phapluan.net Trang Chính


Đại Nhân Hộ Pháp (Tiền thân Mahà Dhamma-Pàla)

TT Giác Giới (TT Tuệ Siêu) giảng trong room Phật Pháp Buddhadhamma ngày 25- 10 -2010


Năng lực của thiện pháp có thể làm ngạc nhiên phàm nhân

Minh Hạnh chuyển biên

Hôm nay chúng ta học câu chuyện Đại nhân hộ pháp tiền thân Mahà Dhamma-Pàla. Một câu chuyện nói về năng lực của thiệp pháp tạo nên cuộc sống thọ. Trước hết chúng ta nói sơ về sự kiện đức vua Suddhodana không tin lời nói của người khác dù đó là một vị chư thiên đã nói rằng con trai của Ngài là vương tử Siddhattha đã chết đói. Đức vua không tin bởi vì:
Thứ nhất, ảnh hưởng do thường cận y duyên trong đời quá khứ tiền thân của đức vua là một vị balamon tên Dhammapàla cũng không tin lời nói ngay cả vị giáo sư lừng danh thiên hạ đến nói rằng con trai của ngài đã chết thì ông Balamon đó cũng không tin tại vì trong gia tộc này từ xưa đến giờ sống theo thiện pháp nên không có người chết yếu. Chính thường cận y duyên đó cho đến ngày hôm nay đức vua cũng không tin lời nói của vị Chư Thiên.
Nguyên nhân thứ hai khiến cho đức vua không tin lời nói của vị Chư Thiên, mặc dầu đức vua Suddhodana rất đau buồn vì Thái Tử Siddhattha đã xuất gia và sống một đời sống khổ hạnh nhưng trong thâm tâm của Đức Vua luôn luôn có lòng tin rằng với đức hạnh của con trai mình với nghị lực của con trai mình thì chắc hẳn là không chết trước khi thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác.

Nhân câu chuyện hiện tại là như vậy, có hai nguyên nhân khiến cho Đức Vua không bao giờ cả tin vào lời nói của người khác. Đức Phật đã kể lại cho vua Suddhodana về truyền thống dân làng trong ngôi làng Dhammapàla xưa nay bảy đời không có người chết trẻ. Chúng ta thấy rằng uy lực của thiện pháp là uy lực tạo nên những phước báu đặc thù, nếu chúng ta chỉ nghe qua câu chuyện thì chúng ta nghĩ rằng làm sao lại có những người không chết yểu bởi vì các pháp hữu vi là vô thường. Nhưng qua các bài kệ hỏi của vị giáo sư của Dhammapàla và những bài kệ đáp của vị Balamon thân sinh của nam tử Dhammapàla thì chúng ta không lấy gì làm lạ khi một gia tộc này bảy đời không có người chết yểu đó là nhờ năng lực của phước báu.

Chánh văn

1. Tục lệ nào hay Thánh đạo nào
Quả này do thiện nghiệp từ đâu?
Bà-la-môn, nói ta duyên cớ
Người trẻ trong dòng chẳng chết sao?

Lúc ấy vị Bà-la-môn giải thích những công đức gì đã đem lại kết quả là trong gia tộc mình không ai chết trẻ cả, ông ngâm các vần kệ sau:

2. Ta không lời dối, sống hiền chân,
Mọi ác nghiệp xa lánh, chẳng gần,
Ðiều bất thiện ta đều tránh cả,
Nên không ai chết giữa thanh xuân.

3. Nghe việc người ngu lẫn trí nhân,
Việc người ngu trí chẳng quan tâm,
Ta theo bậc trí, ngu ta bỏ,
Nên chẳng ai người chết giữa xuân
.

4. Trước khi bố thí, dạ hân hoan,
Lòng thật vui mừng lúc phát phân,
Khi bố thí xong, không hối tiếc,
Nên không ai chết giữa thanh xuân.

5. Ta mời đám lữ khách, La-môn,
Khất sĩ, Sa-môn, mọi kẻ cần,
Ta đãi uống, ăn, người đói khát,
Nên không ai chết giữa thanh xuân.

6. Cưới vợ, không khao khát vợ người,
Giữ lời loan phụng đã thề bồi,
Vợ hiền tiết hạnh tòng phu cả,
Nên các con không sớm bỏ đời.

7. Con được sinh từ vợ chính chuyên,
Tài cao, học rộng, xứng danh hiền,
Vệ-đà thông thạo, con toàn hảo,
Nên chẳng lìa đời giữa thiếu niên.

8. Gắng làm chân chánh đạt cao thiên,
Sống vậy, từ cha đến mẹ hiền,
Ðến mọi gái trai, anh chị nữa,
Nên không ai chết giữa thanh niên.

9. Mong cầu thiên giới, các gia nhân,
Trai gái thảy đều sống thiện lương,
Ngay bọn nô tỳ thấp kém nhất,
Nên không ai chết giữa thanh xuân.

Và cuối cùng, qua hai vần kệ này, ngài tuyên thuyết thiện nghiệp của những người bước trên đường chân chánh:

10. Chánh đạo cứu ai hướng chánh chân,
Khéo hành Chánh đạo đạt hồng ân,
Phúc này ban tặng người làm chánh,
Người chánh không vào chốn khổ thân.

11. Ðạo đức hộ phò bậc chánh nhân,
Như cây che bóng giữa mưa tràn,
Thằng con sống được nhờ hành thiện,
Tâm thiện cho người Hộ Pháp-an;
Còn đó là xương khô kẻ khác,
Ðống xương Tôn giả mới vừa mang.

Chúng ta hãy lấy sự kiện này để làm đề tài cho buổi giảng hôm nay.

Ở đây, giữa loài người chúng ta chết có bốn cách:

1 chết vì hết tuổi thọ - chết do hết duyên thọ.
2 chết do nghiệp đoản -
3 chết bất đắt kỳ tử hay là chết phi thời
4.chết do vừa hết tuổi thọ và cũng do nghiệp.

Trường hợp 1. Chết do hết tuổi thọ là quy luật nhất định ở loài người vào thời kỳ nào, tuổi thọ là bao nhiêu, thì khi loài người sống đến đó rồi chết thì gọi là chết do hết tuổi thọ.

Trường hợp 2. Một người do trong quá khứ tạo ác nghiệp nào, ngay trong hiện tại ác nghiệp đó trổ quả làm cho phải mất mạng trước khi hết tuổi thọ, đó là do chết do nghiệp ác chi phối, do quả nghiệp chi phối.

Trường hợp 3. Một vài người do khinh tử nghiệp chi phối nên bị chết một cách không đúng thời, thì như vậy gọi là chết bất đắc kỳ tử, nó không phải do hết tuổi thọ và cũng không phải do nghiệp ác gì quá đáng nhưng tại vì khinh tử nghiệp, bởi một sự kiện nhỏ nào đó mà làm cho họ chết. Giữa loài người chúng ta có trường hợp chết bất đắc kỳ tử, chết phi thời

Trường hợp 4. Trường hợp chết cũng do hết tuổi thọ và cũng do nghiệp đem lại. Thí dụ như một người sống trong thời kỳ tuổi thọ cũng bao nhiêu đó nhưng thay vì người ta chết một cách êm thắm, đang khỏe mạnh tự nhiên ngã lăn ra chết thì như vậy là chết một cách êm thắm. Có những người khi chết tuổi thọ đã cao nhưng họ bị mang một chứng bịnh nào đó rồi họ phải chết thì chết vừa đúng lúc với tuổi thọ và cũng vừa là do nơi nghiệp chi phối.

Đối với cõi Phạm Thiên thì chết hoàn toàn là do hết tuổi thọ, nhưng ở cõi Chư Thiên chết do ba cách: một là do hết tuổi thọ, hai là do hết phước, ba là do họ mãi vui chơi họ nhịn ăn mà chết.

Còn nhân loại chúng ta chết bằng bốn cách như vậy thì xem ra là bi đát, bởi vì ở loài người chúng ta là sanh thú (gati) bị chi phối bởi nghiệp ác. Trên các cõi trời ác nghiệp tạm thời không trổ quả vì vậy không có vị Chư Thiên nào bị té gẫy tay hay gẫy chân hay té bể đầu vỡ sọ não hay bị chấn thương sọ não, chỉ có trường hợp do Chư Thiên các vị đó do mãi vui chơi quên ăn cho nên thiếu các vật thực khiến cho vị ấy chết, thì trường hợp đó ở trên cõi Chư Thiên xem như là trường hợp chết yểu, nhưng chết như vậy cũng không phải là cái gì ghê gớm lắm.

Qua câu chuyện này không phải là câu chuyện huyền thoại huyễn hoặc mà ở đây chúng ta phải hiểu rằng loài người những người nào sống nhiều trong thiện pháp xa lánh ác pháp do hành trì Mười Thiện đạo mà cả giòng tộc từ bảy đời luôn luôn thực hành theo như thế cho nên không bị chết yểu thì chúng ta thấy sự kiện này là sự kiện rất dễ hiểu và sự kiện đó xảy ra không phải là một vấn đề huyền hoặc.

Khi thực hành thiện pháp có ba tác nghiệm lớn: Thứ nhất là khi thực hành thiện pháp, sống trong thiện pháp thì những phiền não không sanh khởi. Thí dụ người hay sát sanh thì tâm sân sanh khởi, mà tâm sân sanh khởi để làm việc sát sanh chính tâm sân đó làm cho khí huyết của họ trở thành một độc tố dễ sanh ra bệnh hoạn và chết yểu. Người ta làm một thử nghiệm cho thấy rằng khi nộ khí sanh khởi thì máu huyết sẽ thành máu độc, một kẻ tử tù trước hết người ta xét nghiệm máu của anh ta rất bình thường nhưng khi tuyên án tử hình thì tâm của anh ta hốt hoảng sợ hãi, người ta lấy một mẩu máu đem xét nghiệm thì thấy trong máu bị nhiễm độc rất mạnh có nồng độ ngộ độc rất mạnh. Đó là lý do chúng ta nên hiểu tại sao khi con người sống an trú trong thiện pháp được sống lâu là như vậy. Một người sống có tâm tánh hiền thiện lúc nào cũng cởi mở cũng bình thản an lành thì máu huyết của họ không trở thành độc. Một người sống với tâm tham tâm sân với sự ngã mạn tà kiến thì những người đó cơ thể họ hay bị biến chứng bởi vì việc bất thiện sanh ra những độc tố mà chúng ta gọi theo Vi Diệu Pháp là Cittasamutthāna rūpam tức là sắc tâm do tâm tạo. Tâm thiện thì tạo ra một sắc tâm tươi nhuận còn tâm bất thiện thì tạo ra sắc tâm bầm dập.

Chúng ta lấy ví dụ rất dễ hiểu: một người bình thường rất đẹp rất duyên dáng với căn tánh hiền thiện cởi mở vui vẻ thì sắc mặt của họ hồng hào tươi trẻ nhưng một khi giận dữ lên thì nét mặt của họ thay đổi liền nhìn thấy xấu, hoặc là một người sống trong sự âu lo phiền muộn thì bắt đầu mặt của họ sẽ bị nám hoặc bị nổi mụn v.v... trong trường hợp đó chúng ta cũng nên biết rằng tâm ảnh hưởng sắc tâm rất nhiều, ngay cả khi chúng ta sống bằng tâm bất thiện pháp, sống trong sự lo âu sợ hãi hoặc trong sự thù oán, lúc đó chúng ta ăn cũng không thấy ngon, ngủ cũng không thấy yên giấc. Chỉ một chuyện đơn giản như vậy chúng ta cũng thấy tâm tốt hay tâm xấu ảnh hưởng đến sắc pháp này rất nhiều.

Một người sống trong thiện pháp thì người đó có nhiều lý do khiến cho họ sống thọ; lý do thứ nhất, bởi vì tâm thiện bao giờ cũng tạo ra sắc tâm tốt đẹp. Thứ hai nữa là khi một người sống bằng tâm bất thiện thì có thể là nguyên nhân khiến cho họ bị đột quị có thể chết khi quá căng thẳng, lúc bấy giờ có thể đứt gân máu rồi chết, hoặc là nộ khí có nhiều khi họ giận dữ lên thì đứng tim rồi chết, còn đối với người có tâm thiện sống trong tâm thiện thì họ tránh được những đột quị đó, áp huyết của họ bình thường không cao không thấp thình lình và thần kinh của họ bao giờ cũng được thư giãn do vậy họ mới sống thọ không chết yểu. Chúng tôi đọc trong một bài báo nói về một trang trại ở nước ngoài có rất nhiều chuột, chúng vào ăn thóc hay ăn hạt của người ta, nếu dùng bẫy để bẫy chuột thì những con chuột khôn ngoan không đi vào trong bãy, còn nếu dùng thuốc cho chúng chết thì đôi khi chúng ăn xong không chết tại chỗ mà chạy vào trong xó kẹt chết ở đó sẽ tạo ra hôi thối và làm ô nhiễm không khí, cho nên người ta nghĩ cách là làm cho chúng sợ hãi rồi bỏ đi hay không sanh sản nữa. Người ta gắn những chuông điện chung quanh kho cất trữ những bao hạt hoặc những bao thóc, cứ cách khoảng 1 giờ 2 giờ thì chuông reo đồng loạt và tiếng chuông kêu rất to. Có những tiếng chuông người ta sản xuất ra kêu như tiếng đờn nhè nhẹ thanh thanh ít làm giựt mình, còn tiếng chuông do cái cây ở bên trong khua lớn làm cho chúng ta giựt mình, và khi tâm giựt mình hốt hoảng như thế thì làm tâm khó chịu đó là tâm sân, và khi tâm sân có mặt thì lúc bấy giờ là người này không an giấc được, không có thư giãn được. Cũng vậy những con chuột này khi nghe tiếng chuông đột ngột như thế chúng bị căng thẳng thần kinh và do đó hệ hormone của chúng không phát triển nên chúng bị tuyệt tự không sanh sản được do vậy số chuột giảm dần, những con chuột khác cảm thấy ở chỗ này không yên ổn nên bỏ đi, sau đó người ta mới phát hiện rằng do những tiếng chuông đột ngột làm cho con chuột khó chịu phải bỏ đi nơi khác hoặc không sinh sản nữa. Chúng ta dựa theo đó mới thấy rằng hệ thần kinh của chúng ta ảnh hưởng tình trạng tâm lý rất mạnh, bởi tâm lý của chúng ta vui tươi thì hệ thần kinh của chúng ta được thư giãn nhẹ nhàng thoải mái, còn hễ tâm bất thiện sanh khởi thì hệ thần kinh của chúng ta nặng nề căng thẳng và dễ sanh ra sự đột quị. Cho nên một người sống trong pháp thiện trong sự vô tư thì người này sẽ sống trường thọ. Đó là lý do thứ hai.

Lý do thứ ba là trong những thiện pháp đặc biệt là thiện pháp không sát sanh. Trong bài kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (Kinh Cula-kammavibhanga) Đức Phật Ngài dạy rằng là khi thanh niên Subha Todeyyaputta đến hỏi Đức Thế Tôn rằng:

"Bạch Đức Thế Tôn, tại sao ở giữa cõi người mà có người lại sống lâu có người lại yểu thọ?"

Thì Đức Phật Ngài đã thuyết về pháp hành dẫn đến cho chúng sanh bị yểu thọ hay dẫn đến sự trường thọ. Đức Phật dạy rằng:

- "Này Subha Todeyyaputta những người nam nữ nào trong đời này không có tâm ác độc, không giết hại những chúng sanh khác, không đoạt mạng của chúng sanh khác thời do nghiệp này sau khi mệnh chung được sanh về cõi trời nếu sanh trở lại làm người thời người đó sẽ được trường thọ, nhưng nếu những người sống với ác tâm và giết hại chúng sanh khác thì sau khi mệnh chung do nghiệp này phải sanh xuống địa ngục nếu trở lại làm người thì người đó sẽ sống yểu thọ tức là chết tuổi thanh xuân."

Không chỉ là do thiện nghiệp không sát sanh mà còn những thiện nghiệp khác thí dụ như bố thí cũng là nguyên nhân giúp cho sống thọ. Trong một bài kinh Đức Phật Ngài dạy rằng:

-"Này các gia chủ, những người bố thí vật thực là những người đem lại cho người thọ thí sự sống lâu, an vui chúng sanh và sức mạnh, và vì rằng khi họ thí thực họ đem lại sự sống lâu an vui sức mạnh cho người thọ thí, bởi vậy họ được quả báo là họ sẽ được sống lâu được sắc đẹp được an vui được khỏe mạnh."

Do năng lực bố thí, người ta đang bịnh yếu mà mình cho họ vật thực để họ ăn vào họ khỏe, hoặc bố thí thuốc men cho họ uống vào họ được khỏe, họ không bị chết, họ được sống lâu, vì quả thiện đó mà chúng ta được sống lâu, như tiền thân của Ngài Bakkula là một vị tỳ kheo mà Đức Phật Ngài tuyên dương giữa chúng tăng là tối thắng trong các đệ tử Như Lai về thiểu bịnh, tức là từ nhỏ cho đến 80 tuổi không hề uống thuốc và khi xuất gia rồi trong 80 năm xuất gia cũng không hề uống thuốc không hề bị bịnh do nguyên nhân đời quá khứ làm thầy thuốc trong thời kỳ Đức Phật Kappa đã chăm sóc sức khỏe Đức Phật và chư tăng, do nguyên nhân này mà phước phát sanh ít bịnh hoạn và được sống lâu đó cũng là nguyên nhân gọi là bố thí đưa đến sự sống lâu. Rồi lại nữa ở trong kinh Pháp Cú nói một câu chuyện về một người Balamon có đứa con trai rất thương yêu một hôm ông ta cúng dường cho một vị đạo sĩ và nguyện cho đứa bé được sống lâu được trường thọ. Vị đạo sĩ đó biết rõ đứa bé này sẽ chết cho nên không nói lời phúc chúc, ông Balamon hỏi tại sao thì vị đạo sĩ đó mới nói rằng hãy đi đến hỏi Samon Gotama cách như thế nào thì hãy làm như vậy để cho đứa con được sống lâu. Lúc bấy giờ ông Balamon đó liền tìm đến Đức Phật đảnh lễ Đức Thế Tôn:

-"Bạch Đức Thế Tôn, đứa con trai duy nhất rất là thương, con cầu mong cho nó được sống lâu, xin Đức Thế Tôn làm phép như thế nào để cho nó sống lâu."

Đức Phật Ngài dạy rằng:

- "Người thường kính nể các bậc trưởng thượng những bậc có giới đức, do sự kính nể đó người này được tăng trưởng bốn pháp sống lâu sắc đẹp an vui sức mạnh."

Ông Balamon nghe nói như vậy ông thỉnh Đức Phật và Chư Tăng về nhà để cúng dường cho đứa con trai nhỏ của ông ta, thật ra để diện kiến Chư Tăng và dạy cho cách cung kính Chư Tăng, và lúc bấy giờ Chư Tăng ngồi ở chung quanh đứa bé được đặt ở giữa Chư Tăng. Chư Tăng an trú trong thiện pháp, an trú ở trong pháp thiền định và phúc chúc cho đứa bé đến ngày thứ bảy thì Đức Thế Tôn đích thân Ngài đi đến và Ngài đã chúc phúc cho đứa bé. Nguyên nhân đứa bé sẽ chết yểu là vì có sự oan trái với một con dạ xoa và con dạ xoa đó sau khi phục vụ cho Đức Vua Tứ Thiên Vương xong thì đi tìm đứa bé để giết, nhưng khi dạ xoa đến thì bị các vị Chư Thiên dùng uy lực ngăn lại không cho đến gần Đức Phật và Chư Thánh Alahan. Dạ xoa đứng chờ qua hết bảy ngày thì phải về phục vụ cho Đức Vua Tứ Thiên Vương thành thử mạng sống của đứa bé được giữ lại. Cũng vậy, trong thành ngữ Việt Nam cũng có câu "kính lão đắc thọ" tức là kính trọng các bậc trưởng thượng nhất là bậc có giới hạnh thì sẽ phát sanh trường thọ.

Ba nguyên nhân chúng tôi vừa trình bày đó là những thiện pháp căn bản để làm cho chúng ta được sống thọ.

Nói tóm lại là người sống nhiều thiện pháp sẽ tạo nên uy lực để quả phát sanh lên khiến cho người này sống được thọ và trong những nguyên nhân phát sanh trường thọ ở đây chúng ta có rất nhiều nhưng chỉ kể ba nguyên nhân chính:

-1 là do giữ giới không sát sanh, không đã thương chúng sanh khác, không làm cho chúng sanh bị mất mạng.
- 2 là năng bố thí vật thực để giúp cho người ta sống được an vui sống trường thọ duy trì được mạng sống do phước bố thí vật thực đó mà quả chúng ta phát sanh được sự sống lâu.
- 3 là do sự kính lão bậc trưởng thượng nhất là bậc có giới hạnh bậc có ân đức cao qúi như Đức Phật và chư vị Alahan kính trọng các vị ấy thì chúng ta sẽ được sống thọ. Đó là nguyên nhân sống thọ.

Một đoạn kinh khác cũng nói về yếu tố khiến cho được sống thọ, và ở đây chúng ta cũng nên chú ý và suy ngẫm để chúng ta thực hành. Theo trong chú giải thì chúng sanh sống thọ cũng có nhiều nguyên nhân:
- Một là bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi được điều hòa, không nằm nhiều quá, không đi nhiều quá, không đứng nhiều quá, đi đứng nằm ngồi bốn oai nghi trong một ngày thay đổi cho điều đặng điều hòa thì đó là nguyên nhân sống thọ.
- Hai là làm việc hợp thời tức là giờ nào làm việc là làm việc, giờ nào nghỉ ngơi là nghỉ ngơi, để cho thân này có lúc hoạt động nhưng cũng có lúc cho nghỉ dưỡng chứ không phải như cái máy kia mà cho chạy liên tục xử dụng công xuất nhiều thì máy lâu ngày cũng sẽ bị hư, thì thân này cũng vậy, mình làm việc mà làm việc liên tục, làm việc không hợp thời, thay vì sau khi ăn xong chúng ta phải có thời gian trong khoản 10 phút yên lặng thư giãn để cho tiêu hóa vật thực, rồi ta mới làm việc tiếp, đằng này chúng ta lại làm việc liền khiến cho hệ tuần hoàn không tiêu hóa được vật thực thì chúng ta sanh ra bịnh rồi chết yểu.
- Ba là khi ẩm thực biết chọn những thức ăn uống dễ tiêu hóa thích hợp với cơ thể mình đó là nguyên nhân để phát sanh sống thọ.
- Một nguyên nhân nữa là sống không bị phiền não chi phối, người sống bị nhiều phiền não chi phối như tham sân si chẳng hạn thì như vậy cũng sẽ bị chết yểu, còn sống biết chế ngự được phiền não, không để phiền não sanh khởi thì đó là nguyên nhân sanh trường thọ.
- sống không hưởng dục quá nhiều, không phí sức nhiều, không trác tác thì cũng sẽ là nguyên nhân làm cho sống thọ.
Đó là trong chú giải ghi thêm những nguyên nhân như vậy.

Ở đây khi chúng tôi trình bày về vấn đề sống trường thọ thì chúng ta thấy những thiện pháp có uy lực rất lớn, thiện pháp giữ giới không sát sanh, những thiện pháp bố thí vật thực, cúng dường Chư Tăng và giúp đỡ cho những người khác miếng ăn để họ tồn tại cũng là nguyên nhân để sống thọ, rồi chúng ta có sự kính trọng kính nể các bậc trưởng thượng các bậc có giới đức thì cũng là nguyên nhân làm sống thọ.

Thật ra câu chuyện này một điều chúng ta rất dễ hiểu là tại sao những người trong làng Dhammapàla không chết yểu, không phải là không già, không bịnh, không chết, nhưng người ta chết là do hết tuổi thọ chứ không phải chết một cách đột ngột, chết trong tuổi thanh xuân, lý do đã được ông Balamon Dhammapàla nói lên bài kệ để trả lời cho vị giáo sư của thanh niên Dhammapàla, chúng ta đọc trong đó hoàn toàn là thiện pháp, mà hễ sống trong thiện pháp như vậy thì; một là nó sẽ đưa đến quả tốt đẹp, hai là thiện pháp làm cho chúng ta tránh được bệnh như bệnh đột qụi, và thứ ba là thiện pháp làm cho tâm của chúng ta không bị bầm dập nó tốt đẹp mà một người có được sắc tâm tốt đẹp hay không có những chứng bịnh đột quị hoặc là không có quả dị thục ác nghiệp thì không bị chết yểu mà chết là do hết tuổi thọ chứ không chết do nghiệp ác làm đoản thọ. Đó là bài học mà chúng tôi cố gắng trình bày cho qúi vị nghe và hiểu sau khi nghe và hiểu rồi thì chúng ta nếu muốn giữ mạng sống cho được lâu dài được trường thọ thì chúng ta cũng nên làm như vậy:
1 - chúng ta sống trong thiện pháp.
2 - biết tiết chế trong vật thực.
3 - biết giữ oai nghi cho điều hòa.
4- đừng để phiền não phát sanh nhiều trong một ngày đừng sống nhiều với phiền não quá./.

-ooOoo-

Với phước báu mà con tạo nên hôm nay xin hồi hướng đến hương linh của mẹ là Thái Huê, cầu mong bà được thượng hưởng phước lành và chóng viên thành đạo quả.

Phật tử Thiện Pháp Nguyễn Văn Ḥa và Minh Hạnh