phapluan.net Trang Chính


Dụ Ngôn Ăn Thịt Con Ḿnh

TT Giác Đẳng giảng trong room Phật Pháp Buddhadhamma ngày 10- 2 -2011


Yểm ly các pháp

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng giảng: Trong kinh tạng chúng ta có 5 bộ kinh: Trường Bộ kinh, Trung Bộ kinh, Tương Ưng bộ kinh, Tăng Chi Bộ kinh, và Tiểu Bộ kinh. Thường những bộ kinh này mở đầu là những bài kinh đặc biệt quan trọng. Thí dụ Trường Bộ kinh thì có kinh Phạm Võng (Brahmajàla sutta) mở đầu. Trung Bộ kinh có bài kinh Căn Bản Pháp Môn mở đầu. Tương Ưng bộ kinh thì có bài kệ đặc biệt của Đức Phật trả lời cho Chư Thiên, bài kệ đó rất là thú vị. Mở đầu cho Tăng Chi Bộ kinh thì chúng ta nghe câu này "Tất cả chúng sanh tồn tại là do dưỡng tố hay là do vật thực." Và bài học ngày hôm nay chúng ta nói về dưỡng tố, về thức ăn, về nhiên lực, năng lực.

Đây là một bài học đặc biệt quan trọng với nhân sinh quan của người Phật tử, là bài kinh mà một người Phật tử muốn nghiên cứu về đề tài này không thể không biết tới vì qua bài kinh Đức Phật Ngài cho nhiều thí dụ rất rõ. Riêng về phần chi pháp thì có lẽ đây là một trong số rất hiếm bài kinh chúng ta tìm thấy nhiều chi pháp tương lập một cách rất chặc chẽ mật thiết giữa kinh tạng và tạng A Tỳ Đàm. Bài kinh mang một số từ vựng và khái niệm có tánh cách chuyên môn. Hôm nay chúng tôi muốn trình bày đề tài này qua một cách nói tương đối phổ thông để qúi Phật tử có thể nhận một phần nào sự gần gủi những ý nghĩa của bài kinh này với sinh hoạt trong cuộc sống và sự tu học hàng ngày của chúng ta.

Chữ Ahara thường dịch là thức ăn hay là thực phẩm hay là vật thực. Đúng ra thì có từ dịch thoát hơn nhưng có thể hiểu tương đối gần với chúng ta hơn đó là có thể dịch là dưỡng tố hay là chất dinh dưỡng. Mặc dầu chất dinh dưỡng mà chúng ta thường hiểu mang tánh cách là hữu cơ, mang tánh cách là vật chất, nhưng chữ dinh dưỡng ở đây trong cái nhìn của Phật Pháp thì dù là về vật chất hay về tâm nếu về chuyên môn là danh và sắc thì đều có dưỡng tố.

Mogolia

Một trong những khám phá lớn của thế kỷ vừa rồi và thế kỷ ngày hôm nay mà chúng ta áp dụng một cách triệt để đó là những lực về năng lượng-energy. Năng lượng này giúp cho máy được chạy, giúp cho cây được sống, giúp cho các vị tinh tú được vận hành và khiến cho vật chất được hiện hữu. Bởi vì trong sự hiểu biết của chúng ta ngày nay, chúng ta chưa có đi sâu vào thế giới của tâm do đó phần lớn chúng ta nói về năng lượng là nói về vật lý. Lấy ví dụ, ánh sáng mặt trời là một thứ năng lượng và nó cũng là một dưỡng tố cho con người cho cây cỏ, những điều này chúng ta chỉ mới biết từ ba bốn thế kỷ vừa qua thôi, hàng ngàn năm về trước chúng ta nghĩ ánh sáng mặt trời làm cho nóng cho lạnh nhưng không thấy nó là một thứ năng lực. Về sau này chúng ta nghĩ được ánh sáng mặt trời có một tác dụng nhất định đối với những loài cây cỏ. Thử tượng tượng một cây ở ngoài trời mà mình đem vào trong nhà không ánh sáng mặt trời vài ba ngày thì sẽ thấy màu của cây khác đi và sự tăng trưởng của cây khác đi, trừ một vài cây thực sự sống trong bóng mát. Về sau này người ta dùng được những solar panel-bảng thu năng lượng mặt trời để lấy ánh sáng mặt trời biến thành năng lượng gọi là Solar power hay là điện năng của mặt trời. Thì như vậy ở một thời gian nào đó chúng ta không thấy được ánh sáng của mặt trời là một thứ dưỡng tố một thứ năng lực thì chúng ta nên hiểu chữ Ahara trong nghĩa rộng nó là dưỡng tố là chất dinh dưỡng là năng lực và cũng có thể gọi là nguồn sống của rất nhiều thứ. Riêng về đạo Phật thì có một từ ngữ Sankhàra là pháp hữu vi hay là pháp hành, pháp hữu vi là pháp sanh lên do duyên và diệt cũng do duyên, hễ cái nào do duyên sanh khi duyên đó diệt thì nó phải diệt, "Chư pháp tùng duyên sinh. Diệt phục tùng duyên diệt." Nếu chúng ta hiểu một phần nào về ahara thì chúng ta hiểu khái niệm về hữu vi, về sự hiện hữu, về pháp hành đó là những cơ bản rất quan trọng trong đạo Phật.

Bây giờ chúng ta nói qua một khía cạnh khác và từ khía cạnh này chúng ta sẽ hiểu tại sao bài kinh này đặc biệt quan trọng không phải chỉ với người học pháp mà cả với người hành pháp. Có lẽ một thứ chúng ta thường thấy nhưng ít khi nhận ra nó làm cho chúng ta khổ như thế nào, đó là sự dính mắc.

Sự dính mắc là một bản chất tự nhiên của chúng ta, chẳng những chúng ta bị dính mắc vì chúng ta không coi nó là bị dính mắc mà chúng ta xem là được dính mắc và chúng ta muốn dính mắc. Không có cái gì đó cũng phải tìm ra cho có, có để dính mắc thì chúng ta mới hạnh phúc và sung sướng với sự dính mắc đó. Ví dụ như một thanh niên thiếu nữ lớn lên thì cần phải có người yêu, cần phải có con, có cái gì đó để dính vào đó thì mình mới thấy rằng mình có được, thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Hay một người sống trong cuộc đời bình thường này muốn có chức danh, muốn phải có chút địa vị mặc dầu đi vào trong đó thì "Gót danh lợi, bùn pha sắc xám" không biết bao nhiêu trao đảo thăng trầm, bao nhiêu là thị phi, đưa lưng mình ra cho người ta chửi nhưng vì muốn có cái gì đó. Chúng ta luôn luôn muốn có mà chẳng những muốn có mà muốn được dính mắc vào điều đó, nhưng cái muốn đó thật sự là cái khổ cho chúng ta.

Một thí dụ Đức Phật Ngài dạy, một người ở trong chùa quét dọn sân chùa lấy lá khô lá vàng đem đổ vào đống rác rồi đốt thì mình không buồn tại vì những vị tu sĩ sống trong chùa không bao giờ nghĩ rằng chuyện đó quan trọng, xá gì lá vàng, mà là lá vàng ở trong chùa mà người ta đốt. Nhưng nếu đó là một đống lá của mình, như ở nhà quê mình chặt lá dừa nước để lợp nhà mà ai lấy đi thì mình phiền. Hồi nhỏ chúng tôi nhớ rằng rơm ở miền quê không thiếu gì nhưng ví dụ như trâu bò của người ta vô ăn rơm của nhà mình thì mình cũng phiền, tại vì mình nghĩ rằng nó là của mình.

Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng sự truy cầu, sự chấp thủ, sự dính mắc là một cơ năng của đời sống, nó là một điểm tựa của đời sống, một chỗ bám của đời sống và then chốt của cái khổ nằm ngay chỗ đó. Chúng ta có cái tổng quan về thế giới này, chúng ta có một cái nhìn nhân sinh quan về cuộc đời này. Thí dụ như mình sanh ra là người Mông Cổ mà ai đụng chạm đến Mông Cổ thì mình phiền, mình là người Phật tử mà nghe nói con số Phật giáo ít hay Phật giáo bị này kia mình cũng buồn. Chúng ta luôn luôn có một số những liên hệ vô hình mà cái liên hệ vô hình đó nó trở thành một nhân sinh quan chủ đạo của đời sống của chúng ta và Đức Phật Ngài cho biết rằng tất cả những gì mà chúng ta chấp thủ vào thì vốn là một tổng hợp của những mảng rời của những mảnh vụn, mà nếu chúng ta nhìn thấy những mảnh vụn đó, nếu chúng ta thấy động cơ đằng sau nó thì chúng ta thấy nó khác đi.

Để học bài học này chúng tôi kể một câu chuyện tuy nó mang tánh cách hư cấu: Có một lần chúng tôi đi phi cơ và trên phi cơ trong lúc máy bay đang bay thì người ta mở một cuốn phim nói về một người ở hoàn cảnh tứ cố vô thân và được một vị đại ân nhân giúp đỡ, thì người này chẳng những cảm kích người đại ân nhân mà thật sự rất thương người đại ân nhân đó, xem vị đại ân nhân đó là tất cả những gì mình có trong cuộc đời thậm chí sẵn sàng chết cho vị đại ân nhân đó. Nhưng về sau này người đó khám phá ra một sự kiện là người đại ân nhân mà giúp đỡ mình chỉ là một người trung gian mà thôi, đàng sau người đại ân nhân là người mẹ ruột nhưng đã bỏ rơi mình và không muốn gặp mặt mình mà chỉ cho tiền để nhờ người đó giúp cho mình. Khi người này tìm biết được người đại ân nhân chỉ làm việc của một người trung gian và người đàng sau cho tiền mình là người mẹ ruột vì danh dự không muốn đứng ra nhận đứa con hoang của mình thì cả một bầu trời sụp đổ. Là bởi vì lâu nay vị này có hình ảnh rất đẹp, rất thần tượng rất vĩ đại về vị ân nhân của mình, nhưng sau này khám phá ra rằng đằng sau còn có một người khác nữa. Cái đằng sau là vấn đề mà chúng ta nghe về câu chuyện ngày hôm nay, những chuyện Đức Phật Ngài nói về đời sống; mặt nổi, mặt ngoài, cái lớp ở bên ngoài của đời sống thì không đơn giản chỉ có lớp ngoài mà thôi, đằng sau nó còn nhiều lớp nhiều manh nhiều mối nữa.

Chúng tôi nhớ hồi mới học về các software computer thì một software đầu tiên nổi tiếng nhất là Koloroo, software này chia tấm hình ra nhiều lớp mà chúng ta gọi là nhiều layer, và lúc đó chúng tôi rất là bực mình và nghĩ là tại sao phải làm nhiều lớp như vậy, nhưng càng học thì càng thấy lý do họ chia ra nhiều lớp, tại vì có rất nhiều trường hợp chúng ta phải gỡ lớp này gỡ lớp kia ra, cũng như giống như in hình ở trên thạch bản, chúng ta phải in qua nhiều thạch bản khác nhau để nó có nhiều màu sắc và nhiều màu sắc cho những chiều sâu của bức tranh mà in một bản thì không thể có được, và khi mà nó có nhiều lớp nhiều chiều sâu như vậy, cái này có rồi đằng sau là nhân khác, rồi đằng sau là nhân khác nữa, thì nó bắt buộc chúng ta có cảm giác khác, nhân sinh quan khác, chúng ta buông nó ra, chúng ta nhả nó ra, tại vì nó không phải là tất cả.

Một người nhận tiền cấp dưỡng của một vị đại ân nhân và cảm kích người đó vô cùng, thương người đó vô cùng, về sau này biết người đó chỉ là người trung gian mà thôi thì bầu trời sụp đổ như thế nào thì đời sống của chúng ta cũng vậy. Đời sống của chúng ta, tất cả những hiển hiện những biến hóa mà ở đây là một bài kinh Đức Phật dùng rất nhiều từ chuyên môn, những danh từ chuyên môn đó Ngài nói về ba ái, Ngài nói về ba cảm thọ, Ngài nói về danh sắc, Ngài nói về những thứ luân hồi, những thứ đó rất là chuyên môn, nhưng mà tất cả những thứ đó đều là những minh họa một cách rất chính xác về cái chúng ta gọi là hiện hữu của đời sống này.

Thì bây giờ câu chuyện chúng ta học là, nếu trong đời của chúng ta phải dính mắc về chuyện gì đó mà cái dính mắc hầu như là gông cùm, là xiềng xích, là điều không thể gỡ được thì chúng ta phải làm sao? Thì chúng ta phải đi tìm đến tận ngọn tận gốc để hiểu rõ vấn đề. Nó không phải là dễ dàng. Nó không phải là dễ dàng để chúng ta có thể xả ly, để có thể buông tay, để có thể buông bỏ, vì chúng ta đã sống trong đó quá lâu rồi. Cứ tưởng tượng một ví dụ đơn giản như vầy, chúng ta sanh ra là người Việt Nam, ăn món ăn Việt Nam, cơm là như vậy, canh là như vậy, đồ kho là như vậy, đã quen rồi, bây giờ 10 ngày không ăn thức ăn Việt Nam thì chúng ta thấy nhớ thức ăn Việt Nam như thế nào. Chúng ta chỉ nói một cách đơn giản thôi. Đó là việc ăn uống, chúng ta nói một cách đơn giản là ăn uống của người Việt Nam. Còn có nhiều thứ khác của đời sống, trăm muôn ngàn cái khía cạnh của đời sống mà chúng ta vướng vào đó rồi thì chúng ta nghĩ rằng nó là tất cả không thể khác hơn, mà hễ chúng ta nghĩ đó là tất cả không khác hơn thì không có cách gì chúng ta xả ly được, không có cái gì chúng ta buông được. Và chúng ta nhớ như vậy, một khi chúng ta đã chấp vào một thứ rồi thì cái khổ từ đó mà ra. Chúng ta cứ học bài kinh này, Đức Phật dạy rằng lá ở trong chùa người ta đem đốt mình không khổ là tại vì mình nghĩ nó không phải của ta, nhưng một khi mình nghĩ nó là của ta thì có vấn đề. Trong bao nhiêu thứ trong cuộc đời này mà chúng ta gọi đây là ta, đây là của ta, đây là tự ngã của ta, vô số, hình như trong từng nhịp thở của mình, đây là cảm giác vui của mình, đây là cảm giác buồn của mình, cảm giác vui nó quan trọng, cảm giác buồn nó quan trọng, đây là người thân của ta, đây là tài sản của ta, đây là thế giới của chúng ta, đây là v.v... Cái đây là tôi, đây là của tôi, đây là tự ngã của tôi, nó là một thái độ mà chắc chắn chúng ta không bao giờ có thể vượt qua, vượt qua khỏi ba cái chấp thủ đó. Ngày hôm nay chúng ta thử nghe bài kinh này, chúng ta nghe để chúng ta hiểu được thế giới này ở trong cái nhìn của Đức Phật và qua đó Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta rằng hiểu được cái đó thì chúng ta hiểu được cái gì đằng sau nó và chúng ta sẽ có một thái độ thù ứng với nó, nhưng trước khi chúng ta nói rộng thêm về điểm này thì chúng ta hãy đi qua những chi phần.

Ở đây thì đoàn thực là pháp đầu tiên.

Đoàn thực ở đây chỉ cho những thức ăn hàng ngày trong đời sống của chúng ta giống như cơm canh cháo hủ tíu v.v... tất cả những gì mà chúng ta ăn để nuôi mạng thì chúng ta gọi là đoàn thực, thì đoàn thực đó nuôi dưỡng sự sống của thân. Và thưa qúi vị, ăn, thưởng thức ăn, đam mê ăn, sống không thể không ăn, đó là một phần lớn trong đời sống của chúng ta. Làm thế nào chúng ta thấy được sự chi phối của nó, thấy được sự dính mắc của nó. Không phải là dễ dàng. Từ cái ăn thì thay vì chúng ta thấy nó là một gánh nặng thì chúng ta thấy nó không là gánh nặng. Ngày xưa thời chúng tôi sống ở VN sau 1975 có một người đã từng nói một câu rằng "ở trong cuộc sống mà không phải chạy gạo từng bữa là một hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời" lúc đó gạo châu củi quế, lúc đó quả thật là miếng ăn là quan trọng nhất, có cái miệng và có bao tử khổ quá, người ta nắm bao tử là người ta nắm được vận mệnh của mình, người ta nắm bao tử là người ta dễ sai xử mình, và ăn giống như là chúng ta đổ xuống hố xâu vậy, đổ hoài nó không đầy, cả cuộc đời đi làm chỉ nghĩ đến ba bữa ăn cho mình cho những người thân trong gia đình, mệt mỏi quá, nhưng dầu vậy đôi khi chúng ta không thấy thèm ăn hay chúng ta ăn không ngon là có vấn đề, như vậy chúng ta không có thấy ăn là vấn đề mà chúng ta thấy ăn là một hưởng thụ và hơn thế nữa là chúng ta chắp chặc vào thế giới hưởng thụ đó, làm sao mà bữa ăn đó nếu chúng ta có tiền trình bày cho đẹp, mình nấu ăn mình phải để hành để ngò cho tô canh thấy đẹp, kho cá phải làm sao màu cho đẹp. Và thỉnh thoảng ở trong những bữa ăn chúng ta lại ghiền cái âm thanh, hồi nhỏ chúng tôi nhớ là một âm thanh từ thức ăn mà làm chúng tôi thích đó là âm thanh của mỗi lần bà ngoại chúng tôi nướng bánh tráng hay thân mẫu chúng tôi nướng bánh tráng, bánh phồng bánh tráng khi đưa lên lửa nó có âm thanh đặc biệt rất dễ thương, và thật sự nó cũng là thứ dính mắc. Mùi của thực phẩm thì khỏi nói. Vị của thực phẩm là điểm chính. Cái xúc chạm đôi lúc cũng là một vấn đề lớn. Chúng tôi lấy ví dụ là có những thức ăn chúng ta cảm nhận được cái mềm, cái cứng, cái dòn của thực phẩm, khi chúng ta cảm được cái mềm, cái cứng, cái dòn, cái dai của nó, tất cả những cái đó thuộc về cảnh xúc không thuộc về cảnh vị. Cảnh vị là, lạnh đắng cay chua ngọt v.v... và vì vậy Đức Phật Ngài dạy ở tại đây là, ai hiểu đoàn thực thì người đó hiểu năm dục trưởng dưỡng. Năm dục trưởng dưỡng gồm, sắc thinh khí vị xúc, cái gì mình thấy, cái gì mình nghe, cái gì mình ngửi, cái gì mình nếm, cái gì mình đụng, nói một cách khác là đối tượng của nhãn thức, thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, của xúc giác và bên cạnh đó nó chi phối lớn đời sống của chúng ta. Chúng ta cần có cái gì đẹp để thấy, có cái gì hay để nghe, có cái gì thơm để ngửi, có cái gì ngon để nếm, có cái gì êm ái để đụng chạm, và những thứ đó nó trở thành tạo nên một trạng thái mà chúng ta gọi là hưởng thụ cuộc sống, nhưng giữa cái hưởng thụ và cái giá phải trả cho sự hưởng thụ, cái khổ của sự có đó chúng ta không biết cân như thế nào.

Thì ở đây Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta một thí dụ, thí dụ này xem ra là một thí dụ tương đối rất nghiêm khắc, chúng tôi nói rất nghiêm khắc tại vì nó không đơn giản, bây giờ chúng ta cứ thử tưởng tượng là Đức Phật Ngài dạy một người tu tập làm thế nào hàng ngày khi vào bữa ăn một vị tỳ kheo tâm niệm; ăn không phải để vui chơi, ăn không phải để tham đắm, ăn không phải để trang sức, ăn không phải để béo tốt, chúng ta có bao giờ vượt ra ngoài khỏi bốn ý niệm mà Đức Phật dạy, khó lắm, thấy như vậy nhưng không phải là dễ, dĩ nhiên là có những bữa ăn qua loa của chúng ta, nhưng để chúng ta tâm niệm như thế nào một bữa ăn hoàn toàn không có bốn ý niệm đó thật sự là khó, nó không có cái này thì cũng có cái kia. Không phải ăn để vui chơi, thí dụ bữa nay buồn quá kiếm cái gì ăn, gọi là ăn để vui chơi, ăn để đỡ buồn miệng. Rồi ăn để tham đắm, ăn cái gì đó cảm thấy rằng mình tận hưởng tận cùng cái hương vị của đời sống, có ăn để trang sức, ăn để làm cho đẹp da, ăn để cho đẹp mặt, ăn để béo tốt như bodybuilder như những người ăn sao cho cơ thể lớn mạnh.

Thì thật ra những tham đắm dính mắc đó muốn vượt qua không phải là dễ mà nó trở thành một nỗi ám ảnh ngự trị lớn trong lòng chúng ta và bấy giờ thì Đức Phật Ngài dùng một hình ảnh mà chúng tôi tạm gọi rất là nghiêm khắc về điểm này với chính mình. Ngài đưa hình ảnh hai vợ chồng có một đứa con băng qua một chốn hoang vu, và bây giờ để sống sót thì hoặc là chết cả ba, bây giờ giết con. Chúng tôi nghĩ rằng đôi khi câu chuyện đó chúng ta nuốt không nổi thì chúng ta nói như vầy; có những người ngày xưa đi ngựa lạc trong chỗ hoang vu bị đói mà họ nhờ vào con ngựa nhưng phải giết con ngựa để mà sống nếu không giết con ngựa thì không có gì ăn, con ngựa là phương tiện là người bạn đồng hành của mình mà mình phải giết nó. Còn hơn thế nữa, chúng tôi kể cho qúi vị nghe câu chuyện này không phải là một dụ ngôn mà là một câu chuyện thật 100%. Cách đây mấy năm chúng tôi lúc đó có lời mời của luật sư Trịnh Hội sang Philippines thăm viếng đồng bào VN còn kẹt ở Philippines, một câu chuyện chúng tôi nghe mà cho đến ngày hôm nay nghĩ đến chúng tôi vẫn còn cảm thấy đau lòng là, ở trong số người VN đi tị nạn sang Philippines thì có hai người không thể đi định cư được vì lý do họ bị bịnh tâm thần, không có một quốc gia nào trên thế giới chịu chấp nhận một người di dân vào nước họ mà mang bịnh tâm thần, thật ra những người tâm thần này không phải là những người bị bịnh tâm thần nặng, họ chỉ không còn lý tính bình thường của mình thôi. Người mà chúng tôi đang nói với qúi vị nghe đó là một người đi trên một chiếc tàu và sau 27 ngày lênh đênh trên biển thì tấp vào trong một hòn đảo san hô, đảo đó ngày nay gọi là Trường Sa, là đảo san hô nên khi tấp vào trong đó thì thuyền bị vỡ, người ta gom góp chút gì còn lại để lên đảo và ở trên đảo thì không có gì để ăn, rồi người ta làm gì? người ta uống nước thì bằng sương, buổi tối sương xuống thì họ lấy tất cả quần áo cũ để lên trên hứng sương rồi vắt những quần áo cũ để lấy nước uống cầm hơi qua ngày, nhưng không có thức ăn thì làm sao? thì người ta phải ăn xác chết, ăn xác chết chỉ là ở trên tàu có bao nhiêu người mà người nào vừa tắt thở gọi là chết thì họ xẻ thịt người đó để ăn, không có nấu nướng mà ăn sống, điều đó cũng có nghĩa là nếu mình ở trên tàu mà có một người thân của mình chết, người thân của mình chết mình đã cực kỳ đau khổ rồi ở trong cơn khủng hoảng tinh thần đó mà phải ăn chính thịt của người thân mình. Và thưa qúi vị có những đứa bé chịu không nổi nên chết, người ta đem làm thịt, không có chỗ nào kín đáo để làm nên đã làm ngay trước mặt mọi người, xẻ thịt ra rồi ăn thịt và cha mẹ của đứa bé cũng phải ăn thịt của đứa bé. Ở đây chúng tôi không nói là họ giết đứa bé mà hễ người chết thì họ làm thịt ăn. Sau nhiều ngày như vậy thì cuối cùng một chiếc tàu dầu của người Nhật đi ngang cứu họ, sau khi lên bờ thì năm người trong số những người đó đã bị bịnh tâm thần và ba người hồi phục còn hai người không hồi phục, họ mãi mãi sống trong cơn ác mộng, ác mộng của cuộc đời. Khi chúng ta nghe câu chuyện một người ở trong cảnh thập tử nhất sanh đi tìm sự sống đi tìm tự do mà họ phải tấp vào một hoang đảo không có gì ăn phải ăn thịt của con mình thì lúc đó chúng ta thấy nó không ngon lành gì hết, có ai trong chúng ta nghĩ chuyện cha mẹ thấy đứa con vừa chết của mình bây giờ bị người khác lấy dao xẻ thịt ra rồi chia cho ăn giống như là kên kên diều hâu, có bao giờ chúng ta nghĩ chuyện đó ngon không?

Đức Phật không phải là một người cực đoan nhưng Ngài đặt để một thí dụ tận cùng để cho chúng ta thấy rằng nếu chúng ta hiểu rõ thì cái mà chúng ta gọi là hưởng thụ nó là một chuyện sai lầm, tại vì sự hưởng thụ đó nói cho cùng nó chỉ là một chuyện bất đắc dĩ chẳng đặng đừng không còn cách nào khác. Về đời sống cũng vậy, thì khi nói về đoàn thực Đức Phật Ngài dạy rằng ai hiểu được đoàn thực thì người đó hiểu được năm dục trưởng dưỡng, năm dục trưởng dưỡng là: sắc, thinh, khí, vị, xúc. Thật ra ở trong chuyện ăn uống của chúng ta nó gói gém những thứ dục đó và do vậy về điểm này Đức Phật Ngài cho thấy rằng chúng ta không phải dễ dàng để ăn một bữa ăn nhất là mình đang đói ăn rất ngon mà mình có thể ngồi đó mà quán tưởng mình ăn như vầy không phải là để vui chơi, không phải là để tham đắm, không phải là để trang sức, không phải cho béo tốt, mình ăn là bởi vì bắt buộc phải ăn mà thôi, không ăn thì chết, không ăn thì khổ, không ăn thì bịnh, thành ra phải ăn mà thôi.

Thức ăn thứ hai là dưỡng tố thứ hai mà Đức Phật Ngài dạy ở đây là xúc thực.

Chữ xúc là gặp gỡ khi chúng ta nói là tiếp xúc, nhưng chữ xúc ở trong kinh điển mà chúng ta hiểu thì chúng ta nên biết rằng chữ xúc là gặp gỡ giữa căn cảnh và thức, mắt thấy cảnh sắc thì nhãn thức sanh khởi, cái đó gọi là xúc. Chúng ta có sáu giác quan, mắt tai mũi lưỡi thân ý, do có sáu giác quan nên chúng ta phải thấy, phải nghe, phải ngửi, phải nếm, phải xúc chạm và phải suy nghĩ. Do thấy nghe ngửi nếm đụng thì có không biết bao nhiêu là vấn đề, không biết bao nhiêu là chuyện. Ngày hôm qua chúng tôi gặp một Phật tử, vị này khóc nói với chúng tôi rằng "mấy ngày đầu năm buồn quá không đi chùa, không muốn kể Sư nghe chuyện đầu năm nó buồn nhưng phải kể Sư nghe là năm qua là năm tuổi gặp đủ thứ chuyện, lúc tự nhiên chồng có chuyện buồn, con cũng có chuyện buồn, chuyện công ăn việc làm cũng có chuyện buồn, chuyện bạn bè cũng có buồn, buồn quá chỉ biết khóc chứ không biết làm gì." Thì khi chúng tôi nghe vị đó kể câu chuyện thì chợt nhớ một điều là tất cả những thứ đó đều là cái có của chúng ta, là cái mà chúng ta truy cầu, cái mà chúng ta mong muốn. Thí dụ như là hôn nhân, là con cái, là bạn bè, là công ăn việc làm, là chức vụ trong cộng đồng, nhưng một lúc nào đó những thứ đó phản chúng ta, không cho chúng ta vị ngọt mà lại cho chúng ta những phiền lụy mà hễ nhiều phiền lụy đến một lúc thì chúng ta khùng lên được, chúng ta điên lên được. Bây giờ qúi vị tưởng tượng là nếu mắt của chúng ta bị mù thì chúng ta buồn lắm, con mắt cho chúng ta rất nhiều thứ trong cuộc sống hàng ngày như đọc sách trên internet, đi đó đi đây, đi ngắm cảnh núi rừng, lái xe v.v... tất cả đều do con mắt. Nếu tai của chúng ta không có thì chúng ta có vấn đề, chúng ta không nghe nhạc được, không nghe người khác nói được, không truyền thông truyền đạt với người khác một cách bình thường được. Mũi cũng vậy, lưỡi cũng vậy, thân cũng vậy, ý cũng vậy. Những thứ đó chúng ta đều có, mà khi có giác quan thì bắt buộc chúng ta phải đi truy cầu những thứ để thoải mãn giác quan đó, nó không nằm yên tại đó. Có bao giờ trong đời sống con người mà có chuyện hôn nhân, có vợ có chồng, có con có cái, có danh vọng, có địa vị, có tài sản, có công ăn việc làm mà tất cả những thứ nằm yên đó, không có, những thứ đó luôn luôn có biến động, những thứ đó luôn luôn dở chứng, những thứ đó luôn luôn cho chúng ta những thứ phiền phức. Rất đơn giản, ở trong cuộc đời mình có cái gì thì mình khổ cái đó. Có nhiều khi Phật tử nào đi ngang chùa nói, "Sư qua Mỹ có cái chùa tốt quá, chùa lớn, chùa đẹp quá chùa thế này chùa thế kia". Nhưng kỳ thật, chúng tôi xin nói thẳng với qúi vị là cũng may là cái chùa không lớn, chùa càng lớn thì càng khổ. Chúng tôi ở Houston nghe nói có một ngôi chùa một tháng chi tiêu trong chùa gần 30,000, nếu mà chùa đó vì lý do thời tiết hoặc lý do gì một tuần lễ hai tuần lễ không đi tụng kinh thì thật sự là phiền phức rồi đó, tại vì sao, tại vì những thứ đó nó đều có cái đòi hỏi của nó. Thành ra Đức Phật Ngài đưa ra thí dụ rất thú vị, một con bò bị ghẻ lở, khi con bò bị ghẻ lở thì da nó không đủ bảo vệ cho nó, đụng vào đâu thì chỗ đó đều bị cắn, dù nó dựa vào tường, dù nó đi trên đường những côn trùng bu theo cắn, hay nó đi xuống nước hay nó dựa vào đâu cũng bị cắn, tại vì sao, tại vì nó có vết thương ở trên người và vết thương đó không được băng bó và vết thương đó trở thành một cái bia bắn, trở thành một chỗ để cho những côn trùng những sinh vật khác vào cắn làm cho nó đau. Thì thật ra đến một lúc nào đó hành giả tu tập hành giả sẽ thấy rằng mình không phải đi tìm những cái để thoả mãn cho mắt mà chính mắt là một vết thương, mình không phải đi tìm cái gì để thoả mãn cho tai, mà tai là một vết thương. Chúng ta thường rất thích thú vì có được những giác quan đó, nhưng chúng ta không hiểu rằng chính những giác quan đó nó đòi hỏi chúng ta nó gây cho chúng ta rất nhiều phiền phức. Thường thường chúng ta sống bất an, tại sao chúng ta sống bất an, là bởi vì nó có nhiều thứ tai bay họa gởi, nó không có cái này thì cũng có cái kia, có cái nọ. Trong đời sống của mình có khi nào mình được an toàn hoàn toàn không có chuyện gì chi phối cả không? Không có. Nhưng những thứ gọi là chi phối những thứ đi vào đời sống của mình, những thứ làm phiền phức cho mình là do những thứ mình có, tất cả tại những thứ mình có mà ra, nếu không có những thứ đó thì không có phiền nên ở đây Đức Phật Ngài dạy rằng: một người có hiểu biết thì sẽ thấy rằng sáu căn nếu chúng ta nhìn cho kỹ và hiểu biết rõ thì sáu căn đó giống như con bò bị sáu vết ghẻ lở và trong da không bảo vệ được thì sáu vết ghẻ lở đó là nhược điểm cho người ta bắn vào, nhược điểm cho hoàn cảnh chi phối và làm cho chúng ta khổ.
Trong bài kinh này Đức Phật dạy rằng: ai hiểu biết xúc thực thì hiểu biết ba cảm thọ. Điểm này quan trọng. Ba cảm thọ là: thọ hỉ, thọ lạc, thọ xả. Là cái chúng ta vui, cái không vui và cái thản nhiên (tạm nói là như vậy - chúng ta định nghĩa thọ là như vậy.) Cái chuyện mà vui, không vui, thản nhiên, ba thứ đó nó xoay chúng ta như chong chóng, đời sống chúng ta ngày nào cũng đi tìm niềm vui và ngày nào chúng ta cũng tránh né chuyện không vui, nghe gì không vui thì tránh né. Chúng tôi quen một người mà người này có chuyện rất lạ là mỗi lần nói chuyện thì tìm cái gì không vui để mà nói, nói về đời sống người này không vui, nào là phiền phức người này, nào là trách móc người kia, chuyện này chuyện kia mà ngay cả lúc tinh thần mình bình thường mà nghe người đó nói thì mình cũng cảm thấy là phiền nữa. Thì lúc đó chúng tôi mới suy nghĩ vấn đề không nằm ở người đó mà nằm ở mình, tại vì mình đặt quá nhiều vấn đề là phải nghe những chuyện vui mà không nghe những chuyện buồn. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng thọ xả không quan trọng, thọ xả rất là quan trọng, cái không vui không buồn nó quan trọng. Ngày hôm nay không phải là ngày chúng ta nói về thọ. Nhưng Đức Phật nói rằng ai hiểu xúc thực thì hiểu ba cảm thọ, tại vì nhãn xúc sẽ sanh thọ, nhĩ xúc sẽ sanh thọ, cảm thọ đến từ sáu giác quan. Quí vị nhớ rằng lục nhập duyên cho xúc và xúc duyên cho thọ, sáu giác quan phải hiểu, chúng ta hiểu được sáu giác quan thì chúng ta hiểu được ba cảm thọ. Bây giờ nói như vầy: nếu sáu giác quan bị chi phối bị động giống như con bò bị ghẻ bị côn trùng cắn vào thì có nên nói rằng các cảm thọ là của ta, là tự ngã của ta, là ta, là tự ngã của ta không? hay là mình muốn thọ như thế này hay muốn thọ như thế kia được không? không được, tại vì chuyện đó mình không làm chủ được. Thỉnh thoảng chúng ta nghe những câu chuyện một nàng dâu về nhà chồng, bà mẹ chồng thì khó mà em chồng thì đông năm bảy người, không ngày nào người phụ nữ trẻ đó làm chủ được không khí vui buồn trong gia đình, tại vì đời sống không thuộc về người phụ nữ này, đời sống bị chi phối bởi chồng, bởi cha mẹ chồng, bởi người em chồng. Thì cũng vậy, ở tại đây khi chúng ta nói là xúc sanh thọ thì rõ ràng cái chúng ta thấy, cái chúng ta nghe, cái chúng ta nếm, cái chúng ta đụng đâu phải là do chúng ta làm chủ, và nếu không do chúng ta làm chủ thì không nên nói rằng các cảm thọ do chúng ta làm chủ, người nào đinh ninh rằng cảm thọ do chúng ta làm chủ thì thật sự rất ngây thơ về điều đó, thọ không do chúng ta làm chủ, chúng ta không thể biểu nó như thế này biểu như thế khác thì không nên đặt cái cảm thọ quá lớn thành vấn đề, và chúng tôi hiểu cảm thọ là một sự thụ động, ai trong chúng ta cũng sung sướng nói rằng; mình có thể tạo niềm vui cho mình, mình chủ động niềm vui cho mình nhưng nếu chúng ta rõ xúc thực này thì chúng ta không nói ngây thơ như vậy, là bởi vì chúng ta không làm chủ được cảm thọ đó. Cụ Nguyễn Du nói như vầy "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng", nhưng nếu chúng ta sống trong thời loạn lạc, trong buổi giao thời, trong cảnh nhân tâm ly tán, ở trong lúc xã hội nhiễu nhương thì liệu rằng chúng ta có thể kiểm soát cái gì chúng ta nghe, cái gì chúng ta thấy, cái gì chúng ta ngửi, cái gì chúng ta nếm, cái gì chúng ta xúc chạm, không có. Thì nếu sáu giác quan mà chúng ta không kiểm soát được thì lấy gì chúng ta kiểm soát cảm thọ, và nếu cảm thọ không kiểm soát được thì làm sao chúng ta gọi đó là ta, là của ta được, thành ra Đức Phật dạy rằng ai hiểu biết xúc thực thì hiểu biết được ba cảm thọ.

Chi pháp thứ ba Đức Phật dạy ở đây là tư niệm thực.

Chữ tư niệm thực là câu chuyện lớn ở trong Phật Pháp. Chữ tư niệm ở trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Pitaka) là tư tâm sở thuộc tánh tư, chữ tư ở đây là chủ trương hay là chủ tâm tạo tác, giống như một người giám đốc điều hành hay một vị director của một công ty và người đó là người quyết định cái gì làm hay cái gì không nên làm, người đó chịu trách nhiệm về hưng vong về thịnh suy cho công ty cho tổ chức đó. Nói một cách khác là Đức Phật Ngài nói rõ "Cetanāham. bhikkhave kammam. vadāmi - Như Lai nói rằng chính tư niệm là nghiệp." Những cái gì chúng ta làm trong đời sống hàng ngày ví dụ như là thiện, là ác, không thiện, không ác, hay là những chuyện xấu tốt v.v... tất cả những việc đó đều đến từ tư niệm, tư niệm đó chủ chương tạo tác.

Cái gì là nghiệp? Nghiệp tạo ra thế giới này, một câu chuyện lớn, một năng lực lớn, năng lực quan trọng, tuy rằng nghiệp là một cái gì rất lớn lao nhưng cái hiểu của chúng ta về nghiệp hết sức mơ hồ, chúng ta hiểu mơ hồ lắm. Ví dụ như ngày tết, tết năm nay có người nói với chúng tôi rằng chúng tôi tuổi con mèo và năm nay là năm con mèo là năm tuổi như vậy năm nay sui. Niềm tin đó không phải là ít, niềm tin đó phổ thông. Như vậy thì chúng ta nói như vầy là cái vui hay cái khổ của chúng ta do năm sanh của mình, chúng ta gọi là số mệnh. Rồi đầu năm mình đi đâu đó gặp người cho mình cái gì rất là hên, ví dụ như năm nay có một Phật tử gửi cho chúng tôi một ít tiền lì xì và nói rằng "tiền lì xì đó là có ba con số 9 như vậy rất là may mắn Sư ráng giữ số tiền đó" thì thưa qúi vị, chúng ta đặt niềm tin ở những con số. Chúng tôi nhắc một số những thí dụ đại khái trong đời sống như vậy để qúi Phật tử thấy rằng những niềm tin đó có vô số trong đời sống của chúng ta, và như vậy là chúng ta ít có nhìn giáo lý nghiệp báo một cách nghiêm túc. Một ví dụ khác, bây giờ là rằm tháng Giêng qúi vị thấy ở các chùa VN Phật tử đến cúng sao nhiều lắm, chúng ta tin vào số mệnh, chúng ta tin vào đời sống vận hạn bị chi phối bởi một số vì sao, như sao la hầu, sao thái bạch v.v....một số sao gì đó mình nghĩ như vậy. Thì như vậy rõ ràng là chúng ta nói nhiều về nghiệp nhưng lại rất là mơ hồ về nghiệp, rất rất mơ hồ về nghiệp, nó mơ hồ đến đỗi không đủ lấn át, không đủ đánh bạc một số niềm tin vớ vẩn khác của chúng ta, chúng ta phải thành thật mà thừa nhận về điểm này, ngay cả trong cộng đồng Phật tử, ngay cả người Phật tử ở dưới mái chùa. Thì ở đây khi Đức Phật Ngài nói về tư niệm thực là nói về chủ chương tạo tác hay chủ tâm hay chủ ý để tạo, mà chủ ý đó là cái manh nha, cái hạt giống, cái chính là nghiệp, nghiệp nó nằm sau hết. Thì như vậy con người của chúng ta luôn luôn có ý kiến, ý kiến đó là mình làm những quyết định, làm những sự lựa chọn kể cả thái độ không lựa chọn nó cũng là một sự lựa chọn nhưng mà sự lựa chọn ý định chủ tâm đó nó được thể hiện qua hành động, hành động của thân, lời nói của khẩu, suy nghĩ của ý, và nó biến hiện ra vô số thứ khác.

Chúng ta có thể hiểu như vầy, ở bên Mỹ có trường như là Community College hay những trường Continuing Education Center, những trường này dạy những ngành để vui như chụp hình, vẽ tranh hay làm đồ gốm. Nhiều khi ai muốn làm cái tách hay làm cái gì đó thì có thể đi học một khóa người ta dạy và vật liệu thì có sẵn, họ dạy xong ở đó có lò hấp, chúng ta có thể làm một cái tách uống nước theo ý của mình muốn đem về nhà. Vấn đề của chúng ta là ở đây, nếu chúng ta là một người có tay nghề gọi là tay mơ thì chúng ta không thể làm ra một sản phẩm tinh xảo và không có một sản phẩm tinh xảo nào mà tạo ra bởi bàn tay thợ vụng về hết. Thì chúng ta thử đặt câu hỏi trong đời sống hàng ngày của chúng ta là những cái nghiệp mà chúng ta đang tạo nó có được tốt, có được tinh xảo, có được đạt đến chỗ đáng tán thán không hay đó là sự vụng về. Và nếu sự tạo tác của chúng ta là cái gì rất vụng về thì làm sao sản phẩm của nó và kết quả của nó tốt được. Tâm tạo nghiệp của chúng ta trong đời sống thật ra ít có khi được tốt lắm.

Chúng tôi sống trong chùa có những lần đi xa chúng tôi nghĩ tới một chuyện như vầy là mình muốn bày thì mình có thể bày ra rất nhiều nhưng khi mình làm chuyện đó bằng tâm hoàn toàn hoan hỉ, bằng tâm hoàn toàn trong sạch, bằng tâm rất là khắn khích thì chuyện đó không phải là chuyện dễ, khó lắm, rất là khó. Đó là lý do tại sao chúng ta cần đến chùa chiền, tại sao chúng ta cần đến nhiều thứ. Mỗi lần chúng tôi đi về các quốc gia như Miến Điện, Thái Lan chúng tôi đặc biệt rất là thích đi với HT Chơn Trí tại vì giữa chúng tôi và HT Chơn Trí có nhiều điều hạp với nhau đó là ngày nào về đó chúng tôi thích tổ chức đi để bát cho chư tăng vào buổi sáng mà mấy xứ đó thì để bát rất là vui rất là hoan hỉ tại vì mình dễ dàng để đi mua thức ăn mình đặt người ta nấu nhất là ở Thái Lan, ở Thái Lan buổi sáng mà cúng dường cho mấy ngàn vị sư cũng có đủ thức ăn, người Thái họ chuẩn bị thực phẩm rất đầy đủ; có cơm, có thức ăn, có đồ ngọt, rồi thêm có cánh hoa sen, rồi có nhang, có đèn, đầy đủ hết mà mình mua từng phần, thí dụ một phần là 20 hay 25 baht. Buổi sáng học sinh ra đường họ cũng có thể lấy tiền ăn để mua và để bát chư tăng. Chúng tôi và HT Chơn Trí và một số Phật tử buổi sáng ra ngoài chỗ nào đó thường là ông tài xế biết nơi đó, điều làm chúng tôi vui nhất đó là buổi sáng từ những con đường chư tăng đi ra hình ảnh chư tăng bưng bát đi buổi sáng rất đẹp rất ấn tượng. Khi mua thực phẩm cúng dường thì hoàn toàn không phân biệt vị này nhỏ hạ, vị kia lớn hạ, vị này quen hay không quen, tất cả đều xa lạ hết nhưng mình chỉ nghĩ đến một điều rằng ngày hôm đó chư tăng đi khất thực thì Phật Pháp còn tồn tại trên thế gian này. Hình ảnh ngày xưa Đức Phật còn để lại và hiện tại bây giờ mình được cúng dường chư tăng, cúng dường cho tứ phương tăng không phân biệt. Thường thường chúng tôi hay về bên đó vào cuối năm trời đẹp buổi sáng mát mẻ ra để bát và chúng tôi hiểu đó là những giờ phút hạnh phút trong cuộc đời tại vì tâm của mình không lo lắng không nghĩ ngợi, đâu có chuyện gì mà lo lắng, người cúng dường không đòi hỏi gì ở người thọ nhận, mà người thọ nhận cũng không cần làm gì hết, chư tăng đi khất thực thì khất thực nhẹ nhàng, đi vào làng một cách trang nghiêm với bình bát trên tay và ai muốn cúng gì thì đặt vào trong bình bát rồi đi về. Chuyện đó hoàn toàn khác với chuyện mình tổ chức lễ lộc trai tăng như là thù tạc, thật ra những lúc đi để bát chư tăng về chúng tôi rất vui.

Trong cuộc đời, tâm của chúng ta làm việc gì mà khi mình làm việc đó đạt đến chỗ hoan hỉ chỗ nhẹ nhàng gọi là khinh an, trong sạch mà không có phiền não thì chuyện đó khó, tâm thái như thế nào, tánh chất của tâm như thế nào thì làm ra sản phẩm tương tựa như vậy. Tay nghề của chúng ta không khéo thì làm sao tạo ra sản phẩm tốt được, không bao giờ tạo ra sản phẩm rất tốt với tay nghề bình thường. Chúng tôi lấy ví dụ như là một công ty xoàn xoàn thì chỉ có thể làm những sản phẩm thường thôi, nhưng những sản phẩm tốt nhất phải đến từ những công ty lớn những công ty về trình độ kỹ thuật rất là cao.

Do vậy khi chúng ta hiểu chuyện này thì chúng ta rất sợ luân hồi, tại vì trong đời sống của chúng ta đa số những gì chúng ta làm, những gì chúng ta tạo tác đều đến từ tâm không có thiện xảo không có khéo, và hiếm khi chúng ta làm được gì với tâm khéo, và nếu tâm không khéo thì thật ra Đức Phật Ngài dạy rằng người mà sa đoạ, người đi vào cảnh khổ nhiều hơn tỷ lệ so với người tạo thiện nghiệp, người tạo thiện nghiệp rất ít. Khi mà hiểu được điều này thì chúng ta mới sợ luân hồi, chúng ta đam mê luân hồi là tại vì chúng ta chưa biết sự sơ xảy của luân hồi, người ta nói là 5 ăn 5 thua nhưng thật ra ở trong 100 lần thì 99 lần thua chỉ một lần là ăn thôi. Bởi vậy người hiểu luân hồi ở đây thì hiểu được thí dụ Đức Phật Ngài dạy: "này các tỳ kheo ví như một hố than hừng sâu hơn một thân người chứa đầy than cháy đỏ rực hừng cháy không có khói, rồi một người muốn sống không muốn chết, muốn lạc chán ghét khổ bị hai người lực sĩ đến nắm chặc hai cánh tay người đó kéo xuống than hừng," thì Đức Phật hỏi rằng người đó có cố gắng vùng vẫy cố gắng để muốn vượt thoái không? dĩ nhiên phải cố gắng, tại vì sợ quá. Những người thích luân hồi là tại vì họ không hiểu được cơ nguy phần trăm của sự luân hồi tốt thì phần trăm đó ít mà phần trăm xấu thì rất là nhiều. Đôi khi chúng ta phải nhìn nhận rằng khi quán tưởng về sự luân hồi cũng mong rằng mình sớm giải thoát chuyện nào thì được chuyện đó vì có biết bao nhiêu chuyện phiền phức, không biết bao nhiêu chuyện đau khổ trong đời sống này. Chúng tôi lấy một thí dụ là một người thiếu kinh nghiệm thiếu khả năng bảo vệ mà đi vào một nơi nguy hiểm, đi vào trong đó không có tiền không có sự hiểu biết thì sự đe dọa đến mức độ nào, như thành phố Mạc Tư Khoa là thành phố lớn là nơi đắc đỏ, người lừa gạt mình cũng nhiều, ,mafia cũng nhiều, du đãng cũng nhiều, đủ thứ chuyện hết, bây giờ một cô gái trẻ tuổi sinh đẹp không hiểu biết, không có tiền bạc, không người bảo vệ, tứ cố vô thân mà bị bỏ vào thành phố Mạc tư khoa để sống ở đó thì thật sự cái rủi thì nhiều mà may ít. Chuyện rủi nhiều may ít chúng ta thấy rất là rõ, chuyện đó có thể là thí dụ nhẹ hơn chuyện chúng ta luân hồi, người đam mê sự luân hồi là họ không hiểu được sự gì đang chờ đợi ở bên ngoài, do vậy Đức Phật nói ai hiểu được tư niệm thực thì người đó hiểu biết được ba ái, ba ái ở đây là dục ái, sắc ái và vô sắc ái. Nghiệp tạo ra luân hồi mà luân hồi là luân hồi trong ba cảnh, dục ái, sắc ái, vô sắc ái, dục giới, sắc giới và vô sắc giới, mà chúng ta đam mê trong ba cảnh đó là chúng ta không hiểu tánh chất của nghiệp không hiểu sự đưa đẩy của ba cảnh giới đó. Chúng ta nói như vầy, nghiệp tạo ra một cách không thiện xảo thì cái quả cũng không thiện xảo và sự chấp vào trong ba cảnh đó vì chưa hiểu sự nguy hiểm trong ba cảnh đó. Ở đây một điều thú vị Đức Phật dạy rằng ai hiểu được tư niệm thực thì người đó hiểu được ba ái.

Bây giờ chúng ta nói đến cái sau cùng đó là thức thực.

Thức thực ở đây chúng ta nên hiểu là tất cả tâm, tâm nuôi dưỡng sự sống, sự sống ở đây chúng ta nói danh và sắc, thế giới này. Tâm là sự cảm nhận, nói một cách nôm na là chúng ta sống là do biết cảnh, do sự cảm nhận cho chúng ta một ý thức toàn diện về cuộc sống này nhưng cũng chính ở sự hoạt dụng của tâm nó đã tạo ra không biết bao nhiêu cái bi kịch của đời sống của thế giới này. Ở đây Đức Phật có thí dụ; một người ăn trộm bị vua bắt và buổi sáng đánh 300 hèo không chết rồi trưa đánh tiếp tục, chiều đánh tiếp tục. Thí dụ này thật sự nặng lắm. Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ, cha của chúng tôi không bao giờ đánh con nhưng mẹ chúng tôi thì chuyện gì không được thì bắt leo lên giường nằm đánh, và một điều làm chúng tôi khổ sở nhất là bị đòn treo tức là không có đánh ngay mà để giam ở đó chiều đánh, thí dụ mình làm cái gì sai bắt leo lên giường nằm xuống đánh liền thì không sợ nhưng giam đến chiều thì thật sự sống không có vui gì chuyện đó hết. Thì ở đây khi nói đến thức thực chúng ta nói đến một đời sống mà chúng ta muốn biết nhiều về thế giới này ,chúng ta muốn cảm nhận nhiều về cuộc sống này, và có đi, có biết, có cảm nhận, thì chúng ta mới thấy rằng cuộc sống có chiều sâu và chiều rộng. Nhưng căn bản mà nói thì nội tâm có nhu cầu mà nhu cầu này làm cho đời sống chúng ta bị sai xử đủ điều hết.

Khi nào qúi Phật tử có thì giờ tham dự khóa thiền chừng 10 ngày ở các thiền đường, tại thiền đường các vị thiền sư dạy về tứ niệm xứ cho chúng ta một bài học rõ về danh về sắc là về thân về tâm của mình. Ban đầu thì chúng ta nghĩ rằng mình là một người khỏe mạnh là một người lành mạnh hoàn toàn về thân và tâm, ai hỏi mình thì nói không có vấn đề gì hết, thân mình cũng ok, tâm mình cũng ok. Nhưng khi mình vào hành thiền ngồi xuống khoảng 30 phút, 40 phút thì tê chân quá mà ráng thêm thì thấy khổ sở, và tâm của chúng ta thì có đủ trò đủ chuyện. Nếu giả xử như mình vào trường thiền 10 ngày mà tâm mình được an tịnh sống trong từ hơi thở từng bước chân, nếu thân tâm mình hoà quyện với không khí thanh tịnh của thiền viện thì thật tuyệt vời. Nhưng cái lý tưởng đó không có, đa số chúng ta đều muốn đời sống lý tưởng như vậy khi mà toạ thiền nhưng khi chúng ta vào trong đó rồi thì chúng ta hiểu rằng đó là một bãi chiến trường của chúng ta, bãi chiến trường đó mình phải phấn đấu nhiều về thân của mình với tâm của mình. Bận rộn quá thì than nhưng trống trải quá thì khó chịu, không có ti vi, không có internet, không có radio, không có báo chí, không có điện thoại, thì thật là khó chịu, ngồi đâu cũng khó chịu, thật là chán quá không có gì làm hết. Có người đã nói như vầy "không biết tại sao bình thường đôi tay rất là hữu ích mà khi ngồi thiền có nhiều lúc thấy nó dư thừa lạ lùng, cái chân cũng dư thừa." Tại vì sao vậy, tại vì những thứ đó cái nào nó cũng có chuyện hết. Thì khi chúng ta sống trong trường thiền 10 ngày chúng ta mới thấm thía tại sao Đức Phật Ngài dạy câu này: có một lần chư tăng ở rừng sừng bò có người hỏi một câu này chư hiền ai trong chúng ta sẽ làm cho khu vườn chói sáng, thì vị này trả lời thế này, vị kia trả lời thế kia v.v..mỗi người mỗi vị tôn giả tất cả là vị giải thoát, mỗi vị có ý kiến khác biệt nhau, đem đến Đức Phật thì Đức Phật Ngài cũng cho ý kiến và ý kiến của Ngài khác biệt. Ngài khen các vị trả lời đều đúng theo sở chứng của mình nhưng Ngài nói là "một vị tỳ kheo mà buổi sáng muốn an trú tâm nào thì an trú với tâm đó, buổi trưa muốn an trú tâm nào thì an trú tâm đó, buổi chiều muốn an trú tâm nào thì an trú với tâm đó, thì vị đó làm chói sáng khu rừng, vị đó gọi là vị tự tại giải thóat", khi chúng ta đọc kỹ câu đó thì thấy tâm của chúng ta không có tự tại, tâm của chúng ta rất là khó chìu chuộng, tâm của chúng ta rất khó chịu, qúi vị sống với một người khó chịu lúc nào cái gì cũng muốn thoả mãn hết thì qúi vị sẽ thấy nó phiền phức lắm, tâm của chúng ta thật sự khó chịu lắm, không ai khen mình thì mình cảm thấy buồn, người ta khen mình nhiều khi mình mắc cở mình phiền phức, nếu không ai để ý đến mình thì mình thấy người ta bỏ rơi mình, mà khen mình nhiều thì mình thấy làm phiền mình. Chúng ta phiền phức đủ chuyện hết nhưng chúng ta không thấy điều đó chúng ta chỉ muốn làm sao thoả mãn nội tâm của mình do vậy chỉ có những ai mà đã thực sự sống với thân với tâm thì hiểu rằng đằng sau đó thức thực là một ông bầu lộn xộn tạo ra không biết bao nhiêu thứ lộn xộn nhưng chúng ta không thấy được.

Chúng tôi lập lại đây là một đề tài lớn những đề tài này là những đề tài rất cơ bản của pháp học pháp hành trong Phật giáo và dĩ nhiên là trong một buổi học mà chúng ta có thể nói hết nhất là nếu chúng ta không nắm vững chi pháp thì chúng ta rất là khó để hiểu thấu đáo về điểm này nhưng chúng ta lấy một vài khái niệm rất căn bản ngắn Đức Phật dạy tại đây:

Ai hiểu về đoàn thực thì người đó hiểu được năm dục trưởng dưỡng.
Ai hiểu được xúc thực thì người đó hiểu được ba cảm thọ.
Ai hiểu được tư niệm thực thì người đó hiểu được ba ái.
Ai hiểu được thức thực thì người đó hiểu được danh sắc.

Chúng tôi không có kỳ vọng là trong một pháp thoại ngắn như vầy mà chúng ta có thể nói hết những điều đó nhưng chúng tôi rất mong mỏi qúi Phật tử có thì giờ đọc kỹ bài này và những bài học này không phải là những bài học về luân lý mà Đức Phật kết án điều này hay kết án điều kia lên án điều nọ, không phải, mà những bài học này là những gì mà Đức Phật Ngài nói về cái thực chất, và Ngài cho những thí dụ để cho chúng ta hiểu được là nếu chúng ta muốn nhìn một cách khách quan nhìn một cách không dính mắc thì chúng ta phải hiểu vấn đề nó đến mức độ như vậy./.

-ooOoo-

Với phước báu mà con tạo nên hôm nay xin hồi hướng đến hương linh của mẹ là Thái Huê, cầu mong bà được thượng hưởng phước lành và chóng viên thành đạo quả.

Phật tử Thiện Pháp Nguyễn Văn Ḥa và Minh Hạnh