơi đâu mà có những pho tượng đẹp thì quả thật là hoan hỉ để đến chiêm bái đảnh lễ. Chùa Pháp Luân ở Mỹ không phải là một ngôi chùa lớn thì cũng thuộc dạng trung bình, nhưng có một điều ở trong chùa khiến chúng tôi rất là hoan hỉ tại chùa có một pho tượng mà khuôn mặt của Ngài thật từ bi rất an lạc, mỗi lần chúng tôi đi xa về và thỉnh thoảng có những dịp chúng tôi lên chánh điện một mình ngồi trước Phật và nhìn pho tượng Phật chúng tôi thấy tâm hồn an lạc lạ lùng. Thì về điểm này chúng ta phải nói cái gì mà mình có thể minh họa có thể phô diễn được ở trong những tác phẩm nghệ thuật như là tượng Phật thì chúng tôi nghĩ rằng chỉ là những mô tả tương đối giới hạn so với hình ảnh thật của Đức Phật, hình ảnh thật của Đức Phật rất sống động, rất đẹp, rất cao qúi mà chúng ta nghe được trong nhiều bài kinh, nhiều đoạn kinh, nhiều truyền thống kinh điển và kể cả ở trong một đoạn văn trong kinh điển của đạo Jainism tức là Kỳ Na Giáo mô tả về Đại Samon Gotama là Đức Phật như vậy Nói tóm lại, chúng ta hôm nay nhắc lại lời phát biểu của ông Balamon trước mặt Đức Phật về sự cảm nhận của ông đối với hình ảnh của Đức Phật. Chúng ta đã nói về bốn nguyên nhân tạo nên ngoại hình, tạo nên dáng cách, tạo nên thân tướng của một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác mà chúng sanh ở trong đời này có ít nhiều chia sẻ về điểm này nhưng không được hoàn toàn đó là: 1- Túc nghiệp ở trong quá khứ. Túc nghiệp tức là cái nghiệp đã tạo ra trong đời trước, hễ người tạo nghiệp thiện thì đời sau sinh ra thân tướng đẹp đẽ. 2 - Điểm thứ hai, chúng ta biết cũng liên quan đến nghiệp nhưng có liên quan đển chủng loại, chủng tộc mà Đức Phật ngày nay chúng ta biết là chủng tộc Aryan là một chủng tộc có dáng cách đẹp. 3 - Và chúng ta cũng nói hai yếu tố của nội phần đó là từ tâm và sự thanh tịnh. Người có từ tâm thì trong cử chỉ ánh mắt, trong lời nói chúng ta thấy có chứa tính chất của từ bi. 4 - Và khi nói đến các căn thanh tịnh thì chúng ta đặc biệt phải nói rằng một người tu tập trên hành trình tu tập hay là đã hoàn tất con đường tu tập và sáu căn được phòng hộ không phiền não, không bị chi phối, không bị chao động thì các căn thanh tịnh toát ra một vẻ đẹp cao qúi mà có lẽ khó có ai có thể sánh được. Nói về thân tướng của Đức Phật, nói về tôn dung của Đức Phật, chúng ta một lần nữa nhắc lại về những bức tranh Phật những tượng Phật mình thờ hàng ngày, dù ở chùa hay ở tư gia, dù là hình ảnh của đại chúng lễ bái hay của cá nhân mình, chúng ta nên nhớ đôi khi chúng ta để ở nhà đi ra đi vào nhắc cho chúng ta một điều là trong cuộc đời này vẫn còn những hình ảnh cực kỳ cao qúi và Đức Thế Tôn là bậc vẹn toàn về phước về trí, một bậc phước trí vẹn toàn rất ít ai có được trong cuộc đời này. -ooOoo- Với phước báu mà con tạo nên hôm nay xin hồi hướng đến hương linh của mẹ là Thái Huê, cầu mong bà được thượng hưởng phước lành và chóng viên thành đạo quả. Phật tử Thiện Pháp Nguyễn Văn Ḥa và Minh Hạnh |