phapluan.net Trang Chính


Dụ Ngôn Bó Đuốc Không Thể Đun Sôi Sông Hằng

TT Giác Đẳng trong room Phật Pháp Buddhadhamma ngày 5- 1 -2011


Nhẫn nại là sức mạnh vạn năng

Minh Hạnh chuyển biên

Trước khi đi vào ý nghĩa của bài kinh ngày hôm nay xin được chia sẻ với quí Phật tử ba cảm nghĩ mà chúng tôi có trong lòng khi nghe bài kinh này.

Cảm nghĩ đầu tiên là bài kinh này cho chúng ta một hình ảnh của sự tiến bộ của xã hội cổ Ấn vào một thời điểm cách đây 2500 năm, thời đó chúng ta nhớ rằng Anh ngữ vẫn chưa có, thời đó chúng ta nhớ rằng những vùng đất ngày nay mình gọi là Đức Quốc còn là những bộ tộc man di, thời đó là thời mà trong sử Việt của chúng ta còn giữ thời đại của 18 đời Hùng Vương, nghĩa là lịch sử rất là mơ hồ, nhưng thời đó tại Ấn Độ chúng ta thấy rằng một xã hội đa dạng phong phú tế nhị, từ bối cảnh sống trong nhà cho đến sự đề cập các cỗ xe ngựa, đề cập đến chữ viết. Mỗi lần chúng tôi sang Ấn Độ đến Sarnath nhìn thấy trụ đá được tạc thời vua A Dục cách đây 23 thế kỷ, nhìn thấy trụ đá với những đường nét tuyệt đẹp về kỹ thuật thì chúng ta phải nhìn nhận rằng Ấn Độ đã có một nền văn minh cổ đại, xưa rất xưa, và vượt qua sự tưởng tượng của chúng ta.

Cảm nghĩ thứ hai chúng tôi muốn chia sẻ với qúi vị ở tại đây. Nếu chúng ta đọc bài kinh này từng đoạn một thì chúng ta sẽ thấy hình ảnh của Đức Phật như một người cha đang cố gắng dạy những đứa con của mình, Ngài phải tốn nhiều hơi nhiều sức, Ngài phải nói những vấn đề rất ly chi kỹ lưỡng, nói rất rõ, nói rất cặn kẽ và lời nói của Đức Phật dạy cho những đứa con của Ngài, không phải nói để triết lý mà nói để làm sao cho con được nên người, được tốt.

Cảm nghĩ thứ ba, bài kinh này đối với nhiều người có lẽ chỉ là một bài kinh ghi lại lời của Đức Phật dạy như bao nhiêu bài kinh khác, nhưng nếu chúng ta nghiệm cho kỹ thì thông điệp về từ bi của Đạo Phật là một thông điệp nhất quán, những lời dạy này của Đức Phật từ việc giáo giới một vị tỳ kheo cho đến ví dụ về cái cưa mà chúng ta nghe thì nói lên một tinh thần bất hại của Đạo Phật và tinh thần đó không phải chỉ là bàn bạc mà nó hiện rõ nét và nó sáng tỏ ở trong Đạo Phật cho đến ngày hôm nay. Có những người không phải Phật tử có những người rất xa lạ với văn hóa Phật Giáo thì cũng phải nghiêng mình nói rằng: Khoan nói đến đạo Phật sẽ dẫn đi về thiên đàng hay dẫn đi về đâu, khoan nói đến Đạo Phật nói về huyền học hay nói về tâm linh như thế nào mà có một điều chắc chắn rằng Đạo Phật là tôn giáo của hoà bình và khuôn mặt của Đạo Phật là khuôn mặt của từ bi. Chúng ta cứ đọc kỹ, nghiệm cho kỹ thì chúng ta sẽ thấy rằng những lời dạy của Đức Phật về từ bi là một lời nhất quán, chưa có một mảy may thay đổi nào ở trong suốt bao nhiêu thế kỷ vừa qua, xưa cũng vậy và bây giờ cũng vậy.

Bây giờ thì sau khi nói ba cảm nghĩ này, chúng tôi muốn cùng với qúi Phật tử đi vào bài kinh ngày hôm nay. Bài kinh trước nhất đề cập đến một vị tỳ kheo có tên là Moliya Phagguna, thật ra thì Phagguna mới là tên thật của vị tỳ kheo này, chữ Moliya có nghĩa là 'tóc cột lại', khi vị này còn là cư sĩ thì tóc cột lại thành cái bím, chữ Moliya là cái bím tóc, và khi xuất gia rồi thì có tên là Moliya Phagguna. Vị này tu hành một cách bình thường, bình thường đến mức độ tầm thường có nghĩa là không có gì xuất sắc, chỉ có một điểm tương đối hơi khác với người ta là vị này thường hay binh vực các vị tỳ kheo ni, chẳng những binh vực mà hết sức thân thiết, chỉ vậy thôi. Giống như qúi Phật tử thấy trong đời sống hàng ngày của chúng ta sống trong cộng đồng hay trong một chùa có nhiều phe nhiều nhóm, những người cùng một phe một nhóm thì rất thân thiện bảo vệ lẫn nhau. Thì vị tỳ kheo này hay lo và chăm sóc cho một nhóm tỳ kheo ni, sự chăm sóc này không có gì vượt quá xa nhưng đại khái là thân, hễ ai nói đụng tới vị tỳ kheo ni này thì vị này lộ vẻ bất mãn ra mặt và các vị tỳ kheo ni cũng vậy, hễ ai đụng chạm đến tôn giả Phagguna thì cũng bất mãn ra mặt. Chuyện đó đối với chúng ta ngày hôm nay là chuyện bình thường, phe đảng, cùng phe cùng nhóm thì binh nhau. Nhưng việc đó thì là một việc hoàn toàn không thích hợp với đời sống của vị Samon. Đức Phật khi được các chư tỳ kheo trình bạch như vậy thì Ngài sai một vị tỳ kheo đến gọi tỳ kheo Phagguna đến và Ngài đã có những lời dạy mà chúng ta thấy được ghi chép lại ở tại đây.

Chúng ta thấy trong bài học này, đặc biệt mở đầu khi Đức Phật Ngài dạy cho tỳ kheo Phagguna, thì Ngài không nói là người ta đã nói gì hay người ta đã làm gì với tỳ kheo Phagguna mà khiến cho vị này giận, mà Đức Phật Ngài đặc biệt nhấn mạnh thái độ giận của vị này. Ngài nói rằng:

"Nếu ai mà đánh mà chửi vị tỳ kheo ni đó thì Phagguna không nên ôm lòng sân hận và phải học tập như vầy: mong rằng tâm của ta sẽ không bị biến nhiễm." Chữ biến có nghĩa là bị phiền não khởi dạy và tràn ngập, không bị biến nhiễm là không bị phiền não tràn ngập trong lòng.

"Mong rằng ta không nói lời ác ngữ." Tức là không phản ứng một cách nặng nề với những lời nói độc ác. "Mong rằng ta sẽ sống với lòng lâng mẫn với tâm từ bi, không ôm lòng sân hận, này Phagguna, Ông phải học tập như vậy."

Thật ra thì bằng lời dạy ngắn này Đức Phật đã dạy cho Phagguna và qua đó cũng là lời dạy cho tất cả chúng ta. Bất kể người ta đối với mình ra sao nhưng mình không nên để cho phiền não chiếm ngự trong tâm mình, không nên để cho những lời nói thốt ra khỏi miệng mình một cách độc ác với sự sân hận.

Đoạn tiếp theo Đức Phật Ngài đề cập đến một người mà có lòng tôn kính pháp, một người mà có sự trưởng thành ở trong Phật Pháp thì người đó có khả năng lãnh hội rất nhanh, ghi nhớ rất kỹ và thực hành một cách rất nhu nhuyễn. Đức Phật Ngài có đưa ra một thí dụ, qua thí dụ này chúng ta được biết một số chi tiết về Phật pháp hay là về giáo pháp ở trong buổi sơ thời. Thật ra thì hai mươi năm đầu tiên trong cuộc đời hoàng đạo của Đức Phật thì chư tỳ kheo rất trang nghiêm thanh tịnh và Đức Phật Ngài không phải đặt ra một điều luật nào. Hai mươi năm năm sau đó thì không phải là các vị tỳ kheo xuống dốc mà tại vì tăng chúng càng ngày càng đông, khả năng bao dung rộng lớn của Đạo Phật đã cho rất nhiều người có cơ hội vào sống ở trong đạo tràng như trường hợp của Moliya Phagguna là một thí dụ, tức là những người này đi xuất gia nhưng còn có nhiều hệ lụy, và thời gian đó là thời gian Đức Thế Tôn đã ban hành giới luật tương đối phải vất vả ở trong việc giáo giới những vị tỳ kheo không có căn bản nhiều về uy nghi tế hạnh, không có căn bản nhiều về khả năng lãnh hội và thực hành giáo pháp nhanh chóng. Thì Đức Phật Ngài có nói rằng có thời các vị tỳ kheo rất thuần thục rất hoan hỉ, Ngài chỉ nói một câu là các vị tỳ kheo hiểu, thí dụ như Ngài sống trong hạnh nhất toạ thực, có nghĩa là một ngày chỉ ăn một bữa, và một khi đã đứng dạy thì không ăn nữa, đó là hạnh hàng ngày của Chư Phật, Chư Phật đi khất thực độ nhựt trong ngày và chỉ một lần thôi, dù là ngon, dù là dở, dù là đói, dù là no, một khi tay đã rời bát rồi thì Ngài không dùng nữa, đó là đời sống của Chư Phật, và Ngài nói rằng đời sống đó làm cho Ngài không bệnh tật, không ốm đau, nhẹ nhàng, thanh tịnh, sản khoái, thì Ngài chỉ nói: Này các tỳ kheo thực hành nhất tọa thực. Ngài chỉ nói một câu gọn như vậy và tất cả chư tỳ kheo đều sống như vậy.

Và ở đây Ngài dùng chữ ức niệm, có nghĩa là ghi nhớ, là chôn sâu vào trong tâm khảm của mình mà chúng ta gọi là khắc cốt ghi tâm. Một lời nói của Đức Phật rất gọn gàng ngắn nhưng chư vị tỳ kheo chẳng những khắc cốt ghi tâm ghi nhớ kỹ lưỡng mà còn đem thực hành liền và Đức Phật không phải nói gì thêm hết. Đức Phật Ngài đưa ra một thí dụ là chư tỳ kheo giống như những con ngựa được huấn luyện thuần thục bởi một người dạy ngựa. Con ngựa được huấn luyện thuần thục rồi thì khi máng xe vào nó có thể đi tới, đi lui, quẹo trái, quẹo phải, theo sự điều khiển của người đánh xe, tại vì nó đã thuần thục. Chúng ta gọi là sự thuần hóa, không cần phải nói nhiều, chỉ nói một câu thôi. Quí vị sống qúi vị thấy rằng khi mình làm việc với người có trình độ và sự hiểu biết và có những giá trị tốt mình không cần nói nhiều, quí vị để ý có những người mà mình làm việc với họ năm khi mười họa mình mới nói mà chỉ nói một câu thôi là họ hiểu và làm tốt việc, mình không cần phải nói nhiều. Nhưng có những người phải nói tốn hơn tốn sức nhiều thì ở đó là trường hợp Đức Phật Ngài dạy ở đây:

Này các tỳ kheo, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ bất thiện, hãy nỗ lực đối với các thiện pháp, như vậy các Ngươi mới thành tựu sự trưởng thành, hưng thịnh, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Chư Tỷ-kheo, cũng như gần một thôn làng hay thị trấn nhỏ, có ngôi rừng cây tala lớn, ngôi rừng bị các cây leo y lan bao phủ. Có một người đến khu rừng này, muốn lợi ích cho ngôi rừng, muốn hạnh phúc, muốn an ổn khỏi các ách phược cho ngôi rừng. Người ấy chặt đứt các nhành cây cong thiếu hẳn sinh lực, vất chúng ra khỏi ngôi rừng, dọn dẹp trong rừng sạch sẽ. Người ấy săn sóc kỹ lưỡng các nhánh cây tala thẳng thắn, khéo mọc. Chư Tỷ-kheo, sau một thời gian, ngôi rừng như vậy được trưởng thành, hưng thịnh, lớn mạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ bất thiện, hãy nỗ lực đối với các thiện pháp, như vậy các Ngươi mới thành tựu sự trưởng thành, hưng thịnh, lớn mạnh trong Pháp và Luật này.

Lời dạy của Đức Phật rất rõ ràng. Thường thường chúng ta hay có một làn ranh chia ra phàm với thánh, khi nào mình đắc đạo chứng quả thánh thì mình mới tốt được, còn mình là phàm thì mình có bất thiện pháp. Nhưng thật sự là đối với những gì chúng ta đọc ở trong kinh không phải là làn ranh Đức Phật vẽ ra, những thiện pháp mà Đức Phật nói, những bất thiện pháp mà Đức Phật đã đề cập, đến đều là những điều chúng ta có thể nghiệm có thể áp dụng bằng cách này hay cách khác. Trong đời sống hiện tại của chúng ta, dù chúng ta là ai, ở giai đoạn nào của sự tu tập, hễ khi nào thiện pháp lớn mạnh và bất thiện pháp bị gạt qua một bên thì chúng ta sẽ sung mãn dồi dào sinh lực.

Chúng tôi nhớ là ở gần với Ngài HT, Ngài có một sinh hoạt hàng ngày của người lớn tuổi là lâu lâu Ngài chăm sóc các cây ở trong vườn và Ngài cũng thường nói là những cây hoa mà cỏ dại mọc nhiều qúa thì nó sẽ lấn cây, nếu làm cho nó sạch gốc, những nhánh nào nếu thiếu sinh lực tàn tạ thì cắt bỏ nó đi, mình cắt tỉa cây cho sạch sẽ thì gốc sạch, thân cây sạch thì cây tự nhiên nó lớn lên một cách mạnh mẽ. Đời sống chúng ta cũng như vậy, nó có những cái luẩn quẩn có những cái trì níu có những thứ giây leo níu kéo chúng ta lại và những thứ đó làm chúng ta không hưng thịnh được.

Một thí dụ khác, như trường hợp chúng ta sinh hoạt ở tại đây, ngày xưa chúng tôi đón nhận những ý kiến của qúi Phật tử, người muốn thêm cái này người muốn thêm cái kia nhưng luôn luôn chư tăng có trách nhiệm lo cho rơom Phật Pháp này giữ một quan niệm cố hữu và kiên trì đó là chúng ta chỉ thuần làm thế nào cho Phật Pháp được sáng tỏ, bất kể là sinh hoạt của chúng ta như thế nào nhưng sinh hoạt đó phải là sinh hoạt trực tiếp liên hệ tới Phật Pháp, chúng ta tôn trọng những cái y nguyên của Tam Tạng kinh điển và trong cách đối xử với nhau chúng ta ở tại đây chúng ta làm sao cho nó khế hợp với Pháp với Luật như lời Đức Phật dạy. Đôi khi điều đó chúng ta đơn giản như vậy nhưng chúng ta còn tồn tại. Thật ra chúng ta tồn tại là bởi vì chúng ta giống như những khu vườn mà càng dọn dẹp sạch sẽ bớt đi những giây leo thì chúng ta sẽ lớn mạnh, những điều đó rất là quan trọng nó là nguyên lý của sự tồn tại.

Đức Phật Ngài nói về sự thuần hóa của chư tỳ kheo, ở trong sự thuần hóa này là làm thế nào chúng ta tránh những bất thiện pháp, làm thế nào để thiện pháp tăng trưởng. Chúng ta lấy ví dụ như đời sống con người thì thường thường có những đụng chạm mính lòng nhau, thường có những cái vui cái buồn. Nhưng nếu chúng ta là người học Phật tu Phật là con của Phật thì những chuyện đó không phải là chuyện lớn, có phiền thì phiền một lúc, một buổi, một ngày, nhưng sau đó chúng ta nên tiếp tục trở lại với cái gì căn bản, cái gì tốt đẹp nhất. Tại vì chúng ta có những giá trị quan trọng hơn ở trong đời sống. Hễ thiện pháp được hưng thịnh thì bất thiện pháp suy giảm, nhưng hễ bất thiện pháp hưng thịnh thì thiện pháp sẽ suy giảm, không bao giờ có chuyện bất thiện pháp trổi dạy ở trong chúng ta mạnh mẽ mà thiện pháp cũng song hành, không phải như vậy, giữa thiện pháp và bất thiện pháp như cái cân bên này nặng thì bên kia nhẹ. Do vậy ở đây trong đoạn kinh này Đức Phật Ngài đã ân cần nói rõ là hãy nỗ lực đối với các thiện pháp, hãy từ bỏ bất thiện pháp. Thật ra những lời dạy này không có nhiều, không có cái gì xa xôi khó hiểu với chúng ta, có thể chúng ta thấy thường quá, chúng ta không chịu suy nghĩ nhưng mà chính ra thì đây là những lời dạy cụ thể, hãy từ bỏ bất thiện pháp và hãy nỗ lực đối với các thiện pháp.

Đức Phật Ngài đưa ra một thí dụ, Ngài nói rằng khi một vị tỳ kheo sống trong điều kiện đầy đủ về tứ vật dụng tức là đời sống, chỗ ăn, chỗ ở, thực phẩm y phục thuốc men đầy đủ thì vị tỳ kheo đó người hoà nhã lịch sự dễ thương, thì thật sự Đức Phật Ngài nói vị tỳ kheo đó chưa chắc trưởng thành ở trong giáo pháp, cho đến khi nào trải qua những giai đoạn khó khăn của đời sống mà vẫn giữ được sự trong sáng, giữ được tha thiết với Phật Pháp, và vẫn giữ được thái độ ung dung thì lúc đó Đức Phật mới gọi là vị tỳ kheo thật sự có kham nhẫn. Ngài đã đưa ra một thí dụ về trường hợp của một nữ gia chủ Vedehika là một nữ gia chủ được người ta khen là thùy mị hiền thục, nhưng có một nữ tỳ ở trong nhà tên là Kali muốn thử vị gia chủ, người chủ của mình nên vị này không thức dậy sớm, không làm việc vừa ý, thì một lần, hai lần, ba lần, ban đầu từ chỗ phật lòng dẫn đến chỗ giận dữ, từ chỗ giận dữ dẫn đến sự bạo ngược đánh đập tỳ nữ Kali, thì như vậy bằng thí dụ đó cho chúng ta thấy một sự thách thức. Thường thường người ta nói tu tập cần có thuận duyên, cái thuận duyên ở đây là có bạn tốt, có thầy tổ tốt, có được môi trường tu tập tốt, nhưng đối với Đức Phật thì những môi trường tu tập đó thật sự không hẳn chứng minh được chúng ta đã trưởng thành, đã thật sự lớn mạnh ở trong giáo pháp này cho đến khi chúng ta sống qua một giai đoạn hay trong một môi trường thiếu vắng những thoải mái thường có, thì lúc đó phải xem phản ứng của chúng ta ra sao. Giống như nữ gia chủ Vedehika bình thường nổi tiếng là thùy mị hiền thục nhưng vì là một người giàu có sống trong điều kiện đầy đủ do đó chưa thấy, đến lúc gặp những trái ý nghịch lòng mà vẫn giữ tâm tư điềm đạm thì lúc đó Đức Phật Ngài mới gọi là thật sự là vị đó có trưởng thành ở trong giáo pháp.

Trong một đoạn tiếp theo, không phải Đức Phật Ngài chỉ kêu gọi hãy kham nhẫn mà Ngài dạy chúng ta nên thể hiện một mặt khác của sự kham nhẫn. Đây là một điểm rất thú vị rất lợi ích cho chúng ta. Thế nào là một sự kham nhẫn? Một ở trong những biểu tướng của sự kham nhẫn đó là lời nói. Nếu chúng ta thật sự là người có nội hàm, có tu dưỡng, có sự trưởng thành trong Phật Pháp thì ngôn ngữ của chúng ta phải khác với ngôn ngữ bình thường.

Ngôn ngữ đó mang năm đặc tính là:
1) Nói đúng thời không nói phi thời.
2) Nói chân thực chứ không phải là không chân thực.
3) Nói nhu nhuyến chứ không thô bạo.
4) Lời nói có lợi ích chứ không có không lợi ích.
5) Nói bằng từ tâm chứ không nói với sân tâm.

Năm điều này là năm biểu hiện của một người có nội tâm kham nhẫn. Người có đầy đủ kham nhẫn thì họ không quá nóng nảy để phải nói lúc không nên nói. Chúng tôi nhớ rằng người Nhật Bản họ nói rằng một ở trong bí quyết quản trị về kinh doanh mà một người giám đốc giỏi và một người giám đốc không giỏi, là người giám đốc giỏi có thể tự chế mình khi thấy nhân viên làm việc sai không nóng nảy phản ứng liền mà lựa thời điểm thích hợp để nói. Sống trong gia đình cũng vậy, có nhiều trường hợp mình đúng mà người ta hoàn toàn sai nhưng tại vì mình quá nóng lòng muốn nói, và sự nói đó không đúng thời chẳng những không xây dựng được gì mà nó đổ dầu vào lửa làm cho tình trạng tệ hơn. Đa số chúng ta không đủ kiên nhẫn chờ đợi đến thời gian thích hợp. Có rất nhiều người lạ lắm, họ làm sai mà họ có thể nghe lời nhắc nhở nhưng cũng phải nghe đúng lúc, nếu không đúng lúc mà nói với họ thì họ không nghe, 100% là họ phản ứng lại. Nhưng hầu hết chúng ta quá nóng nảy và quá muốn nói lên cảm nghĩ của mình và thường là chúng ta nói vào những thời điểm không thích hợp. Người ta làm sai thật nhưng ngay lúc đó nên cho người ta có thời gian để phản tỉnh, chúng ta thì không, hễ thấy lúc nào mình tấn công được thì tấn công, mình đốp chát được thì đốp chát, lúc nào mình phủ đầu người ta được thì phủ đầu, thì không trách chi là sự việc càng lúc càng tệ hơn. Do vậy khả năng có thể chờ đợi cho đến đúng lúc để nói nó là một đặc tính của sự kham nhẫn, đặc tính của sự điềm đạm, đặc tính của sự trưởng thành trong giáo pháp.

2) Nói chân thật chứ không chân thật. Đúng ra là nói đúng với sự thật chứ không nói sai sự thật. Con người mỗi khi giận cái gì thì thường nói phóng đại quá đáng. Ví dụ như trong cơn giận mình nói về người nào đó thì mình nói theo cách nôm na ông bà chúng ta nói là "nói sao cho chó chê mèo mửa" tức là người ta xấu một thì mình nói xấu mười, chuyện không nghiêm trọng chúng ta từ chuyện bé xé ra to làm cho nó thật sự nghiêm trọng, tại vì chúng ta đang giận dữ. Khi mình giận dữ thì một trong những biểu tướng của sự không kham nhẫn là chúng ta nói quá đáng, nói quá về một người nào đó, cái nói quá về một người nào đó tức là nó vượt ngoài sự thật, lẽ ra nó không đến nỗi xấu như vậy, lẽ ra không đến nỗi tệ như vậy, lẽ ra không đến nỗi quá đáng như vậy, nhưng khi mình giận người ta thì mình nói sao cho chuyện đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Thì việc nói quá sự thật, nói sai sự thật, hay ráng dàn dựng, hay là gán tội cho người khác một cách phi lý một cách không thật, nó là dấu hiệu của sự không kham nhẫn. Và dấu hiệu thứ hai cũng lời nói có kham nhẫn là dầu mình giận nhưng mình nói đúng sự thật. Chúng tôi được biết có một vài vị rất thiện xảo tức là họ rất giỏi về vấn đề này, trong lúc đang giận mà có người khác đổ dầu vào lửa, nói thêm vào, thì vị này cũng dừng lại, biết dừng lại ở một mức độ, chuyện nào ra chuyện đó chứ không phải là mình giận người đó nghe người khác nói thêm gì đó mà mình nghĩ rằng người kia hoàn toàn xấu. Thì một trong những biểu tướng của sự kham nhẫn là giận đến đâu đi nữa thì nói cũng việc nào ra việc đó không thêm thắc, không vẽ rắn thêm đuôi, không nói quá xa, không phóng đại để sự việc đó nó sai đi sự thực.

3) Nói nhu nhuyến chứ không nói lời thô bạo. Ở đây là một sự tự nhiên của chúng ta, lời nói phát xuất từ tâm không sân bao giờ cũng là lời nói khôn ngoan. Chúng tôi đi dự rất nhiều phiên họp thấy có một điểm như vầy là 100 lần đủ 100 lần không một ai ở trong những phiên họp mà nói những lời đầy nọc độc, đầy chất độc ác, đầy chất đả phá, mà trong đó mọi người nói bằng sự khôn ngoan, vì lời nói khôn ngoan không thể nào đến từ sân tâm được hay đến từ sự thù hận được. Do vậy Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên nói lời nói nhu nhuyến. Chữ nhu nhuyến ở đây là lời nói nhẹ nhàng nói phải chăng nếu không muốn nói rằng nói bằng sự tế nhị, còn lời nói ác ngữ là nói nặng nề thì ai cũng nói được. Nhiều lúc trong sự bực dọc mình nói nặng người khác mình nghĩ lời nói đó hay, nhưng chúng ta quên rằng để phỉ báng nhau để chửi bới nhau thì một kẻ tầm thường thiếu giáo dục nào cũng nói được, nhưng ở trong sự bất đồng bất hoà ở trong sự giận dữ mà còn có thể xử dụng ngôn ngữ một cách hòa nhã thì người đó thật sự là người có bản lãnh, người đó thật sự là người có giáo dục, và người đó mới thật sự là người có khả năng giải quyết công việc. Còn nếu ở trong những trường hợp rối ren lộn xộn, sự việc đã rối ren rồi mà lời nói cũng vậy nó càng khó khăn nó càng nặng nề thì những lời nói đó nó chỉ dẫn sự việc từ chỗ tệ đến chỗ tệ thôi. Chúng tôi chưa bao giờ thấy ở trong bất cứ một phiên họp nào người ta chửi bới nhau mà dẫn đến chỗ giải quyết được chuyện gì hết, nhưng không may là đất nước chúng ta là một đất nước chiến tranh và chẳng những vậy chúng ta còn sống qua thời kỳ bị phân hóa chia rẽ rất nhiều, nên chi mỗi lần có một sự việc lủng củng trong gia đình hay trong cộng đồng nào đó chúng ta nghe những lời chửi bới nhau nặng nề, và những người chửi bới nhau bằng những lời nặng nề như vậy họ nghĩ rằng lời chửi bới như vậy là nói lên sức mạnh của mình, những lời chửi bới nặng nề đó sẽ có tác dụng. Nhưng thật ra những lời đó không có tác dụng gì hết, nó chỉ làm cho tình trạng xấu hơn tệ hơn. Chúng tôi chưa bao giờ thấy được có một lời nói nào đầy nọc độc đầy nặng nề mà giải quyết được chuyện gì, không may cho chúng ta là chúng ta thường tin rằng sức mạnh của chúng ta nằm ở tại đó, cái giải thoát nó nằm ở tại đó, cái khả năng áp chế người khác nằm ở tại đó, nhưng thật ra những lời nói nặng nề đó hoàn toàn không có lợi ích gì hết. Đức Phật Ngài nhắc nhở một điều là chúng ta cần phải cân nhắc lời nói của chúng ta có nhu nhuyến hơn là thô bạo và lời nói nhu nhuyến là một biểu tướng của sự kham nhẫn.

4) Lời nói có lợi ích hay không có lợi ích. Là khi nói thì chúng ta nên nói lời có lợi íc, nhưng đa số chúng ta nói chỉ là muốn nói thôi, ưng nói thôi, nói cho đã nư, nói cho đã giận, nhưng cái chuyện mà mình nói để thoải mãn nó là một chuyện nói có mang lại lợi ích hay không lợi ích lại là một chuyện khác. Chữ lợi ích ở đây Đức Phật Ngài đặc biệt Ngài thường nhắc nhở. Chúng ta thường dành rất nhiều thì giờ làm những việc mà cuối cùng không dẫn đi về đâu. Lâu lâu chúng ta đọc chuyện hay xem phim một vài câu chuyện tuy rằng có tánh cách hư cấu nhưng ở ngoài đời thì nó cũng giống như vậy. Người ta bỏ ra rất nhiều thì giờ để theo đuổi mục tiêu gì đó làm việc gì đó cuối cùng rồi khi đạt được mục tiêu đó tất cả đều là vô nghĩa. Tại vì sao vậy? Tại vì ngay từ ban đầu chúng ta đã không thấy chuyện đó có điểm gì lợi ích. Bây giờ trong xã hội ngày nay đa số chúng ta tin vào cái chuyện mà nhất thời thôi, hễ lúc nào mình hơn được người khác thì mình ráng hơn, lúc nào mình lấn át được người khác thì mình lấn át, nhưng chúng ta thử hỏi khi tàn cuộc đi về rồi, chuyện đó qua rồi, thì cái gì lợi ích, cái gì không lợi ích. Chúng tôi đã gặp rất nhiều người suốt cuộc đời của họ chuyên môn viết báo gửi thư chửi người này chửi người kia, rốt cuộc chúng tôi không thấy họ được cái gì trong cuộc đời của họ, kể cả niềm vui chân thành trong cuộc đời họ cũng không có, nhưng họ vẫn nghĩ rằng việc đó nên làm, thật sự không có lợi gì hết. Có đôi khi những vị Phật tử vào trong rơom nghe pháp mà sự yên lặng lắng tâm nghe pháp còn mang lại lợi ích trăm ngàn lần hơn những người vô rơom mà chỉ muốn nói, mà những điều họ nói nếu nói nặng thì là khủng bố, mà nói nhẹ thì là những lời nói tào lao, nói rất nhiều mà không có lợi ích gì hết. Nhưng con người chúng ta thường phí thì giờ tâm trí cho những chuyện đó. Đôi khi có một vài Phật tử hỏi chúng tôi không biết những người đó làm vậy được cái gì, thật sự chúng tôi không thấy họ được cái gì chỉ biết một điều rằng họ có vấn đề về tâm thần họ cố gắng nói cho thật nhiều nhưng mà nói cái đó không có lợi ích. Và Đức Phật Ngài dạy rằng nếu chúng ta có đủ sự điềm đạm sẽ thấy rằng điều này nên nói vì có lợi ích, điều kia không nên nói vì nó vô nghĩa nó không có lợi ích gì hết, thì điều đó chứng tỏ sự điềm đạm chứng tỏ sự kham nhẫn của chúng ta. Phải nói những lời có lợi ích là chứng tỏ chúng ta có khả năng kham nhẫn và nói những lời không lợi ích là chứng tỏ rằng chúng ta không có sự tế nhị, cái gì trong lòng nó tuôn ra bên ngoài. Có một số trong chúng ta rất là hãnh diện rất là tự hào rằng tôi thì rất thẳng như ruột ngựa, ruột để ngoài da, nói rất là trực ngôn, hễ cái gì không thích thì nói và mình hãnh diện mà nói như vậy. Nhưng mà trực ngôn không phải là tốt, người đời nhiều khi có những quan niệm rất hời hợt về việc này, một người mà đụng đâu nói đó thích cái gì nói cái đó không phải là tốt đâu. Ở đây Đức Phật Ngài nói rất rõ là: nói nhiều mà không có lợi ích thì tốt hơn là im lặng. thì ở đây lời nói có lợi ích hay không có lợi ích nó cũng là một chứng minh của nội tâm có kham nhẫn hay không kham nhẫn.

5) Nói với từ tâm chứ không nói với sân tâm. Khi nào qúi vị nghe lời nói với từ tâm thì qúi vị nghe có thể hiểu được, ở trong lời nói có chất xây dựng hay không, có thiện ý để mang lại sự an lạc cho người khác, có lợi ích chung hay không. Còn lời nói không có tâm từ là lời nói ở trong đó đầy nọc độc đầy cách đả phá, và chúng ta nhận thấy những điều đó rất rõ.

Thì năm tiêu chuẩn này tuy rằng chúng ta nghe như là những gì có tánh cách đạo đức, có tánh cách luân lý, nhưng thật ra nó là những gì liên quan đến khoa học tự nhiên. Trong tâm tư của người nào có đủ sự điềm đạm, có đủ sự kham nhẫn thì họ sẽ nói bằng năm thứ ngôn ngữ này: Nói đúng thời chớ không nói phi thời, nói chân thật chớ không hư nguyện, nói nhu hoà chớ không nói thô bạo, có lợi ích chớ không có nhảm nhí, nói có từ tâm chứ không nói với sân tâm. Và Đức Phật Ngài cũng nói rằng chuyện đó cần phải học và tập, ở đây chúng ta nói là học và tập nghĩa là mình nghe rồi mình cố gắng tập, có thể là lần đầu thì hơi khó nhưng sau đó từ từ quen với điều đó, khi chúng ta quen rồi cái gì mình thấy cần thiết thì nói nói một cách nhẹ nhàng còn ngoài ra thì không.

Ở đây trong bài kinh này đặc biệt Đức Phật Ngài đưa cho chúng ta nhiều hình ảnh nhiều thí dụ. Giáo trình mà chúng ta đang theo đuổi gọi là nghĩa dụ Pháp tức là Phật Pháp giảng bằng thí dụ. Thì hôm nay bài kinh này hầu như từ đoạn đầu đến đoạn cuối có hàng chục thí dụ và qua hàng chục thí dụ này chúng ta cảm nhận như Đức Phật Ngài đã cố gắng lập đi lập lại, Ngài nhắn nhủ một cách ân cần, một cách rất là kiên trì. Tại vì sao? Tại vì những đứa con của Ngài nhiều khi không phải dễ dạy, nếu dễ dạy thì Đức Phật Ngài dạy một câu thôi, ở đây Đức Phật Ngài đưa ra nhiều thí dụ.

Thí dụ đầu tiên là Ngài nói rằng chúng ta hãy biến tâm của chúng ta trở thành đại địa, sự kham nhẫn nó khiến cho tâm của chúng ta như một đại địa, cuộc sống như một đại địa, đại địa ở đây như là trái đất này. Một người chúng ta cầm cuốc cầm xẻn và muốn làm sao cho đất không phải là đất nữa, thì thật sự chúng ta không làm được, chúng ta có đào có bới, có đại tiện, có tiểu tiện, có đi tới đi lui, làm việc này việc kia để biến đất không là đất nữa thì không làm được, tại vì đất quá lớn mà khả năng của một người quá nhỏ không thể nào biến đất không phải là đất nữa. Do đó chúng ta gọi đất là đại địa. Thì nếu mình tu tập thì mình nên chọn hạnh tu như đất, biến tâm tư của chúng ta rộng lớn. Một khi nó rộng lớn rồi thì chuyện nhỏ nó không phiền phức nữa. Chúng tôi lấy ví dụ là lâu lâu chúng ta đặt vấn đề là tại sao có những đứa nhỏ nó phá mà chúng ta bực mình và có những đứa nhỏ nó phá mà chúng ta không bực mình. Có nhiều khi chúng tôi để ý có những bà mẹ ông cha thương con quá, cái lòng thương đó vô cùng vô hạn mà đứa con nó phá nó chạy tới chạy lui mà thương con quá thì thấy nó quen, sự phá phách của một đứa nhỏ nó quá nhỏ không đủ để làm cho tâm tư ông cha tâm tư bà mẹ dấy lên ác cảm với đứa nhỏ. Tại vì sao? Tại vì thương quá nhiều, bao dung quá nhiều, tình thương rộng lớn qúa, và cái nghịch cái phá của đứa nhỏ không mảy may làm gì hết. Thì thật ra sống bằng tâm từ biến tâm mình thành đại địa thì chúng ta có khả năng để chịu đựng. Cái khả năng chịu đựng thật sự là vô bờ. Ở đây chúng ta nói nhẫn nại là sức mạnh của vạn năng. Nhưng phải nói rằng một khi tâm của chúng ta đủ sự kham nhẫn nó biến thành đại địa rồi thì khó có ai có thể làm cho chúng ta giận dữ được. Thì như vậy khi nào người khác làm chuyện gì mà chúng ta phiền lòng thì chúng ta đừng đặt vấn đề là họ đã làm gì mà khiến chúng ta phiền lòng mà hãy đặt vấn đề ngược lại là tâm của chúng ta có đủ rộng để bao dung họ hay không.

Thí dụ thứ hai là một người dùng sơn màu xanh, màu đỏ, màu trắng, màu vàng, hay màu gì để làm cho hư không không phải là hư không nữa, thì không ai có thể làm cho hư không biến màu hay biến sắc được, tại vì hư không là hư không thôi.

Và thí dụ khác mà cũng là tựa đề bài học của chúng ta ngày hôm nay là: Một người với bó cỏ khô và có thể nghĩ rằng mình sẽ đun sôi sông hằng. Bó cỏ khô đun sôi ấm nước nhỏ thì có thể được nhưng bó cỏ khô mà đun sôi nước sông Hằng thì không được.

Hay một thí dụ khác là một miếng da thuộc. Thật ra thì chúng tôi không hiểu là ở trong này có phải là một loại da mèo hay không nhưng trong bản sớ giải nói rằng ngày xưa họ có dùng một loại mèo rừng, da mèo rừng thì chúng tôi nghĩ là da cọp hay da con beo chứ con mèo thì ít thấy người ta dùng da. Một miếng da thuộc có nghĩa là da một con vật rồi người ta làm sao làm thành một cái túi, và không ai có thể dùng một cây gậy nhỏ mà làm cho miếng da không thành miếng da được. Tại vì sao? Tại vì khi người ta thuộc da thì cái da thuộc đó nó đã trải qua một thời kỳ phải căng, phải làm thế nào cho nó đủ chắc đủ bền, căng chắc bền thì quả thực nó ngoài sức của một người cầm cây gậy nhỏ mà làm nó hư hại được.

Thí dụ sau cùng Đức Phật Ngài thí dụ cái cưa. Thật ra thí dụ này là một thí dụ ảnh hưởng rất nhiều. Ở trong thí dụ này Đức Phật khẳng định một điều rằng nếu người ta có làm gì đến mình thậm chí như là người ta cưa tay, cưa chân mình, mà mình khởi lên tâm thù hận mấy người đó thì thật sự mình chưa thực hành đúng giáo pháp của Đức Phật. Thật ra bài học này khó nuốt, không đơn giản, là tại vì ngày nay chúng ta nói với khả năng tự vệ, ngày nay chúng ta nói khả năng là mình làm sao có thể chống trả lại, nhiều lúc mình thấy rằng sự giận dữ đối với những người khác có nhiều khi hợp tình hợp lý. Thật ra thì Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên biết khéo bảo vệ chính mình, thí dụ như là bảo vệ làm sao làm cho người khác đừng xúc phạm đến mình, nhưng nếu mình bị người khác xúc phạm đến mình thì mình không nên nuôi thù oán và nếu mình nuôi sân hận thù oán người đó thì mình chưa phải là người thực hành giáo pháp của Đức Phật. Điều này mang tính gọi là khẳng định. Chúng tôi nhớ có một số các tôn giáo khác là Hồi giáo hay Ky Tô giáo cũng vậy, khuyên nên thương yêu loài người nhưng nếu ai đụng đến thượng đế ai đụng đến giáo hội thì có thể giết chết người đó. Như là vị Thống đốc Salman Taseer của tỉnh bang Punjab của nước Pakistan bị chính người cận vệ của mình bắn chết tại vì ông tuyên bố rằng những đạo luật bạo vệ tôn giáo tại Pakistan không hợp tình hợp lý tôn trọng tự do người khác, người cận vệ của ông là người theo Hồi giáo cực đoan nói rằng ông đã xúc phạm đến tôn giáo nên bắn chết ông. Và ở đây thì chúng tôi cũng phải nói một điều là ở trong kinh điển Phật Giáo Đại Thừa có một đoạn như vầy là: "nếu một người vì bạo vệ pháp Đại Thừa mà giết đi người khác thì người đó vĩnh viễn không bị xa vào địa ngục." Thì chúng tôi cũng xin thưa rằng đoạn đó chỉ có trong kinh điển của Phật giáo Đại Thừa thôi, trong kinh điển Phật giáo Pali không bao giờ có chuyện đó, không bao giờ trong kinh điển Phật giáo Pali mà Đức Phật dạy rằng một người vì bảo vệ giáo pháp của Đức Phật hay là nhân danh bất cứ ai mà đoạn mạng giết chúng sanh khác, chuyện đó hoàn toàn không có trong kinh điển Pali.

Thật ra trong bài kinh ví dụ về cái cưa là một bài kinh khẳng định rất rõ ràng về giáo pháp của Đức Phật, nghĩa là ngày hôm nay bất cứ ai nhân danh gì đi nữa mà nuôi lòng oán hận nuôi lòng sân hận người khác thì người đó vẫn chưa thực hành đúng lời dạy của Đức Phật, đó là một lời khẳng định một cách tuyệt đối./.

-ooOoo-

Với phước báu mà con tạo nên hôm nay xin hồi hướng đến hương linh của mẹ là Thái Huê, cầu mong bà được thượng hưởng phước lành và chóng viên thành đạo quả.

Phật tử Thiện Pháp Nguyễn Văn Ḥa và Minh Hạnh